B. NỘI DUNG
3.2.2 Kết cấu theo dòng ký ức
Sang đến tiểu thuyết Chim én bay, kết cấu tiểu thuyết đã hoàn toàn thoát ly khỏi kiểu kết cấu truyền thống dựa theo thời gian tuyến tính. Nguyễn Trí Huân tổ chức cốt truyện theo diễn biến tâm lý của nhân vật chính – Quy, theo đó, kết cấu tác phẩm là kết cấu theo dòng ký ức, “kết cấu của khoảnh khắc, các quãng nghỉ và những bước kết tiếp” [1, 68]. So với các tiểu thuyết hậu chiến vài năm trước đó như Miền cháy, Lửa từ những ngôi nhà, Nắng đồng bằng, Đất trắng, Năm 1975 họ đã sống như thế, Trong cơn gió lốc, Cửa
103
gió… việc tái hiện lịch sử trên cơ sở cuộc đời một con người cụ thể đã là một bước tiến đáng kể so với việc tái hiện lịch sử qua cộng đồng, sự kiện. Tính chất đời tư như một đặc điểm của Chim én bay đã đẩy nó xa dần với tiểu thuyết sử thi để dần nhập cuộc vào phía tiểu thuyết hiện đại.
Trong Chim én bay, quá khứ đậm nhạt luôn luôn có mặt trong hiện tại, thời gian luôn luôn chuyển động, thay đổi theo dòng hồi ức. Zoltan Kênêres trong tác phẩm Số phận của tiểu thuyết khái quát “kiểu tiểu thuyết này khẳng định rằng có thể nhận thức vẻ đa dạng của thế giới xung quanh không phải thông qua thời gian của hành động mà là thông qua quá trình hồi ức” [70, 189]. Tiểu thuyết Chim én bay được chia thành bốn chương, không kể phần mở đầu và một chương kết thúc nhưng cốt truyện không diễn ra theo tuần tự thời gian từ lúc Quy mười một tuổi cho đến lúc chị từ biệt cuộc đời trong cái chết chậm chạp mà đau đớn. Cả mạch truyện là dòng chảy đan xen của quá khứ và hiện tại. Quá khứ là “bốn năm trời chị đã bị cuốn vào một cuộc sống mà lẽ ra không nên có ở tuổi niên thiếu của chị. Nhưng chiến tranh là vậy, các không bình thường đã trở nên bình thường”. Quá khứ ấy gắn liền với sinh mệnh, với sự mất còn của quê hương chị mà nếu được trở lại những ngày tháng ấy, chắc chắn chị cũng không làm khác. Còn hiện tại, hơn mười năm sau khi chiến tranh qua đi, biết bao đổi thay đã diễn ra trên quê hương chị. Những tên lính Mỹ, những quả đạn pháo nổ bất chợt, những bộ đồ rằn ri của bọn biệt động, thuỷ quân lục chiến… vĩnh viễn bị đẩy lùi vào dĩ vãng. Đã có một thế hệ cắp sách đến trường không hề biết thế nào là tang tóc, là chiến tranh nhưng những di chứng của chiến tranh dường như vẫn còn đâu đó, trong thái độ ác cảm, hằn thù của mọi người đối với vợ con những tên phản bội. Khác với cấu trúc tiểu thuyết theo lịch sử - sự kiện như Dấu chân người lính
(Nguyễn Minh Châu) hay lịch sử - tâm hồn như Thời xa vắng (Lê Lựu) ra đời trước đó, Chim én bay cũng như tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Nỗi
104
buồn chiến tranh (Bảo Ninh)… cùng xuất hiện vào nửa cuối những năm 80, ký ức đã trở thành một thành tố quan trọng của cấu trúc tiểu thuyết. Chính kí ức đã tạo nên thời gian tâm lý, tạo sự chiêm nghiệm trong đời sống nhân vật, tạo nên tính đa chiều cho tác phẩm - một trong những yếu tố quan trọng của tư duy tiểu thuyết hiện đại.
Chảy theo dòng hồi tưởng của nhân vật chính, thời gian cốt truyện luôn luôn có sự đan xen giữa thời gian quá khứ và thời gian hiện tại. Các sự kiện không xuất hiện theo trật tự trước sau mà quá khứ đồng hiện trong hiện tại và hiện tại lại ùa về trong quá khứ. Tiểu thuyết mở ra vào thời điểm những ngày đầu năm 1980 khi ý định tìm lại nhà những tên ác ôn mình đã giết chết hơn mười năm về trước thôi thúc mạnh mẽ trong tâm hồn người nữ anh hùng Chim én. Nhưng sau đó, câu chuyện lại gợi về mùa đông năm 1969 và kéo dài qua những năm tháng chiến tranh từ khi Quy mới mười một tuổi. Nếu như gần bốn trăm trang truyện của Năm 1975 họ đã sống như thế chỉ tập trung miêu tả khung cảnh chiến trận gấp gáp trong khoảng 2 tháng trước 30 tháng tư năm 1975 thì tiểu thuyết Chim én bay với thời gian văn bản ngắn hơn nhiều nhưng đã gói gọn biết bao sự kiện trong suốt hơn 10 năm cuộc đời nhân vật chính. Nhà văn đã đảo lộn trật tự biên niên, phá vỡ cấu trúc thời gian tuyến tính để phù hợp với trật tự của hồi ức, của kỉ niệm. Kết cấu đồng hiện kết hợp cùng kết cấu tâm lý thích hợp với việc thể hiện thế giới nội tâm người lính ở chiều sâu tư tưởng với nhiều trăn trở, bi kịch. Có thể nói kết cấu theo dòng ký ức là một trong những nét đổi mới của tiểu thuyết, nó chứng tỏ nỗ lực của nhà văn trong việc tìm kiếm phương thức thể hiện hình tượng nhân vật người lính sau chiến tranh.
Mặc dù đã có sự đảo trật tự thời gian nhưng xuyên suốt Chim én bay
vẫn là mạch chuyện về cuộc đời một nhân vật nên nó chưa đạt đến sự phức điệu như tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Tác giả đã để cho
105
Quy sống trong thời gian hai chiều: chiều quá khứ và chiều hiện tại. Hai chiều thời gian không rạch ròi mà đan xen, hòa trộn vào nhau thành ra nhân vật như đang sống trong hai thế giới. Sự xáo trộn thời gian trong toàn bộ tiểu thuyết có thể gọi đó là kiểu kết cấu “thời gian đơn tuyến đảo tuyến”. Nếu như ở Năm 1975 họ đã sống như thế, kết cấu theo thời gian tuyến tính kết hợp với phần phụ chương chuyển tải quan niệm về chiến tranh của nhà văn nhìn từ hai phía thì đến Chim én bay, kếu cấu đơn tuyến đảo tuyến thể hiện thành công lăng kính về chiến tranh quy tụ qua số phận một con người. Nhờ đó, Chim én bay
cùng với một số tiểu thuyết cùng thời như Nỗi buồn chiến tranh, Ăn mày dĩ vãng đã tạo tiền đề cho những đổi mới mạnh mẽ trong nghệ thuật kết cấu tiểu thuyết về sau.