Thế giới ngày nay đang chứng kiến sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, mang lại những biến đổi hết sức sâu sắc trong lịch sử nhân loại, làm thay đổi tận gốc mọi hoạt động trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nền kinh tế thế giới đã và đang có sự biến đổi về chất và về cơ cấu, chức năng, phương thức hoạt động. Lực lượng sản xuất của xã hội loài người đang chuyển từ kinh tế tài nguyên sang kinh tế tri thức, trong đó tri thức chính là một trong những nền tảng vững chắc của sự phát triển; văn minh loài người chuyển từ văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ.
Theo tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong nền kinh tế tri thức, những ngành có tác động to lớn tới sự phát triển là những ngành dựa nhiều vào tri thức, dựa vào các thành tựu mới của khoa học - công nghệ. Đó là những ngành kinh tế mới, dựa trên công nghệ cao như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và cả những ngành kinh tế truyền thống như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ được ứng dụng khoa học - công nghệ cao. Như vậy, những tiên đoán của C.Mác và Ph.Ănghen: “tri thức sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp”; “giá trị của lao động cơ bắp trong sản phẩm làm ra sẽ giảm còn cực nhỏ”; “sự xuất hiện của công nhân khoa học”… đang dần trở thành hiện thực.
Đối với Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác, kinh tế tri thức vẫn là vấn đề mới mẻ. Tuy nhiên, chúng ta đã nhận thức rõ đây là cơ hội quý báu để nước ta đẩy nhanh CNH, HĐH, rút ngắn khoảng cách so với các
nước trong khu vực và trên thế giới. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta đã dự đoán: “Thế kỷ XXI sẽ tiếp tục có nhiều biến đổi. Khoa học và công nghệ sẽ có bước tiến nhảy vọt. Kinh tế tri thức có vai
trò ngày nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất” [22, tr.64].
Trên cơ sở đó, Đảng đã xác định nhiệm vụ quan trọng là “từng bước phát triển kinh tế tri thức” để rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước. Phát triển nền kinh tế tri thức đòi hòi chúng ta phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ quan trọng: vừa chuyển biến nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và vừa chuyển nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức. Do đó, quá trình hình thành nền kinh tế tri thức như là một cuộc cách mạng làm biến đổi toàn diện, sâu sắc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta. GCCN Việt Nam với tư cách vừa là bộ phận cấu thành xã hội, vừa là bộ phận quan trong nhất của lực lượng sản xuất xã hội sẽ có những biến đổi to lớn. Đó là sự tăng nhanh về số lượng và sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, đặc biệt là cơ cấu chất lượng trong GCCN. Cụ thể:
Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công nhân sẽ không ngừng tăng lên.
Thực tế, ở các nước đã chuyển sang nền kinh tế tri thức cho thấy, sự phát triển của khoa học - công nghệ, yêu cầu của nền kinh tế tri thức đã tác động và làm biến đổi sâu sắc cơ cấu GCCN về học vấn, trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ. Nước Mỹ là một ví dụ điển hình. Cách đây 20 năm, “nông dân Mỹ chiếm 5% số dân; công nhân cổ xanh (lao động chân tay) chiếm 20%, còn lại công nhân cổ trắng, cổ vàng (lao động trí óc) chiếm 60- 70%. Hiện nay, nông dân chỉ còn 3%. Lao động chân tay còn 10%. Còn lao động trí óc, công nhân trí thức tăng lên đến 85%” [51, tr.271-272].
Ở nước ta hiện nay, kinh tế tri thức sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ. Nền kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng cơ cấu kinh tế được tổ chức
trên cơ sở sản xuất hàng hóa, dịch vụ linh hoạt dựa vào công nghệ cao; khoa học - công nghệ từng bước trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp; sự tăng trưởng kinh tế ở các ngành chủ yếu dựa trên tri thức, các ngành sản suất công nghệ trong tương lai sẽ trở thành loại hình sản xuất quan trọng nhất, tiên tiến nhất. Vì vậy, thực tiễn đòi hỏi GCCN Việt Nam phải không ngừng học hỏi để vươn lên về trình độ học vấn, tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ. Mặt khác, chính quá trình phát triển kinh tế tri thức sẽ tạo ra nhiều cơ hội, điều kiện, môi trường để GCCN Việt Nam vươn lên về trình độ học vấn, trình độ tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó là sự phát triển và mở rộng về quy mô, chất lượng cũng như hình thức đào tạo của hệ thống giáo dục đại học, sau đại học ở Việt Nam hiện nay là một điều kiện rất thuận lợi cho người công nhân có điều kiện học tập để nâng cao trình độ. Thực tế này sẽ làm cơ cấu chất lượng của GCCN Việt Nam diễn ra biến đổi sâu sắc: tỷ lệ công nhân có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao và sự giảm đi tương đối của bộ phận công nhân có trình độ thấp, không đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế tri thức.
