B. NỘI DUNG
2.1.1.1 Những người lính anh hùng
Mặc dù đã có nhiều thay đổi, song nhân vật người lính hiện lên qua các trang văn thơ hậu chiến nói chung và tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân nói riêng trước hết vẫn mang những phẩm chất quen thuộc của anh bộ đội cụ Hồ thời chống Pháp, chống Mỹ. Có thể nói, “trong dàn hợp xướng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, về cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh, nhân vật người lính, như một giọng sô lô nổi bật lên ở vẻ đẹp tinh thần và thể chất” [44, 96]. Cùng với hàng loạt người lính xuất hiện trong Thung lũng thử thách, Trong cơn gió lốc, Nắng đồng bằng…, tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân đã phác họa rõ nét bức chân dung chân thực về người lính với đầy đủ phẩm chất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó là hình ảnh của chính ủy Mai Phương, chính ủy Thức, tiểu đoàn trưởng Phác, Nhã, Mạc (Năm 1975 họ đã sống như
45
thế); là Dũng, Thêm, Cường… (Chim én bay). Đặc biệt ấn tượng với độc giả là những người lính của đội Chim én dù tuổi đời còn rất non nớt, mới chỉ mười ba, mười bốn tuổi nhưng chúng đều có nợ thù với những kẻ trực tiếp gây nên tội ác với gia đình, cho nên chúng sớm trở nên dạn dĩ với đạn đại bác đã nuôi ý chí chiến đấu ngay từ những năm tháng tuổi thơ. Trong số những người lính đó, tác giả không có dụng ý xây dựng một nhân vật điển hình cho thời đại, cho thế hệ mà đặt họ trong một tập thể lớn để thấy được phẩm chất anh hùng, cao thượng và giàu chất lý tưởng ở những con người này.
Năm 1975 họ đã sống như thế, tiểu thuyết ra đời ngay sau khi chiến tranh kết thúc không lâu, âm hưởng tiểu thuyết vẫn nóng hổi không khí khẩn trương, gấp gáp của chiến trận. Trong các trận đấu đó nổi bật lên hình ảnh của những con người như Mạc “nói chuyện dở nhưng đánh nhau húc phải biết”, như Thức “sống lăn lộn, gắn bó máu thịt với từng trận đánh của trung đoàn”, như Nhã với tinh thần chỉ huy tác chiến táo bạo… Mỗi con người một quê hương, một tính cách khác nhau nhưng luôn sát cánh cùng nhau và chia sẻ mọi khó khăn trong lúc bom rơi, đạn nổ nơi chiến trường. Hình ảnh người lính trong tiểu thuyết này gần gũi với người chiến sĩ trên các mặt trận khác nhau của Tổ quốc trong Dấu chân người lính, Mẫn và tôi, Chiến sĩ, Vùng trời… ở giai đoạn trước. Họ gặp nhau ở tinh thần dù trong bất kể tình huống nào cũng phải nằm lại, dù có chết cũng phải bám chặt lấy trận địa như Mạc đã từng nghĩ. Ở tiểu thuyết Năm 1975 họ đã sống như thế, không có nhân vật nào chiếm vị trí trung tâm. Các nhân vật Thư, Thức, Thiết, Mạc, Nhã… xuất hiện rải rác, đan xen nhau trong suốt hành trình dài của tiểu thuyết mà tâm điểm là khoảng thời gian gần ngày giải phóng 30 tháng 4 năm 1975. Họ đã cùng nhau trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là lúc D3 để mất điểm cao 174 khiến Mạc day dứt khôn nguôi. Mặc dù vậy, những người lính luôn
46
phơi phới lạc quan, họ vẫn hát những bài hành khúc về Bác Hồ, về đất nước trên mỗi chặng đường hành quân đi chiến đấu.
Đến Chim én bay, Nguyễn Trí Huân đã gieo vào lòng người đọc ấn tượng về đội Chim én với hình ảnh những người lính “trẻ con” như Quy, Dũng, Thêm… dù tuổi đời còn rất nhỏ song dường như ý chí, tinh thần gan dạ, sẵn sàng đối mặt với gian nguy đã được nuôi dưỡng từ khi còn nằm trên nôi. Chỉ với những chiến công nhỏ của đội Chim én, nhà văn đã phác họa rõ nét hình ảnh tiêu biểu của một thế hệ người lính thời kháng chiến chống Mỹ. Chứng kiến cái chết bi thương của người thân trong gia đình, oán thù mỗi ngày một chất nặng thêm khiến các em nhỏ bức bối và liều lĩnh đến quyết liệt trong hành động, dữ dằn đến khác thường trong ý chí. Hình ảnh các em nhỏ trong Chim én bay thực sự ám ảnh sâu sắc người đọc nhiều thế hệ, bởi lẽ “Khi cả dân tộc phải gồng mình lên để vượt qua cái chết thì sự gồng mình lên của các em nhỏ, hành vi tự bảo mạng ở các em nhỏ, sự rửa hận từ phía các em nhỏ bao giờ cũng mang ý nghĩa bi hùng, bởi nó dị thường, ngặt nghèo, tàn nhẫn, bởi sự trớ trêu của cái hữu hạn của sức lực con người trước cái vô hạn của hoàn cảnh bắt buộc họ phải vượt qua” [33, 200].