Người lính trong chiến đấu

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân (Trang 53)

B. NỘI DUNG

2.1.1.3Người lính trong chiến đấu

Xuất hiện trong tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân, bên cạnh hình ảnh người lính với đầy đủ phẩm chất của các anh bộ đội cụ Hồ, người lính với sống với tình yêu và dục vọng chân thực còn là hình ảnh người lính “ít tính lí tưởng, không hoàn hảo, sạch sẽ, không được “bao bọc trong bầu không khí vô trùng” như trước đây thường thấy” [11, 78]. Nếu như các thế hệ người lính trong

Dấu chân người lính, Mẫn và tôi có sự thống nhất cao về lí tưởng thì thế hệ người lính trong tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân không phải lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu, oai hùng trước mọi khó khăn gian khổ. Đã xuất hiện trong tiểu thuyết hình ảnh người lính với những phút giây đớn hèn, nhát sợ, với tư tưởng quay đầu và hơn nữa là chân dung của cả những kẻ phản bội.

Trong Năm 1975 họ đã sống như thế, khi D3 để mất cao điểm 174, nhiều anh em của tiểu đoàn Thức đã bỏ ngũ, một số khác mất niềm tin, lung lay vào cấp trên. Ngay giữa những người thân thiết như Thức và Mạc, tình

53

đoàn kết, ý chí chiến đấu đôi lúc cũng không còn, thay vào đó là tư tưởng tự ti, bảo thủ “Tôi ghét những ai an ủi tôi khi tôi không đáng được an ủi. Tôi không đổ lỗi cho ai hết. Tự tôi tất. Tôi để mất chốt, tôi bỏ tử sĩ lại. Hãy cách chức chính trị viên của tôi đi. Tôi làm, tôi chịu…” [36, 46]. Đây là những giây phút hiếm hoi trong tiểu thuyết, nó hoàn toàn trái ngược với không khí khẩn trương, gấp gáp trước mỗi trận đánh hay sự ấm áp, đầy tình nhân ái của đồng bào, đồng chí trong chiến tranh. Ngoài ra, người đọc còn bắt gặp trong tiểu thuyết này hàng loạt nhân vật phản nghịch, hoặc đi theo ngụy, hoặc bỏ chồng, bỏ con. Có thể kể đến Phán – em Phác, một thằng bé xinh trai, thường bị lũ trẻ hàng xóm trêu trọc mà không bao giờ dám đánh lại nhưng nay đã bỏ học làm sĩ quan, trở thành một tên lính ngụy tàn ác. Tương tự như Phán, anh trai của Duật cũng là một kẻ theo giặc, mò về từ Bình Khê, định cướp vài thứ rồi chạy vô Sài Gòn nhưng đã bị du kích bắn chết ngay ở đầu làng. Hay như vợ Mạc, không theo ngụy, không phản quốc song lại là người lăng nhăng hết người này đến người khác…. Nhìn chung, trong bức tranh rộng lớn về hiện thực chiến tranh của Năm 1975 họ đã sống như thế, bên cạnh những người lính như Thức, Thiết, Mạc, Thư, Phác, Phước… sự xuất hiện của kiểu người trên đã đi ngược lại tinh thần, ý chí của người lính thời chiến nói riêng và con người Việt Nam nói chung. Họ là những người lính phản bội, người đã gieo bi kịch cho chính người thân của họ. Sau năm 1975, giống như Nguyễn Trí Huân, nhiều tiểu thuyết cũng không né tránh việc phản ánh những con người phản trắc như thế. Đó là hình ảnh Tám Hàn trong Đất trắng, Can trong Nỗi buồn chiến tranh… Rõ ràng, chỉ đến tiểu thuyết sau năm 1975, các nhà văn mới dám nhìn thẳng vào sự thật khi để cho những nhân vật kiểu như Can, Tám Hàn, Phán… xuất hiện giữa một tập thể những người lính với tinh thần sẵn sàng đánh đổi cả cuộc đời mình để lấy chiến thắng.

