- Bằng chứng về thiệt hại hoặc nguy cơ thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa do hàng nhập khẩu bán phá giá gây ra.
b. Về phía doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam
3.3.1.1. Đàm phán về nền kinh tế thị trường
Như đã phân tích ở trên, khó khăn lớn nhất về tầm vĩ mô hiện nay là việc Brazil chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Do đó, một số
quy định riêng không công bằng sẽ được áp dụng đối với Việt Nam trong quá trình điều tra, đặc biệt là việc xác định giá trị thông thường thông qua một nước thứ ba. Điều này đã và đang gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. Theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong vòng 12 năm, tức là không muộn hơn ngày 31/12/ 2018 (WTO Việt Nam, 2009). Tuy nhiên, trước thời điểm trên, nếu Việt Nam chứng minh được với đối tác nào rằng nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường thì đối tác đó sẽ ngừng áp dụng chế độ này. Do đó, để thuyết phục Brazil công nhận về vấn đề quy chế thị trường, Chính phủ cần phải có những bước đi cụ thể nhằm khắc phục những điểm “phi thị trường” đang tồn tại trong nền kinh tế. Một điểm chú ý quan trọng là các cơ quan cần nghiên cứu những yêu cầu của Brazil về các yếu tố cấu thành nên nền kinh tế thị trường để có những điều chỉnh phù hợp. Chính phủ cần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng hài hòa với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, đặc biệt là pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán. Ngoài ra, Chính phủ cần thực hiện tốt các cam kết quốc tế với các Chính phủ nước ngoài, các cam kết khi gia nhập WTO về cải cách kinh tế, thể chế liên quan đến tài chính, ngân hàng, thương mại, lao động. Song song với đó, Chính phủ cần rà soát lại các bộ luật có liên quan như Luật đầu tư, Luật đất đai để có những điểu chỉnh bổ sung hợp lý. Khi gia nhập WTO, chính sách ưu đãi về đầu tư như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi tiền thuê đất,…cần phải điều chỉnh lại theo hướng công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp để tránh tình trạng đối tác cáo buộc về sự can thiệp của Chính phủ trong đầu tư.
Tính đến tháng 10/2011, Việt Nam chỉ được 23 nước công nhận là nền kinh tế thị trường (VCCI, 2012). Đây là một con số khá khiêm tốn. Do vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần thực hiện nhanh chóng các cuộc đàm phán song phương và đa phương với các nước thành viên WTO để chứng minh rằng nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn vận hành theo cơ chế thị trường và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cũng đang hoạt động theo cơ chế thị trường để các nước sớm thông qua quy chế này cho Việt Nam. Điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình vận động Brazil công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Mặc dù trong thời gian đầu không thể thuyết phục được ngay nhưng với những nỗ lực cải cách như vậy, Việt Nam sẽ có một hệ thống pháp luật hoàn thiện, minh bạch hơn. Từ đó, Chính phủ sẽ có cơ sở và chứng cứ để giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam chứng minh với Brazil trong các vụ kiện sắp tới rằng một số ngành công nghiệp trong nước đang hoạt động theo định hướng thị trường và hoàn toàn độc lập về mặt pháp lý với cơ quan Nhà nước. Vì vậy, theo pháp luật của Brazil thì những ngành này có thể sẽ được hưởng cơ chế đối với nước có nền kinh tế thị trường hoặc được áp dụng một mức thuế riêng.