Thị trường Mỹ là thị trường lớn nhất thế giới, hầu hết các nước đều chọn thị trường này là thị trường xuất khẩu chính nên sự cạnh tranh diễn ra ngày càng gay gắt. Việt Nam mới chỉ thực sự thâm nhập thị trường Mỹ kể từ năm 2002, sau khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ có hiệu lực, trong khi đó các đối thủ cạnh tranh của ta đã có hệ thống bạn hàng nhập khẩu và phân phối tại thị trường này từ rất lâu.
Các quốc gia cạnh tranh về hàng dệt may ở thị trường Mỹ có thể được chia thành 2 nhóm:
- Nhóm cạnh tranh dựa vào giá bán sản phẩm, năng lực cạnh tranh cao như: Trung Quốc, Ấn Độ, Bănglađet, Xrilanca, Pakistan.
- Nhóm cạnh tranh dựa vào tiếp cận gần, thời hạn giao hàng nhanh: Mexico, Columbia, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước trong khu vực lòng chảo Caribe. Các nước này có lợi thế là vị trí địa lý gần với các thị trường chính của Mỹ được hưởng lợi trực tiếp và không bị áp dụng chế độ hạn ngạch.
Có thể điểm qua một số các nước xuất khẩu dệt may mạnh, đây là những nước được đánh giá là các đối thủ nặng ký đối với dệt may Việt Nam không chỉ trên thị trường Mỹ mà còn trên bình diện thế giới. Đó là :
- Mêxicô : từ nhiều năm nay là nước liên tục đứng đầu trong danh sách các nước xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ. Ưu điểm của Mêxicô là nước nằm ngay cạnh Mỹ, là thành viên của Hiệp Định Thương Mại Tự Do Bắc Mỹ và ưu thế tương đối về giá nhân công so với Mỹ.
- Trung Quốc : Trong các đối thủ cạnh tranh, thì Trung Quốc được coi là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất không chỉ với Việt Nam mà cả các nước khác. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc cũng chính là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam. Nhìn chung cơ cấu hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc cũng khá tương đồng và tập trung vào sản phẩm có hàm lượng lao động cao. Có thể nói, Trung Quốc là điển hình cho sự phát triển của ngành dệt may Châu Á. Công nghiệp dệt may Trung Quốc luôn giữ vị trí tiên phong trong nền kinh tế quốc dân với giá trị sản lượng của ngành dệt may chiếm đến 20% tổng giá trị sản lượng công nghiệp toàn quốc.[11, 20] Hiện nay chiến lược phát triển ngành dệt may Trung Quốc là: tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế thông qua việc điều chỉnh quy mô sản xuất, hiện đại hóa và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc có thể xem xét trên hai mặt: thứ nhất, chi phí lao động trên mỗi đơn vị sản phẩm thấp do mức lương thấp và năng suất lao động cao. Thứ hai, Trung Quốc có thể sản xuất các loại vải, đồ trang trí, bao bì và hầu hết các phụ kiện khác dùng để sản xuất hàng dệt may và các sản phẩm dệt khác.
Theo đánh giá của Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC), Trung Quốc được lựa chọn là nhà cung ứng số 1 của hầu hết các nhà nhập khẩu dệt may Hoa Kỳ, vì nước này có khả năng sản xuất hầu như tất cả các loại sản phẩm dệt may ở mọi cấp độ chất lượng với giá cạnh tranh.[19,Tr 17]
Đây là đối thủ cạnh tranh rất lớn không chỉ cho Việt Nam mà còn là cho ngành dệt may toàn thế giới. Đặc biệt, sức cạnh tranh càng lớn khi Trung Quốc chính thức gia nhập vào WTO vào năm 2001. Đây là nước được dự đoán là cùng với Ấn Độ sẽ thâu tóm thị trường dệt may thế giới sau ngày 1/1/2005. Trung Quốc liên tục đầu tư và hiện đại hóa sản xuất, làm chủ sản xuất theo chiều dọc: sản xuất từ nguyên vật liệu cho đến thành phẩm. Theo dự báo đến 2010, Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh 50% thị phần hàng dệt may toàn cầu (trị giá tới 350 tỷ USD/năm). Hiện tại Trung Quốc đang chiếm lĩnh 19% thị phần hàng may mặc toàn cầu. [9, 11, 13]
- Ấn Độ : Đứng sau Trung Quốc là Ấn Độ, nước cũng có khả năng sản xuất nhiều loại sản phẩm dệt may với giá cả cạnh tranh và có nguồn lao động lành nghề với giá tương đối thấp. Ấn Độ là một trong số các nhà sản xuất sợi và vải lớn nhất thế giới đồng thời nước này cũng được Mỹ coi là một nguồn thay thế chủ yếu cho nguồn nhập khẩu hàng dệt may từ Trung Quốc.
