Tính liên văn bản

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 109 - 117)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.3. Tính liên văn bản

3.1.3.1. Về thuật ngữ liên văn bản

Liên văn bản là một thuật ngữ có ảnh hưởng lớn tới công việc nghiên cứu, phê bình văn học từ giữa thế kỉ XX đến nay. Thuật ngữ này được nhà nghiên cứu J. Kristeva phát triển thành hệ thống lí luận vững chắc, được giới nghiên cứu văn học những năm 60 của thế kỉ XX đánh giá cao. Bản chất của tính liên văn bản theo Kristeva là: "văn bản không được hình thành từ những ý đồ sáng tác riêng tây của người cầm bút mà chủ yếu là từ những văn bản khác đã hiện hữu trước đó: mỗi văn bản là một sự hoán vị của các văn bản, nơi lời nói từ các văn bản khác gặp gỡ nhau, tan loãng vào nhau và trung hoà sắc độ của nhau'' [dẫn theo: 65; 3].

Tính liên văn bản còn được xem xét ở góc độ quan hệ giữa tác giả và độc giả, giữa văn bản ấy và những văn bản khác, giữa văn bản với các địa tầng văn hoá truyền thống và hiện tại chi phối nó, "mỗi văn bản là một sự hấp

thụ và chuyển thể của văn bản khác, là một tấm vải mới dệt từ những trích dẫn cũ, ở đó, có vô số những mảnh vụn của các mã ngôn ngữ, các quy ước văn học, các khuôn mẫu nhịp điệu, các hình thức diễn ngôn vốn từng phổ biến trong xã hội" [dẫn theo: 65; 3]. Nhưng nói vậy không có nghĩa là lúc nào chúng ta cũng phải tìm ra và có thể tìm ra những "văn bản gốc. Tuyệt đại đa số những văn bản ấy tồn tại trong tiềm thức, vô thức khi tác giả sáng tác. Nó tồn tại trong sinh quyển văn hoá - chính trị - xã hội mà tác phẩm ra đời. Tất cả chỉ còn lại như những chất liệu trong sáng tác của nhà văn.

Sợi dây liên hệ giữa tác phẩm và những văn bản chi phối, càng ngày càng xa cách, "theo Kristeva, phần lớn những mảnh vụn này đều vô danh và có khi vĩnh viễn vô danh, không ai có thể truy nguyên được xuất xứ của chúng: đó chỉ là những trích dẫn tự động, từ vô thức, và không mang bất cứ một dấu hiệu đặc biệt nào để nhận diện sự trích dẫn ấy cả" [dẫn theo: 65; 3].

Ở một góc độ khác, người đọc đọc văn bản bằng sự hấp thụ vô vàn những văn bản người ta đã được đọc, đọc theo cách mà người ta từng đọc về chính tác giả đó và cách đọc những văn bản khác của các tác giả khác. Chính những "văn bản xa xôi" ấy, chính cách đọc của họ chi phối sự hiểu tác phẩm cho nên người đọc cũng là người sáng tạo trong quá trình đọc tác phẩm. Kristeva cho rằng: người đọc "bao giờ cũng đọc và cảm nhận bài thơ với tất cả những kiến thức về thơ có sẵn, với những mạng liên văn bản được hình thành trong quá trình giáo dục cũng như quá trình đọc với tư cách một độc giả [65; 3].

Theo lí thuyết liên văn bản, tác giả "đã chết", nghĩa là tác giả không có vai trò quyết định nên tác phẩm như chúng ta thường nghĩ mà văn bản mới là yếu tố quyết định: "qua tác phẩm Cái chết của tác giả (The Death of the Author, 1968), R. Barthes tuyên xưng sự giải phóng của văn bản ra khỏi mọi

ràng buộc của tác giả - văn bản tồn tại độc lập và hoàn toàn miễn nhiễm, đối với bất cứ động hướng chủ ý nào của người sáng tạo ra nó" [dẫn theo: 63; 2].

