Nhóm Sáng tạo

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 55 - 58)

7. Cấu trúc của luận văn

1.4.1. Nhóm Sáng tạo

Ra đời năm 1956, tạp chí Sáng tạo quy tụ nhiều tên tuổi thuộc nhiều lĩnh vực sáng tác như Cung Tiến, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Doãn Quốc Sĩ, Cung Trầm Tưởng, Lê Lưu Oanh, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sĩ Tế, Thái Tuấn, Duy Thanh... Họ cũng mang trong mình khát vọng làm mới một nền thơ. Tiếp bước Xuân Thu nhã tập, Dạ đài, những thành viên của tạp chí

Sáng tạo có ý thức thiết lập hệ thống lí luận kết hợp với thực tế sáng tác. Họ đã thổi vào không khí văn nghệ miền Nam đương thời những luồng gió mới, khơi dậy một không khí tranh luận "vị nghệ thuật" sôi động.

Nhưng nhìn chung điểm gặp gỡ của những người "đồng chí" là chôn vùi Thơ mới vào quá khứ, họ kịch liệt phê phán đường hướng sáng tác của văn nghệ tiền chiến nói chung, Thơ mới nói riêng. Với họ văn nghệ tiền chiến đã kết thúc sứ mạng của mình, thế hệ nhà thơ giờ đây đã không còn chịu ảnh hưởng của Thơ mới nữa nó đã nằm yên trong nấm mồ quá khứ. Trần Thanh Hiệp cho rằng: "Nó đã chết yên ổn với tất cả những thứ gì thuộc về một dĩ vãng. Vì người làm nghệ thuật bây giờ không cảm thấy bị ràng buộc với thứ văn nghệ đó dù trên nghệ thuật quan, ở kỹ thuật biểu diễn hay trong sự đấu tranh xã hội" [67; 2]. Trong con mắt của các tác giả nhóm Sáng tạo, văn nghệ tiền chiến chỉ là những gì hời hợt, "cần thiêu huỷ", cần loại bỏ trong đời sống văn học hôm nay bởi đó là nguyên tắc của sáng tác nghệ thuật. Trần Thanh Hiệp nói tiếp: "Nghệ thuật bây giờ là sự tiêu huỷ để sáng tạo, là sự tiêu huỷ qui định bởi sự sáng tạo. Là sự thống nhất tiêu huỷ và sáng tạo" [67; 3].

Ở góc độ quy mô, tầm vóc, nhóm Sáng tạo chỉ ra những hạn chế của văn nghệ tiền chiến, họ có khát vọng sáng tác những tác phẩm lớn. Thực ra hạn chế về tầm vóc không riêng gì ở thời tiền chiến mà là của văn chương Việt Nam từ xưa tới nay. Mai Thảo nhận xét: "Cái thiếu và cũng là cái thiếu

căn bản của nghệ thuật tiền chiến, theo tôi, là nó không có được những công trình nghệ thuật đáng kể, những tác phẩm lớn'' [67; 4].

Lí giải cho những thành tựu của văn nghệ tiền chiến họ cho rằng sự ngưỡng mộ của công chúng chẳng qua là thị hiếu tầm thường chứ chưa phải vì những giá trị nghệ thuật mà nó đem lại. Nhà văn Mai thảo nói: "Tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn được quần chúng thời đó tán thưởng, một phần cũng bởi vì tiểu thuyết đó đã đánh trúng vào thị hiếu quần chúng mà thôi" [67; 5].

Các thành viên trong tạp chí Sáng tạo cho rằng Thơ mới là thứ văn chương nông cạn, không có tính tư tưởng và uỷ mị, không nhìn thấu suốt đời sống, nhà thơ Tô Thuỳ Yên chỉ trích: "Cho nên Thơ mới đã chẳng vượt qua được giới hạn của một thứ tình cảm sướt mướt, ỉ ôi, không bộc lộ được sự lớn lao của con người, theo ý tôi, là ở chỗ nó đau đớn, ê chề mà vẫn giữ được điềm tĩnh, sáng suốt trước đời sống thù nghịch, khảo sát nó và chinh phục nó. Còn kẻ bận khóc than thì không thể nhìn thấy đời sống" [67; 9].

