Xây dựng GCCN lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị cũng như bản thân mỗi người công nhân, trong đó, vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước có tác động trực tiếp đến sự phát triển, biến đổi của cơ cấu GCCN Việt Nam.
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi mới ra đời đã khẳng định bản chất GCCN của mình. GCCN Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng và thực chất sự lãnh đạo này, trước hết là thông qua vai trò của Đảng. Vì thế, xây dựng GCCN lớn mạnh là vấn đề sống còn đối với Đảng và chế độ; là mối quan tâm, mong đợi của GCCN và của toàn xã hội.
Sau 25 năm đổi mới, đặc biệt là trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH từ Đại hội VIII (1996) đến nay, GCCN nước ta phát triển nhanh, có những chuyển biến tích cực cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Tuy nhiên, GCCN nước ta còn có những hạn chế, yếu kém nhất định. Nhận thức rõ được thực trạng này, nên Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng luôn quan tâm, xây dựng GCCN lớn mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu của công cuộc đổi mới xây dựng đất nước. Những quan điểm chỉ đạo, đường lối phát triển GCCN của Đảng luôn kịp thời trước sự biến chuyển về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; vì thế, có tác động không nhỏ tới sự biến động về cơ cấu GCCN.
Chủ trương đổi mới, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức là những quan điểm đúng đắn, tác động trực tiếp tới sự biến đổi cơ cấu GCCN. Sớm xác định vai trò, vị trí của GCCN trong bối cảnh lịch sử mới, từ đó đưa ra những nhận thức mới về giai cấp này là những chuyển biến tích cực để xây dựng GCCN Việt Nam lớn mạnh.
Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tiếp tục xây dựng GCCN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đã xác định mục tiêu: Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng, có cơ cấu đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, ngày càng được trí thức hóa; có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức; thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; có giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cao. Mục tiêu này đặt vấn đề xây dựng GCCN là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có vấn đề xây dựng cơ cấu GCCN - một trong những tiền đề để nâng cao chất lượng GCCN. Nó sẽ góp phần hình thành một cách nhanh chóng bộ phận công nhân có trình độ học vấn cao, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, tiến tới trí thức hóa GCCN.
Các chủ trương, phương hướng phát triển GCCN của Đảng tạo ra triển vọng to lớn cho sự phát triển mạnh mẽ của GCCN nước ta, đồng thời cũng đòi hỏi GCCN phải nỗ lực vươn lên để đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Chính sách của Nhà nước
Chức năng cơ bản của Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật; tổ chức, điều hành, thực thi chính sách, pháp luật, nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Năng lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước sẽ tác động trực tiếp đến sự biến động cơ cấu GCCN.
Cùng với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong những năm qua, Nhà nước ta đã bổ sung, sửa đổi, ban hành nhiều chính sách tích cực, qua đó góp phần xây dựng và hoàn thiện cơ cấu GCCN. Cụ thể:
chính sách mở rộng, thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam làm xuất hiện ngày càng nhiều các công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng công nhân trong khu vực kinh tế này, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong cơ cấu thành phần kinh tế của GCCN. Thêm vào đó là chính sách phát triển giáo dục, đẩy mạnh đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong cơ cấu chất lượng của GCCN. Tỷ lệ công nhân đã qua đào tạo có trình độ tay nghề cao đang tăng lên rõ rệt. Vấn đề lao động, việc làm, tiền lương, an toàn lao động của công nhân cũng được Nhà nước quan tâm, chú trọng thông qua việc bổ sung, sửa đổi và xây dựng các điều luật có liên quan trực tiếp đến lợi ích thiết thân của GCCN: Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động…
Như vậy, sự phát triển của cơ cấu GCCN Việt Nam phụ thuộc lớn vào nhân tố chính trị, nghĩa là phụ thuộc vào năng lực đề ra đường lối, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả lãnh đạo của Đảng và khả năng quản lý, điều hành của Nhà nước.
Tóm lại, sự biến đổi cơ cấu GCCN Việt Nam trong thời gian qua là do
tác động của rất nhiều nhân tố. Trong đó, có thể nói, nhân tố giữ vai trò quan trọng, quyết định chính là đường lối CNH, HĐH theo cơ thị trường định hướng XHCN; sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước giữ vai trò quyết định trực tiếp tới những biến đổi trong cơ cấu GCCN. Toàn cầu hóa và kinh tế tri thức là những nhân tố góp phần thúc đẩy và tạo điều kiện cho GCCN Việt Nam tăng nhanh về số lượng, phong phú về cơ cấu ngành nghề và nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Vì vậy, để xây dựng cơ cấu GCCN hài hòa và hợp lý chúng ta cần chú ý đến các nhân tố trên, trên cơ sở phát huy những tác động tích cực và ngăn ngừa, giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực.