Những tìm tòi tượng trưng từ Bích Khê đến Đinh Hùng

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 33 - 41)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.2.Những tìm tòi tượng trưng từ Bích Khê đến Đinh Hùng

1.2.2.1. Bích Khê (1916-1946) là một trong những nhà thơ tượng trưng điển hình của văn học Việt Nam. Ông làm nhiều thơ, nhưng tác phẩm để đời thực sự của ông chính là tập Tinh huyết, tập thơ được sáng tác trong thời kỳ tuổi trẻ còn chứa chan bầu nhiệt huyết: tình yêu, khát vọng, niềm đam mê... Nhưng gặp phải bệnh nan y, ông sớm qua đời ở tuổi 30, những dòng “tinh huyết” ông để lại cho đời đã tạo ra một bước dài dẫn dắt các thế hệ nhà thơ sau đến với chủ nghĩa tượng trưng, thậm chí là tới miền siêu thực. Hàn Mặc Tử và Bích Khê là những tác giả đã có những sáng tác chệch hướng chủ nghĩa lãng mạn nhưng Bích Khê có ý thức cách tân nghệ thuật rất rõ, sáng tác của ông rất có chủ ý (Tên các tập, các bài thơ: 2 tập Tinh huyết; Tinh hoa, bài Sọ người;

Tranh loã thể; Xuân tượng trưng; Duy tân... đã hàm chứa yếu tố tượng trưng). Hàn Mặc Tử là một nhà thơ mà xuyên suốt hành trình thơ lãng mạn (1932 - 1945) không theo một trường phái nào. Bắt đầu từ thơ cổ điển đến với lãng mạn, bước sang tượng trưng rồi siêu thực, và cuối chặng đường thơ ông đã gửi trọn đức tin thơ vào Thiên Chúa. Trong lời giới thiệu tập Tinh huyết

của Bích Khê năm 1939, Hàn Mặc Tử đã thốt lên: “ta có thể sánh văn thơ của Bích Khê như một đoá hoa thần dị. Lối tượng trưng và huyền diệu, ngời ánh như màu sắc Paul Valéry, cho ta nhận thấy thi sĩ đã chịu ảnh hưởng nhiều của tác giả tập thơ Charmes” [dẫn theo: 1; 5].

Trong phong trào Thơ mới Chế Lan Viên, Bích Khê và Hàn Mặc Tử, chịu nhiều ảnh hưởng Baudelaire. Trong thế giới Điêu tàn của Chế Lan Viên, ta bắt gặp toàn những sọ người, hồn ma... đầy ghê rợn. Thơ Hàn Mạc Tử lại là một thế giới đầy máu, rồi những thây người, cái chết, não cân... Đó là thế giới chòng chành giữa hai bờ tượng trưng và siêu thực. Ngược lại Bích Khê lại thi vị hoá cái xấu, cái ghê rợn, nhuốc nhơ... Không ai có thể tưởng tượng ra cái sọ người trong thơ Bích Khê lại là một "khối mộng'', một "buồng xuân hơ hớ", "chén ngọc đầy hương", hình ảnh sọ người với "miệng yêu kiều"... thì quả thật lạ lùng. Nó như có hồn mà không gây cảm giác rùng rợn:

Ôi khối mộng của hồn thơ chếnh choáng Ôi buồng xuân hơ hớ cánh đào sương Ôi bình vàng! Ôi chén ngọc đầy hương Ôi hồ nguyệt dọng nhiều trăng lấp loáng (Sọ người - Bích Khê)

Sọ người, vật vô tri, gắn với thế giới tâm linh, vốn khủng khiếp trong những câu chuyện ma quái lại có thể "hoà âm nhạc thơm tho" với chiếc

"miệng yêu kiều'', là bầu "sữa" làm ngọt ngào và xua tan cả "vạn sầu lo". Nếu không phải là cách thi vị hoá của chủ nghĩa tượng trưng làm sao Bích Khê viết được cái “sọ người” như thế. Trong lời tựa tập Tinh huyết Hàn Mạc Tử viết: ''Thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế thì sự thực sẽ biến thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu" [107; 12].

