Như trên đã trình bày, mục đích của quản lý quá trình dạy - học chính là việc quản lý các thành tố cấu thành nên quá trình dạy học cũng như các mối quan hệ tương tác giữa các thành tố ấy để đạt được mục tiêu dạy - học. Trong đó trung tâm là quản lý hoạt động dạy của thày và hoạt động học của trò. Tuy nhiên, trước tiên chúng ta cần nhìn nhận vai trò và tầm quan trọng của người thày trong sự thành bại của hoạt động giảng dạy nói riêng và sự nghiệp giáo dục nói chung. Bởi lẽ sản phẩm của họ khác với sản phẩm của các loại hình lao động khác ở chỗ: sản phẩm này tích hợp cả nhân tố tinh thần và vật chất, đó là “nhân cách - sức lao động”. Người xưa có câu: “phi sư bất thành” (không thày đố mày làm nên), để khẳng định vị trí của người thày trong giáo dục. Ngày nay, dù khẳng định quá trình dạy học phải xuất phát (từ) và tập trung (vào) người học, song người học chỉ có thể vận động lên được là nhờ sự khai hóa của người thày. Do đó quản lý quá trình dạy - học cần tiếp cận trên cơ sở xuất phát điểm là quản lý người dạy.
Lao động của người dạy là vô cùng vất vả (nếu thực hiện sứ mệnh một cách đầy đủ). Người dạy phải tùy theo “sức chứa”, “sức hút”, “sức thấm”, “sức chế biến” của người học; nói theo ngôn ngữ sư phạm là tùy theo khả năng “bắt chước”, khả năng “tái hiện”, khả năng “tái tạo”, khả năng “sáng tạo” của người học để có phương pháp dạy học hợp lý.
Quản lý người dạy là giúp cho họ biết chỉ huy, vừa điều phối, vừa là cố vấn, là trọng tài cho người học trong quá trình lĩnh hội, chiếm lĩnh tri thức.
Quản lý người dạy là giúp cho họ vừa biết giảng giải hướng dẫn cho người học ghi chép, vừa phải biết thiết kế để người học thi công, vừa biết dẫn dắt để người học trở thành người hợp tác, cộng tác với người dạy có sự sáng tạo.
Cụ thể trong một giờ học, người dạy phải đồng thời xử lý ba mối quan hệ: - Quan hệ của người dạy với tri thức của nhân loại thuộc phạm vi giờ học mà người thày có nhiệm vụ truyền tải đến học sinh. Người dạy phải lao động miệt mài để cô đọng được hệ thống kiến thức sao cho kiến thức đó đạt được các yêu cầu cơ bản nhất, hiện đại nhất, hữu ích nhất cho người học.
- Quan hệ của người dạy với quá trình lĩnh hội tri thức của người học. Người dạy phải phải lao động một các tinh tế, tổ chức quá trình dạy học hợp lý để học sinh chiếm lĩnh được kiến thức một cách có hệ thông, có tính mục đích, có tính kế hoạch.
- Quan hệ của người dạy với người học. Đây là mối quan hệ giữa công dân với công dân. Người dạy phải tổ chức sự giao lưu với từng học sinh và tập thể người học một cách cởi mở để người học dù bất cứ lứa tuổi nào cũng được hòa mình trong bầu không khí dân chủ, nhưng lại giữ được sự nền nếp, kỷ cương, trách nhiệm, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
Quản lý quá trình dạy - học nói chung hay quản lý đội ngũ giáo viên nói riêng của một nhà trường cần kiên trì đưa ra các chức năng quản lý, kế hoạch, tổ chức - chỉ đạo, kiểm tra vào việc phát triển đội ngũ giáo viên theo ba vấn đề chủ yếu: (1) Đủ về số lượng; (2) Mạnh về chất lượng; (3) Đồng bộ về cơ cấu nhằm xây dựng một đội ngũ người dạy trở thành một tổ chức biết học hỏi trong mối quan hệ với người học và xã hội.