Hiện nay ngành dệt may Việt Nam tiến hành xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ thông qua hai phương thức chủ yếu xuất khẩu trực tiếp và xuất khẩu ủy thác gia công.
Xuất khẩu trực tiếp (Free On Board hay FOB)
Phương thức xuất khẩu trực tiếp hay còn gọi là phương thức “mua đứt bán đoạn” là phương thức chiến lược của dệt may Việt Nam. Hiện tại do những khó khăn trong vấn đề nội địa hóa sản phẩm cũng như vấn đề cung cấp nguyên vật liệu nên không nhiều doanh nghiệp có thể xuất khẩu trực tiếp. Doanh thu xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ theo phương thức này còn thấp chiếm chưa tới 30% trong tổng doanh thu xuất khẩu. Một số công ty
có uy tín và kinh nghiệm trên thương trường như May Việt Tiến, May 10, Dệt Thắng Lợi , Dệt Thành Công .. đã thực hiện khá thành công phương thức này. Ưu điểm của phương thức này là các doanh nghiệp có thể chủ động trong sản xuất và xuất khẩu. Chi phí về nguyên liệu và các phụ phí khác phát sinh trong quá trình sản xuất sẽ được giảm thiểu ở mức tối đa.
Gia công xuất khẩu
Đây là phương thức chủ yếu của đại đa số các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không chỉ đối với thị trường Mỹ mà còn với các thị trường khác. Xuất phát từ nguồn nguyên phụ liệu trong nước không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cũng như màu sắc của đối tác nước ngoài mà các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu nguyên phụ liệu của khách hàng để gia công xuất khẩu. Phần lớn những mặt hàng thâm nhập vào thị trường Mỹ trong thời gian qua được sản xuất và xuất khẩu theo phương thức này. Với phương thức này, giá trị gia tăng tạo ra trên sản phẩm gia công chủ yếu chỉ là tiền lương cán bộ quản lý sản xuất và lương công nhân, trung bình khoảng 1 USD/ áo hay quần. Với dạng gia công xuất khẩu này, các nguyên phụ liệu phục vụ cho quá trình sản xuất gần như do các đối tác cung cấp toàn bộ điều đó dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào đối tác, luôn bị động và thiếu ổn định trong kế hoạch sản xuất.
Trong tình trạng hiện nay, phương thức gia công xuất khẩu có thể khắc phục được những hạn chế của các doanh nghiệp may xuất khẩu Việt Nam về vốn, nguyên liệu cũng như trình độ công nghệ sản xuất. Tuy nhiên trong tương lai, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải có hướng đi mạnh dạn hơn nữa để có thể tiếp cận thị trường Mỹ bằng sản phẩm của chính mình, từ đó nâng cao năng lực kinh doanh, tránh sự phụ thuộc vào phía đặt gia công.