3.1.3.2. Những địa tầng văn hoá

Thanh Tâm Tuyền là người tiếp xúc với nhiều nền văn hoá khác nhau, chịu tác động của nhiều ý thức hệ tư tưởng. Sinh ra tại miền Trung, lớn lên và học tập tại Hà Nội, văn hoá Nho giáo, Phật giáo đã ảnh hưởng đến mọi người Việt Nam suốt hàng chục thế kỉ, dù muốn hay không muốn, dù họ cố tình tiếp nhận hay không, đây cũng là những yếu tố không thể nói là không ảnh hưởng đến thế giới quan Thanh Tâm Tuyền nên trong thơ ông vẫn phảng phất văn hoá truyền thống:

(nếu đời người không có những sớm mai) Anh trở dậy

đọc thơ Nguyễn Du

những câu hát buồn rưng rưng cuối đường của một ngày

(Liên những bài thơ tình thời chia cách)

Nhưng xét cho cùng, là một tín đồ theo đạo Thiên chúa, lại được tiếp thu khá đầy đủ và có hệ thống nền học vấn theo kiểu Tây Phương, đã tìm đọc và tích luỹ tri thức từ các công trình triết học, văn học nổi tiếng Âu châu (cả Đông và Tây Âu), vì vậy ý thức hệ cơ bản chi phối Thanh Tâm Tuyền vẫn là tín ngưỡng Thiên chúa giáo và triết học phương Tây:

buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường tôi xin một chỗ thầm kín

cho đứa nhỏ linh hồn sợ chó dữ

(Phục sinh)

Trong thơ Thanh Tâm Tuyền ta vẫn thấy có sự giao thoa của văn hoá thế giới với những nét văn hoá truyền thống người Việt. Sự giao thoa này

không loại trừ hay ảnh hưởng đến nhau mà thể hiện chất truyền thống - hiện đại trong sáng tác của Thanh Tâm Tuyền. Trong một bài thơ mang phong cách rất hiện đại vẫn còn đó những hình ảnh, không rõ lắm, nhưng có cảm giác thân quen, Thanh Tâm Tuyền đột nhiên khởi chuyển, thật bất ngờ, từ những dòng thơ văn xuôi rất tự do ngẫu hứng người trở về với phong vị ca dao cũng hết sức tự do:

Em đi thăm vườn trái cây và em có thể bắt đầu làm việc. Ngực trần không vướng víu anh thấy anh với hơi thở với bầu trời với cây màu đất là một.

Mưa bên kia sông mưa nửa dòng nước Ta thương cô mình như bước nhớ chân Hoa dù tàn muôn vạn nghìn lần

Lòng ta vẫn chỉ một lần yêu thương

Hồn nhiên tôi trở thành thi sĩ ca dao nhẹ những nhát cuốc đầu xới lần áo mỏng ruộng đồng

(Mưa ngủ)

Đặc biệt, lần đầu tiên trong thơ ca Việt Nam xuất hiện một bài thơ mang đậm chất jazz về thân phận một người da đen, bài thơ Đen. Không chỉ nổi lên hình tượng một người da đen khốn khổ mang thân phận nhỏ bé của kẻ nhược tiểu mà những nét văn hoá của người da đen cũng bộc lộ khá đặc sắc. Đó là tiết tấu nhạc jazz sôi động, một nét văn hoá tiêu biểu của người Phi châu nói chung, âm thanh tiếng kèn đồng réo rắt, nhạc cụ của người da đen. Không gian bầu trời đen bao phủ cả núi rừng... gợi lên những gì thảm thương của những số kiếp, gợi lên bản sắc, bản sắc Phi châu hay văn hoá da đen.

Không gian văn hoá đô thị miền Nam Việt Nam những năm 1950 - 1965 cũng là một điểm nhấn trong sáng tác Thanh Tâm Tuyền. Đó là không gian những nhà, những phố, quán bar, chuyến ôtô buýt, một chuyến tàu, xi măng, gạch ngói, hình ảnh những cô gái vừa gần vừa xa... Có thế nói, Thanh

Tâm Tuyền là nhà thơ đô thị, nhà thơ của đô thị. Thơ ông, gần như khác bịêt hoàn toàn với Nguyễn Bính, rất ít hình ảnh nông thôn, của đồng quê làng cảnh. Thơ Thanh Tâm Tuyền phản ánh tâm thức con người đô thị, nhịp sống đô thị... Thanh Tâm Tuyền nhiều lần nhắc đến ''phố'', ''thành phố'' (có 17 bài trong hai tập thơ, đây là một con số không nhỏ) có khả năng phán ánh sâu sắc cuộc sống môi trường đô thị miền Nam lúc bấy giờ.