Trong Hiện hình, sự tương giao mầu nhiệm được diễn đạt bằng những sự kết hợp ngôn từ thú vị: “Gió đi chới với”, “mặt hoa thơm tho mùi thịt”, “người thiếu nữ hiện trong trăng”,“mát như xuân”, “người lộ mỏng như sương”... Hiện hình có sự tương ứng giữa các giác quan hay sự tương giao giữa những miền cảm xúc: “thơm tho mùi thịt”, “da thịt phô bày”, “ngọt tợ hương”, “rào rạt nỗi cảm thương”. Đến sự tương ứng về màu sắc: “khung trắng”, “khăn hồng”, “màu trăng”, “mây trắng”... Đầu tiên là sự tương giao trong cảm giác để rồi đi đến một sự tương giao tổng hoà: tương giao giữa con người - thiên nhiên, tương giao giữa thơ - nhạc - hoạ, tương giao giữa hữu thực - vô thực, nhận thức - vô thức... sự tương giao đan cài này khó mà tách biệt, ta chỉ có thể nhận ra sự “Hiện hình” này bằng trực giác [dẫn ý: 1; 7]:

Nàng hé môi ra. Bay điệu nhạc Mát như xuân mà ngọt tợ hương Rào rạt như nỗi cảm thương

Khá nhiều hình ảnh thơ Bích Khê cho thấy sự ảnh hưởng của nguyên tắc mỹ học và đặc điểm thơ tượng trưng. Chủ nghĩa tượng trưng đề cao nhạc tính trong thơ, họ quan niệm âm nhạc là nghệ thuật cao siêu nhất.Về nhạc tính Xuân Diệu có Nhị hồ, Nguyễn Xuân Sanh có Tiếng địch... Bích Khê đã thể nghiệm sự cách tân qua hàng hàng loạt bài chỉ toàn vần bằng.

Trong Hoàng hoa, những âm tố mang thanh bằng, đã tạo nên tính nhạc cho toàn bài thơ, một âm hưởng du dương dìu dặt, âm thanh, màu sắc tương giao. Thi nhân đã tạo nên những sắc màu của cảm giác, màu của tưởng tượng: "màu lưng chừng", "màu phơi phới", "màu ôm vai gầy"... những sắc màu không thể pha chế, lại càng không thể tìm thấy trong đời thực. Nhạc tính của thơ có được còn bởi sự vận dụng thủ pháp lặp: lặp từ, lặp ngữ, lặp cú pháp. Sự trở lại của các đơn vị ngữ âm tạo nên âm hưởng du dương, cảm giác êm tai. Câu thơ Bích Khê có thể hát lên được, hoặc chí ít cũng có thể đọc như hát. Có những câu thơ đầy ngân vang: Đây mùa hoàng hoa, mùa hoàng hoa. Có khi cấu trúc đồng đẳng cũng tạo nên hiệu quả thẩm mĩ:

- Ai xây bờ xanh trên xương người - Ai xây mồ hoa chôn đời tươi

Thơ Bích Khê có sự tương giao giữa thơ và hoạ: "Khó phân biệt được lúc nào ông dùng bút để viết, lúc nào ông vung cọ để vẽ, lúc nào ông vung đũa để đánh nhạc. Và cũng cần phân biệt nhạc trong thơ Bích Khê khác với nhạc trong thơ Hàn Mặc Tử: nhạc trong thơ Hàn là nhạc thầm trong mỗi chữ, nhạc trong thơ Bích Khê là nhạc nổi trong thanh âm lạ, âm bằng. Ở những bài thật hay, thơ Bích Khê là sự hoà âm giữa các điệu nhạc cổ, như điệu hoàng hoa, điệu mộng cầm, bằng những màu sắc tân kỳ của hội hoạ hiện đại" [35; 1].

Thiên nhiên trong Hoàng hoa phần nhiều là ấn tượng, bằng vài đường nét, như nét vẽ cây cọ, thi nhân cho ra đời những "bức tranh thơ'' với nghĩa mơ hồ:

Vàng phai nằm im ôm non gầy ; Chim yên eo mình nương xương cây

Màu sắc tượng trưng trong Hoàng hoa còn thể hiện ở cách gợi những ý niệm từ những liên hệ xa xôi. Theo Thụy Kuê: ''Hoàng hoa'' nghĩa là hoa cúc vàng, cũng có thể hiểu là "hoàng hoa thú", người lính thú nơi chiến trường, hay "Hoàng hoa" là một điển cố, chỉ một miền đất Trung Hoa thời chiến quốc, nơi có giặc Hồ thường xuyên quấy phá, vì vậy ''hoàng hoa'' là biểu tượng của chiến trường, mùa cúc nở cũng là mùa trai tráng tòng quân, theo nghĩa này "hoàng hoa", lại có thể hiểu, là ra trận, đi lính... [dẫn ý: 35; 2- 3]. Đọc Hoàng hoa, người đọc phải phục hồi những nét nghĩa, lớp nghĩa đứt đoạn. Có những hình ảnh, những câu thơ tưởng như không thể hiểu nổi nhưng thơ tượng trưng Bích Khê lại có thể nói được nhiều điều, ngôn từ Bích Khê là ngôn từ mở, vừa rõ ràng lại vừa bí ẩn... Thụy Khuê trong bài viết Nhạc và hoạ trong thơ Bích Khê đã có những khám phá, đại ý: Có thể phục hồi sự gián đoạn trong

Hoàng hoa bằng cách đối sánh với Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm:

Chinh phụ ngâm viết:

Thủa lâm hành oanh chưa bén liễu Hỏi ngày về ước nẻo oanh ca

Còn thơ Bích Khê:

Oanh già theo quyên quên tin chàng !

