- Bằng chứng về thiệt hại hoặc nguy cơ thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa do hàng nhập khẩu bán phá giá gây ra.
d. Vận động hành lang và liên kết với nhà nhập khẩu tại Brazil
Về mặt lợi ích kinh tế, Brazil là một tập hợp không đồng nhất với nhau. Khi một biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với một mặt hàng nhập khẩu vào quốc gia này, sẽ có những nhóm đối tượng được hưởng lợi và cũng có nhóm bị thiệt hại. Thực tế cho thấy, các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng và các ngành sản xuất sử dụng hàng hóa đang bị kiện làm nguyên liệu đầu vào tại Brazil là các bên bị thiệt hại nhiều nhất. Vì có chung quyền lợi nên nhóm đối tượng này sẵn sàng cùng với doanh nghiệp Việt Nam đối phó với vụ kiện theo cách thức phù hợp
với môi trường pháp lý của nước sở tại. Theo pháp luật Brazil, ý kiến, quan điểm của nhóm này phải được xem xét khi ra bất kỳ quyết định nào về biện pháp chống bán phá giá. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với ngành hàng đẩy mạnh hoạt động vận động hành lang để giành lấy sự ủng hộ của họ. Vận động hành lang phù hợp có thể khiến các cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp chống bán phá giá công bằng và hợp lý trong quá trình điều tra. Có hai điểm trong pháp luật chống bán phá giá của Brazil mà doanh nghiệp cần lưu ý và tận dụng. Thứ nhất, một biện pháp chống bán phá giá khi áp dụng phải xem xét đến lợi ích cộng đồng, tiêu biểu là ngành sản xuất nội địa có liên quan hoặc mối quan hệ chính trị giữa hai nước. Thứ hai, các ý kiến, quan điểm của người tiêu dùng sản phẩm đang bị điều tra sẽ được xem xét trong quá trình đưa ra phán quyết cuối cùng. Do đó, doanh nghiệp cần có một chiến lược vận động với các mục tiêu cụ thể và mục đích rõ ràng. Đối với ngành công nghiệp nội địa Brazil sử dụng sản phẩm bán phá giá làm nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, doanh nghiệp cần liên hệ càng sớm càng tốt để tiến hành đàm phán và yêu cầu cùng phối hợp để đối phó với vụ kiện. Các nhà xuất khẩu nên yêu cầu doanh nghiệp Brazil chứng minh trước DECOM những thiệt hại có thể có khi sản phẩm nhập khẩu bị áp thuế. Khi một sản phẩm bán phá giá và có lợi cho ngành công nghiệp nội địa của mình thì Brazil không có lý do gì để áp dụng biện pháp chống lại. Đối với các nhà nhập khẩu và tổ chức đại diện cho người tiêu dùng, doanh nghiệp nên nhanh chóng liên hệ, gặp gỡ nhằm tranh thủ sự ủng hộ của họ. Trong quá trình vận động, doanh nghiệp cần đưa ra chứng cứ thuyết phục sẽ có tác động mạnh hơn những lập luận cảm tính. Doanh nghiệp nên yêu cầu sự hỗ trợ phối hợp của các đơn vị vận động hành lang chuyên nghiệp, thông thường là các luật sư tư vấn, hoặc nhờ luật sư liên hệ với các đơn vị này nếu luật sư không thể đảm nhiệm để đạt được hiệu quả cao hơn.
Đối với một số hoạt động vận động hành lang liên quan nhắm đến các chính trị gia ủng hộ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp nên yêu cầu sự trợ giúp của hiệp hội ngành hàng và cơ quan Nhà nước có liên quan để đạt hiệu quả cao hơn.
Sau khi bị áp dụng thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ ràng rằng quá trình theo đuổi vụ kiện vẫn chưa kết thúc. Các cuộc rà soát hành chính (giữa kỳ) cũng như rà soát cuối kỳ vẫn sẽ đòi hỏi sự hiện diện của doanh nghiệp. Đây chính là cơ hội mà doanh nghiệp nên tận dụng để hạ thấp mức thuế, giảm thiểu thiệt hại cho mình.
