Tính chủ thể

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 89 - 95)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.1. Tính chủ thể

Văn học phản ánh thế giới thực tại bao giờ cũng xuất phát từ điểm nhìn của chủ thể sáng tác. Nguyễn Quýnh (một tác gia của văn học trung đại Việt Nam) cho rằng: "Người làm thơ không thể không có hứng, cũng như tạo hoá không thể không có gió vậy... Tâm người ta như chuông như trống, hứng như

chày và dùi. Hai thứ đó gõ, đánh vào chuông trống khiến chúng phát ra tiếng; hứng đến khiến người ta bật ra thơ, cũng tương tự như vậy" [dẫn theo: 42; 210]. Vậy mỗi nhà văn có cảm hứng khác nhau, thể hiện thế giới quan của riêng mình, không giống ai, không lặp lại. Văn học truyền thống không phải không có tính chủ thể, nhưng chủ thể thường bị dấu kín, bị khuất lấp sau thế giới khách thể. Văn học truyền thống lấy khách thể làm trung tâm, thế giới khách thể đậm đặc chứa đựng quan điểm tư tưởng, tình cảm nhà văn. Chủ thể thường ẩn mình sau khách thể:

... Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo Nền cũ lâu đài bóng tịch dương Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt Nước còn cau mặt với tang thương

(Thăng Long thành hoài cổ - Bà Huyện Thanh Quan) Tuy nhiên trong Thơ mới các nhà thơ cũng đã mạnh dạn thể hiện cái tôi chủ thể của mình:

Hôm nay trời nhẹ lên cao

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn

(Chiều - Xuân Diệu)

Có thể nói thơ Thanh Tâm Tuyền lấy chủ thể làm trung tâm, khách thể chỉ là phương tiện truyền tải. Thơ Thanh Tâm Tuyền không đánh dấu bằng những mốc ngày tháng năm mang tính biên niên như các nhà thơ kháng chiến miền Bắc cùng thời mà Tố Hữu là một ví dụ tiêu biểu. Trong thơ Tố Hữu, khách thể giữ một vai trò tối quan trọng, nhà thơ lấy khách thể làm đề tài, cảm hứng. Chính vì vậy mỗi sự kiện chính trị - xã hội có một ý nghĩa rất quan trọng nó đánh dấu bằng một tập thơ của Tố Hữu: thời kì cách mạng hoạt động bí mật ở Việt Bắc nhà thơ có tập Việt Bắc (1945 - 1954), sau 1954, giai đoạn đầu hoà bình có tập Gió lộng (1955 - 1961), kháng chiến chống Mĩ Tố Hữu có

hai tập Ra trận (1962 - 1971) và Máu và hoa (1972 - 1977), hoà bình lập lại, trong niềm vui và hi vọng Tố Hữu có Một tiếng đờn (1992), nhận thức sự lạnh nhạt dửng dưng của cơ chế thị trường ông có Ta với ta (1999). Mỗi sự kiện chính trị Tố Hữu đều có thơ ghi nhận (chiến thắng Điện Biên Phủ, Mậu Thân 1968, ngày Bác mất, giải phóng miền Nam...). Trong thơ Tố Hữu, các chi tiết, sự kiện vô cùng phong phú và đó chính là dòng chảy khách quan lịch sử.

Tố Hữu chủ yếu đứng trên lập trường giai cấp, lập trường nhân dân để phản ánh. Tính chủ quan dĩ nhiên là có nhưng chủ thể tác giả phải giấu mình sau hằng hà những sự kiện. Tố Hữu là tác giả lớn trong dòng thơ trữ tình chính trị, những gì ông nói cũng phải xuất phát tự trái tim, tự tình cảm cảm xúc nhưng tình cảm cảm xúc ấy dễ hoà vào dòng chung của đoàn thể, quần chúng. Chính vì vậy niềm vui, nỗi buồn, lòng căm hận... là của chung hết thảy mọi người:

Ôi tổ quốc giang sơn hùng vĩ Đất anh hùng của thế kỉ XX

Tố Hữu thường sử dụng những đại từ "tôi"; "ta"; "chúng ta" nhưng "ta"

"chúng ta" chiếm số lượng lớn, mang ý nghĩa số đông: "Ta là ta ba chục triệu con người". Và nhân vật trong thơ Tố Hữu là những con người đoàn thể, những lớp người, kiếp người chứ ít con người cụ thể, còn con người cụ thể lại mang tính biểu tượng, lí tưởng như: Bác Hồ, chị Trần Thị Lý, mẹ Tơm, mẹ Suốt... Nhân vật trong thơ Tố Hữu là các anh, các chị các em, anh giải phóng quân, người chiến sĩ, người mẹ hậu phương... những con người tiêu biểu của thời đại.