Sự ra đời và phát triển mạnh của đội ngũ công nhân trí thức
Theo phép biện chứng của lịch sử, nền văn minh công nghiệp đã sản sinh ra GCCN hiện đại thì nền văn minh trí tuệ cũng sẽ tất yếu sản sinh ra công nhân trí thức. Họ là những người có trình độ từ đại học trở lên và công việc của họ là vận dụng kiến thức chuyên môn của mình để tham gia điều hành một cách gián tiếp nền sản xuất. Trước đây, những người công nhân loại này có số lượng quá ít và thường bị các nhà kinh tế xử lý biệt lập trong quá trình nghiên cứu về lực lượng lao động. Nhưng hiện nay, họ đã trở thành lực lượng chiếm tỷ lệ lớn dần trong lao động và đang dần thay thế công nhân “cổ xanh”. Như vậy, có thể nói, lực lượng lao động cơ bản, chủ yếu trong nền kinh tế tri thức là công nhân “cổ trắng” và “cổ vàng” (hay công nhân trí thức),
công nhân “cổ xanh” ngày một giảm đi.
Việt Nam, với chủ trương thực hiện CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức sẽ thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của đội ngũ công nhân trí thức. Chủ trương trí thức hóa GCCN để xây dựng GCCN hiện đại đang dần dần trở thành hiện thực. Bởi, do có sự đáp ứng kịp thời của các trường dạy nghề; do sự di chuyển một bộ phận khá lớn sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm sang các lĩnh vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp; do người lao động phấn đấu vươn lên qua con đường tự học, học từ xa, học tại chức, học liên thông… Và lý do quan trọng nhất là, chính nhu cầu thực tiễn của nền kinh tế tri thức trở thành một động lực thúc đẩy sự ra đời đội ngũ công nhân hiện đại phù hợp với nó. Vì thế, Đảng, Nhà nước, Công đoàn cần nắm bắt được nhu cầu này và thể hiện trong đường lối, chính sách để xây dựng GCCN hiện đại.
Bên cạnh những tác động tích cực, kinh tế tri thức cũng có những tác động tiêu cực đến cơ cấu GCCN.
Thứ nhất, một bộ phận công nhân có thể trở thành thất nghiệp hoặc bổ
sung vào đội quân lao động dự bị. Thực tế cho thấy, khi phát triển kinh tế tri
thức, cơ cấu ngành kinh tế sẽ có những biến động mạnh. Một số ngành công nghiệp truyền thống sẽ giảm dần, trong khi đó số ngành dịch vụ, và những ngành sử dụng khoa học - kỹ thuật - công nghệ tiên tiến sẽ gia tăng. Do vậy, bên cạnh một bộ phận công nhân theo kịp yêu cầu của thời đại, sẽ có một bộ phận không nhỏ bị tụt hậu, không có khả năng phát triển hoặc biến đổi để thích nghi kịp với sự biến đổi cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ học vấn của GCCN hiện đại, nên sẽ bị bật ra khỏi quỹ đạo sản xuất.
Thứ hai, sự phân hóa thu nhập trong GCCN diễn ra ngày càng sâu sắc.
Đó là sự phân hóa về thu nhập giữa công nhân lành nghề, bậc cao so với công nhân bậc thấp, lao động giản đơn; giữa công nhân làm việc trong các ngành
kinh tế mũi nhọn, chủ lực, các ngành dịch vụ công nghệ cao với các ngành bình thường; giữa công nhân làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp tư nhân… Đây là vấn đề mà chính sách xã hội của Nhà nước cần phải quan tâm giải quyết để tránh tình trạng phân hóa trong nội bộ GCCN làm giảm đi tính thống nhất của giai cấp này.
Tóm lại, kinh tế tri thức sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất truyền thống; tri thức, khoa học - kỹ thuật - công nghệ sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Vì vậy, GCCN Việt Nam với kinh nghiệm và trí tuệ của mình, buộc phải thay đổi để thích ứng với những thay đổi của khoa học - kỹ thuật - công nghệ. Sự thay đổi đó, lẽ đương nhiên sẽ tạo ra những biến đổi trong cơ cấu GCCN. Kinh tế tri thức sẽ tạo ra một đội ngũ những người công nhân có trí tuệ, trình độ tay nghề cao và do đó đem lại một bước nhảy vọt về năng suất lao động, đẩy mạnh quá trình “trí thức hóa công nhân”. Bên cạnh đó, kinh tế tri thức cũng sẽ đào thải một bộ phận công nhân có trình độ học vấn, chuyên môn thấp, không theo kịp sự phát triển của khoa học - kỹ thuật - công nghệ.