Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Một phần của tài liệu QUY ĐỊNH VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ CỦA BRAZIL VÀ BÀI HỌC ĐỐI VỚI VIỆT NAM (Trang 68 - 70)

- Bằng chứng về thiệt hại hoặc nguy cơ thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa do hàng nhập khẩu bán phá giá gây ra.

b. Về phía doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam

3.3.1.2. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu của cơ quan Nhà nước là việc làm rất quan trọng và cần thiết trong công tác phòng ngừa và đối phó với các vụ kiện bán phá giá từ phía Brazil. Để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, Chính phủ cần phải thực hiện các nội dung sau:

Thứ nhất, Bộ Công Thương cần dự báo các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có khả năng bị kiện bán phá giá tại Brazil trong thời gian tới. Bộ cần thu thập thông tin về các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này, bao gồm giá trị xuất khẩu, nhu cầu thị trường và tình hình xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh. Khi có đầy đủ thông tin, Bộ cần để phân tích kỹ lưỡng để đưa ra định hướng xuất khẩu cho doanh nghiệp cũng như cảnh báo nguy cơ bị kiện. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ bị Brazil kiện ở hai nhóm mặt hàng là sợi và giày dép, trong khi đó, theo số liệu đã phân tích trong chương 2 thì những mặt hàng bị kiện nhiều nhất là hóa chất, cao su, sắt thép. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ cần phải chú ý nhiều đến các mặt hàng này. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần chỉ đạo Tổng cục Hải quan theo sát diễn biến tình hình xuất khẩu sang Brazil. Nếu phát hiện bất cứ sự gia tăng nhanh chóng về sản lượng hay giá trị xuất khẩu một mặt hàng nào đó thì phải thông tin nhanh chóng lên Chính phủ và Bộ Công Thương để có các ý kiến chỉ đạo kịp thời đối với các Bộ trực tiếp quản lý mặt hàng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần tích cực hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm chống bán phá giá của mình tại địa chỉ canhbaoso.vn. Hệ thống cần cập nhật kịp thời và đầy đủ thông tin về tình hình xuất khẩu sang các thị trường, đặc biệt là Brazil, đồng thời cung cấp thêm chuyên mục phân tích kết quả cảnh báo để giúp doanh nghiệp nhận thức rõ ràng

hơn về nguy cơ bị kiện đối với sản phẩm của mình. Ngoài ra, Tham tán thương mại của Việt Nam tại Brazil cũng cần nắm bắt tình hình và những động thái từ các nhà sản xuất nội địa ở đây để cung cấp thông tin kịp thời cho Bộ Công Thương.

Thứ hai, cần nâng cao kiến thức về phòng ngừa và đối phó với các vụ kiện bán giá cho nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam. Hiện nay, các buổi tập huấn, hội thảo, tọa đàm chỉ giới thiệu thông tin về chống bán phá giá nói chung, hoặc thông tin cụ thể về Hoa Kỳ và EU mà chưa chú trọng nhiều đến hoạt động chống bán phá giá của một số nước mới có nguy cơ gia tăng điều tra đối với Việt Nam, điển hình là Brazil. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Công Thương cần thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn kiến thức cho hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành về luật cạnh tranh và luật chống bán phá giá chuyên sâu về quốc gia này, huấn luyện kỹ năng đối phó với các vụ kiện, bao gồm việc ứng xử với DECOM, trả lời các bảng câu hỏi, kỹ năng lập luận trong các buổi điều trần. Các lớp này nên được tổ chức tại các tỉnh, thành phố tập trung nhiều công ty xuất khẩu sang Brazil để nâng cao hiệu quả của việc tuyên truyền. Các lớp học có thể do VCCI đứng ra tổ chức hoặc phối hợp với Bộ Công Thương, thuê các công ty tư vấn luật nước ngoài. Bên cạnh đó, VCCI cần thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm về vấn đề chống bán phá giá của Brazil để kịp thời giải đáp thắc mắc, đáp ứng nguyện vọng của doanh nghiệp về các vấn đề có liên quan khi tiếp cận thị trường Brazil cũng như khi bị vướng vào vụ kiện.

