Trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp là một chỉ báo quan trọng để đánh giá chất lượng đội ngũ công nhân. Trình độ tay nghề không chỉ hiểu theo nghĩa công nhân có tay nghề bậc mấy, mà quan trọng hơn là công nhân được đào tạo như thế nào và họ làm việc ra sao.
Theo kết quả điều tra của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, hiện nay có khoảng 32,7% công nhân được đào tạo qua các trường cao đẳng, đại học; 21,6% công nhân được doanh nghiệp nhận vào làm rồi đào tạo; 17,1% vừa làm vừa học tại doanh nghiệp, 7,7% công nhân được đào tạo qua các trung tâm dạy nghề của tư nhân; 5,7% công nhân được đào tạo qua các trung tâm của các đoàn thể; có tới 11% công nhân chưa được đào tạo nghề. Loại hình đào tạo cũng ảnh hưởng không nhỏ đến trình độ tay nghề của công nhân. Nếu được đào tạo tập trung tại các trường chính quy, có bài bản, có trình độ lý thuyết khá sẽ có ảnh hưởng tốt cho việc đào tạo nâng cao tay nghề hay đào tạo chuyển sang nghề mới sau này. Nếu chỉ đào tạo thực hành, ít phần lý thuyết sẽ rất khó cho việc đào tạo chuyển đổi. Hiện nay, công nhân nước ta
đa phần là công nhân trẻ, mới vào nghề nên chỉ có khả năng thực hành trên công việc đang làm, khả năng sáng tạo trong công việc hạn chế, vì nhiều người chưa được đào tạo chính quy. Đây là một điều tất yếu, bởi trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp không có đủ kinh phí để duy trì trường lớp của doanh nghiệp, và phải rút ngắn thời gian đào tạo xuống khi cần tuyển công nhân mới. Trong khi đó, hệ thống dạy nghề của chúng ta (chủ yếu là các trung tâm dạy nghề của các ngành, địa phương) đang có những bất cập, chưa có định hướng đào tạo các ngành nghề phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH, mà thường đào tạo theo nhu cầu trước mắt của trung tâm và người lao động. Cộng thêm đó là tâm lý của lớp trẻ, sau khi học xong phổ thông trung học thường diễn ra theo hai xu hướng hoặc là đi học cao đẳng, đại học, hoặc là đi học nghề để nhanh chóng kiếm việc làm. Chính vì vậy, những người xác định đi học nghề thường tìm đến những ngành nghề mà sau khi học xong có thể không cần vào các doanh nghiệp mà vẫn có việc làm.
Bảng 1.3: Phân loại cơ sở đào tạo theo loại hình doanh nghiệp
Đơn vị tính: % DN Nhà nƣớc DN ngoài Nhà nƣớc DN có vốn đầu tƣ nƣớc ngoài
Trường Cao đẳng, Đại học 28,5 33,7 29,4 TT dạy nghề của các đoàn thể 6,2 6,1 2,1 TT dạy nghề của tư nhân 8,7 8,2 2,1 DN nhận vào làm rồi đào tạo 22,3 20,1 34,2 Vừa làm, vừa học tại DN 16,9 17 18,2
Chưa đào tạo 13,6 10,7 10,2
Không trả lời 3,7 4,2 3,7
Nguồn: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số liệu điều tra năm 2009
Loại hình DN
Bảng số liệu trên cho thấy, trình độ chuyên môn, tay nghề của công nhân theo loại hình doanh nghiệp ở nước ta chưa đồng đều. Số công nhân được doanh nghiệp nhận vào làm, sau đó đào tạo ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ cao nhất là 34,2%, trong doanh nghiệp nhà nước là 22,3% và 20,1% trong doanh nghiệp ngoài nhà nước. Công nhân được đào tạo ở các trung tâm của đoàn thể, của tư nhân chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu công nhân được đào tạo qua các trường cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, công nhân chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao: ở các doanh nghiệp nhà nước là 13,6%; doanh nghiệp ngoài nhà nước là 10,7% và 10,2% ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Mối tương quan giữa trình độ chuyên môn, tay nghề với ngành, nghề sản xuất kinh doanh cho thấy, công nhân có trình độ cao đẳng, đại học ở các ngành điện, nước, xây dựng, cơ khí chiếm tỷ lệ cao hơn so với ngành khác. Cụ thể: 53,8% công nhân có trình độ cao đẳng, đại học làm việc trong ngành điện, nước; 36,4% trong ngành xây dựng, giao thông vận tải; 31,3% trong các ngành thương mại, dịch vụ; 23,3% trong ngành nông, lâm, thủy sản; 15,3% trong ngành dệt may. Tỷ lệ công nhân được doanh nghiệp nhận vào mới đào tạo trong các ngành tương đối như nhau: 28,8% ở ngành nông, lâm, thủy sản; 23,3% ở ngành thương mại, dịch vụ; 22,9% ở ngành dệt may, giầy da; 19,9% ở ngành xây dựng, giao thông vận tải.
