Cấu trúc bài thơ

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 104 - 109)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2. Cấu trúc bài thơ

Bài thơ của Thanh Tâm Tuyền không chia khổ theo lối chia “truyền thống”. Nghĩa là khổ thơ không chia theo sự hài hoà cân đối số lượng các câu bằng nhau, cũng không phải là cách chia theo tính độc lập tương đối của nội dung. Thơ Thanh Tâm Tuyền chia đoạn, các đoạn độc lập với nhau trong bài. Có khi một câu thơ tách ra riêng biệt như một khổ, có khi đó là một đoạn thơ văn xuôi dằng dặc tuôn trào theo dòng cảm xúc. Khái niệm khổ thơ hầu như vắng mặt trong sáng tác ở hai tập Tôi không còn cô độcLiên, Đêm, Mặt trời tìm thấy.

Bài thơ có thể được cấu tạo theo nhiều cách: một bài chia thành các phần đánh số theo thứ tự (Liên những bài thơ tình thời chia cách; Đêm; Dạ khúc; Sầu khúc); một bài được chia thành các bài nhỏ được đặt tên (Đoản khúc); một bài được chia thành các khổ, đoạn tuỳ vào cảm xúc (Định nghĩa một bài thơ hay; Trưởng thành; Mưa ngủ; Tôi không còn cô độc; Chiều trên phi trường; Mặt trời tìm thấy) cũng có bài tác giả để thành một khối không chia cắt (Một chỗ trên ôtô buýt; Một bài thơ; Nhịp ba; Từ chối).

Một hình thức kết hợp khá phổ biến trong thơ Thanh Tâm Tuyền là một bài thơ có thể hướng theo một chủ đề khá rõ hoặc một chủ đề ẩn nào đó (Liên những bài thơ tình thời chia cách; Mai; Sầu khúc; Đêm; Bài ngợi ca tình yêu; Đoản khúc; Tên người yêu dấu). Những bài thơ được chia ra làm nhiều phần, được đánh dấu bằng những con số vẫn có sự thống nhất của một chỉnh thể, sợi dây liên kết là những chủ đề, đề tài nào đó có lúc ta không khó để nhận ra. Về tính liên kết của bài thơ, xin đưa ý kiến của nhà nghiên cứu Thụy Khuê để làm

ví dụ: "Trường ca Đêm trong tập Liên đêm mặt trời tìm thấy gồm 10 đoản ca, mỗi đoản ca là một khúc giao hưởng giữa bóng tối và ánh sáng. Khúc một: chiến tranh và tình yêu. Khúc hai: hạnh phúc, chân lý và lừa dối. Khúc ba: sa mạc và tự do. Khúc bốn: xiềng xích và lưu đầy. Khúc năm: bất lực và đói khát.

Khúc sáu: Những người tình đã mất. Khúc bảy: con quạ trong văn chương.

Khúc tám: Man trá và đồng loã. Khúc chín: Niềm cô độc đen. Khúc mười: Huỷ diệt. Toàn bộ mười đoản khúc trổi dậy như mười bản giao hưởng mà âm vang biến đổi tùy theo người nghe đứng ở phía nào của cuộc sống" [33; 74]. Những bài thơ phân khúc của Thanh Tâm Tuyền mới xem qua tưởng như rời rạc, bị chia cắt như những mảnh vỡ nhưng trong chiều sâu những đoản khúc luôn liên kết nhau theo một nguồn mạch chung, chịu sự chi phối của dòng mạch ấy. Đó là một cấu trúc động, độ mở lớn, mỗi phần của bài thơ tuy có điểm tiếp xúc với toàn bài nhưng hoàn toàn độc lập, thậm chí có lúc bứt ra khá xa cái quỹ đạo chung.

Mở bài trong thơ Thanh Tâm Tuyền cũng thật đặc biệt. Dĩ nhiên là khi sáng tác một bài thơ tác giả có vô số cách mở đầu, câu thơ mở đầu thường vô định nhưng rồi nhà thơ sẽ lựa chọn một phương án nào đó trong hằng hà các câu mở đầu. Câu mở đầu trong thơ truyền thống thường hướng tới chủ đề tư tưởng của bài thơ, thậm chí gắn liền với nhan đề bài thơ (tạm gọi là câu mở đầu trực tiếp):

- Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà (Qua Đèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan) - Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp (Tràng giang - Huy Cận)

- Sao anh không về chơi thôn Vĩ? (Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử) - Cụ hâm rượu nữa đi thôi (Uống rượu với Tản Đà - Trần Huyền Trân) - Trên dòng Hương Giang (Cô gái sông Hương - Tố Hữu)

- Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi (Tây Tiến - Quang Dũng) (...)