Trong thơ Thanh Tâm Tuyền, tính chủ thể được thể hiện ở nhiều giác độ khác nhau. Nhưng phương thức dễ nhận biết nhất là bao giờ chủ thể tác giả cũng là trung tâm, chân dung tác giả được thể hiện rõ nét trong thơ. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các bài thơ trong hai tập thơ nhân vật trữ tình tự xưng bằng đại từ chỉ ngôi thứ nhất: "tôi", "anh" (ngôi thứ nhất trong quan hệ

đối thoại với "em")... Khảo sát tập Tôi không còn cô độc có 15/32 bài xuất hiện đại từ "tôi" (46.8%), 3 bài xuất hiện từ "chúng tôi", 4 bài xuất hiện từ "anh" (12.5%). Tổng cộng có 19 đại từ chỉ ngôi thứ nhất (63%). Trong tập

Liên, Đêm, Mặt trời tìm thấy có 10/26 bài tác giả xưng "tôi" (38.4%), 6 lần xưng "anh" (23%), tổng cộng có 16 đại từ chỉ ngôi thứ nhất (trên 61.4%). Cần phải nói thêm đại từ chỉ ngôi thứ nhất số nhiều "chúng tôi" cũng bao gồm cả "tôi", nghĩa là ở đó có sự tham gia trực tiếp của chủ thể - tác giả.

Qua đó ta thấy chân dung con người tác giả thường trực tiếp lộ diện trong sáng tác của mình. Không cần giấu mình qua những hình tượng khác, cũng không bị che khuất bởi thế giới khách thể, một Thanh Tâm Tuyền với cái tôi cô đơn, cô độc đối thoại với độc giả. Lời đối thoại có lúc ngạo mạn tự tin khi người đứng ở tư cách người thi sĩ. Thanh Tâm Tuyền tuyên bố thẳng thắn, không chút giấu giếm: "Ở đây tôi là vị hoàng đế đầy đủ uy quyền". Có khi ngậm ngùi cay đắng, thất vọng não nề, trong thế cuộc nhiều đau thương nhà thơ trực tiếp bộc lộ cảm xúc:

tôi buồn khóc như buồn nôn ngoài phố

nắng thuỷ tinh

Trong bài Tình cờ nhà thơ tự hỏi mình về những sự tình cờ, những cái tình cờ như hữu ý diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, bên cạnh chúng ta mà chúng ta chẳng mấy khi để ý. Tình cờ gặp, rồi tình cờ yêu nhau, tình cờ làm cho nhau đau khổ. Thanh Tâm Tuyền không triết lí xa xôi hay tìm kiếm đâu xa, người tự đặt câu hỏi để tự tìm câu trả lời:

tôi tự hỏi sự tình cờ nào đưa chúng ta gần nhau Khi chúng ta cùng nghẹn ngào

Quá khứ chết đi không một lời than tiếc Hôm nay thiếp dưới lần chăn gai

Tôi tự hỏi sự tình cờ nào dưa chúng ta gần nhau.

Tính chủ thể còn thể hiện ngay ở nội dung thơ Thanh Tâm Tuyền. Trong thơ, các nhân vật được nhắc đến là những người thân (bạn bè - đồng nghiệp, người yêu, những người hoàn toàn có thực trong dời sống...). Không hề hư cấu tưởng tượng cũng chẳng phải những nhân vật xa xôi trong quá khứ lịch sử, trong giai thoại, truyền thuyết, cổ tích... Họ là những con người bằng xương bằng thịt vẫn hằng ngày gặp mặt nhà thơ, những người mà ông gửi trọn tấm lòng, gửi trọn tình yêu như Liên. Nghĩa là những vấn đề mà nhà thơ đặt ra, những tình cảm cảm xúc mà Thanh Tâm Tuyền bộc lộ trước hết là chuyện của riêng ông, xuất phất từ trái tim khối óc của ông. Các nhà thơ trung đại thường đứng ở vị trí số đông để viết hoặc họ giấu mình bằng cách không dùng từ danh xưng, không dùng đại từ nhân xưng, cái mà họ viết ra có thể hoà vào tâm trạng và và hoàn cảnh của muôn vạn con người, rất ít tác giả tự xưng danh tính như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ (xưng ông Hi Văn), Nguyễn Du (xưng Tố Như)... Thanh Tâm Tuyền trái lại, người gọi tên mình, xưng danh tính, bộc lộ cái chủ quan suy nghĩ, chủ thể hành động trong thơ:

tôi hét tên tôi cho nguôi giận thanh tâm tuyền

đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi

(Phục sinh)

