kinh tế theo hướng hiện đại
Khi luận chứng về nguồn gốc ra đời và sứ mệnh lịch sử của GCCN, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định vai trò của đại công nghiệp, của lực lượng sản xuất. Rằng, đại công nghiệp đã sản sinh ra GCCN, đồng thời cũng sản sinh ra cơ sở vật chất, thông qua đó, GCCN tác động vào tiến trình phát triển xã hội như một lực lượng chủ đạo. GCCN chính là “con đẻ” của nền công nghiệp hiện đại. Tất nhiên, cần phải nhận thức rằng “đại công nghiệp” hay “đại công nghiệp cơ khí” thời kỳ C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin khác xa so với “đại công nghiệp” trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, dù có đổi thay về trình độ và mức độ phát triển, song đại công nghiệp vẫn là điều kiện, là cơ sở khách quan quy định thuộc tính và vai trò lịch sử của GCCN. Mỗi bước tiến của công nghiệp sẽ là sự phát triển tương ứng về số lượng và chất lượng của GCCN; đó cũng là điều kiện để GCCN sớm hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Ở nước ta hiện nay, muốn phát triển, hoàn thiện cơ cấu GCCN chẳng có con đường nào khác ngoài con đường CNH, HĐH. Như tác giả đã phân tích ở phần trên, CNH, HĐH tác động rất lớn đến sự phát triển, biến đổi cơ cấu chất lượng và số lượng của GCCN. Nó làm tăng cơ cấu số lượng, làm phong phú cơ cấu ngành nghề và thay đổi cơ cấu chất lượng GCCN theo chiều hướng tích cực. Công cuộc CNH, HĐH và sự phát triển của GCCN có mối quan hệ biện chứng với nhau. CNH, HĐH sẽ tạo ra tiền đề, điều kiện, môi trường để phát triển công nhân; ngược lại sự thành bại của sự nghiệp
CNH, HĐH sẽ tùy thuộc vào sự lớn mạnh của GCCN.
Trong bối cảnh đất nước ta hiện nay, đẩy mạnh CNH, HĐH phải gắn với phát triển kinh tế tri thức. Kinh tế tri thức là một bước phát triển ở trình độ cao của lực lượng sản xuất, nó hoàn toàn phù hợp với quan hệ sản xuất XHCN. Quan hệ sản xuất XHCN chính là mảnh đất màu mỡ của kinh tế tri thức trong hiện tại và tương lai.
Trong Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã nhận định xu hướng phát triển kinh tế thế giới: Toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Như vậy, trong những năm tới, khoa học - công nghệ sẽ tiếp tục có những bước phát triển nhảy vọt, vai trò của kinh tế tri thức sẽ ngày càng nổi bật. Vì vậy, CNH, HĐH ở nước ta hiện nay không chỉ đơn giản là tăng tốc độ và tỉ trọng của sản suất trong nền kinh tế mà còn là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng nhanh những ngành kinh tế có hàm lượng tri thức cao. Các ngành kinh tế mới: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, hàng không, bưu chính viễn thông, ngân hàng, dầu khí, thương mại, dịch vụ… sẽ gia tăng, tạo ra nhiều chỗ làm việc, thu hút ngày càng nhiều lực lượng lao động vào GCCN.
Cùng với quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức, chúng ta cũng cần tận dụng tốt những ưu thế mà quá trình toàn cầu hóa kinh tế hiện nay mang lại. Chủ động trong giao lưu kinh tế, đất nước ta sẽ có điều kiện tiếp thu khoa học - công nghệ tiên tiến từ những nước phát triển để hình thành các ngành công nghiệp mới, hiện đại, tăng mạnh sản phẩm chế tác, các ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế quốc dân… Thực tế này sẽ làm xuất hiện thêm nhiều bộ phận mới trong cơ cấu GCCN. Từ đó, cơ cấu ngành nghề của GCCN sẽ có những biến đổi mạnh mẽ theo hướng tích cực.
Đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức và tận dụng tốt những ưu thế từ quá trình toàn cầu hóa sẽ tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu nền kinh tế nước ta. Trước hết là cơ cấu ngành kinh tế. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là Đảng và Nhà nước ta cần phải có những chủ trương, giải pháp phù hợp để tạo ra sự dịch chuyển cơ cấu ngành kinh tế theo hướng hiện đại, hợp lý.
Một cơ cấu ngành kinh tế được coi là hiện đại trong điều kiện nước ta hiện nay đòi hỏi công - nông nghiệp - dịch vụ phát triển mạnh mẽ, hợp lý và đồng bộ. Theo đó, chúng ta sẽ có cơ cấu GCCN được phân bổ hài hòa giữa các ngành kinh tế, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tiến trình CNH, HĐH đất nước.