Thứ ba, Chính phủ cần hỗ trợ xây dựng một đội ngũ chuyên gia luật sư có sự hiểu biết thấu đáo về pháp luật thương mại quốc tế. Bởi vì, quá trình điều tra bán phá giá trong khuôn khổ WTO là một trình tự pháp lý phức tạp, đòi hỏi các bên tham gia phải hiểu biết rất rõ về pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, đội ngũ luật sư trong nước vẫn chưa đáp ứng được điều kiện này và đa phần trong các vụ kiện chúng ta phải thuê luật sư bên ngoài để nhờ tư vấn với mức phí rất cao. Do vậy, để chủ động phòng ngừa và tăng cường năng lực đối phó cũng như hạn chế thiệt hại khi vụ kiện xảy ra, ngay từ bây giờ Chính phủ cần phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia, luật sư có chất lượng để phục vụ cho các cuộc điều tra bán phá giá liên quan đến Việt Nam trong thời gian tới. Chính phủ nên tác động với Bộ Giáo Dục và Đào tạo sớm đưa vấn đề này trở thành một môn học chính, chuyên sâu trong các trường đại học,

đặc biệt là các trường chuyên về kinh doanh quốc tế như: Đại học Ngoại Thương, Đại học Kinh tế Quốc dân,…Bên cạnh đó, Chính phủ cần có đề án cụ thể phát triển các công ty luật, các luật sư; đào tạo luật sư đạt tiêu chuẩn quốc tế, có kinh nghiệm về thương mại quốc tế, có trình độ ngoại ngữ tốt. Đây sẽ là là đội ngũ chuyên trách chuyên nghiệp, có đủ năng lực để giải quyết các các vụ kiện bán phá giá trong tương lai. Trước mắt, Chính phủ có thể thành lập một tổ chức luật sư chuyên về giải quyết tranh chấp trong thương mại, đặc biệt là chống bán phá giá tương tự như mô hình Trung tâm trọng tài quốc tế VIAC. Tổ chức này sẽ hoạt động độc lập dựa trên doanh thu từ việc tư vấn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam về các vụ kiện bán phá giá. Nguồn nhân lực chủ yếu được lựa chọn từ đội ngũ luật sư trong nước có kinh nghiệm về lĩnh vực thương mại quốc tế được tuyển chọn và đào tạo ngắn và trung hạn tại Việt Nam hoặc nước ngoài.

Thứ tư, khi vụ kiện diễn ra, Bộ Công Thương cần nhanh chóng phối hợp với Bộ Ngoại Giao, kể cả cơ quan ngoại giao ở nước khởi kiện, nhằm kịp thời thông tin cho hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp trong nước về vụ kiện đồng thời hướng dẫn chi tiết công việc cần thiết phải làm. Ngoài ra, Cục quản lý cạnh tranh cũng như Hội đồng TRC cần đưa ra đối sách kịp thời cho doanh nghiệp khi tham gia vào vụ kiện như hướng dẫn trả lời bảng câu hỏi, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, tư vấn về các văn phòng luật sư uy tín tại nước khởi kiện để doanh nghiệp có thể sử dụng. Bộ Công Thương cùng với Chính phủ và cơ quan phát ngôn cần tích cực tham gia đấu tranh trên các diễn đàn, vận động sự ủng hộ của hội người tiêu dùng ở nước ngoài nhằm tạo ra áp lực trước khi vụ kiện có chiều hướng bất lợi cho Việt Nam.

Một phần của tài liệu QUY ĐỊNH VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ CỦA BRAZIL VÀ BÀI HỌC ĐỐI VỚI VIỆT NAM (Trang 68 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)