Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Một phần của tài liệu Cơ cấu giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay-Thực trạng và giải pháp (Trang 33 - 40)

hướng xã hội chủ nghĩa

Đặc điểm lớn nhất trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta là đi từ nền sản xuất nhỏ, nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH không qua giai đoạn phát triển TBCN. Vì thế, ngay từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9- 1960), Đảng ta đã khẳng định: muốn cải biến tình trạng lạc hậu của nền kinh tế, không có con đường nào khác ngoài con đường công nghiệp hóa XHCN và cũng xác định công nghiệp hóa XHCN là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Tại Đại hội IV, V, VI, Đảng ta tiếp tục khẳng định, cụ thể hóa và hiện thực hóa từng bước đường lối công nghiệp hóa. Tuy nhiên, có thể nói, suốt một thời gian dài (từ 1960 - 1986) quan niệm và cách tiến hành công nghiệp hóa ở nước ta hầu như không thay đổi, chủ yếu

tập trung phát triển công nghiệp nặng.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược về công nghiệp hóa, từ ưu tiên phát triển công nghiệp nặng sang lấy nông nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu làm trọng tâm. Đến Hội nghị Trung ương 7 khóa VII (1-1994), Đảng ta đã có bước đột phá trong nhận thức về công nghiệp hóa. Bước nhận thức này thể hiện trước hết ở nhận thức về khái niệm công nghiệp hóa. Theo đó: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa được hiểu là quá trình chuyển đổi căn bản toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính, sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại, dựa trên sự phát triển công nghiệp và tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo ra

năng suất lao động xã hội cao” [14, tr.42].

Đến đại hội VIII (6-1996), nhìn lại đất nước sau mười năm đổi mới Đảng ta có nhận định quan trọng: đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Đây là sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức của Đảng ta về CNH, HĐH, cho phép chúng ta đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Sau đó, tại Đại hội IX (4-2001), Đại hội X (4-2006) và Đại hội XI (4- 2011), Đảng ta tiếp tục bổ sung và nhấn mạnh một số điểm mới về CNH, HĐH; trong đó điểm nổi bật là CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức. Bởi, nước ta thực hiện CNH, HĐH khi trên thế giới, kinh tế tri thức đã phát triển. Do đó, chúng ta có thể và cần thiết không phải trải qua các bước phát triển tuần tự từ nền kinh tế nông nghiệp lên nền kinh tế công nghiệp rồi mới phát triển kinh tế tri thức. Đó là lợi thế của các nước đi sau, không phải là

nóng vội, duy ý chí. Vì vậy, Đại hội X của Đảng chỉ rõ: đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và của CNH, HĐH.

Việc đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng XHCN tác động sâu sắc và trực tiếp tới sự chuyển biến trong cơ cấu GCCN trên những khía cạnh sau:

Thứ nhất, CNH, HĐH làm tăng số lượng công nhân trong các thành phần kinh tế, ngành kinh tế.

Nếu như trước thời kỳ đổi mới, CNH, HĐH được tiến hành trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, lực lượng tiến hành công nghiệp hóa chỉ có Nhà nước, theo kế hoạch của Nhà nước thông qua các chỉ tiêu, pháp lệnh; thì sau thời kỳ đổi mới, CNH, HĐH được tiến hành trong nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN với nhiều thành phần kinh tế. Do đó, CNH, HĐH không phải chỉ là việc của Nhà nước mà là sự nghiệp của toàn dân, của mọi thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Sự ra đời của các thành phần kinh tế cùng với nhiều hình thức sở hữu đã làm xuất hiện nhiều loại hình doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… thu hút hàng triệu lao động mỗi năm. Thêm vào đó, việc mở cửa thị trường, tạo điều kiện cho sự phát triển của các hình thức hợp tác, liên doanh với nước ngoài cũng đặt ra yêu cầu tăng nhanh về số lượng của GCCN trong các ngành, các thành phần kinh tế.

CNH, HĐH còn là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng phát triển mạnh công nghiệp, tạo ra sự vượt trội của công nghiệp trong cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Do đó, trong những năm qua, tỷ trọng kinh tế nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân của nước ta ngày càng giảm dần; tỷ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ gia tăng mạnh mẽ. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự gia tăng về số lượng công nhân do có sự dịch chuyển

từ lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ có tính chất công nghiệp. Bảng số liệu sau đây thể hiện rất rõ thực tế này.

