việc làm
Việc làm là vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của công nhân, nó là một trong những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội rất nhạy cảm và là một trong những yếu tố cơ bản, quan trọng tác động đến xây dựng, phát huy vai trò của GCCN Việt Nam. Không thể có một GCCN lớn mạnh khi việc làm của công nhân thiếu hoặc không ổn định.
Trong thời gian qua, Nhà nước ta đã có hàng loạt cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, phát triển kinh tế - xã hội, tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động như: Luật Doanh nghiệp, Luật khuyến khích đầu tư, nhờ đó, những năm gần đây mỗi năm đã có gần 20.000 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập, đi vào hoạt động đã tạo ra được khoảng trên 1,5 triệu việc làm mới mỗi năm, góp phần giảm đáng kể sức ép về việc làm trong xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện mới, chúng ta vẫn chưa có cơ chế, chính sách đồng bộ nhằm khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực thu hút nhiều lao động, khuyến khích các dự án đầu tư có quy mô lớn. Thực tế, trong thời gian qua hầu hết các dự án đầu tư ở nước ta có quy mô nhỏ và rất nhỏ, số lao động phổ biến chỉ đạt dưới 50 người/dự án. Vì vậy, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho công nhân phải tập trung vào các nội dung trọng tâm sau:
Tập trung xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật để đẩy mạnh CNH, HĐH, phát triển kinh tế nhiều thành phần, giải phóng mọi tiềm năng của cá nhân, tập thể và toàn xã hội để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tạo nhiều cơ hội về việc làm cho người lao động.
Về việc làm, nhà nước cần quan tâm chính sách tạo điều kiện và môi trường thu hút các nguồn lực trong nhân dân, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho đầu tư phát triển các loại hình doanh nghiệp để thu hút ngày càng nhiều lao động vào làm việc. Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện
chính sách khuyến khích phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hướng vào phát triển sản xuất hàng xuất khẩu.
Cần có chính sách đào tạo, đào tạo lại cho công nhân, nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu cấp bách về nguồn lao động có chất lượng cao.
Để tạo điều kiện cho người lao động tìm được việc làm mới trong giai đoạn hiện nay, cần thiết phải nâng cao trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp và khả năng tiếp thu công nghệ tiên tiến của công nhân. Vì vậy, Nhà nước cần tập trung xây dựng chiến lược giáo dục, đào tạo, đáp ứng được yêu cầu mới của sự ngiệp CNH, HĐH đất nước, giải quyết việc làm cho người lao động. Trước mắt, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đào tạo, đào tạo lại, đáp ứng yêu cầu cấp bách về nguồn lao động có chất lượng cao, có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào giới thiệu và cung cấp thông tin về việc làm. Cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện phát và triển thị trường lao động, làm cho mọi người có sức lao động đều có cơ hội học nghề và tìm việc làm thích hợp, có thu nhập thỏa đáng, tương xứng với sức lao động bỏ ra.
Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm.
Hiện nay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã được thành lập và đi vào hoạt động, tuy nhiên quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu về giải quyết việc làm, vì vậy, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích phát triển tài chính, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm ở cơ sở. Mô hình này hiện nay đang được thực hiện có hiệu quả ở thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và một số địa phương khác.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường lao động, tạo khung pháp lý phù hợp, đảm bảo đối xử bình đẳng giữa người sự dụng lao động và người lao động.
Hoàn thiện pháp luật lao động theo hướng tiếp tục giải phóng sức lao động, phát huy tối đa tiềm năng con người, nhất là nguồn nhân lực, công nhân kỹ thuật lành nghề, chuyên gia giỏi trên cơ sở tự do hóa trong lao động, tăng tính linh hoạt, cơ động và thích ứng của lao động trong thị trường lao động.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành kinh tế - kỹ thuật, các vùng kinh tế trọng điểm gắn với phát triển, phân bố và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trên phạm vi cả nước, các khu vực, các vùng và các tỉnh, thành phố.
Tiếp tục cải cách hành chính, trước hết là tăng cường phân cấp, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý Nhà nước về lao động, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch; đơn giản các thủ tục hành chính trong cấp phép cho các dịch vụ cung ứng xuất khẩu lao động, tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động lành mạnh trong doanh nghiệp và cho sự chuyển dịch lao động.
Hoàn thiện hệ thống giao dịch của thị trường lao động.
Quy hoạch và phát triển rộng khắp các cơ sở giới thiệu việc làm ở các địa phương để người lao động dễ tiếp cận; đầu tư hiện đại hóa 3 trung tâm, 3 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc, Trung, Nam) đạt tiêu chuẩn các nước trong khu vực. Sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để thực hiện giao dịch lành mạnh, hiệu quả và chuyên nghiệp, chống tiêu cực, nhất là lừa đảo lao động.
Đa dạng hóa các kênh giao dịch trên thị trường lao động (thông tin, quảng cáo, hội chợ việc làm…) tạo điều kiện cho các giao dịch trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia và nối mạng, trước hết ở các vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn, các khu công nghiệp tập trung cho xuất khẩu lao động. Xây dựng trạm quan sát
thông tin thị trường lao động trên địa bàn cả nước để thu thập và phổ biến thông tin thị trường lao động đầy đủ, kịp thời.
Thiết lập hệ thống kết nối giữa định hướng nghề nghiệp cho thanh niên với hệ thống đào tạo, dạy nghề; giữa hệ thống thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động với với doanh nhiệp để nối cung - đào tạo, dạy nghề và cầu lao động.
Mục tiêu cơ bản trong phát triển thị trường lao động ở nước ta thời gian tới là phải đạt được sự phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động theo quy luật khách quan, lành mạnh, ổn định; khuyến khích sự đồng thuận trong thương lượng, thỏa thuận để phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Lao động làm công ăn lương tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng theo cơ cấu ngành nghề phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế, các vùng, các khu vực và xuất khẩu lao động. Nâng cao khả năng cạnh tranh của lao động trên thị trường lao động trong nước; đảm bảo lợi thế cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế trong quá trình hội nhập. Tăng cường sự quản lý của Nhà nước về thị trường lao động bằng pháp luật, kiểm tra, thanh tra, đảm bảo thực thi pháp luật lao động; đồng thời có giải pháp, chính sách có tính “bà đỡ” cho thị trường lao động.
Phát triển thị trường lao động phải hướng vào tự do hóa mạnh hơn về chuyển dịch lao động, trước hết là trình độ thấp sang trình độ cao, giữa các khu vực kinh tế, các vùng kinh tế, tạo điều kiện để phát triển thị trường lao động trên phạm vi cả nước và mở rộng ra thị trường khu vực và quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế, ngành kinh tế, nhất là nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH và hội nhập; phát triển mạnh khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, ngành dịch vụ… nơi mở ra khả năng to lớn thu hút lao động làm công ăn lương có tay nghề, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để thúc đẩy thị trường lao động phát triển.