Miêu tả nhân vật bằng thủ pháp đồng hiện

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân (Trang 97)

B. NỘI DUNG

3.1.2 Miêu tả nhân vật bằng thủ pháp đồng hiện

Một thủ pháp đắc dụng khác được Nguyễn Trí Huân sử dụng khi xây dựng nhân vật đó là đồng hiện quá khứ và hiện tại. Sau năm 1975, ký ức được nhiều nhà văn sử dụng khi khai thác thế giới nội tâm phức tạp của nhân vật. Theo đó, toàn bộ tiểu thuyết được coi là “một dòng chảy, một con sông, ở đó những tư tưởng, cảm xúc, liên tưởng bất chợt luôn luôn lấn át nhau và bện chặt vào nhau một cách kì quặc, “phi lô gíc”” [6, 122]. Nếu đặt tiểu thuyết

Chim én bay bên cạnh Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh hay Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai sẽ thấy sự tương đồng khi ba nhà văn cùng để cho nhân vật của mình vừa sống trong hiện tại, vừa sống trong quá khứ thông qua mạch hồi tưởng và kí ức về một thời khói lửa đã đi qua trong cuộc đời. Trong các tiểu thuyết này, “nhà văn đã thừa nhận bản ngã như một chất liệu trọng yếu trong cảm hứng sáng tạo. Sự gặp gỡ gia chất liệu ấy với bút pháp hướng nội đã giúp người đọc cảm nhận được bằng chiều sâu tâm hồn những khoảnh khắc tự thức tỉnh, tự hoàn thiện nhân cách, tự điều tiết sự cân bằng giữa lương tâm và trách nhiệm, giữa con người và xã hội” [81, 26]. Đọc tiểu thuyết Chim én bay, người đọc vừa như thấy lại những năm tháng chiến tranh xưa với tất cả những sự khốc liệt của nó, lại vừa như được đứng trước những vấn đề thời sự của

97

cuộc sống hôm nay như: vấn đề đổi mới cách nghĩ, cách sống, vấn đề tình người, lòng nhân đạo cũng như việc giải toả hận thù, ngăn chặn nọc độc của cuộc chiến tranh mới…

Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết với dung lượng khá khiêm tốn này, ít thấy các trận đánh bom đạn nảy lửa nơi chiến trường như thường gặp trong tiểu thuyết viết về chiến tranh. Mặc dù bối cảnh của câu chuyện diễn ra vào những năm tháng khó khăn sau cuộc tập kích chiến lược Tết Mậu Thân trên mảnh đất Hoài Nhơn buộc người dân nơi đây phải thực hiện phương thức tác chiến diệt ác nhưng nhà văn đã dồn nén tính chất khốc liệt của cuộc chiến vào số phận nhân vật Quy, tất cả các chi tiết được tác giả cô đọng đến mức giản dị nhất và thay vào đó là trăn trở, day dứt của chị trước cuộc sống hiện tại và những ký ức không nguôi về quá khứ. Ký ức đã trở thành xương sống để cho sự kiện bám rễ vào, trở thành chất keo dính kết nối quá khứ với hiện thực đắng chát của cuộc sống hậu chiến. Nó được khơi màn từ việc Quy tìm lại nhà những tên ác ôn bị chị giết hơn mười năm trước trong tâm trạng vừa băn khoăn, vừa dằn vặt “Liệu những người vợ, người con của những tên ác ôn ấy hiện đang sống ra sao? Những gì đang cản trở họ sống? Họ còn ở những ngôi nhà cũ hay đa bị tịch thâu, đã chuyển đi nơi khác?” [33, 9]. Để từ đó, mạch chuyện giống như một cuốn băng quay chậm nhưng rối bời, Quy hiện hữu là một thành viên của đội Chim én với nỗi đau vô bờ bến về cái chết của cha, của anh Dương, chị Hảo, với lòng căm thù sâu sắc những kẻ đã đẩy chị vào cảnh bơ vơ không nơi nương tựa, với ý chí quyết tâm trả thù cho những mất mát mình phải chịu đựng. Ở một góc khác, Quy lại là một nữ anh hùng, một đại biểu trẻ của Quốc hội nhưng đang trải qua những ngày tháng đơn độc của người lính hậu chiến với chằng chịt nỗi đau về thể xác và tâm hồn. Sống trong dòng ký ức, con người Quy được phơi bày trọn vẹn cả trong quá khứ và hiện tại. Sự xuất hiện của những hồi ức về quá khứ đau thương mà hào hùng luôn