Thành phố là một tín hiệu thẩm mĩ phản ánh tâm trạng nhà thơ, phán ánh sự biến động thời đại. Những hình ảnh về thành phố nhiều khi dày đặc, mỗi hình ảnh đều có một ý nghĩa và soi rọi vào chiều sâu tâm hồn người trí thức đô thị giữa thế kỉ XX. Vì vậy thành phố, hình ảnh đô thị trong thơ Thanh Tâm Tuyền không nhìn ở góc độ đẹp - xấu mà ở góc độ phản ánh thế giới quan, phản ánh tâm thức con người. Trong không gian thơ Thanh Tâm Tuyền, cái náo nhiệt ồn ào của đô thị xuất hiện không nhiều, nó không đem đến niềm vui hay sự phấn chấn, cũng không nhằm điểm tô, ca ngợi hay trang hoàng cho một đô thị hiện đại được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông, nó cho thấy một thế giới nhốn nháo, tất bật và không ít phần đơn điệu:

Rất nhiều khoảnh khắc, bỗng nhiên hè đường tách lìa khỏi linh hồn, rồi những mặt nhà những chòm cây xe cộ nghĩa là thành phố đáng ghét như thù nghịch

(Thành phố)

Thơ Thanh Tâm Tuyền chứa đựng nhiều địa tầng văn hoá bởi nó được cấu thành từ những địa tầng ấy, nó phản ánh sự tri nhận của tác giả về thời đại. Thanh Tâm Tuyền không khép mình trong những bức tường của chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà tiếp biến văn hoá nhân loại, điều đó vừa làm mới cho thơ ca ông, vừa phần nào làm mới cho thơ ca dân tộc.

Theo quan điểm của J. Kristeva, không thể truy nguyên nguồn gốc mọi văn bản mà tác phẩm chịu ảnh hưởng. Không ai có thể đặt tham vọng cho vấn đề không tưởng ấy thế nhưng chúng ta vẫn có thể xác định một số văn bản giao thoa trong sáng tác của Thanh Tâm Tuyền. Sự dần tìm dấu vết của một văn bản, chỉ nhằm thể hiện sự liên kết chằng chịt, chồng chất của văn bản này đến văn bản khác, vì “bất cứ văn bản nào cũng được tạo nên như một bức tranh khảm chứa đựng cả một thiên hà các trích dẫn, bất cứ văn bản nào cũng mang dấu vết của sự hấp thụ và chuyển thể từ các văn bản khác” [dẫn theo: 63; 3].

Trong bài Phục sinh, để thể hiện một khát vọng "hoá kiếp", nói theo quan niệm dân gian người Việt, nhằm đạt đến độ hoàn thiện của một NGƯỜI, con người phải đấu tranh vượt qua chính mình, đấu tranh để chiến thắng cái phần bản năng dã thú của mình, nhà thơ dùng hình ảnh con chó dữ (phần con, phần dã thú trong con người) và hình ảnh em bé quàng khăn đỏ (phần trong sáng thánh thiện trong tác giả và cũng là của chúng ta). Những hình ảnh này gợi tới một văn bản khác: Em bé quàng khăn đỏ - một câu chuyện cổ tích có nguồn gốc từ Ý được kể bởi anh em nhà Grim. Em bé và Sói là hai hình tượng đại diện cho hai thế lực ở hai tuyến trong cổ tích: cái thiện - thơ ngây - trong sáng (em bé) và sự độc ác - gian xảo - xấu xa (Sói). Văn bản chìm ấy gợi nhiều hơn là diễn đạt một nội dung cụ thể bởi nó không có chức năng kể lại, thuật lại câu chuyện.

Ở một tác phẩm khác, Lệ đá xanh để nói về những thân phận cô đơn lẻ loi, nhà thơ dùng hình ảnh:

những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình em biết không

lệ là những viên đá xanh tim rũ rượi

Trong một văn bản thơ hiện đại, nhà thơ muốn thoát thai khỏi những tàn dư của thơ cũ, thế nhưng không biết vô tình hay hữu ý, một văn bản truyện cổ dân gian đã chi phối. Ta thấy phảng phất hình ảnh người thiếu phụ chờ chồng mà hoá đá trong truyện cổ tích Núi vọng phu, có điều trong thơ Thanh Tâm Tuyền con người không hoá đá mà nước mắt người hoá đá.

Có thể nói, những dư âm của các văn bản chi phối thơ Thanh Tâm Tuyền thường rất xa xôi, chúng là sản phẩm của những nền văn hoá rất cách xa nhau cả về địa lí lẫn mối quan hệ. Ngân vang trong Đen là âm điệu những bản nhạc jazz của người gốc Phi, những bài thơ ngắn trong Đoản khúc là tiết tấu của thơ haikư Nhật Bản, rồi Mưa ngủ lại du dương những giai điệu nhẹ nhàng da diết như lời ru của người mẹ Việt Nam... Nhưng không có, không thể tìm ra văn bản nào là nguyên thuỷ theo R. Barthes: “văn bản là một thế giới đa phương, trong đó, nhiều loại văn bản, không có văn bản nào là nguyên thuỷ, hoà trộn lẫn đối kháng với nhau" [dẫn theo: 63; 5]. Tác giả chỉ đóng vai trò sắp xếp trộn lẫn các văn bản đó theo bản năng của mình.