Như đã phân tích ở trên, hiện nay phần lớn công nhân nước ta vẫn tập trung trong các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến và gia công cho nước ngoài. Số lượng công nhân trong các ngành dịch vụ có tính chất công nghiệp tuy có tăng, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế. Số lượng công nhân trong ngành nông nghiệp còn ít, trong khi Đảng ta xác định nội dung trước hết của quá trình CNH, HĐH là: đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Điều này thể hiện sự phát triển chưa cân đối và đồng bộ về số lượng công nhân giữa các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế thời gian tới chúng ta cần tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp chế tạo có tính nền tảng và các ngành công nghiệp có lợi thế; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng đạt trình độ công nghệ, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới, phát triển mạnh các ngành dịch vụ. Giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế quốc dân, phấn đấu đến năm 2015 cơ cấu GDP
của nước ta là: “nông nghiệp 17 - 18%, công nghiệp và xây dựng 41 - 42%, dịch vụ 41 - 42%” [25, tr.190].
Để thực hiện thành công mục tiêu trên, vấn đề thứ nhất là cần phát triển mạnh công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, tạo nền tảng cho một nước công nghiệp.
Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp cả về ngành kinh tế kỹ thuật, vùng và giá trị mới. Tăng hàm lượng khoa học - công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm. Phát triển có chọn lọc công nghiệp chế biến, chế tác, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, khai khoáng, luyện kim, hóa chất, công nghiệp quốc phòng. Chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, năng lượng sạch và vật liệu mới đi đôi với áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu. Từng bước phát triển công nghiệp sinh học và công nghiệp môi trường. Tiếp tục phát triển phù hợp các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm, nhóm sản phẩm tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn và hiệu quả cao; hoàn thành việc xây dựng các khu công nghệ cao và triển khai xây dựng một số khu nghiên cứu cải tiến kỹ thuật và đổi mới công nghệ.
Phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Nhanh chóng tiếp cận và làm chủ công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực công nghiệp xây lắp đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước và đấu thầu quốc tế. Phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu chất lượng cao.
Thứ hai, đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một nội dung quan trọng hàng đầu của quá trình CNH, HĐH ở nước ta. Bởi, chiến lược CNH, HĐH, giải quyết công bằng xã hội phải đi liền với phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nước ta hiện có khoảng 75% dân số đang sống ở nông thôn, nhiều tiềm năng về đất đai, tài nguyên, nhân lực chưa được khai thác hết. Do vậy cần phải đầu tư nhiều hơn để nâng cao năng suất lao động nông nghiệp, giải phóng sức lao động nông nghiệp, chuyển các lao động đó sang hoạt động ngành nghề dịch vụ, nghề thủ công và nghề truyền thống…
Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là điều kiện tiên quyết để chúng ta rút bớt lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Sự di chuyển lực lượng lao động nông nghiệp sang hoạt động công nghiệp và dịch vụ là một tất yếu khách quan do lợi thế so sánh sẽ làm tăng nhanh về số lượng và chất lượng của GCCN. Quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cũng sẽ làm ra đời bộ phận công nhân nông nghiệp, có trình độ cao, tay nghề vững vàng, tạo ra sự chuyển biến quan trọng trong việc tăng năng suất, chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, góp phần thay đổi diện mạo của vùng nông thôn Việt Nam.
Quan trọng nhất trong phát triển nông nghiệp ở nước ta hiện nay là: đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm phát huy cao hơn lợi thế tự nhiên; thỏa mãn yêu cầu ngày càng cao, đa dạng của thị trường trong và ngoài nước; hình thành những vùng chuyên canh với diện tích lớn, năng suất, chất lượng cao; đưa nền sản xuất nông nghiệp vốn nhỏ lẻ, manh mún của nước ta đi lên nền sản xuất lớn theo hướng hiện đại. Đây chính là điều kiện quan trọng để hình thành đội ngũ công nhân nông nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của đất nước. Chiến lược CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn cần chú trọng đầu tư vào các ngành chế biến nông - lâm - thủy sản và các ngành hỗ trợ cho nông nghiệp để tạo ra sự phát triển cân bằng.
Thứ ba, phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là các dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng lớn và có sức cạnh tranh.
Tập trung sức phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như: Du lịch, hàng hải, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, y tế... Hình thành một số trung tâm dịch vụ, du lịch có đẳng cấp khu vực. Đa dạng hoá sản phẩm và các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng để đạt đẳng cấp quốc tế. Hiện đại hoá và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, logistics và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác. Phát triển mạnh dịch vụ khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hoá, thông tin, thể thao, dịch vụ việc làm và an sinh xã hội. Đây là điều kiện hàng đầu để gia tăng số lượng công nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, hướng tới xây dựng một cơ cấu ngành hiện đại, hợp lý trong GCCN.
Tóm lại, sự phát triển hợp lý của cơ cấu ngành kinh tế theo hướng hiện
đại sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu ngành của GCCN, là động lực quan trọng để GCCN thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình và cũng là điều kiện, tiền đề cần thiết để đất nước ta đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Với những giải pháp phát triển trên, GCCN sẽ được bổ sung thêm bộ phận công nhân trong các ngành công nghiệp có trình độ cao, những ngành dịch vụ, công nghệ mũi nhọn tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam bước vững vàng tiến bước vào nền kinh tế tri thức. Bên cạnh đó là sự tăng lên của bộ phận công nhân nông nghiệp với trình độ và kỹ thuật tiến tiến, hiện đại sẽ đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.