98

đồng hiện cùng tâm tư, trăn trở của Quy trước cuộc sống đang chảy trôi, “những ý nghĩa của nhân vật anh hùng về quá khứ, về chiến tranh, về cuộc sống huy hoàng cứ được tác giả khơi lên, đào sâu xuống tự nhiên như vốn có khi thì là những đoạn độc thoại, lúc khác là một cuộc tranh luận, một cuộc đối thoại với những người xung quanh: một người đồng chí cũ, một cán bộ có chức có quyền ở địa phương, vài ba đứa trẻ ngây thơ. Cũng có khi là những dòng hồi tưởng sinh động về một trận đánh thắng lợi có, thất bại có năm nào, lại là những cuộc gặp gỡ với vợ con của kẻ thù – kẻ thù có nợ máu với cách mạng” [12]. Miêu tả nội tâm nhân vật bằng ký ức, người đọc cảm nhận rõ cuộc sống tinh thần hết sức gập ghềnh, đầy sự trăn trở và lo toan của người lính trở về sau chiến tranh.

Cái chết của người thân và đồng đội, tội ác của kẻ thù luôn luôn là nỗi ám ảnh lớn trong tâm trí Quy. Đồng thời, chứng kiến cảnh ngộ của vợ con những tên ác ôn mà mình đã giết trong chiến tranh Quy lại không khỏi day dứt về hành động của mình, đó là nỗi day dứt của tình thương người, lòng nhân đạo cao cả. Hai trạng thái cảm xúc đó luôn luôn thường trực và đan xen trong suy nghĩ, trong tâm hồn người nữ anh hùng Chim én. Để cho nhân vật sống trong hai chiều kích không gian cả ký ức và thực tại, tác giả đã khơi sâu tinh thần của người lính sau chiến tranh, đặc biệt ở những góc khuất lấp nhất. Cũng giống như Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng), Kiên (Nỗi buồn chiến tranh), dù sống trong thực tại hoà bình nhưng ký ức về chiến tranh luôn luôn thường trực và có sức ám ảnh lớn đối với họ.

Sự kết hợp giữa miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế, chân thực và sử dụng thủ pháp đồng hiện quá khứ - hiện tại đã mang lại những thành công nhất định trong nghệ thuật xây dựng nhân vật cho tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân. Tuy nhiên, dường như lối viết nhanh, viết vội thời chiến vẫn chi phối phần lớn văn phong tác phẩm nên ngoại trừ nhân vật Quy, tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân hầu

99

như không xây dựng được nhân vật nào thực sự nổi bật. Một trong những nguyên nhân dễ nhận thấy là nhà văn không chú ý đến việc miêu tả nhân vật từ ngoại hình, tính cách mà chỉ thiên về thể hiện chiều sâu nội tâm thông qua diễn biến tâm lý. Do đó, loại nhân vật gian ngoan, tàn ác, thủ đoạn, dối trá như Phác, Hai Đích, Giám Tuân, Thưởng… thường chỉ “diễn qua mắt” độc giả chứ chưa được dựng lên bằng xương bằng thịt. Bên cạnh đó, có vài chỗ, vài đoạn, tính chừng mực của ngòi bút đã kìm hãm sự phát triển của các lô gíc tâm lý, sự kiện. Đó là những đoạn văn người đọc chưa được thỏa mãn, có cảm giác tưng tức trong đầu. Chẳng hạn như đoạn đối thoại giữa Quy và anh Cường trong Chim én bay khi tranh luận về việc tập thể xa lánh vợ con của những tên ác ôn xưa “Trời ơi, anh không hiểu em - Chị kêu lên bực bội – Tôi vô Đảng ở trong tù, tôi hiểu mình phải bảo vệ cái gì, sống chết vì cái gì. Tôi không ưng cái cách biện hộ lỗi thời của anh. Lúc nào anh cũng kêu đổi mới. Nếu vẫn suy nghĩ vậy, tôi tin anh không đổi mới được chi hết!” [33, 176]. Nếu viết phóng túng hơn và thể hiện tự nhiên diễn biến tâm lý nhân vật theo lô gíc nội tại của nó thì nhân vật sẽ hiện lên chân thực, sinh động hơn.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân (Trang 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)