Cấu trúc tập thơ

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 101 - 104)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.1. Cấu trúc tập thơ

Trịnh Bá Đĩnh cho rằng: ''thuyết cấu trúc là một khoa học nhằm "khám phá ra các quy luật, các nguyên tắc, các hệ thống chi phối hoạt động xã hội và văn hoá con người'' [14; 7]. Làm thế nào để khám phá các "địa tầng" cấu trúc, "thuyết cấu trúc đòi hỏi phải phân tích đến các yếu tố cơ sở, đến "những hạt không phân chia được" [14; 7]. Chúng tôi không đi sâu vào thuyết cấu trúc như một khoa học chuyên biệt nhưng dựa vào cấu trúc và chỉ ra những nguyên tắc cơ bản của cấu trúc tác phẩm thơ Thanh Tâm Tuyền. Từ đó thấy được nét riêng biệt, độc đáo của tác giả trong phương pháp xây dựng tác phẩm.

Cấu trúc hai tập thơ Tôi không còn cô độcLiên, Đêm, Mặt trời tìm thấy của Thanh Tâm Tuyền được quy định bởi một chủ đề chung mà Đỗ Lai Thuý gọi là "lực hướng tâm". Ở Tôi không còn cô độc là lời tâm sự của một

cái tôi cô đơn, cô độc đang đi tìm tự do, chân lí và hạnh phúc trong cuộc đời đầy biến động. Bên cạnh những nét chung không thể không nhắc tới nét khu biệt của mỗi bài thơ để làm nên tính đa sắc cho toàn tập: ''Chính cấu trúc đã tạo ra một lực hướng tâm thu hút, sắp xếp những yếu tố tản mạn, đối nghịch nhau thành một chỉnh thể. Nhưng cấu trúc thơ Thanh Tâm Tuyền là một cấu trúc mở (Prigozhin), hay cấu trúc động. Nghĩa là, nó còn có một lực ly tâm, cũng mạnh mẽ không kém gì lực hướng tâm, khiến nhiều khi cấu trúc trở nên xộc xệch, để cho các từ vượt thoát khỏi hấp lực của trường ngữ nghĩa nguyên thủy đi lang thang ra ngoài tìm những trò chơi mới'' [91; 5].

Xét toàn bộ hai tập thơ, ta không khó nhận ra mối liên hệ, cái mạch chìm nối liền cảm xúc tác phẩm. Đầu tiên là Tôi không còn cô độc như một lời tâm tình thể hiện niềm vui tìm thấy lẽ sống, tìm thấy sự gắn kết với cuộc đời, với muôn người... Sau đó là một bước tiến mới, ở một mức cao hơn, Liên, Đêm, Mặt trời tìm thấy, là niềm vui lớn trong cuộc đời tác giả, có sự hoà hợp giữa tình cảm riêng và lẽ sống chung. ''Liên'' là niềm vui về tình yêu - hạnh phúc, hay chí ít cũng là ước ao về một tình yêu - hạnh phúc. Còn ''Đêm, Mặt trời tìm thấy'' là sự vận động tích cực từ những ngày u ám đến ánh sáng.

Xét trong nội bộ tập thơ, ở Tôi không còn cô độc tác giả có nhiều bài viết về đề tài chính trị hoặc có liện quan đến những sự kiện, nhân vật chính trị như: Ôi anh em cộng hoà; Trưởng thành; Phiên khúc 20; Tù binh; Bài thơ chữ số; Tự do. Những bài thơ này sử dụng trực tiếp những từ ngữ chính trị như "cộng sản", "cộng hoà", "phát xít", Phan Văn Hùm, Khái Hưng... những địa danh có ý nghĩa biểu tượng cho những chế độ chính trị như: Vác-xô-vi, Bá Linh, Bình Nhưỡng, Buy đa bét, Mốt cu, Pra gơ, Bắc kinh, Hà Nội - Huế - Sài Gòn... Trong Tôi không còn cô độc Thanh Tâm Tuyền nhiều lần trực tiếp bày tỏ quan điểm chính trị, ngôn ngữ rõ ràng đơn giản như chính suy nghĩ của nhà thơ, suy nghĩ đó, tình cảm đó cũng là lập trường chung kiểu thơ ca kháng

chiến, chỉ có điều Thanh Tâm Tuyền có cách nói riêng. Hơn nữa điểm chung của ngôn ngữ thơ chính trị Thanh Tâm Tuyền trong toàn bộ tập thơ là nhiều khi gay gắt (bài Tù binh). Bên cạnh đó một số bài cũng dính dáng đến chính trị nhưng chỉ để thể hiện một khát vọng tự do, khát vọng sống mà không chỉ thể hiện cái nhìn và tư duy chính trị đơn thuần.

Đến Liên, Đêm, Mặt trời tìm tìm thấy thì đề tài chính trị gần như không còn nữa, nếu có gì đó còn liên quan đến đề tài chính trị thì cũng chỉ là thứ yếu. Vẫn còn đó hình ảnh tổ quốc, khát vọng tự do, những cái tên như Napoleon, Hà Nội, Hải Phòng, Budapet, Đông Âu... Nhưng không còn những câu, những bài thơ chuyên về đề tài chính trị. Trong khi thổn thức về "em", về tình yêu Thanh Tâm Tuyền lại day dứt nỗi niềm tổ quốc, có khi ông thấy tổ quốc trong câu chuyện cùng em. Qua "em" Thanh Tâm Tuyền bày tỏ nỗi niềm tổ quốc. Hai hình tượng "em" và "tổ quốc" nhiều lúc đi đôi với nhau. Vấn đề tình yêu và tổ quốc được thể hiện không quá tách biệt như ở tập thơ Tôi không còn cô độc. Giọng thơ không còn cái gay gắt, bức xúc bề nổi như trước nữa ngay cả khi Thanh Tâm Tuyền xót xa nhất. Nổi bật nhất là bài Hãy cho anh khóc bằng mắt em Những cuộc tình duyên Budapet nhưng bài thơ này thể hiện kín đáo bằng hình thức nghệ thuật sâu sắc về một đề tài chính trị, cảm xúc nhà thơ được dồn nén đến mức tối đa qua cảm xúc về "em". Dù ta thấy Thanh Tâm Tuyền gồng mình giận dữ nhưng đã không còn nữa cái thô thiển của những tiếng nguyền rủa thuở nào: Hãy cho anh khóc bằng mắt em; Hãy cho anh la bằng cổ em; Hãy cho anh run bằng má em; Hãy cho anh ngủ bằng trán em; Hãy cho anh chết bằng da em... Đi với đề tài tình yêu ở Liên, Đêm, Mặt trời tìm thấy là hình tượng em (19 bài viết về tình yêu, 23 bài có hình tượng "em"), gần như xuyên suốt tập thơ.

Như vậy trong mỗi tập thơ tác giả đã tạo cho nó những "huyết mạch" chung, liện lạc với nhau để nuôi sống "cơ thể" tập thơ. Những huyết mạch ấy

níu kéo, liên kết những tế bào riêng lẻ làm nên tính chỉnh thể cho tập thơ, giúp tập thơ không bị phân tán, vỡ vụn. Tuy nhiên mỗi bài có một hình thức diễn đạt riêng, một quy luật riêng được đặt trong một giới hạn chung - giới hạn Thanh Tâm Tuyền.

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 101 - 104)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(171 trang)
w