Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH là một trong những nội dung cơ bản trong đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta thời kỳ đổi mới. Thêm vào đó, sự hội nhập vào nền kinh tế quốc tế và quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và nền kinh tế tri thức làm cho cơ cấu kinh tế ngành của nước ta trở nên phong phú và đa dạng. Theo đó, cơ cấu ngành nghề của GCCN Việt Nam cũng có những biến đổi quan trọng. Bên cạnh những ngành công nghiệp truyền thống, trong cơ cấu kinh tế xuất hiện thêm nhiều ngành nghề mới, đặc biệt là một số ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò then chốt của nền kinh tế quốc dân như: dầu khí, điện tử, tin học, bưu chính viễn thông, dịch vụ… Sự phát triển nhanh các ngành này đang đưa đến sự tăng nhanh đội ngũ công nhân chất lượng cao hoạt động trong các ngành dịch vụ, công nghệ hiện đại.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm 2009 cơ cấu GCCN Việt Nam trong các ngành nghề kinh tế là: công nhân làm việc trong ngành công nghiệp chiếm 48,5%, ngành xây dựng chiếm 15,4%, ngành thương mại, dịch vụ chiếm 24,5%, ngành vận tải chiếm 4,9%, ngành nông nghiệp chiếm khoảng 4,2%, các ngành khác chiếm 2,5% [50, tr.191-196].
Như vậy, nếu như trước thời kỳ đổi mới GCCN nước ta chỉ có mặt trong các ngành công nghiệp nặng, một số ngành công nghiệp chế biến và ở các nông, lâm trường thì ngày nay với sự phát triển mạnh của CNH, HĐH theo cơ chế thị trường, của khoa học - công nghệ và của giao lưu quốc tế đã tạo nên ở Việt Nam một nền kinh tế quốc dân với cơ cấu ngành rất phong phú và đa dạng. Theo đó, cơ cấu ngành nghề của GCCN Việt Nam cũng có những chuyển biến mạnh mẽ và ngày càng trở nên phong phú. Đây là điều kiện quan trọng để GCCN hoàn thành thắng lợi sứ mệnh của mình trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Song, cơ cấu trên cũng đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần phải giải quyết:
Thứ nhất, sự tăng lên của đội ngũ công nhân trong các ngành công
nghiệp, dịch vụ là một tất yếu và cần thiết. Song với số lượng quá ít của đội ngũ công nhân trong ngành nông nghiệp là điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Bởi, hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, liệu với số lượng công nhân nông nghiệp thấp như vậy (4,2%), chúng ta có đáp ứng được yêu cầu này? Ở những nước công nghiệp phát triển, lượng công nhân trong lĩnh vực nông nghiệp có thể chỉ chiếm 3 - 8% trong tổng số lao động xã hội. Song, đó là những nước có trình độ công nghệ cao, còn nước ta với trình độ công nghệ như hiện nay vẫn cần thiết tăng lượng công nhân nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Thứ hai, so với xu hướng tăng mạnh của các ngành dịch vụ (tài chính,
ngân hàng, bảo hiểm, thông tin…) trên thế giới như hiện nay thì công nhân trong các ngành dịch vụ của nước ta còn thấp (chiếm 24,5%), chưa đáp ứng tốt yêu cầu của CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi sự tăng nhanh và mạnh của các ngành dịch vụ (và theo đó là công nhân trong các ngành dịch vụ) có ý nghĩa rất lớn, nó đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nền kinh tế ở một quốc gia, và cũng là điều kiện để họ tiến vào nền kinh tế tri thức. Hiện nay, ở các nước tư bản phát triển: tỷ lệ lao động và tỷ lệ giá trị trong các ngành ở nhóm I (bao gồm nông, lâm, ngư nghiệp) và nhóm II (bao gồm khai thác, chế tạo, xây dựng) theo diễn biến của thời gian suy giảm mạnh và nhóm III (ngành dịch vụ và công nghệ cao) tăng lên nhanh chóng. Sự thay đổi của cơ cấu kinh tế đã dẫn đến sự thay đổi cơ cấu lao động trong xã hội nói chung và cơ cấu GCCN nói riêng. Nếu như vào những năm 1950 ở các nước tư bản phát triển tỷ lệ các ngành nhóm I chiếm tới 50% tổng giá trị sản phẩm quốc gia và chiếm từ 55 đến 70% lực lượng lao động thì đến nay, tỷ trọng nhóm ngành I chỉ còn chiếm 2% trong tổng số giá trị sản phẩm quốc nội và chiếm 2 - 5% lực lượng lao động ở các nước Âu - Mỹ. Tỷ trọng của nhóm ngành II
chỉ còn chiếm trên dưới 30% ở các nước Tây Âu [45, tr.34]. Nhóm ngành III đã trở thành lĩnh vực sản xuất tương đối độc lập, bao gồm nhiều ngành sản xuất phi vật chất, không những tham gia vào việc sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, mà còn góp phần ngày càng lớn hơn và chiếm vị trí chủ đạo trong tổng giá trị sản phẩm quốc dân. Chính sự thay đổi này đã tạo ra một diện mạo mới cho các nước tư bản phát triển, đưa các nước này bước vào thời kỳ mới mà theo như Alvin Toffler (nhà tương lai học người Mỹ) gọi đó là “nền văn minh hậu công nghiệp”.
Như vậy, cơ cấu ngành nghề của nước ta so với những năm trước đổi mới đã có những chuyển biến đáng kể theo chiều hướng tích cực. Song, những chuyển biến đó vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của đất nước. Trong thời gian tới, nhu cầu khách quan của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH là tăng nhanh các ngành công nghiệp mũi nhọn, các ngành dịch vụ, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại. Theo đó, cơ cấu ngành trong GCCN sẽ có sự chuyển biến tích cực, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới, từng bước đưa nước ta tiến vào nền kinh tế tri thức.