54

Trong cách nhìn của Nguyễn Trí Huân, không phải người lính nào cũng cao cả, oai hùng, không phải giờ phút nào cũng anh dũng, gan gạ. Và quả thực, ngòi bút của nhà văn đã không phản bội lại người chiến sĩ bởi bên cạnh “cái lúc họ vác súng ra mặt trận với một tâm hồn phơi phới”, tác giả còn cho người đọc thấy được “cái lúc buồn bã, đau đớn, những lúc đói rét, những lúc nằm giữa đồng đội chết và bị thương, trong bùn lầy, trong mưa bom, bão đạn” [44, 96]. Có thể nói, tiểu thuyết hậu chiến đã có công lớn trong việc phác họa bức chân dung về những người lính không hoàn thiện, hoàn mỹ. Không riêng tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân mà trong sáng tác của nhà văn cùng thời ông như Thái Bá Lợi, người đọc cũng bắt gặp hàng loạt những con người như thế. Đó là Mây, một nữ trinh sát can đảm, có tâm hồn trong trắng và còn có cả những bồng bột lầm lẫn (Hai người trở lại trung đoàn); Vẻ, một sĩ quan, một đại đội phó có tài nhưng bị hạ cấp vì không chấp hành mệnh lệnh của cấp trên và cuối cùng phải trả giá bằng mạng sống của chính mình (Thung lũng thử thách); Hải, một đại đội trưởng đặc công xuất sắc gan dạ lại bắn nhầm tiểu đoàn trưởng của mình để suốt đời ân hận (Bán đảo)…

Tuy nhiên, cách nhìn của Nguyễn Trí Huân về những nhân vật phản diện cũng không đơn giản, một chiều. Trong mỗi con người luôn song song tồn tại cả hai mặt xấu xa và tốt đẹp nhưng có thể do xã hội mới tốt đẹp hơn nên “người ta dễ quên đi những cái tốt mà thường chỉ nhìn vào mấy cái xấu còn rớt lại”. [36, 151]. Trái ngược hẳn với sự bi quan của Thăng, cách nhìn đời, nhìn người của Mạc trong Năm 1975 họ đã sống như thế lạc quan hơn nhiều. Sở dĩ như vậy là vì, Nhuần – vợ Mạc vốn là người lăng nhăng hết người này người khác, một người phụ nữ được cho là hư hỏng nhưng khi có máy bay địch ném bom xuống thị xã, Nhuần lại là một tự vệ dũng cảm. Dù không dám chắc nhưng trong suy nghĩ của Mạc dường như “cái tốt đẹp, cao thượng và cái xấu xa đều có thể cùng tồn tại, cùng phát triển ở một con

55

người?” [36, 207]. Chính Thăng cũng thừa nhận một cách công bằng, rằng loại trừ chuyện lăng nhăng dan díu kia, “mụ ta cũng được được”. Quan niệm về tính hai mặt song song tồn tại trong mỗi con người cũng là suy nghĩ của Thức “Cái tốt đẹp đang hình thành, đang được khẳng định thì cái xấu chưa thể bị tiêu diệt hẳn. Hơn nữa, trong tình hình khó khăn hiện nay, cái xấu đang lăm le tìm cơ hội ngóc đầu dậy” [36, 227]. Thực tế, trong suốt những năm tháng chiến đấu nơi chiến trường, Thức đã bắt gặp những con người như thế. Ở họ, cái xấu chưa đến nỗi xấu hẳn, và cái tốt đang giằng co chật vật với cái xấu. Trong mỗi con người như sẵn có nhân tố của hai loại bản năng: cao thượng và hèn hạ, trong sạch và nhơ bẩn, trung thực và phản bội… Điều quyết định là môi trường cho những bản năng ấy nảy nở, cái này tiêu diệt cái kia. Còn nó cùng phát triển, không phủ định nổi nhau thì chỉ là một giai đoạn tranh chấp. Hơn nữa, khi có giặc ngoại xâm, người ta dù hư hỏng vẫn có thể trở thành chiến sĩ, nhưng cái xấu thì chưa thể mất ngay được. Trái ngược với quan niệm về con người nói chung, người lính nói riêng trong các tiểu thuyết cách mạng, Nguyễn Trí Huân đã thể hiện một quan niệm khác hẳn về bản chất con người. Những người lính trong Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu dù là hai thế hệ như Lữ, Khuê, Cận, Lượng đều tỏa sáng ở vẻ đẹp lấp lánh như những viên ngọc, không tì vết, ít khiếm khuyết. Trong con mắt của Nguyễn Trí Huân, không chỉ những người lính một thời xông pha trận mạc như Thức, Thiết, Mạc, Nhã tồn tại đầy hạn chế mà ngay cả những người vốn bị coi là phản bội như Phán, Nhuần cũng vẫn có những điểm tốt, nét tích cực đáng được xem xét.