Nói vậy không có nghĩa là bài thơ nào của thơ ca truyền thống câu mở đầu đều có sự liên hệ rõ ràng với bài thơ. Thơ Thanh Tâm Tuyền thì ngược lại, đa số trong thơ ông câu mở đầu gần như không ăn nhập gì với nhan đề và quan hệ xa với chủ đề, đề tài (xin được gọi là câu mở đầu gián tiếp), nghĩa là câu mở đầu trực tiếp chiếm số lượng nhỏ hơn trong hai tập Tôi không còn cô độcLiên, Đêm, Mặt trời tìm thấy (19/ 58 bài, chiếm 32,7%). Còn lại (39/ 58 bài chiếm 67,2%) có câu mở đầu gián tiếp, nó gần như không mấy liên kết với nhan đề bài thơ, nói cách khác mối quan hệ "huyết thống" ấy là rất xa xôi. Có thể trích ra một số câu mở đầu kiểu như vậy:

-Tôi buồn khóc như buồn nôn (Phục sinh) - Và như thế hiện lên ánh sáng (Bằng hữu) - Cửa sổ trời những mắt chưa quen (Của em) - Người tài xế mặc áo đen (Một bài thơ)

- Mây đục đậu lên bờ cửa sổ (Gửi Quách Thoại) - Những rừng gió kể chuyện bể khơi (Của Duy Thanh) - Đêm giao thừa thế kỉ mưa rơi sao (Chim)

- Nói thầm với nhau/ bằng bàn tay (Vĩ tuyến)

- Dù sao mai phòng triển lãm sẽ đóng cửa (Bao giờ)

(...)

Lí giải về hiện tượng khá thú vị này, chúng tôi cho rằng, Thanh Tâm Tuyền muốn bứt ra khỏi vết xe truyền thống. Hơn nữa là nhà thơ theo khuynh hướng tượng trưng, không chỉ câu mở đầu mà gần như mọi câu thơ đều không thể đoán định. Kiểu mở đầu như thế giúp câu thơ, bài thơ bứt phá khỏi khung khổ, giúp những câu thơ tiếp theo cất cánh bay cao, bay xa theo trí tưởng tượng của nhà thơ, của độc giả (khi bài thơ đến với độc giả). Nếu trong thơ ca truyền thống nhiều khi chỉ cần đọc nhan đề, đề từ (nếu có), câu mở đầu và câu kết thúc có thể nắm bắt cơ bản ý nghĩa tư tưởng thì thơ Thanh Tâm Tuyền không

thể làm như vậy. Câu mở đầu đã phá tung cái giới hạn sáo mòn cũ kĩ thì những con chữ tiếp sau như chim sổ lồng lại ùa ra như không có gì cản nổi.

Kết thúc trong thơ Thanh Tâm Tuyền cũng vậy, đó là lối kết thúc mở. Bài thơ được kết thúc về mặt hình thức nhưng về mặt nội dung thì gần như chưa kết thúc và không thể kết thúc. Nghĩa là mạch thơ như vẫn đang tiếp diễn theo một chiều hướng nào đó buộc người đọc phải phỏng đoản, phải day dứt trăn trở và thậm chí không yên. Thanh Tâm Tuyền không áp đặt cho người đọc theo một logic, theo một lối mòn tư duy. Thơ ông giúp người đọc tự do trong tiếp nhận, đồng sáng tạo với tác giả. Đa phần kết thúc trong hai tập thơ là không nhằm giải quyết vấn đề.

