Quan niệm về thơ của Thanh Tâm Tuyền

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 67 - 74)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2. Quan niệm về thơ của Thanh Tâm Tuyền

2.1.2.1. Quan niệm về chất thơ

Quan niệm về thơ là những gì mà người thi sĩ ấp ủ, nó thể hiện cái nhìn của chủ thể sáng tác về thế giới. Quan niệm về thơ cũng chi phối việc lựa chọn hình thức ngôn ngữ nghệ thuật, chi phối nội dung, cách xây dựng hình tượng... của quá trình sáng tác. Quan niệm về thơ của người Việt đã có từ thời trung đại. Về bản chất thơ ca, người xưa cho rằng thơ ca "ý tại ngôn ngoại", "quý hồ

tinh, bất quý hồ đa''. Theo Trúc Đường thuật cổ thi tập: “Thơ là tâm của vũ trụ” (Thi thị thiên địa tâm), “Thơ là nguyên âm của vũ trụ” (Thi thị thiên địa chi nguyên thanh). Thơ gồm ba yếu tố: tâm (đạo tâm - cái biết của tự nhiên và

nhân tâm - cái biết của con người), tính (nhân, nghĩa, lễ, trí), tình (yêu, ghét, vui, mừng….). Tâm, tính, tình bao giờ cũng phải có khuynh hướng rõ ràng, đó chính là cái chí, ở trong tâm là chí, biểu hiện ra thành lời là thơ . Những đặc điểm của thơ cũng được người xưa chú ý với những tính chất như 'thi trung hữư hoạ",' 'thi trung hữu nhạc''... Đến thời hiện đại, Hồ Chí Minh từng nói trong Cảm tưởng đọc thiên gia thi: "Nay ở trong thơ nên có thép - nhà thơ cũng phải biết xung phong" Mỗi trường phái, mỗi nhóm sáng tác, mỗi tác giả có những phát ngôn riêng về thơ.

Là một nhà thơ mà sáng tác rất kén độc giả, nhưng Thanh Tâm Tuyền lại rất chú ý đến mối quan hệ giữa thi sĩ và độc giả. Nhà thơ cho rằng: "Thơ là cái gì người thơ làm ra và người đọc thơ cảm nhận được. Còn không nhận được thì có bao nhiêu định nghĩa cũng thừa" [67; 38]. Người xưa cho rằng đã là thơ thì phải hiểu được, không hiểu nhiều thì hiểu ít và họ cứ cố gắng đi tìm cho được điểm gặp gỡ tri kỉ, kiểu như Bá Nha - Tử Kì. Thanh Tâm Tuyền thì khác, ông quan niệm thơ không cần hiểu mà chỉ có thể cảm. Ngôn từ, cấu trúc thơ chỉ là cái cớ để người đọc tiếp tục tự do sáng tạo, họ có thể thoả sức mà tiếp nối những gì nhà thơ gợi ra, mở ra. Nhà thơ không đóng khung tác phẩm của mình vào những khuôn khổ nhất định, cũng không trói buộc độc giả vào một phạm vi cụ thể.

Thanh Tâm Tuyền cũng xác định thơ phải xuất phát từ đời sống, gắn với đời sống. Nếu không gắn với đời sống thì thơ không còn là thơ nữa, chí ít thơ không còn có được chức năng đặc biệt như nó vốn có. Có điều chất liệu đời sống cũng mỗi thời mỗi khác, thơ ca không thể sao chép cóp nhặt những cái xa lạ, những cái của hôm qua để làm chất liệu sáng tác cho hôm nay. Thanh Tâm

Tuyền phê phán những kiểu ngôn ngữ sáo rỗng kiểu tầm chương trích cú. Ông quan niệm ngôn ngữ thơ hôm nay cần chân thành, giản dị như đời sống vốn có, không cần những xác chữ tuy đẹp mà vô hồn, xa lạ với thực tiễn cuộc sống và tâm hồn con người hôm nay. Thơ phải gợi cái gì xa xôi tưởng như ai cũng có thể chạm tới, nhưng càng vươn tới những hình ảnh thơ lại càng lùi xa, quá trình tiếp nhận thi ca là quá trình tìm kiếm không ngừng không nghỉ. Ngôn ngữ thơ phải tiềm ẩn trong nó những âm thanh sâu lắng không phải ai cũng có thể nghe và hiểu. Thơ khác với các loại hình văn bản phi nghệ thuật khác ở chỗ thơ là văn bản tiềm ẩn ý nghĩa, các loại hình khác lại bộc lộ toàn bộ ý nghĩa: "Bây giờ ta không còn tìm thấy bến Tầm Dương, người kỹ nữ, những âm dương nhật nguyệt v.v. Cho nên không có đời sống nâng đỡ, những xác chữ đẹp đến mấy cũng không làm rung động người ta được nữa. Từ đó, tôi đi đến kết luận: Thơ đi đến chỗ tiêu diệt khi nó phô hết ra phần hình thức" [67; 44].