Với Nguyễn Trí Huân, mỗi con người luôn luôn tồn tại cả mặt xấu xa và tốt đẹp. Một người lính xuất sắc trong kháng chiến nhưng bước vào quản lý kinh tế, các thói quen, thèm khát cũ bị đánh thức và anh ta cứ xuống thang lần lần, vừa xuống thang vừa kháng cự một cách yếu ớt. Hay như trong tiểu

56

thuyết Chim én bay, cách nhìn của nhà văn Nguyễn Trí Huân đối với những người vợ, người con của Giám Tuân, Hai Đích – kẻ thù của cách mạng cũng không hoàn toàn là ghẻ lạnh. Nếu rạch ròi giữa thiện và ác, tốt và xấu thì rõ ràng phải xếp những nhân vật này về phía ác bởi họ có “nợ máu nặng với cách mạng”. Nhưng tác giả đã thể hiện một niềm xót xa, thương cảm với những số phận ấy, những con người sau chiến tranh rơi vào cảnh túng bấn và bị đẩy ra ngoài xã hội. Nhận thức về kẻ thù trong cách nhìn của nhà văn bất chợt trở nên rất thực, khi tác giả đạt tới việc mô tả chúng với tư cách mô tả một con người đang ở phía đối địch.

Bản chất con người là do tự nhiên quy định ngay từ lúc sinh ra, song không phải nó sẽ nhất thành, bất biến trong suốt quá trình phát triển mỗi cá nhân. Với quan niệm như thế, Mạc đã toan nghĩ sẽ tha thứ cho cô vợ hư hỏng của mình bởi gạt bỏ những chuyện lăng nhăng kia, cô ấy không còn gì thật đáng chê trách, và thời gian nhất định sẽ giúp cô ấy sửa đổi. Điều này không những thể hiện tấm lòng rộng lượng, bao dung trong con người Mạc mà nó còn là quan niệm, cách nhìn đời, nhìn người trong tính đa chiều của người lính này. Thái độ của nhà văn đối với những nhân vật như Phán, Nhuần… là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi trong cách miêu tả các nhân vật phản diện so với bút pháp “hiện thực tàn nhẫn” của tiểu thuyết trước năm 1975. Mặc dù chưa phác họa bức chân dung rõ nét về những nhân vật phản diện như Tám Hàn (Đất trắng), Can (Nỗi buồn chiến tranh)… song chỉ với những chi tiết nhỏ, nhà văn đã thể hiện quan niệm nghệ thuật toàn diện hơn, qua đó nhân vật phản diện hiện lên với sức sống đa chiều và có một đời sống riêng.

Sự thay đổi trong quan niệm nghệ thuật về người lính của Nguyễn Trí Huân còn được chứng minh qua việc miêu tả con người ở thời điểm họ hiện diện là một kẻ tiểu nhân, nhút nhát, hèn mặc, mất niềm tin vào cách mạng. Ngay trước khi tiểu đoàn 3 vượt sông thất bại, Thiết đã nói với Thăng rằng

57

anh không tin lắm vào đợt vượt sông này. Còn với Thăng, một tân binh khi đối mặt với tiếng súng nổ, với đầy rẫy những xác ngụy ngay trước mặt, anh đã sợ sệt mà thú nhận với bản thân mình là đồ hèn nhát. Hình ảnh người lính hiện lên trong những thời điểm đó không lấp lánh tinh thần anh hùng, phơi phới lạc quan nhưng đổi lại, đó là lúc họ sống thật với lòng mình nhất. Những phút giây run rẩy, do dự trước kẻ thù hay nhụt chí chiến đấu như Mạc, Thăng, Quy… cũng là tâm trạng chung nhiều người lính qua mỗi trận đánh. Có thể nói, để người lính xuất hiện trong những thời điểm đó, tính hoàn mĩ của hình tượng người lính đã giảm đi chút ít, song tính chân thực của hình tượng này có sức thuyết phục hơn.

Như vậy, bên cạnh việc miêu tả người lính như những hình tượng anh hùng, hoàn mĩ, Nguyễn Trí Huân đã quan tâm đến họ ngay cả trong tình yêu chân thành, dục vọng bản năng, trong những thời điểm yếu hèn, run sợ… Do đó, người lính không còn hiện diện với tư cách là con người của cộng đồng là con người cá nhân, con người công dân, con người xã hội. “Một chân dung đầy đặn hơn, nhiều chiều cạnh hơn do vậy mà chân thực hơn của những con người thuộc về phía chiến thắng, trong bao bi kịch và bất hạnh của nó, đó là hướng viết vẫn được tiếp tục trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh sau chiến tranh” [45].

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân (Trang 53)