trưởng thấp của ngành dệt, không theo kịp tốc độ phát triển của ngành may. Chất lượng và chủng loại vải chưa đáp ứng được yêu cầu may xuất khẩu. Mặc dù ngành dệt đã được đầu tư rất lớn về máy móc và phát triển vùng nguyên liệu nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành may về chất lượng cũng như chủng loại sản phẩm. Do đó ngành may không chủ động được về nguyên liệu, phần lớn vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu. Khâu in nhuộm và hoàn tất sản phẩm của ngành dệt vẫn còn yếu kém làm giảm chất lượng sản phẩm… điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam. Chất lượng sản phẩm ngành dệt may Việt Nam nói chung vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thị trường Mỹ, đặc biệt đối với những sản phẩm trung và cao cấp. Vì vậy vấn đề đặt ra đối với ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới phải có sự cải tiến về công nghệ và phát triển nguyên liệu cho ngành may.
- Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, lao động và thiết kế trong ngành dệt may. dệt may.
Theo thống kê mới nhất tổng số lao động trong ngành dệt may hiện nay có khoảng 2 triệu người. Lao động của ngành may có khả năng tiếp thu nhanh các quy trình sản xuất và công nghệ mới, có khả năng làm ra các sản phẩm đạt chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên nhân lực trong ngành dệt may còn có nhiều hạn chế, đó là sự thiếu cân đối trong cơ cấu đào tạo, trình độ đào tạo còn thấp kém. lực lượng cán bộ kỹ thuật của ngành ngày càng thiếu và giảm đi do sức hấp dẫn về tiền lương từ các ngành khác. Theo số liệu thống kê, hàng năm có khoảng 6% cán bộ kỹ thuật, kỹ sư ngành dệt may chuyển sang các ngành khác. Các trường đào tạo kỹ sư ngành dệt may không hấp dẫn người theo học dẫn đến nguy cơ thiếu hụt cán bộ kỹ thuật của ngành dệt may trong tương lai.
Bên cạnh đó sự thiếu hụt một nguồn nhân lực không kém phần quan trọng trong ngành dệt may đó là đội ngũ những nhà tạo mẫu thiết kế có khả năng tạo ra các mẫu thiết kế theo nhu cầu thị trường . Như đã phân tích ở trên cho thấy lực lượng này của ta còn yếu cả về số lượng lẫn chất lượng.
Trình độ quản lý của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đang là một vấn đề cần quan tâm. Hầu như tất cả các nhà quản lý trong ngành dệt may hiện nay đang phải đối mặt với một thách thức lớn là sự cập nhật thường xuyên kỹ năng và kiến thức, bởi vì có rất ít cơ hội dành cho họ, các trung tâm đào tạo hay dạy nghề mang tính tiêu chuẩn còn rất ít.
Ngành dệt may còn gặp khó khăn do sự biến động về lao động trong ngành này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, thời hạn thực hiện hợp đồng và mất chi phí đào tạo tay nghề…làm cho doanh nghiệp bị động trong sản xuất và xuất khẩu.
Lợi thế về nhân công giá rẻ của Việt Nam bắt đầu suy yếu khi mà gần đây, các nước xuất khẩu dệt may trong khu vực như Trung Quốc, Inđônexia, Philippin cũng tương đương. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao, tiền công lao động sẽ ngày càng tăng lên, khi ấy sẽ có nguy cơ suy giảm trong ngành dệt may vì ngành này tuy đang có giá trị xuất khẩu cao nhưng chủ yếu là may gia công, chứ chưa phát triển những nhãn hiệu được thế giới biết đến. Việt Nam không thể kìm giữ mãi mức thu nhập thấp để hưởng lợi thế giá nhân công rẻ. Vì vậy, ngành dệt may trong thời gian tới phải nghĩ đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật, tự động hóa quy trình sản xuất và trình độ sử dụng các công nghệ ấy. Cần phải nâng cao trình độ tay nghề lao động và phát triển nguồn nhân lực ngành dệt may về mặt chất lượng.