Đây là nước có sự xác định rõ và phát huy thế mạnh của mình bằng việc thành lập riêng Bộ Dệt May để chuyên trách lo về chính sách và thị trường cho sản phẩm mũi nhọn này. Ngoài ra, Ấn Độ còn có Viện Thời Trang Quốc Gia nhằm thiết kế mẫu mã, nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng toàn thế giới. Các thị trường chính của nước này là Mỹ, EU, Canada và Nhật bản. Thế mạnh của Ấn Độ là sản xuất vải bông có chất lượng cao, và thường tập trung vào những đơn đặt hàng nhỏ với nhiều thiết kế phụ như thêu, đan. Ấn Độ cũng là nơi có lao động rẻ và lành nghề, chi phí nhân công rẻ hơn Trung Quốc 15%. [17, 26]
Tuy nhiên về lâu dài, khả năng cạnh tranh từ Trung Quốc và Ấn Độ có thể bị giảm do tăng trưởng kinh tế mạnh ở những nước này dẫn đến tăng nhu cầu nội địa về hàng dệt may cũng như tăng giá nhân công và tiền vốn để sản xuất những mặt hàng này. [23, Tr 25]
- Thái Lan : là nước có truyền thống về xuất khẩu sản phẩm dệt may. Đối với Thái Lan, Mỹ là thị trường số 1 của nước này, Mỹ nhập khẩu tới 55,7% tổng giá trị hàng may mặc xuất khẩu của Thái Lan. Ngoài ra các thị trường xuất khẩu khác bao gồm EU, Nhật Bản, Đông Âu và Trung Đông.
- Bănglađét : ưu thế lớn nhất là chi phí đầu tư sản xuất thấp, tay nghề công nhân khá cao, kinh nghiệm lâu năm trong việc sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Đây là nước được các nhà phân tích dự đoán sẽ là đối thủ đáng gờm trên thị trường dệt may thế giới sau thời điểm chế độ hạn ngạch bãi bỏ ngày 1/1/2005.
- Inđônêxia : luôn là nước dẫn đầu trong khối ASEAN về giá trị hàng dệt may xuất khẩu từ nhiều năm nay. Inđônêxia là nước có lợi thế về giá nhân công và nguồn nguyên liệu dồi dào nên đây là một đối thủ cạnh tranh khá mạnh đối với Việt nam. Tuy nhiên Inđônexia vẫn bị coi là nước có rủi ro bất ổn về chính trị và xã hội. Thị trường xuất khẩu của nước này trải dài ở nhiều khu vực.
Có thể nói rằng mỗi đối thủ của dệt may Việt Nam có những điểm mạnh riêng có khác nhau nhưng thị trường xuất khẩu chủ lực thì gần như trùng với những thị trường xuất khẩu của dệt may Việt Nam. Điều đó cho thấy, sự cạnh tranh trên những thị trường này sẽ rất quyết liệt và điều cấp bách nhất cho dệt may Việt Nam hiện nay là chuẩn bị thật kỹ lưỡng, phát huy hết tiềm năng bản thân để giành thắng lợi.
Ngoài những nước có chi phí thấp, các công ty nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ cũng quan tâm đến sự lựa chọn từ các nước được hưởng lợi từ Luật Phục hồi kinh tế khu vực lòng chảo Caribê, đặc biệt là các nước trong khu
vực Trung Mỹ là nguồn cung cấp hàng dệt may chính. Các nước này có lợi thế cạnh tranh là có khả năng đáp ứng các đơn hàng gấp và giữa mùa cho các công ty Mỹ. Những đơn hàng gấp thường xẩy ra đối với các mặt hàng thời trang khi các nhà bán lẻ chạy theo những xu hướng, kiểu cách hoặc màu sắc mới nhất.
Tóm lại, sau khi Hiệp định về hàng dệt may (ATC) hết hiệu lực, sự cạnh tranh về hàng dệt may trên thị trường thế giới nói chung và thị trường Mỹ nói riêng sẽ càng trở nên gay gắt hơn. Việt Nam vẫn phải chịu chế độ hạn ngạch khi xâm nhập vào thị trường Mỹ cho tới khi trở thành thành viên của WTO. Sự cạnh tranh trong giai đoạn này chính là cạnh tranh về chất lượng, giá cả, mẫu mã. Đây là một thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam khi mà hàng dệt may Việt Nam vẫn đang phải chịu sự phân biệt đối xử khi thâm nhập vào thị trường Mỹ cũng như sự yếu kém của ngành dệt may Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế mẫu mã sản phẩm. Lợi thế cạnh tranh đang thuộc về những nước có sự đầu tư qui mô và hợp lý cho phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, thiết kế thời trang, tiếp thị sản phẩm… đó là bài học kinh nghiệm của những nước như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ …Việt Nam muốn cạnh tranh và đứng vững trên thị trường Hoa Kỳ đòi hỏi phải có sự đầu tư thích đáng, quan tâm đến các yếu tố tạo ra lợi thế cạnh tranh, phát huy lợi thế so sánh cũng như tận dụng được các cơ hội mà Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đem lại.