Bảng 1.1: Tỷ trọng GDP và sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong nền kinh tế.

Năm 1990 1995 2000 2005 2010

Tỷ trọng trong GDP (%)

Nông - Lâm – Thủy sản 38,1 27,2 24,5 20,9 20,6 Công nghiệp - Xây dựng 22,7 28,8 36,7 41,0 41,1

Dịch vụ 38,6 44,0 38,8 38,2 38,3

Chuyển dịch cơ cấu lao động (%)

Nông - Lâm – Thủy sản 73,0 71,1 68,2 56,8 48,2 Công nghiệp - Xây dựng 11,24 11,4 12,1 17,9 22,4

Dịch vụ 15,56 17,5 19,7 25,3 29,4

Nguồn: Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Tài liệu tham khảo

nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của

Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội 2006, tr.82 và Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài

liệu nghiên cứu các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng,

Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.105.

Thứ hai, CNH, HĐH làm phong phú cơ cấu ngành nghề của GCCN

Trước thời kỳ đổi mới, nội dung cơ bản trong đường lối công nghiệp hóa XHCN của Đảng ta là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Theo đó, công nhân chỉ có mặt trong những ngành nghề công nghiệp truyền thống: điện, than, cơ khí, luyện kim, hóa chất… Sau đổi mới, chúng ta đã có những chuyển biến quan trọng trong nhận thức về nội dung CNH, HĐH. Đó là quá trình trang bị và trang bị lại công nghệ tiên tiến, hiện đại cho tất cả các ngành kinh tế quốc dân; công nghiệp hóa không chỉ liên quan đến phát triển công

nghiệp mà còn bao trùm tất cả các ngành, các lĩnh vực hoạt động của đất nước. Vì thế, bên cạnh những ngành công nghiệp truyền thống, trong cơ cấu kinh tế của nước ta đã xuất hiện nhiều ngành công nghiệp mới, trong đó có những ngành công nghiệp mũi nhọn: chế biến lương thực, thực phẩm, khai thác và chế biến dầu khí, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu… Tiếp đó là sự xuất hiện của hàng loạt các ngành dịch vụ có tính chất công nghiệp: công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng… Sự phát triển này làm cho cơ cấu ngành nghề của GCCN nước ta có những chuyển biến tích cực và ngày càng trở nên phong phú và đa dạng. Bên cạnh những công nhân lao động trong các ngành công nghiệp truyền thống - công nghiệp nặng (phần lớn là “công nhân cổ xanh”), xuất hiện đông đảo đội ngũ công nhân hoạt động trong các ngành công nghiệp nhẹ, dịch vụ công nghiệp… (“công nhân cổ trắng” và “công nhân cổ vàng”). Điều này tạo hiệu quả tích cực cho việc phát triển hài hòa nền kinh tế, giúp chúng ta có thể đẩy nhanh tốc độ CNH, HĐH đất nước để tiến vào nền kinh tế tri thức.

Thứ ba, CNH, HĐH làm thay đổi cơ cấu chất lượng GCCN

CNH, HĐH với nội dung cơ bản là chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội từ chỗ theo những quy trình công nghệ thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến những quy trình công nghệ, phương tiện và phương pháp tiến tiến, hiện đại, dựa trên sự phát triển tiến bộ của khoa học - kỹ thuật - công nghệ, tạo ra năng suất lao động, hiệu quả, trình độ văn minh kinh tế - xã hội cao. Quá trình này sẽ góp phần rất quan trọng để nâng cao cơ cấu chất lượng của GCCN.