Những năm gần đây, trong cơ cấu nền kinh tế nước ta đã xuất hiện một số ngành kinh tế mũi nhọn như: điện lực, hóa dầu, đóng tàu, công nghệ thông tin, công nghệ điện tử, hàng không, dịch vụ, du lịch, xuất khẩu… Ở các ngành này, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của công nhân được nâng lên đáng kể. Đã hình thành một bộ phận công nhân trí thức năng động và tiếp cận nhanh với khoa học - công nghệ hiện đại, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường. Cụ thể: Tỷ lệ tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên trong tổng số
công nhân (cán bộ, công nhân viên) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là 43,3%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam 28,58%, Tập đoàn Than - Khoáng sản 16%, Tập đoàn Bưu chính viễn thông 26,5%, Ngân hàng Công thương 72,6%, Ngân hàng Ngoại thương 94,1%, Ngân hàng Chính sách xã hội 74,7% [2, tr.19].
Thực trạng trên cho thấy, mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song trình độ trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của GCCN Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện tại, cơ cấu trình độ chuyên môn của GCCN vẫn còn nhiều bất cập:
Thứ nhất, một tỷ lệ lớn công nhân chưa được qua đào tạo nghề tại các
trường lớp, cơ sở đào tạo nghề chuyên nghiệp, số này phần nhiều là những lao động nông thôn và học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông được các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm các công việc giản đơn, mang tính thời vụ… Dẫn đến, hiệu quả công việc thấp, thu nhập không ổn định, đời sống gặp nhiều khó khăn. Do vậy, vấn đề đặt ra là xây dựng và phát triển GCCN trong những năm tới phải tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ học vấn, trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ cho công nhân, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay.
Thứ hai, GCCN nước ta hiện nay đang mất cân đối trong cơ cấu lao
động kỹ thuật, tình trạng thừa lao động giản đơn, chưa qua đào tạo; thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề đang diễn ra ở tất cả các ngành, các thành phần kinh tế. Nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp có thiết bị công nghệ hiện đại, nhưng thiếu công nhân lành nghề, nhất là công nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tài chính. Trình độ ngoại ngữ của cán bộ quản lý, công nhân còn thấp nên gặp khó khăn khi làm việc với đối tác nước ngoài. Điều đáng nói là một bộ phận công nhân
đã được đào tạo nhưng không làm đúng với chuyên môn, nên không phát huy được năng lực vốn có của họ, lãng phí lớn trong đào tạo và sử dụng. Theo điều tra của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2007 tỷ lệ này chiếm tới 24%. Những bất cập này trong cơ cấu GCCN cần phải sớm được giải quyết để đảm bảo đủ nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Như vậy, mặc dù mặt bằng chung về trình độ học vấn và trình độ tay
nghề, chuyên môn, nghiệp vụ của công nhân trong những năm qua có tăng lên, nhưng đồng thời sự đòi hỏi về trình độ trong các ngành nghề, các khu vực và các lĩnh vực kinh tế cũng tăng lên. Đặc biệt, khi chúng ta càng đẩy mạnh công nghiệp hoá theo hướng hiện đại, khi càng hội nhập sâu, rộng với thế giới để đi vào nền kinh tế tri thức thì càng đòi hỏi một lượng lớn hơn số người lao động có học vấn, có trình độ nghề nghiệp chuyên môn cao hơn nữa. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho Đảng, Nhà nước và các doanh nghiệp hiện nay là phải có chính sách giáo dục, đào tạo thiết thực và có hiệu quả cho người công nhân. Bên cạnh đó, bản thân người công nhân cũng cần ý thức được tầm quan trọng của trình độ học vấn, trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ để từ đó có ý thức học tập nâng cao trình độ mọi mặt, khẳng định được vị trí của mình trong doanh nghiệp, bắt nhịp được với trình độ phát triển của công nhân thế giới.