Ở một góc độ khác trong thơ Thanh Tâm Tuyền các văn bản chi phối lẫn nhau rất rõ. Sự trộn lẫn của các văn bản thể hiện ở sự lặp lại các từ, các hình ảnh thơ dày đặc. Sự lặp lại này cho thấy tính chất liên văn bản và cũng là những ảm ảnh nghệ thụât sâu sắc trong tiềm thức nhà thơ. Có thể sơ lược kể ra các hình ảnh và từ ngữ lặp lại: ''nghĩa địa'', ''chết'', ''khóc'', ''phố'', ''tim'', ''mắt'', ''tay'', ''tóc'', ''chân''...

- tôi buồn chết như buồn nộn

- những con người đã chết hiện thành - tôi chết và em khóc giọt lệ pha lê

- điếu thuốc cháy trên môi như người bạn chết - anh còn đâu ngoài nỗi chết ôm ghì

- người đàn ông khóc

-tôi khóc mặt tôi khóc/ Tôi khóc hoài tôi khóc/ Tôi khóc không ra lời - ngôi sao lạnh lẽo một giọt lệ cô đơn

- tôi buồn khóc như buồn nôn - tôi bưng mặt khóc bên thềm cửa - tôi biết những người khóc lẻ loi

(...)

- đi qua những thành phố đầy tim - đi qua những thành phố đầy tim - tim kinh ngạc

- ngững người khóc lệ không rơi ngoài tim mình/ tim rũ rượi - tất cả tim hát người có thể đặt trái tim mình ra ngoài

- người đến chia trái tim ngửa bàn tay

- hoàng tử ôm một trái tim trắng tìm tình nhân

(...)

Không chỉ nhà văn bị chi phối bởi những văn bản có trước, người đọc cũng vậy. Những gì mà chúng ta đã được học, được đọc, được tiếp thu đâu đó luôn theo đuổi chúng ta. Khi đọc một văn bản bất kì những gì chúng ta đọc được sẽ xen vào dòng đọc, chúng ta phải sử dụng thói quen, phương pháp đọc có sẵn: như Frederic Jameson, nhà lý thuyết tân Marxist hậu hiện đại đã biện luận: "Văn bản đến với chúng ta như những dòng văn đã được đọc bởi người khác; chúng ta tiếp nhận chúng thông qua những lớp trầm tích của những sự diễn dịch trước đây; hay cứ cho là chúng ta có cơ may tiếp xúc với một văn bản hoàn toàn mới đi chăng nữa, cách đọc của chúng ta vẫn mang tính chất liên văn bản, vì ngay khi chúng ta đọc chúng, chúng ta phải sử dụng những thói quen và những phương pháp đọc để lại từ di sản của những truyền thống diễn dịch thu nhận được qua kiến thức của chúng ta" [dẫn theo: 63; 8].

Như vậy không chỉ sáng tác của Thanh Tâm Tuyền mới có tính chất liên văn bản mà đây là tính chất chung của mọi văn bản nghệ thuật. Có điều tính chất liên văn bản trong hai tập Tôi không còn cô độcLiên, Đêm, Mặt trời tìm thấy là sản phẩm của một thời đại giao lưu văn hoá, tính chất này góp phần quy định lối viết và phong cách Thanh Tâm Tuyền. Thơ Thanh Tâm Tuyền mang đặc điểm thơ ca hậu hiện đại mà "chủ nghĩa hậu hiện đại có hai đặc trưng nổi bật nhất là tính phản tỉnh và tính liên văn bản. Tính chất phản tỉnh dẫn đến thủ pháp siêu hư cấu (metafiction) và tính chất liên văn bản dẫn đến thủ pháp cắt dán (collage) hay nhại (pastiche). Giễu nhại (parody) có thể được xem là hình thức tổng hợp của cả hai tính chất tự phản tỉnh và liên văn bản, biểu hiện của cái giới nghiên cứu thường gọi là “thi pháp của sự mâu thuẫn” (poetics of contradiction)'' [65; 7].

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 109 - 117)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(171 trang)
w