Quá trình chuyển giao công nghệ trong mối quan hệ hợp tác ngày càng mở rộng với nước ngoài dẫn đến nhiều khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp công nghệ cao, khu chế xuất được hình thành và đang từng bước phát triển. Trong các khu công nghiệp kỹ thuật công nghệ cao và khu chế xuất,

chúng ta chủ trương đầu tư theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến đã và đang làm thay đổi cấu trúc bên trong của các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa. Tiêu biểu là khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), khu chế xuất Linh Trung, Tân Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh), khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai), Sóng Thần (Bình Dương), Nomura (Hải Phòng), và khu công nghiệp Sài Đồng (Hà Nội)... Đây là những trung tâm công nghiệp lớn với kỹ thuật công nghệ hiện đại, là trường học lý tưởng cho việc đào luyện công nhân Việt Nam trên con đường hiện đại hóa và thực hiện hội nhập. Theo đó, trong GCCN sẽ xuất hiện và xuất hiện ngày càng nhiều bộ phận công nhân trí thức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đội ngũ kỹ sư giỏi, am tường khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại, có khả năng sáng tạo trong việc áp dụng những tiến bộ của của khoa học - kỹ thuật và có khả năng sáng chế những công nghệ hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Ý thức tổ chức kỷ luật của GCCN từ đó, cũng sẽ được nâng lên. “Tác phong công nghiệp” hình thành và ngày càng trở nên chuyên nghiệp thay cho “tác phong nông dân” đã tồn tại từ hàng nghìn đời ở người lao động Việt Nam. Thực tế này sẽ dẫn đến hiện tượng đào thải một bộ phận công nhân thấp về trình độ, năng lực, yếu kém về ý thức tổ chức và làm tăng lên bộ phận công nhân có trình độ cao, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt.

CNH, HĐH theo cơ chế thị trường vừa đặt ra yêu cầu phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ, vừa tạo tiền đề vật chất và cơ chế để khoa học - công nghệ nhanh chóng được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đem lại lợi nhuận cao cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính điều này cũng đặt ra yêu cầu và khuyến khích công nhân tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để thích ứng với sự đổi mới của khoa học - công nghệ, ổn định việc làm, tăng thu nhập. Đây cũng chính là cơ hội và điều kiện để chúng ta đặt ra vấn đề “trí thức hóa giai cấp công nhân”.

Như vậy, CNH, HĐH theo cơ chế thị trường đã làm thay đổi căn bản diện mạo của cơ cấu GCCN nước ta. Số lượng công nhân tăng đáng kể, cơ cấu ngành nghề trở nên phong phú, đa dạng, cơ cấu chất lượng được nâng cao. Có thể nói công cuộc CNH, HĐH đất nước và sự lớn mạnh của GCCN có mối quan hệ biện chứng với nhau. CNH, HĐH sẽ tạo ra tiền đề, điều kiện, môi trường để phát triển GCCN; và ngược lại, sự thành bại của công cuộc CNH, HĐH đất nước sẽ tùy thuộc vào sự lớn mạnh của GCCN.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đối với sự biến đổi cơ cấu GCCN, chúng ta cũng phải đối mặt với những bất cập xã hội trong GCCN do những tác động tiêu cực từ mặt trái của CNH, HĐH theo cơ chế thị trường. Một bộ phận công nhân sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm. Phân hóa giàu nghèo xuất hiện như là một tất yếu của cơ chế thị trường và ngày càng phát triển. Cơ chế quản lý thay đổi, hình thành cơ cấu kinh tế mới, nhiều thành phần vừa cạnh tranh vừa thống nhất. GCCN tham gia và các thành phần kinh tế khác nhau nên có thu nhập khác nhau. Chênh lệch thu nhập giữa các thành phần kinh tế trong điều kiện cạnh tranh của kinh tế thị trường đã tạo ra một bộ phận công nhân có thu nhập cao, có tích lũy, có sở hữu tư bản và một bộ phận công nhân có thu nhập thấp, chỉ đủ trang trải những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Từ đó, dẫn đến sự phân hóa trong nội bộ GCCN làm giảm tính thống nhất, đoàn kết ở giai cấp này. Đó là trở ngại về mặt xã hội tồn tại ngay trong GCCN trong quá trình thực hiện CNH, HĐH đất nước.

Trong những năm tới, CNH, HĐH theo cơ chế thị trường vẫn sẽ tác động đến sự biến đổi của cơ cấu GCCN theo cả hai chiều hướng: tích cực và tiêu cực. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần có những chính sách, giải pháp để gia tăng những tác động tích cực và giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực đến những biến đổi trong cơ cấu GCCN, tạo điều kiện cho giai cấp này hoàn thành thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước theo định hướng XHCN.

Một phần của tài liệu Cơ cấu giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay-Thực trạng và giải pháp (Trang 33 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)