Ở một phương diện khác, có lẽ là ảnh hưởng chủ nghĩa Siêu thực, các tác giả Sáng tạo đã tiếp nhận học thuyết như phân tâm học Tây phương, những đặc trưng của trường phái siêu thực với sự đề cao tính trí tuệ, những mô típ sinh lí con người... Nguyễn Sỹ Tế nói: "Tôi thấy thi ca chỉ là một hiện tượng cá nhân, trong đó những yếu tố trí tuệ, tâm lý, sinh lý của nhà thơ và người đọc thơ bị khuấy động. Tôi nghiêng về một thứ thẩm mỹ của sự chênh vênh, của sự mất cân đối, một thứ thẩm mỹ của sự va chạm (esthétique de choc)’’ [67; 38].

Quan niệm về ngôn ngữ thơ, họ muốn thơ ca phải thoát li khỏi những giới hạn, những lối mòn cũ kĩ. Nhà thơ phải nói được một cái gì đó trong chiều sâu của lớp ngôn từ. Người đọc thì chỉ có thể cảm nhận thơ chứ không thể hiểu thơ như văn chương truyền thống. Sợi dây liên hệ gữa tác giả và độc giả bị kéo giãn. Thật vô vị nếu một tác phẩm văn chương mà ai cũng có có thể

hiểu, như vậy thơ không còn là thơ nữa, Duy Thanh cho rằng: "Người ta không cần hiểu thơ mà người ta cảm thơ. Một bài mà đem giải thích để hiểu được như văn xuôi thời chán vô cùng. Cái tiếng nói của thơ không bao giờ nên phiên dịch sang văn xuôi vì thơ không là văn xuôi" [67; 39].

Sáng tạo chủ trương giải phóng sự trói buộc khỏi những giới hạn. Nhà thơ dẫn dắt độc giả tới "miền cực lạc", kì thú để khám phá những vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ của những rung cảm thẩm mĩ mà bấy lâu nay, các nhà thơ lớp trước chưa thể làm được. Muốn vậy cần có một cuộc cách mạng ngôn ngữ trong thi ca bởi lẽ thế hệ độc giả ngày nay không còn như xưa nữa, con người trở nên phức tạp hơn, thị hiếu thẩm mĩ cũng khác. Không thể diễn tả một nội dung mới bằng một hình thức cũ: "nghệ thuật ngày nay đòi hỏi phải đoạn tuyệt đối với các phương tiện cũ, nếu không được, thì người làm nghệ thuật phải khuấy động và phá vỡ những phương tiện cũ ấy" (Nguyễn Sĩ Tế) [67; 42].

Rồi cũng như Hoài Thanh - Hoài Chân khi viết Thi nhân Việt Nam đã "cung chiêu anh hồn Tản Đà", một đại biểu của thơ cũ, như một sự tri ân muộn màng, các tác giả Sáng tạo cũng phải công nhận sự kế thừa Thơ mới một cách dè dặt. Họ biết rằng khó lòng phủ nhận hoàn toàn thành tựu của Thơ mới. Nhạc sĩ Cung Trầm Tưởng lên tiếng: ..."Nói rõ hơn thơ Việt Nam bây giờ phải chấp nhận một vài di sản do thơ Việt Nam thuở trước để lại. Một vài di sản này tôi gọi là mẫu số chung, chúng là thơ muôn thuở, nói tắt chúng là thơ. Khước từ chúng, thơ Việt Nam bây giờ sẽ không là thơ nữa'' [67; 38]

Tựu trung lại quan niệm vẫn mới chỉ là quan niệm, đòi hỏi thế hệ nhà thơ hôm nay những minh chứng cụ thể đó chính là thực tiễn sáng tác, có như vậy mới thuyết phục công chúng văn học thời đại. Doãn Quốc Sỹ cẩn trọng khi phát biểu: "Tôi nghĩ tốt hơn hết là các nhà thơ của chúng ta cứ sáng tác đi, đem lại những vần thơ gợi cảm thật. Còn việc hiểu hay không hiểu, ưa hay không ưa thuộc chủ quan độc giả. Sự kiện này vốn là một sự kiện muôn đời

giữa tác giả với độc giả" [67; 48]. Trong thực tế nhóm Sáng tạo đã có những đóng góp đáng kể trên thực tế sáng tác, họ đã có định hướng vè mặt lí luận và ra sức thực hiện.

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 55 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(171 trang)
w