Người lính trong tình cảm riêng tư

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân (Trang 47)

B. NỘI DUNG

2.1.1.2 Người lính trong tình cảm riêng tư

Hình ảnh người lính trong tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân không chỉ nổi bật lên với tinh thần, ý chí quật cường trong gian khó mà họ còn mang vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội cao cả, ở sự trong sáng, nhân hậu trong tình yêu, tình người. Bên cạnh những phút giây day dứt vì sai lầm, lo toan vì khó khăn hay thậm chí là bi quan về tương lai phía trước, người lính còn hiện lên qua tình yêu thương chân thành mà cao cả.

Trước năm 1975, do hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh, văn học bao giờ cũng đặt người lính trong mối quan hệ với cộng đồng, gắn bó với Tổ

47

quốc. Tình cảm của họ gắn liền và đại diện cho những tình cảm lớn lao, vĩ đại của toàn dân. Vì thế, người lính trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh trước năm 1975 thường bị gạt bỏ những gì thuộc về đời sống riêng tư, tình cảm cá nhân để hòa mình vào cái chung của cộng đồng, dân tộc. Ở những thời điểm khốc liệt nhất của chiến tranh, tình yêu nhẹ nhàng, chân thành của Thư và Thức, của Thiết và Phác (Năm 1975 họ đã sống như thế), của Quy dành cho anh Cường (Chim én bay) có thể coi là những phút giây người lính sống thật với lòng mình nhất. Dẫu không được miêu tả nhiều song những trang văn thể hiện tình yêu đôi lứa đã góp phần làm sinh động vẻ đẹp tinh thần của người lính thời chiến. Đối với nhân vật Thức, khi ở chiến trường anh dạn dày kinh nghiệm chiến đấu bao nhiêu thì trong tình yêu anh lại e ngại bấy nhiêu “Một sự rụt rè, thơ ngây, bề ngoài, trái hẳn với một tình yêu sôi sục, thiêu đốt bên trong” [36, 108]. Nhiều lần, anh muốn gặp để nói hết với Thư, để nhận một câu trả lời dứt khoát, song lại sợ sau đó, giữa mình và Thư không còn gì, nên đã định từ lâu Thức vẫn chưa nói được. Rõ ràng, trong tình yêu, mọi gan dạ, quyết đoán của người lính trong Thức đã tạm chìm xuống để nhường chỗ cho tình cảm bản năng của con người. Nhà văn đã không né tránh hay bỏ qua con người yêu đương rụt rè, tự ti đó ở Thức bên cạnh một con người chính ủy nghiêm khắc, mẫn cảm và đầy suy nghĩ. Nhờ đó, nhân vật hiện lên gần gũi, chân thực và là chính mình nhất.

Chim én bay, tình yêu của Quy dành cho Cường cũng được nhà văn thể hiện hết sức chân thành và tự nhiên. Ban đầu, đó chỉ là tình cảm của một đứa trẻ mới lớn dành cho người mà mình tôn trọng, nhưng dần dần nó đã trở nên sâu đậm trong tâm hồn người con gái đang trưởng thành. Và hơn thế nữa, tình yêu ấy nảy nở, phát triển còn gắn liền với dục vọng tự nhiên, bản năng của một tâm hồn khát khao yêu đương mãnh liệt. Vào đêm trước ngày cưới của Cường, Quy đã gặp lại anh, tình cảm bấy lâu dồn nén trỗi dậy “Hai cái

48

thân hình cùng nóng bỏng, cùng bốc lửa như hòa nhập vào nhau làm một. Chị ôm riết lấy anh, cảm thấy đau thắt nơi ngực bởi một sự mất mát. Chị hổn hển cố kiễng chân tìm đôi môi cương nghị của anh mà ngày thường, chị đã nhìn trộm không biết chán trong các cuộc họp” [33, 111]. Bao nhiêu yêu thương, khát khao ở Quy đã không còn được giấu giếm. Khác hẳn với thứ tình yêu lãng mạn của Lãm và Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, tình yêu của Quy và Cường được miêu tả chân thực hơn, nó gắn liền với dục vọng "Quy kéo anh lại phía chiếc giường đơn ở góc phòng điên cuồng và mạnh mẽ. Nhưng đúng vào lúc mà dục vọng sắp sửa bị thiêu hủy, sắp được thỏa mãn tới tận cùng thì anh vụt đứng dậy, vội vã gỡ tay chị ra”[33, 111]. Hiếm cho đoạn văn nào táo bạo và trần trụi như thế trong tiểu thuyết trước năm 1975. Khuynh hướng sử thi của tiểu thuyết cách mạng đã miêu tả người lính trong thái độ khắc kỷ, không suy nghĩ cho riêng bản thân mà bao giờ cũng sống cho cộng đồng, chết cho Tổ quốc. Tình cảm của họ gắn liền và đại diện cho những tình cảm lớn lao, vĩ đại của toàn dân tộc. Vì vậy, với hình dáng của một thánh nhân, người lính trong tiểu thuyết viết về chiến tranh trước năm 1975 thường bị gạt bỏ đi những gì thuộc về đời sống riêng tư, tình cảm cá nhân, những vấn đề thuộc về bản năng lại càng bị cấm kỵ. Sau 1975, chiến tranh đã kết thúc và trong sự nhìn nhận, đánh giá, chiêm nghiệm về “những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng” đó, tiểu thuyết về chiến tranh đã chạm đến những vấn đề thuộc về đời tư, bản nhiên của con người.