Các doanh nghiệp nên lưu ý rằng, mức thuế chống bán phá giá được áp dụng sau khi có phán quyết cuối cùng chỉ là mức thuế tạm thời mà Brazil đưa ra để cơ quan Hải quan làm căn cứ tính mức ký quỹ cho các lô hàng nhập khẩu có liên quan sau thời điểm có lệnh áp thuế. Mức thuế chính thức sẽ được xác định trong giai đoạn rà soát đầu tiên một năm sau đó. Nếu mức thuế chính thức thấp hơn mức thuế đã thu trước đó thì cơ quan Hải quan sẽ hoàn trả lại phần dư cho nhà xuất khẩu cũng như tiến hành truy thu nếu cao hơn. Quá trình này sẽ diễn ra trong các năm tiếp theo. Do vậy, doanh nghiệp nên điều chỉnh chính sách xuất khẩu và giá cả hợp lý để có thể giảm biên độ phá giá của mình và được hưởng một mức thuế thấp hơn trong thời gian áp dụng còn lại. Theo pháp luật của Brazil, DECOM sẽ tiến hành rà soát hành chính khi có yêu cầu của nguyên đơn hoặc bị đơn. Do đó, nhà xuất khẩu nên chủ động yêu cầu tiến hành rà soát. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng nên tham khảo ý kiến của hiệp hội ngành hàng, luật sư tư vấn trước khi đưa ra quyết định để tránh tác dụng ngược.
Tiểu kết chương 3
Ở chương 3, sau khi xem xét nguy cơ xảy ra các vụ kiện bán phá giá từ phía Brazil trong thời gian tới, dựa trên quan điểm của Chính phủ Việt Nam về việc phòng, chống các vụ điều tra bán phá giá, tác giả đã đề xuất các giải pháp cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam từ phía cơ quan Nhà nước, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp trong việc ứng phó với các vụ điều tra áp dụng các biện pháp chống bán phá giá từ Brazil giai đoạn 2012 – 2020.
KẾT LUẬN
Kể từ khi Tổ chức thương mại thế giới được thành lập, quá trình toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Các hàng rào thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu dần được xóa bỏ, thúc đẩy dòng hàng hóa lưu thông trên khắp
thế giới. Tuy nhiên, cùng với việc mở rộng thị trường tiêu thụ ra bên ngoài, ngành sản xuất nội địa của mỗi quốc gia phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác. Để đảm bảo hệ thống thương mại quốc tế hoạt động bình thường, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, WTO đã cho phép các quốc gia bị ảnh hưởng có quyền áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước, trong đó phải kể đến là biện pháp chống bán phá giá. Tuy nhiên, biện pháp này ngày càng đi lệch so với mục tiêu ban đầu của nó và được các quốc gia sử dụng như một công cụ hợp pháp bảo hộ ngành công nghiệp nội địa khi mở cửa thị trường.
Với lợi thế về nhân công giá rẻ, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang là đối tượng mà pháp luật chống bán phá giá của nhiều nước nhập khẩu hướng đến. Nếu như trước kia, các cuộc điều tra bắt nguồn từ những nước phát triển như Hoa Kỳ và EU thì trong thời gian gần đây đã xuất hiện thêm các quốc gia đang phát triển, điển hình là Brazil. Cuối năm 2011, Việt Nam đã bị điều tra liên tiếp về hành vi bán phá giá đối với mặt hàng giày dép và sợi từ quốc gia này. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu không lớn nhưng Brazil là một trong số thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong thời gian qua. Một số mặt hàng của Việt Nam đang tạo được một chỗ đứng vững chắc tại thị trường này. Bên cạnh đó, cùng với chính sách hạn chế nhập khẩu từ các quốc gia Châu Á cũng như các biện pháp bảo hộ ngành công nghiệp nội địa đang mất khả năng cạnh tranh do đồng nội tệ tăng giá, chắc chắn số vụ điều tra bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từ quốc gia này sẽ không chỉ dùng lại ở con số 2. Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần phải có những đối sách hiệu quả để phòng ngừa và đối phó với các vụ kiện. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc giành phần thắng trước một bộ luật còn khá mới mẻ và phức tạp nhưng với sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các cơ quan Nhà nước trước, trong và sau khi vụ kiện diễn ra, chắc chắn doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ đạt được một kết quả tích cực hơn.
Tác giả hi vọng rằng, đề tài sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích đối với các bên liên quan trong công tác phòng ngừa và đối phó với các vụ kiện bán phá giá từ phía Brazil trong thời gian tới, từ đó góp một phần nhỏ vào công cuộc phát triển đất nước.