Sở dĩ có đặc điểm trên vì thơ Thanh Tâm Tuyền không diễn đạt trọn vẹn một nội dung tư tưởng. Ý nghĩa trong thơ ông như bị cắt đứt, bị chia cắt thành những mảng, phải xâu chuỗi lại hết sức khéo léo ta mới mơ hồ nắm được điều gì đó. Mỗi đoạn, mỗi câu, thậm chí mỗi thành phần câu trong thơ có tính độc lập rất cao. Hãy xem kết thúc của bài Định nghĩa một bài thơ hay:

giã từ cái giường cái bàn cái ghế một người và hai người và ba người một người và hai người và ba người

Cũng có khi bài thơ kết thúc bằng hình ảnh, hình ảnh thơ tạo một độ ngân vang, cánh chim khép lại bài thơ và mang theo bao suy ngẫm trăn trở trong lòng độc giả: chim bay vào trận mưa sao (Chim). Có khi bài thơ được kết thúc bằng hình ảnh chủ đạo của bài thơ, hình ảnh kết thúc trong thơ Thanh Tâm Tuyền cũng mang thiên chức một nhãn tự trong thơ Đường:

đau đớn lệ là những viên đá xanh Tim rũ rượi

Sầu khúc (3) kể một câu chuyện khá trọn vẹn, có điều câu chuyện ấy vừa là những mảng ghép vừa là câu chuyện của tưởng tượng hư cấu. Bài thơ kết thúc mà tác giả và người đọc đều không thể nào tìm thấy câu trả lời. Tác giả, hoá thân vào nhân vật tôi, đi tìm câu trả lời nơi thần chết:

Tôi tìm thần chết hỏi Nàng được tự do chăng ? Thần chết câm và điếc Tôi nắm tóc bắt gật đầu Và trở về dương thế

Đoản khúc là tập hợp những bài thơ ngắn, mang đặc điểm, tính chất của thơ haikư, thơ mini, nhưng nó không hoàn toàn đồng nhất với thể loại nào kể trên. Các bài thơ trong đoản khúc cũng thể hiện một cách nhìn về thế giới, mang triết lí nhân sinh nên phần kết của bài thơ cũng mở ra vô cùng những suy tư, chiêm nghiệm. Kết thúc bài thơ là âm thanh khô khan, cộc lốc, vô hồn của hòn sỏi hoà vào tiếng cười của người thiếu nữ. Âm thanh chói chang ấy bên cạnh một thân phận, một người treo cổ trên cành cây trong công viên, gợi cái gì chua chát, xót xa... Người đọc nhìn thấy sự đối lập của hai thân phận, thấy sự vô tình của cuộc sống thế nhân hay thấy sự thanh thản của một con người vốn nhiều ẩn ức trước khi chết?... Có lẽ là tất cả nhưng không là một cái gì cụ thể, chỉ còn lại là âm vang của tiếng cười, âm vang của hòn sỏi.

Thiếu nữ cười tinh nghịch như hòn sỏi Ném lăn theo triền mái ngói

(Bài thơ vui)

Qua hoạ tiết bức tranh tĩnh vật ta thấy trong đó cả thế giới, bao thân phận đang chuyển động với những chết chóc, đói nghèo và máu... Kết thúc bài thơ là hai dòng ngắn ngủi, đó vừa là tiếng chửi rủa vừa là ám ảnh về cuộc đời, người đọc lại phải trăn trở về cuộc đời, về xã hội:

kẻ đi ngoài kia la vào mồm sống

Cấu trúc thơ Thanh Tâm Tuyền, có thể nói là một cấu trúc đa năng với những hình thức kết hợp đa dạng. Chính sự độc lập tương đối của các thành phần câu đã mở ra nhiều nhiều kích hoạt động cho câu thơ. Cấu trúc thơ Thanh Tâm Tuyền thể hiện một nhãn quan văn học mới mẻ. Tuy có sự kế thừa, tiếp bước những bậc đàn anh trong giới nhưng thực sự ông đã tiến thêm những bước mới táo bạo, sáng tạo và quyết liệt hơn nhiều. Cấu trúc thơ Thanh Tâm Tuyền có sự đổi mới cả bề rộng lẫn bề sâu, nghĩa là cả cấu trúc nội dung ngữ nghĩa đến hình thức trình bày diễn đạt. Nhà nghiên cứu văn học Đặng Tiến viết: "Thơ xưa đem tư tưởng ra "diễn ca", còn Thanh Tâm Tuyền tháo gỡ guồng máy ngôn ngữ ra từng bộ phận rồi lắp ghép lại thành những chức năng mới, trong văn bản mới" [96; 3].

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 104 - 109)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(171 trang)
w