Văn chương gợi nên cho độc giả tinh thần, không khí của thời đại, ghi chép những tín hiệu đời sống, biến những tín hiệu ấy thành nghệ thuật, độc giả sẽ tiếp nhận những tín hiệu ấy theo những cảm xúc riêng, tâm trạng riêng... "Thơ nẩy ra, làm ra những nhịp thở, những phút sống ngay chính trong lúc đó. Văn chương không “làm” ra cái gì hết. Văn chương chỉ là sự ghi chép. Có chăng chỉ là những tín hiệu của một đời sống ở đâu ngoài những câu kệ tan nát" [104; 4].

Lí luận truyền thống thường nói đến sự sâu sắc của tác phẩm văn học, một tác giả xuất sắc phải nói lên được những vấn đề lớn lao to tát của xã hội: nhà văn phê phán cái gì?, yêu ghét cái gì?, tư tưởng triết học hoặc chính trị, tôn giáo ra sao?... và người đọc đi tìm những giá trị đó như những hằng số xác định. Văn chương ngày nay có thể nói lên những gì không thể nói, nói cái sâu thẳm trong tâm thức, trong cõi lòng con người, nói bằng lối vu vơ, nói bằng cách xa xôi... "Ngày trước văn chương phải “nói lên được một cái gì”. Ngày

nay văn chương chán “nói lên cái gì”, bèn nói cái - không - là - cái - gì, nói - cái không - thể - nói, cái - không - thể - nghĩ. Nhưng trước hay nay, văn chương vẫn phải nói" [104; 6].

Thơ tạo cho người đọc những cảm xúc, những rung động chân thành, nó chiếm lĩnh tâm hồn con người trong khoảnh khắc bằng từng dòng, từng ý thơ... không nên chú ý nhiều đến những yếu tố ngoại văn bản, có thể nó sẽ giết chết chất thơ bằng các tiểu sử, các vấn đề chính trị... "Một bài thơ tự đầy đủ, không khi nào cần kêu gọi đến những gì ở ngoài nó. Mỗi câu thơ cũng vậy. Rất thường là anh chỉ thuộc và đọc vài ba câu thơ trong một bài, chẳng cần nhớ đến câu trên câu dưới. Như anh ngắm một góc của bức họa hay nghe một hồi hay một đoạn nhạc" [104; 5].

Thơ đem đến cho người đọc những phút giây thanh lọc tâm hồn, ta soi rọi tâm hồn mình vào thơ mà hiểu mình, hiểu đời, hiểu người... Qua thơ ta thấy được những nét đẹp của cuộc đời lâu nay bị khuất lấp bởi tự tâm hồn ta khép kín nên không thấy được vẻ đẹp cuộc đời: "Và thơ là gì? Nếu không phải là sự khám phá mầu nhiệm bằng ngôn ngữ một thế giới vẫn trốn mặt ở quanh. Sự phơi mở ở thơ cho anh cảm giác tràn đầy hạnh phúc, tâm hồn đã nhập được một phần của sự sống bí ẩn còn thiếu sót. Những phút xâu dài như một đời'' [106; 2]. Thơ đem đến cho con người sự thanh thản, "Ở thơ không thể có không khí của một thế giới bất trắc". Thơ gột rửa cho tâm hồn con người nhưng con người cũng cần có một niềm tin ở chính mình và ở chính ngay thơ.

2.1.2.2. Quan niệm về thi sĩ

Xưa nay người ta đã nói nhiều về thi sĩ. Mỗi thời mỗi khác nhưng thời đại nào cũng xem thi sĩ là một "loại người" đặc biệt. Từ quan niệm đặc biệt về loại người này mà người ta quan niệm về chức năng, nhiệm vụ người thi sĩ. Con người thi sĩ được biểu hiện chủ yếu qua thơ ca, sáng tác. Mỗi người có một phong cách, một bút pháp riêng không trộn lẫn vào đâu. Con người thơ

phản ánh con người đời thường.

Đã là thi nhân, chưa ai nhận mình là người bình thường cả. Chỉ có điều họ khác nhau ở cách thể hiện quan niệm đó mà thôi. Nếu Tản Đà tự cho mình là một ''trích tiên'' bị ''Đày xuống hạ giới vì tội ngông'' thì Xuân Diệu tự nhận mình là: ''con chim đến từ núi lạ / Ngứa cổ hót chơi''. Nếu Thế Lữ xem mình là ''người bộ hành phiêu lãng'' thì Huy Cận lại thấy mình là ''một chiếc linh hồn nhỏ:/ Mang mang thiên cổ sầu’’... Tuy có điểm khác nhau nhưng quan niệm về thi sĩ xưa nay vẫn có điểm tương đồng họ đều cho rằng nhà thơ là người nghệ sĩ có phẩm chất khác thường. Bởi lẽ, nếu không có ''con mắt thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời'' (Mộng Liên Đường chủ nhân), không có sự linh cảm, không có thiên nhãn, không có sự thăng hoa trong sáng tạo thì làm sao trở thành thi sĩ được.

Quan niệm về nhà thơ của các nhà Thơ mới đã mở ra cái nhìn ''dân chủ hoá'' về vai trò của nhà thơ và quá trình sáng tạo thi ca, phá vỡ tính qui phạm trong quan niệm về nhà thơ của văn học trung đại. Đến lượt Thanh Tâm Tuyền, cũng như các bậc tiền nhân khác, ông quan niệm thi sĩ là người có quyền lực đặc biệt. Thi sĩ như một vị Hoàng đế có quyền uy tối thượng. Nhưng có điều khác với với Hoàng đế của một vương quốc, Hoàng đế thi ca chỉ có những "luật lệ tinh thần". Hoàng đế thi ca không cai trị loài người bằng sự chuyên quyền, bạo ngược mà "người hoàn toàn tự do". Trong quan hệ giữa thi sĩ - độc giả Thanh Tâm Tuyền vẫn xác định vị thế trung tâm của chủ thể sáng tạo nhưng ông cũng đề cao vai trò của độc giả, nhà thơ không gò ép độc giả phải đi tìm mình, tức đi tìm những ý tưởng mà nhà thơ gởi gắm trong tác phẩm. Bài thơ mở đầu tập Tôi không còn cô độc được xem như một tuyên ngôn thơ của Thanh Tâm Tuyền. Chúng ta thấy ấn tượng đầu tiên về Thanh Tâm Tuyền là một thi sĩ kiêu căng, ngạo mạn. Con người thi sĩ Thanh Tâm Tuyền đã khác rất xa cái thời Thơ mới, thời mà Hoài Thanh - Hoài Chân nói:

"thi nhân ta cơ hồ đã mất hết cái cốt cách hiên ngang ngày trước" [80; 46]. Xác định vị thế của mình, một thi sĩ, Thanh Tâm Tuyền cao giọng:

Ở đây tôi là vị Hoàng đế đầy đủ quyền uy. Bởi vì người vào trong đất đai của tôi.

người hoàn toàn tự do.

để cai trị tôi có những luật lệ tinh thần mà người phải thần phục nếu người muốn nhập lãnh thổ.

người hoàn toàn tự do.

Và có thể ném cuốn sách ra cửa sổ

''Người hoàn toàn tự do'' nghĩa là người không phải vướng bận, luỵ thuộc vào quyền lực của tôi. Người cũng không bị tôi gò bó trói buộc vào những khuôn khổ tù túng, chật hẹp. Người cũng tự do nếu không còn phục tôi nữa, không muốn làm thần dân của vương quốc tôi, tôi sẵn sàng giải phóng. Hình ảnh Thi nhân - Hoàng đế là một cái nhìn mới mẻ, đặc sắc của Thanh Tâm Tuyền.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói rằng thi sĩ là "kẻ say'', ''kẻ điên''... Nhưng cái say, cái điên của thi sĩ chính là cái khác biệt với người thường. Thi sĩ, khi đến với nàng thơ là đến với tất cả lòng đam mê không vụ lợi, đến và hiến dâng trọn đời mình. Sáng tác văn chương nói chung, thơ ca nói riêng là một quá trình trăn trở, lột xác, quá trình nhào nặn. Theo Thanh Tâm Tuyền, người nghệ sĩ chân chính phải biết xem thơ là niềm vui, là nguồn an ủi, là sự cứu rỗi cuối cùng của cuộc đời. Người nghệ sĩ phải có động lực sáng tạo, phải tự tạo ra động lực sáng tạo. Tâm huyết người nghệ sĩ như ngọn triều dâng có thể cuốn trôi mọi chướng ngại trên đời đem thi sĩ đến với vương quốc thơ ca. Trong vương quốc ấy người thi sĩ không thể nản lòng lùi bước: "khi nói thơ ngày nay đau yếu là tôi nghĩ những người làm thơ đã phải cố gắng để làm thơ. Làm giống như dân lao động bị đày ải. Không có sức xô của

đời sống quanh mình, không có ngọn trào ập qua mình, mọi thiên tài đều hụt hơi trơ trẽn, tiếng nói ngắn ngủn như tiếng nấc cụt'' [106; 2].