Thanh Tâm Tuyền cảm nhận thế giới bằng đôi mắt của chính mình và nó biểu hiện trực tiếp. Từ chủ thể hành động đến chủ thể trữ tình đều là Thanh Tâm Tuyền, người từng tuyên bố, có lẽ là với chính mình, như một thông điệp gửi tới mọi người:

Mỗi bài thơ khi tôi viết đều nghĩ đến một người có thể là Liên là Đĩnh

có thể là Hiệp là Đồng

(Hình ảnh)

Những bài thơ mà Thanh Tâm Tuyền sáng tác như những trang nhật kí, người viết về chính cuộc đời mình. Ông đối thoại trước hết là với bạn bè, người thân sau đó là độc giả. Nhiều bài thơ Thanh Tâm Tuyền dành riêng cho tri kỉ, nhan đề bài thơ gắn với tên một con người cụ thể: Gửi Quách Thoại; Của Duy Thanh; Liên những bài thơ tình thời chia cách; Về Quách Thoại.

Chưa kể, ở một hình thức khác, quen thuộc và phổ biến hơn trong sáng tác văn học, tác giả dùng những lời đề tặng cho người thân: ''Tặng Đỗ Mặc'' (Của em); ''Tặng Nguyễn Sĩ Tế'' (Chim); ''Tặng Trần Thanh Hiệp'' (Mưa ngủ); ''Tặng Doãn Quốc Sĩ'' (Nhịp ba; Bao giờ); ''Tặng Ngọc Dũng'' (Từ bao giờ; Bài hát buồn); ''Tặng Nguyễn'' (Một chỗ trên ô tô buýt); Tặng Duy Thanh (Đêm). Đó là một con số không nhỏ (7 người được tặng, 9 bài thơ tặng) trong hai tập thơ.

Khuynh hướng thơ Thanh Tâm Tuyền là đối thoại, tính đối thoại thể hiện sự chủ động thể hiện mình, bộc lộ suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm của mình. Nhà thơ đặt câu hỏi với mọi người: anh biết vì sao.../phải không em?/ từ bao giờ anh thôi là anh?... dùng những từ hô gọi, yêu cầu: Hỡi người ngoài nghĩa địa/ Hãy ngắm tôi như thế/ Người hãy nói thành lời/ Hãy hát lên đi em/ Đừng ai gọi tôi là thi sĩ...

Hình ảnh tác giả trong thơ và ngoài đời không mấy khoảng cách, người khuyên bạn hay khuyên chính mình nhưng trong lời khuyên ấy ta thấy người thông cảm với nỗi niềm của Nguyễn lắm, nỗi niềm ấy phải chăng cũng chính là nỗi niềm tác giả:

Khóc đi Nguyễn

Mùa này gió biển thổi liên lục địa Trời thành phố ngục tù

Mầu xanh thoảng tiếng cười của kỉ niệm bâng quơ (Tên người yêu dấu)

Ngay cả lúc Thanh Tâm Tuyền xưng "anh" nhưng đó chính là câu chuyện riêng tư, câu chuyện của chính mình. Trong cuộc đối thoại với "em", em có thể là Liên hay là một người con gái nào đó, nhưng qua "em" mà "anh", Thanh Tâm Tuyền, nói được nhiều điều, nói với em và với mọi người:

Đêm nay anh không ngủ, anh cô đơn, anh bị chiếm đoạt Còn gì là kỉ niệm, kỉ niệm ngày mai một lời nói thoáng Anh ôm ghì sự bất lực đói khát, mũi dao nhọn giữa lòng tin Thân thể này không của anh cũng không của em

(Đêm 5)

Tính chủ thể trong thơ Thanh Tâm Tuyền bộc lộ con người tác giả, cuộc sống của tác giả. Thế giới trong thơ được khúc xạ qua con mắt nhà thơ. Mỗi người mỗi vẻ, làm nên tính đa sắc trong văn học. Chúng tôi đã so sánh Thanh Tâm Tuyền và Tố Hữu là hai tác giả sống trong cùng một khoảng thời gian, Tố Hữu thuộc lớp trước nhưng độ chênh thời gian không quá xa nhau để thấy được sự đặc sắc của mỗi người, sự khác lạ độc đáo và mới mẻ của Thanh Tâm Tuyền trong cảm nhận thế giới và thể hiện mình.

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 89 - 95)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(171 trang)
w