nhanh và có nhiều biến động
Kinh tế trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước là một khu vực rộng lớn trong nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hiện nay. Khu vực kinh tế này bao gồm: hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần (nếu có vốn nhà nước thì không phải là vốn chi phối), doanh nghiệp tư nhân… Trong quá trình phát triển, nó đã phải trải qua nhiều bước thăng trầm. Trước đổi mới, các doanh nghiệp ngoài nhà nước phần nhiều là làm ăn nhỏ lẻ, chậm phát triển. Sau đổi mới, kinh tế ngoài nhà nước có sự phát triển mạnh mẽ, tăng nhanh cả về quy mô và lực lượng công nhân lao động. Theo số liệu thống kê năm 2005 nước ta có 105.167 doanh nghiệp ngoài nhà nước với gần
2,98 triệu công nhân. Chỉ sau 4 năm, đến năm 2009 tăng lên thành 238.932 doanh nghiệp đang hoạt động với gần 5,3 triệu công nhân chiếm 59,5% tổng số công nhân của cả nước [50, tr.181,190]. Như vậy, so với năm 2005 thì năm 2009 số doanh nghiệp ngoài nhà nước đã tăng trên 2,27 lần và số công nhân tăng gần 1,78 lần. Số lượng doanh nghiệp và công nhân khu vực ngoài nhà nước tăng chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương… Đội ngũ công nhân này phát triển tập trung ở một số ngành sản xuất chủ yếu như: dệt may, giầy da, chế biến thủy sản và các ngành dịch vụ, thương mại…
Có thể nói, các doanh nghiệp ngoài nhà nước luôn nằm trong khu vực kinh tế có nhiều biến động nhất, do đó, tình hình công nhân không ổn định. Phần lớn các doanh nghiệp tư nhân vốn không lớn, không mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ (nhất là ở các địa phương, các doanh nghiệp nhỏ và vừa) nên không đảm bảo được việc làm thường xuyên cho người lao động. Công nhân trong các doanh nghiệp này hầu như chỉ làm việc theo thời vụ, làm việc lưu động… Vì thế, vấn đề tổ chức công đoàn, thực hiện các quy định của Luật lao động, vấn đề giáo dục, đào tạo… cũng gặp nhiều khó khăn. Hơn thế, việc nắm bắt những diễn biến về số lượng, chất lượng của đội ngũ công nhân trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước là tương đối khó. Những số liệu đưa ra chỉ mang tính chất tương đối và “tính thời sự” của chúng mất đi rất nhanh do sự biến đổi liên tục, nhiều hướng trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp cũng như quá trình tìm kiếm việc làm thích hợp của người công nhân.