Hành trình sáng tạo thi ca vừa là một hành trình đầy sóng gió, vừa là một hành trình nhiệm mầu. Thi sĩ đến với thơ tự nhiên như tìm đến với bản ngã, không cầu kì, không cao sang nhưng có cái gì đó rất thần bí. Nàng thơ có thể tìm đến thi nhân bất cứ lúc nào không hẹn ước. Thi sĩ không phải ai xa xôi, cũng không phải thánh thần nhưng có diễm phúc được sống trong những giây phút thánh thần do thơ đem lại. Nàng thơ cũng không đòi hỏi xa hoa nhưng thi sĩ phải là người phát hiện nàng thơ đang ở đâu và có khả năng thuyết phục để nàng ở lại.

Thanh Tâm Tuyền cũng quan niệm người thi sĩ khác những nghệ sĩ khác như nhà tiểu thuyết, kịch tác gia... không chỉ ở thiên chức mà còn ở cách thể hiện, những con người bình thường nhất, giản dị nhất nhưng thật đặc biệt. Ngay cả với thi sĩ không phải lúc nào muốn là có thể làm thơ, chỉ có thể làm thơ khi nàng thơ ghé thăm, làm được nhiều hay ít cốt ở cái "duyên" của người nghệ sĩ: "Một bài thơ được hoàn thành như thế nào? Khi không (tạm coi là khi không đi), anh đang đi, anh đang chơi, anh đang làm việc, anh bỗng nghe vang đâu đó (tuốt sâu trong, xa lắc ngoài) một hình tượng, một ngâm nga, một rung chuyển, một lượn lờ, một gì gì vô ngôn quái quỷ hay thánh thần (nói theo điệu Bùi Giáng), gì gì cũng được và anh bị đẩy bật, chới với, đuổi theo chụp bắt, nhốt vào trong lời, trong điệu, trong cách'' [104; 1]. Con người đặc biệt này, thi sĩ, kẻ có thể "ru với gió, mơ theo trăng"... ấy, giữa cuộc đời, giờ đây, họ rất thật. Xưa kẻ sĩ, và cùng là thi sĩ, "ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch" (Nguyễn Công Trứ) thì nay trong tâm tưởng Thanh Tâm Tuyền, thi sĩ vẫn còn đó cái phong lưu, tiếu ngạo: "Người làm thơ là kẻ lêu bêu" [104; 3].

''Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu"... (Chế Lan Viên), nói vậy có

nghĩa họ là một ''loài'' riêng, không bình thường so với hết thảy chúng ta. Thanh Tâm Tuyền không phủ nhận cái năng lực đặc biệt ấy của thi sĩ, nhưng người thấy ở thi sĩ sự gần gũi, thậm chí họ là những kẻ ''khờ khạo'' trên đời. Nhưng thi sĩ cũng là người đem đến cho cuộc đời niềm vui và lấy bớt đi sầu muộn. Người thi sĩ vẫn ở giữa cuộc đời này, vẫn sống bên cạnh chúng ta và họ cũng là những con người "không điên" nhưng dại, chỉ dại thôi: "Thi sĩ. Đó là một loài mắc cỡ dễ thương nhất trên đời. Hắn lẫn trong đời, giữa mọi người, cùng sống với mọi người như một tên dại (anh nhớ là hắn dại, chứ không điên. Tôi bảo đảm với anh. Anh hãy đọc thơ của những người mà người ta bảo là điên xem. Tất nhiên, đừng đọc văn chương của họ)'' [104; 3].

Quan niệm về thi sĩ, kẻ lãng du suốt đời cùng nhân loại, xưa nay đã rất nhiều. Nhân loại còn tốn thêm nhiều giấy mực để nói về họ. Mỗi thời mỗi cách nói, mỗi quan điểm hay điểm nhìn khác nhau nhưng nhìn chung thời đại nào cũng thấy rằng thi sĩ là những người đặc biệt với năng lực đặc biệt, tâm hồn đặc biệt... Thanh Tâm Tuyền chưa thể nói thay tiếng nói của thời đại về người thi sĩ, xét cho cùng không ai có thể nói thay tiếng nói thời đại về người thi sĩ, nhưng những gì ông nói về thi sĩ là một phần của thời đại. Cái nhìn của ông về thi sĩ thể hiện nhận thức của nhà thơ về chính mình, về sứ mệnh của mình và cái nhìn đó phần nào chi phối cách viết của ông.

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 67 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(171 trang)
w