Nhưng giữa lúc tưởng như phần bản năng trong hai con người Quy và Cường trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết ấy thì họ đã biết dừng lại. Cường lắp bắp một cách máy móc, tầm thường rồi chạy lao ra ngoài “Đừng, đừng, Tư tha thứ cho anh”. Chứng kiến hình ảnh Cường lúc này mới thấy anh thực sự khác xa với vẻ nghiêm nghị, cứng rắn khi là người đứng đầu đội quân Chim én. Trong tâm hồn người lính, bên cạnh phẩm chất anh hùng còn có

49

những khát khao hết sức đời thường. Cái thiêng liêng, hào hùng của người lính cụ Hồ và cái dục vọng tầm thường của con người bản năng cứ đan xen nhau, trộn lẫn vào nhau. So với Chu Lai trong Ăn mày dĩ vãng, những đoạn văn miêu tả tình yêu đầy bản năng và dục vọng này còn quá ít và không táo bạo bằng những trang văn thể hiện tình yêu của Tuấn và Thu, khát khao của Tám Tính, của Khiển. Tuy nhiên, nó cũng phần nào bộc lộ được những xúc cảm tự nhiên nhất của hai tâm hồn đang yêu và khát khao yêu đương.

Với Quy, tình yêu mà cô dành cho Cường còn mãnh liệt hơn. Cô mong mỏi mỗi phút giây được ở bên anh và người con gái mới lớn trong cô đã lần đầu có những rung động mơ hồ về thể xác. Một đêm dài dằng dặc nằm dưới căn hầm bí mật nơi chỉ có hai con người, trong Quy đã “nôn nao bởi một sự gần gũi, va chạm giữa hai cơ thể xa lạ mà quyến rũ. Cảm giác ấy” [33, 131]. Nếu như chiến tranh đã tàn phá về vật chất, gây nên những mất mát đau thương trên thân thể và trong tâm hồn, làm ức chế, tước đoạt những nhu cầu tự nhiên nhất của bản năng con người thì chiến tranh cũng buộc con người phải sống nhanh hơn, gấp hơn những gì còn lâu họ mới có. Bao nhớ nhung, thương yêu dồn nén bấy lâu trong con người Quy có điều kiện để bộc lộ. Bình thường, Quy nhút nhát, trẻ con bao nhiêu thì giờ đây cô trở nên bạo dạn bấy nhiêu. Chị rụt rè chạm vào người anh khẽ gọi. “Ở chị có một sự thúc bách, đòi hỏi khác cần được thỏa mãn mà chị cho rằng nó rất nghiêm trọng đối với cuộc đời chị.

- Liệu hòa bình chúng mình có còn sống với nhau không anh? – Chị nhỏm dậy nhìn vào mắt anh. Câu hỏi vụt ra như một viên đạn”. [33, 132].

Tình yêu đơm hoa kết trái trong tâm hồn Quy cũng chính từ những rung cảm về thể xác ấy. Để rồi sau này chị luôn sống như bám vào nó. Hình ảnh anh Cường hiện diện trong chị cả lúc tỉnh cũng như lúc mơ, cả khi chị lên

50

cơn mê sảng thì đó vẫn là người yêu, là chồng chị. Không gian chật hẹp của căn hầm khiến cho không khí càng thêm nóng và tâm hồn hai con người càng thêm rạo rực. Tuy nhiên, cái phút giây Quy bức bối vì “vai áo anh cà nhột trên khuôn ngực mới nhú của chị” lại không phải là lúc Cường choàng tới ôm ghì lấy chị, áp khuôn mặt lởm chởm râu vào khuôn mặt non nớt của chị.

Những trang văn miêu tả tình yêu và xúc cảm tự nhiên, chân thực của Quy, của Cường trong cuốn tiểu thuyết dù chỉ là điểm xuyết song nó đã thể hiện được một phần đời sống tinh thần của người lính trong những năm chiến tranh ác liệt. Không quá táo bạo và trần trụi khi miêu tả về tình yêu, dục vọng của hai nhân vật này song Nguyễn Trí Huân đã mang đến cho tiểu thuyết của mình một cách nhìn mới, chân thực và sinh động hơn về cuộc sống của người lính giữa bom rơi, đạn lạc. Ở đó, con người sống với chính mình nhất, nơi phần con và phần người cùng tồn tại. Ở đó, chiến tranh dù tàn khốc, dù ác liệt cũng không thể tiêu diệt hết sức sống mãnh liệt, niềm khát khao hòa hợp tồn tại như là bản năng trong mỗi con người.

