đào tạo và đào tạo lại, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo công nhân
Đây là một trong những nhiệm vụ mũi nhọn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề hiện nay. Vì trên thực tế, đã không hiếm trường hợp sau khi tốt nghiệp, xin được việc làm song lại hoàn toàn bỡ ngỡ trước những dây chuyền sản xuất hiện đại. Do đó, trong quá trình giảng dạy, các trường cần thường xuyên bổ sung những kiến thức về kỹ thuật, công nghệ mới; tham khảo các nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy của nước ngoài, nhất là những nước có tiềm năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nghề. Cần chú trọng đào tạo chuyên sâu, đặc biệt là đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, vì khoa học - công nghệ càng phát triển bao nhiêu, càng đòi hỏi chuyên môn hóa sâu sắc bấy nhiêu, nếu không đi sâu, nắm chắc kỹ năng hành nghề thì rất khó hoàn thành công việc. Cần đưa tin học, ngoại ngữ vào chương trình đào tạo và đào tạo lại cho công nhân. Nhanh chóng nối mạng Internet trong các trường dạy nghề, các trung tâm giáo dục chuyên nghiệp. Đây là một việc làm cần thiết vì quá trình phát triển của CNH, HĐH là từng bước đưa nước ta vào kỷ nguyên của xã hội thông tin và nền văn minh tin học. Sử dụng được công nghệ thông tin là điều kiện cho người học tập và làm việc có thể nắm bắt nhanh và tìm hiểu những kiến thức mới.
Đa dạng hóa các loại hình đào tạo theo hướng xã hội hóa. Kết hợp giữa đào tạo chính quy với đào tạo từ xa, đào tạo theo địa chỉ. Với công nhân đã qua đào tạo, theo định kỳ cần được phổ biến, học tập những kiến thức công
nghệ mới, kỹ thuật tiến tiến về lĩnh vực chuyên ngành họ đang làm việc bằng các lớp bổ túc ngắn ngày. Việc mở các lớp đào tạo ngay tại doanh nghiệp cũng là hình thức thuận tiện để công nhân có thể học tập và thực hành ngay trên máy. Nói chung, đối với đào tạo lại chỉ nên áp dụng hình thức đào tạo ngắn hạn và nội dung học tập chuyên sâu về thực hành kỹ năng là chính. Cần khai thác có hiệu quả mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo nghề của Nhà nước, của các doanh nghiệp và tư nhân, không phân biệt thành phần kinh tế, nhằm tập hợp được mọi nguồn lực để đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ chuyên môn ngày càng cao hơn.