- Chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số
2.1.3. Về đặc điểm truyền thống
Thanh Hóa có bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hóa độc đáo. Vào sơ kỳ thời đại đồ đá cũ, bằng sự phát hiện và khai quật khảo cổ các di chỉ núi Đọ, núi Quan Yên, núi Nuông đã khẳng định Thanh Hóa là nơi sinh sống của người nguyên thủy, đặc biệt hang Con Mong là nơi chứng kiến các giai đoạn phát triển liên tục của con người từ hậu kỳ đá cũ sang thời đại đá mới. Quá trình chinh phục đồng bằng trên đất Thanh Hóa của dân cư đồ đá mới đã để lại một nền văn hóa Đa Bút, là một nền văn hóa khỏa cổ tiến bộ cùng thời trong khu vực cách đây 6.000 năm. Sang đầu thời đại kim khí, thuộc thời đại đồ đồng, qua các bước phát triển với các giai đoạn trước văn hóa Đông Sơn, Thanh Hóa đã trải qua một tiến trình phát triển với các giai đoạn văn hóa: Cồn Chân Tiên, Đồng Khởi - Quí Chữ tương đương với các văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Dậu - Gò Mun ở lưu vực sông Hồng. Đó là quá trình chuẩn bị mọi mặt để đến văn minh Văn Lang, cách đây hơn 2.000
năm lịch sử, văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa đã tỏa sáng rực rỡ trong đất nước của các Vua Hùng. Suốt mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu như: Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi, Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ... Cùng với những trang lịch sử oai hùng, Thanh Hóa có 1.535 di tích trong đó có 134 di tích được xếp hạng quốc gia, 412 di tích đã xếp hạng cấp tỉnh với các di tích nổi tiếng như: Núi Đọ, Đông Sơn, Khu di tích Bà Triệu, Lê Hoàn, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Ba Đình, Hàm Rồng... càng khẳng định xứ Thanh là một vùng "Địa linh nhân kiệt".
Xuất phát từ vị trí địa lý, về đặc điểm dân cư và truyền thống lịch sử Thanh Hóa, trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo cũng như một số địa phương khác trong cả nước, Thanh Hóa đã và đang có những bước phát triển khá, đạt được các thành tựu quan trọng về kinh tế - văn hóa - xã hội, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Song cũng không tránh khỏi những khó khăn, hạn chế do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, phân hóa giàu nghèo, sự chênh lệch giữa các vùng miền ngày càng rõ nét, nó không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà còn ở cả các lĩnh vực về xã hội. Nhất là về nhận thức, hiểu biết pháp luật của nhân dân và cán bộ, đặc biệt là về nhận thức và thực hiện pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số.