Trong tiểu thuyết Năm 1975 họ đã sống như thế, ta cũng bắt gặp những xúc cảm chân thực của Mạc khi kể về mối tình đầu với người vợ của mình “thấy cô nàng vào, mình ngượng muốn chết, nhưng cô nàng còn ngượng hơn. Lúc đó nom cô ta đẹp như tiên giáng thế, ông ạ! Hai gò má đỏ như táo chin, chiếc áo sơ mi màu trắng tinh khiết, khuôn ngực mới lớn cứ dâng lên hạ xuống phập phồng như thế này này. Mình sửng sốt khi nhìn vào đôi mắt như hai cục than của cô ấy…” [36, 87]. Chỉ là lời kể lại nhưng rõ ràng, trong giọng nói của Mạc chất chứa biết bao thương yêu, rung động về mối tình đầu đẹp đẽ và lãng mạn ấy.

Trở lại với tiểu thuyết Chim én bay, ngoài anh Cường, Quy còn dành nhiều thương yêu cho Dũng. Những năm sau khi chiến tranh kết thúc, trở về

51

quê hương, sống cuộc đời đơn độc trong căn phòng rộng thênh thang của khu tập thể, chị luôn nhớ đến Dũng “Hầu hết những đêm thao thức bởi những khát vọng bình thường của người phụ nữa chưa hề được làm vợ, làm mẹ, chị đã sống bằng mộng mị với Dũng. Chị tưởng tượng Dũng, lúc này là một sĩ quan quân đội. Điều này không thể khác, vì vào bộ đội chủ lực luôn luôn là ước mơ của Dũng. Chị và Dũng sẽ vẫn ở căn nhà này. Mỗi lần Dũng về phép, khu tập thể lại náo động vì tiếng cường và những câu chuyện Dũng kể. Chị sẽ bỏ ra thật nhiều thời gian để chọn bột, gói bánh ít, thứ bánh mà chị tin lớn lên Dũng vấn thích ăn như hồi nhỏ…” [33, 109]. Tâm trạng của Quy cũng là tâm trạng của biết bao người phụ nữ khác đi qua chiến tranh và phải chịu đựng cảnh đời côi cút, không chồng, không con trong thời bình. Chống chọi lại nỗi bi kịch ấy, Quy thường xuyên rơi vào mộng tưởng. Thế mới biết trong sâu thẳm con người chị, khát khao yêu đương, ước vọng được làm vợ, làm mẹ luôn luôn mãnh liệt và chưa bao giờ tắt. Những lúc cô đơn nhất cũng là lúc khát vọng trong con người Quy cháy bỏng hơn bao giờ hết. Không người thân thích, thương yêu, Quy đến với tình yêu trong tưởng tượng. Những giấc mơ của Quy chưa mộng mị đến mức như Kiên của Nỗi buồn chiến tranh sống trong khói hồng ma để trở về với Hà Nội cổ kính và tráng lệ nơi có mối tình đầu trong sáng và tươi đẹp với Phương, nó nặng chất đời thực hơn. Dẫu vậy, những giấc mơ, những tưởng tượng đó đã khắc họa rõ nét sự thiếu thốn, thèm khát được sống trong tình yêu, được hưởng niệm hạnh phúc của người, người mẹ mà chiến tranh đã cướp đi trong cuộc đời Quy.

So với tiểu thuyết Năm 1975 họ đã sống như thế, tình yêu đôi lứa, dục vọng cá nhân được nhà văn thể hiện sâu đậm hơn, nó gắn liền với việc tập trung miêu cả cuộc đời, số phận cá nhân của nhân vật Quy. Nhìn chung, qua hai tiểu thuyết này, Nguyễn Trí Huân đã có cách nhìn chân thực, sinh động về hình ảnh người lính cũng như tình cảm cá nhân, khát vọng bản năng trong tâm

52

hồn họ. Hướng ngòi bút đến phần sâu xa, riêng tư nhất của người lính cũng có nghĩa nhà văn thấu hiểu đến tận cùng nỗi đau, niềm bi kịch mà chiến tranh đã kìm nén, tước bỏ trong tâm hồn mỗi con người. Trong tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân, tình yêu đôi lứa không còn gắn liền với tình yêu đất nước, tình cảm dân tộc hay tình đồng chí nữa, nó đã nghiêng về phía tình yêu cá nhân mãnh liệt, bản năng. Nếu như tình yêu của Thư và Thức trong Năm 1975 họ đã sống như thế nhẹ nhàng, lãng mạn, thứ tình yêu làm cho con người ta trẻ lại, nhìn cuộc đời tươi vui hơn thì tình yêu của Quy trong Chim én bay gắn liền với bi kịch cuộc đời chị và nó cũng chân thực, bản nhiên hơn. Có thể coi đây là một trong những cách tân của tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân so với tiểu thuyết trước năm 1975 viết về đề tài chiến tranh, cách mạng. Nó thể hiện tư tưởng nhân văn cao đẹp, nó là một tiếng nói cho khát vọng con người.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)