B. NỘI DUNG
3.3.2 Ngôn ngữ người kể chuyện
Thống nhất với ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ người kể chuyện trong tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân cũng chân thực và gần gũi đời thường.
Do vẫn chịu ảnh hưởng của tư duy sử thi từ tiểu thuyết chiến tranh trước năm 1975, thêm vào đó các sáng tác vẫn lấy bối cảnh chính là nơi chiến trường đầy bom đạn nên ngôn ngữ tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân sử dụng đậm đặc các từ ngữ chuyên ngành. Có lẽ những năm tháng trải nghiệm cuộc đời quân ngũ, là người trong cuộc, trực tiếp chiến đấu cùng với đơn vị, nên ngôn ngữ tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân đã đạt đến độ chính xác và sinh động, nhất là khi đề cập đến những lĩnh vực chuyên môn khiến người đọc tin cậy ở độ chân thực của nó. Những từ ngữ như mìn clây-mo, cây ru lô, đại liên, lựu đạn, pháo cối, khẩu ĐKZ, khẩu 12 ly 8, đạn B40, nốc la ve, đạn AR 15… kết hợp với các từ chỉ kí hiệu như D3, L.19, cao điểm 174, A.37… gợi ra không khí thời chiến đầy mưa bom, bão đạn.
Một điểm đặc biệt nữa trong cách sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Trí Huân là nhà văn hay sử dụng những từ chỉ thời gian chính xác như: 5 giờ kém 15 ngày mồng 2 tháng 3, 15 phút, hồi bảy ba, ngày 28 tháng 2, mùa đông năm 1969, nửa giờ, hơn một giờ, 5 giờ sáng, 7 giờ tối…tạo ấn tượng về không khí gấp gáp, khẩn trương của cuộc chiến đang tiến sát đến ngày chiến thắng. Ngoài ra, tác giả còn kết hợp cùng các tính từ mạnh như: đạn rít, máu xối, xẻng bập ngọt vào lòng đất, ánh sang một chiếc đèn pin quất qua, quất lại, pháo thúc, ngẩng phắt lên, đỏ loét, vụt đến… nhất là trong những đoạn văn miêu tả cảnh bom đạn “Những tiếng rít tiếp theo bám đuôi nhau, nhập vào nhau, và lát sau chỉ còn nghe tiếng đạn nổ choáng óc, mảnh đạn rít vè vè, rơi lịch bịch xuống quanh hầm chỉ huy của Thiết” [36, 202]; “Đạn nổ choang choác, veo véo ở xung quanh. Lửa sáng lên, không khí như đặc lại, đầy mùi
111
thuốc sung và mùi cát khô” [36, 211]. Chỉ trong một đoạn văn ngắn, thậm chí ngay trong một câu văn, xuất hiện hàng loạt từ tượng thanh tạo ấn tượng mạnh cho độc giả về âm vang của bom đạn, khung cảnh nơi chiến trường khốc liệt. Không né tránh, không giản lược mà trái lại, tác giả còn ghi lại chân thực nhất không gian chiến tranh ở vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến qua cảm nhận của chính người trong cuộc. Ngay cả với cái chết, nhà văn cũng miêu tả bằng những từ ngữ rất thực “Thiết nằm nghiêng, người không còn một mảnh vải. Máu vẫn rỉ ra trên lớp băng quấn gần kín mông và đùi bên phải (…). Đôi môi cậu ta rộp lên những vết vảy trắng, khô khốc như muối đọng” [36, 95]. Hay trong những cảnh thương tích “Máu chảy ra ướt đẫm lưng áo, đông đặc lại. Anh thở khò khò. Một chiếc bong bóng đỏ ngầu cứ phồng lên, xẹp xuống theo nhịp thở trên mũi (…). Một thằng trở mình, rên khe khẽ. Máu vẫn đổ ra chầm chậm trên mặt nó” [36, 158]. Đọc những trang tiểu thuyết này, ta có cảm giác như cái chết của con người trong chiến tranh đang ở rất gần, chỉ đâu đó quanh đây thôi, tàn khốc và đau đớn. Trong thời điểm ấy, người lính đã hiện diện với tất cả sự bi thương nhất và chiến tranh bộc lộ rõ tính chất khốc liệt của nó.
Tính chân thực, đời thường, gần gũi với độc giả trong ngôn ngữ tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân phải chăng xuất phát từ quan niệm của chính những nhà văn mặc áo lính mà Thái Bá Lợi đã từng nói: văn chương không phải là trò chơi sang trọng, không cần phải làm dáng, phải kiểu cách, mà văn chương là đời sống, là máu và nước mắt, là món nợ cần phải trả, là những điều cần phải nói thay cho những người không trở về sau chiến tranh. Quan niệm đó đã thôi thúc người cầm bút viết chân thực, viết về chính cuộc sống đang diễn ra bằng chính trải nghiệm của con người hiện tại. Đọc văn Nguyễn Trí Huân, dường như ông đã “phá giới” mà vượt qua cái lằn ranh kinh điển của một tác phẩm văn học truyền thống để nhìn cuộc sống ở một góc thật nhất. Ngay
112
trong những câu văn triết lý, ngôn ngữ, hình ảnh được đem ra so sánh cũng hết sức thông tục “Chiến tranh như một lò luyện thép cậu ạ. Một bên làm ra thép khối nguyên chất, một bên thải ra vài dúm cứt sắt” [36, 297].
Điểm qua vài nét nổi bật trong cách sử dụng ngôn từ tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân để thấy được xu hướng vận động chung của ngôn ngữ tiểu thuyết hậu chiến nói riêng và tiểu thuyết đương đại nói chung. Càng ngày, tính văn chương, mực thước của tiểu thuyết càng giảm bớt đi và thay vào đó là ngôn ngữ của đời sống. Về điều này, nhà phê bình Phan Cự Đệ đã tổng kết “Lịch sử tiểu thuyết càng đi vào con đường dân chủ hóa, càng phát triển song song với chủ nghĩa hiện thực thì phương ngôn, thổ ngữ, tiếng nói quần chúng càng tràn vào tác phẩm. Tiểu thuyết Việt Nam bây giờ đã phản ánh được sinh hoạt, phong tục, ngôn ngữ của nhiều miền khác nhau, nhiều dân tộc khác nhau trong cả nước” [20, 734].