Lại nữa, Chinh phụ ngâm có câu:

Hỏi ngày về chỉ độ đào bông Nay đào đã quyến gió đông Phù dung lại đã bên sông bơ xờ

Bích Khê chỉ buông một câu mà đã gợi rất nhiều, gợi cả chuyện xưa và chuyện nay:

Có thể nói Bích Khê là thi sĩ chịu ảnh hưởng một cách sâu sắc nhất, có ý thức nhất, chủ nghĩa tượng trưng trong số các nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới 1932 - 1945.

1.2.2.2. Thời tuổi trẻ, Đinh Hùng (1920-1967) phải chịu nhiều chấn thương tâm lý do cái chết của nhiều người thân: chị gái Tuyết Hồng, một thiếu nữ tài sắc, cái chết làm chấn động cả Hà thành, rồi chị gái Loan, ông bà Hàn, song thân của Thạch Lam, người bạn thân thiết nhất của Đinh Hùng, cũng lần lượt ra đi. Và đặc biệt là cái chết của Liên, cô em họ xa mà Đinh Hùng yêu tha thiết. Thi nhân đã diễn tả nỗi đau lòng mình bằng một sức mạnh đặc biệt và kì dị. Để tránh xa hiện thực phũ phàng Đinh Hùng đã đi tìm một thế giới tượng trưng và vĩnh cửu:

Khi miếu đường kia phá bỏ rồi Ta đi về phía những ánh sao rơi Lạc loài theo dấu chân cầm thú Từng vệt dương sa mọc khắp người (Những hướng sao rơi)

Nói đến Đinh Hùng và quá trình đổi mới thơ ca không thể không nói đến Dạ đài, nhóm sáng tác mà Đinh Hùng là một thành viên. Dạ đài quy tụ những cây bút tâm huyết và giàu khát vọng như Trần Dần, Vũ Hoàng Chương, Vũ Hoàng Địch, Trần Mai Châu, những người luôn ấp ủ hoài bão làm mới thơ Việt. Họ đã có ý thức vượt lên trên quan niệm sẵn có để làm một cuộc tiếp biến, trước hết, là cấp độ lý thuyết còn thực tiễn sáng tác thì chưa có điều kiện để thể nghiệm.

Quan niệm về thơ của Dạ đài đậm chất tượng trưng. Họ muốn dứt bỏ những ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn. Dạ đài muốn thi ca phải “trở về cái bản năng mà thế tình che đậy. Hãy mơ những giấc mơ cầm thú. Hãy gợi lên những cõi sống âm thầm. Hãy đánh thức hư không, nghĩa là cả tấm lòng xưa man rợ” [8; 1 - 2]. Dạ đài vốn tâm huyết và xuất phát từ thuyết “tương

ứng giữa các giác quan” nên rất đề cao tính nhạc trong thơ nhờ các hình tượng. Âm nhạc của họ cũng được quan niệm rất lạ và có tính phát hiện mới, hình tượng có thể làm nên những điều tuyệt vời nhất, có quyền năng vô biên...

Thơ Đinh Hùng, cũng như các tác giả trong nhóm, để hiểu được phải cảm bằng trực giác, kinh nghiệm, tiềm thức... Mỗi câu thơ, từ ngữ trong thơ Đinh Hùng vốn là những từ rất bình thường quen thuộc, người đọc tưởng như đã hiểu mà thực ra chưa hiểu, có cảm giác vừa quen vừa lạ, mỗi ngôn từ mang một sắc điệu lung linh vừa ở gần lại vừa rất xa xôi. Trong Những hướng sao rơi, bài thơ đưa độc giả vào một thế giới cổ xưa qua câu chuyện Hồ Nguyệt Cô hoá cáo: Hồ Nguyệt Cô bị lừa mất viên ngọc là biểu tượng của nhân tính, do khổ công tu luyện ngàn năm mới có nên bị hoàn kiếp thành cáo. Trong quá trình hoàn kiếp đó lông mọc dần lên khắp người. Những yếu tố gợi chuyện xưa: "dấu chân cầm thú","vệt"," mọc khắp người". Nhưng ở đây, trong thơ Đinh Hùng, là "vệt dương sa’’, vệt nắng, nghĩa là con người được thiên nhiên hoá chứ không phải bị vật hoá [dẫn ý: 87; 157].

Ngôn từ trong thơ Đinh Hùng thường rất sáng tạo. Trong Người gái thiên nhiên, chữ "thiên nhiên’’ vốn được dùng chỉ môi trường tự nhiên, nhưng khi tác giả kết hợp với ''người gái'' thì cụm từ đã được tạo sinh, được hoá kiếp mới. Thiên nhiên giờ đây không chỉ là cỏ cây, muông thú... mà còn là con người:

Từng buổi hoàng hôn xuống lạ kì Ta nằm trên cỏ lắng tai nghe Thèm ăn một chút hoa man dại, Rồi ngủ như loài muông thú kia

(Người gái thiên nhiên)

''Hoa man dại'' không chỉ là hoa dại mà là hoa từ buổi hồng hoang, hoa chứa đựng sức mạnh gì thần bí, phép màu hay ma thuật để rồi ăn xong làm

cho con người trở về thời cổ sơ - "Rồi ngủ như loài muông thú kia'', trong thế giới hồng hoang ấy, con người như loài muông thú, mới trở lại cái bản ngã của chính mình, mới được sống chính kiếp sống của mình: không giả dối, không lo âu, mộng mị...

Và Đinh Hùng đã lạc vào thế giới tượng trưng, tựa như Lưu - Nguyễn vào chốn Thiên Thai. Nhưng tiên cảnh không níu được chân người, thi nhân quyết định“bỏ thiên nhiên huyền bí” để trở về với chốn đô thị tục tĩu của loài người. Dù có được lên tiên sống sung sướng đủ đầy, "một ngày trên trời bằng mười năm hạ giới'' thì vẫn bất hạnh khi trở về, ông trở về trong thân phận cô đơn lạc loài của kẻ bị bỏ rơi, khác Từ Thức xưa chỉ là kẻ xa lạ trên quê hương, bi kịch của ông, và cũng là của một thế hệ, lớn hơn Từ Thức: "người vong bản'',"mất tinh thần".

Miệng quát hỏi: Có phải ngươi là bạn? Ôi ngơ ngác một lũ người vong bản Mất tinh thần từ những thuở xa xôi (Bài ca man rợ)

Đinh Hùng, Người kiến trúc chiêm bao, (chữ dùng của Đỗ Lai Thúy),

đã kiến trúc một thiên nhiên ảo diệu, thần bí. Thiên nhiên tự buổi hồng hoang, còn tinh khôi, nguyên thuỷ. Trong chốn hồng hoang tiên cảnh ấy, người thơ cùng Người gái thiên nhiên kết tình ân ái "làm đôi người cô độc thủa sơ khai"

(Người gái thiên nhiên).

Với Đinh Hùng, những sáng tác đầu tay của ông, Mê hồn ca, đã nghiêng sang trường siêu thực, ngôn ngữ thơ được trau chuốt, lời thơ trở nên trang trọng, ý tưởng thơ kỳ lạ, bí hiểm, những kết hợp ngôn từ mang chút gì đó ngẫu nhiên:

... Nhỡn tiền chợt sáng thiên cơ, Biết chăng ảo phố mê đồ là đâu?

Dựng lên địa chấn, loạn màu huyền không. (Sông Núi giao thần)

Trong Mê hồn ca, thi nhân đưa ta vào một thế giới chiêm bao, thế giới của những giấc mơ kì lạ, thế giới con người từ buổi hồng hoang. Đó là một thế giới của cõi vô thức, nơi thi nhân đã đến tự kiếp nào. Không gian trong Mê hồn ca là một không gian siêu thực, mộng mị, lẫn lộn giữa cõi dương và cõi âm: ... Rồi những đêm sâu bỗng hiện về,

Vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya. Đâu đây u uất hồn sơ cổ,

Từng bóng ma rừng theo bước đi.

(Những hướng sao rơi).

Thơ Đinh Hùng đã vượt qua giới hạn của thơ ca lãng mạn và tiếp cận bến bờ siêu thực: "Mê hồn ca được kiến tạo không phải để phản ánh hoặc tô điểm cho thế giới thực tại, mà độc lập với thế giới thực tại. Đây là điều hầu như không có ở các nhà thơ lãng mạn" [87; 178].

Trong một giai đoạn không dài của lịch sử (1930 - 1945), văn học Việt Nam đã trải qua nhiều trào lưu sáng tác. Từ lãng mạn, đến tượng trưng rồi siêu thực. Ba trào lưu thơ đã tích hợp qua khá nhiều tác giả, tác phẩm, làm cho Thơ mới trở nên giàu có, đa sắc, đa thanh... Nhiều thập kỷ trôi qua, ít ai chú ý đến Đinh Hùng chỉ vì ông không được Hoài Thanh - Hoài Chân đưa vào Thi nhân Việt Nam. Nhưng tài thơ của ông thì không thể nào phủ nhận. Tên tuổi của ông dần được hồi sinh khi những nhà thơ thế hệ sau chịu ảnh hưởng phong cách Đinh Hùng.

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 33 - 41)