0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (129 trang)

Đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT NGUYỄN TRÍ HUÂN (Trang 28 -28 )

B. NỘI DUNG

1.2.2 Đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người

Sự chuyển đổi cảm hứng sáng tác từ khuynh hướng sử thi dần sang đời tư – thế sự và xu hướng phản ánh chân thực, khách quan hiện thực chiến tranh đã kéo theo nhiều đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người của văn học hậu chiến. Trong bài viết “Những dấu hiệu đổi mới của văn xuôi từ sau 1975 qua hệ thống mô típ chủ đề”, PGS. TS Bích Thu khái quát “Văn xuôi sau 1975 đã chuyển dần từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết. Cuộc chiến đã lùi vào dĩ vãng sau một quãng lùi lịch sử, sau một khoảng cách thời gian, chất sử thi nhạt dần. Cảm hứng sáng tạo chuyển từ ngợi ca, tự hào, khâm phục đến chiêm nghiệm, lắng đọng, suy tư. Thay vì cách nhìn đơn giản rạch ròi thiện ác, bạn thù, cao cả, thấp hèn là cách nhìn đa chiều, phức hợp về hiện thực và số phận con người. Đề tài chiến tranh và cách mạng, lịch sử và dân tộc nhường chỗ cho đề tài thế sự và đời tư” [81, 25]. Trong hàng loạt tiểu thuyết viết sau năm 1975, các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Chu

28

Lai, Trung Trung Đỉnh… đi sâu khám phá cuộc sống hàng ngày, những số phận cá nhân, nhìn thẳng vào những mảnh vỡ của đời sống, những bi kịch nhân sinh và không né tránh cả những mặt tăm tối, góc khuất lấp của cuộc sống thường nhật bằng cái nhìn trung thực và táo bạo. Chính bởi thế, vấn đề con người cá nhân trở thành tâm điểm khai thác và nguồn cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ của thế hệ nhà văn sau chiến tranh.

Đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người là một trong những chuyển biến của tiểu thuyết sau năm 1975, nó phù hợp với bản chất “là thể loại văn chương duy nhất luôn luôn biến đổi, do đó nó phản ánh sâu sắc hơn, cơ bản hơn, nhạy bén hơn sự biến chuyển của bản thân hiện thực” [60, 23]. Tiểu thuyết hậu chiến đã đưa con người về đúng vị trí vốn có của nó. Con người vừa là điểm xuất phát, vừa là đối tượng khám phá, vừa là cái mốc cuối cùng của văn học. Con người hiện ra trong tiểu thuyết như một tiểu vũ trụ với những bí ẩn phức tạp, đòi hỏi những người cầm bút phải có khả năng tìm tòi, phân tích, nhận định. Chính đặc điểm này đã tạo nên thành công nhất định cho tiểu thuyết hậu chiến, đúng như quan niệm của nhà văn Nguyễn Minh Châu “những cuốn tiểu thuyết viết thành công bao giờ dường như cũng có xu hướng phá vỡ khuôn khổ đề tài để tất cả cùng nhau đi đến một điểm chung – điều mà chúng ta thường gọi một cách cảm tính là “chất tiểu thuyết” – có phải chăng nó chính là những khám phá của chiều sâu tâm lý và tính cách, cũng như tầm khái quát xã hội của ngòi bút tiểu thuyết khi tình bày những số phận con người” [47, 341].

Thực tế cho thấy, trong các sáng tác trước 1975, hình ảnh con người cá nhân đã bị lu mờ đi giữa sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của con người công dân với tiếng hô Xung kích, với sức mạnh Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), với Tầm nhìn xa, với lời kêu gọi Hãy đi xa hơn nữa (Nguyễn Khải); đó là con người cùng với Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), đi những dặm dài trong Dấu

29

chân người lính (Nguyễn Minh Châu) khắp mọi nẻo đường đất nước trong những năm chống Mỹ cứu nước…. Cùng với việc thu hẹp phạm vi hiện thực sử thi hoành tráng và hướng đến những thời điểm ác liệt, cam go nhất của từng cuộc chiến đấu, tiểu thuyết viết về chiến tranh sau năm 1975 đã chuyển dần sang thể tài thế sự - đời tư, phản ánh cái muôn mặt, muôn vẻ của đời thường. Ngay trong những năm đầu sau chiến tranh, ở một số sáng tác vẫn đậm chất sử thi như Những người đi từ trong rừng ra (Nguyễn Minh Châu),

Ranh giới (Lê Lựu)… thì việc “mở rộng bối cảnh hiện thực về phía những thời điểm khốc liệt, gay cấn của cuộc chiến đấu chính là một cố gắng để nắm bắt những diễn biến tâm lý sâu xa trong mỗi con người” [9, 22]. Chiến tranh kết thúc cũng là lúc tiểu thuyết cần có sự trở mình. Người đọc bắt gặp trong

Miền cháy, Năm 1975 họ đã sống như thế, Nắng đồng bằng… cùng với những “nhân vật sử thi” đã thấp thoáng kiểu “nhân vật số phận”. Bên cạnh “con người lý tưởng”, hình ảnh những con người đời thường, bình dị xuất hiện nhiều hơn. Cùng với hiện thực đa chiều, con người được nhìn nhận trong nhiều bình diện và nhiều tầng bậc “ý thức và vô thức, đời sống tư tưởng tình cảm và đời sống tự nhiên, bản năng, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường, con người cụ thể, cá biệt và con người trong tính nhân loại phổ quát” [56,16]. Đặc biệt, nếu ở giai đoạn trước, con người là phương tiện biểu đạt “cái lịch sử”, một trong những nhân tố bé nhỏ trong bức tranh sử thi rộng lớn thì bây giờ lịch sử lại trở thành phương tiện để biểu đạt con người. Giờ đây, “biến cố lịch sử trở thành đường viền của số phận cá nhân hoặc là cái cớ ban đầu để nhà văn khảo sát hành trình tự ý thức của con người” [9, 22]. Tiểu thuyết Lạc rừng của Trung Trung Đỉnh viết về trận đầu ra quân của người lính nhưng nhà văn đã không thể hiện những chiến công thử thách bản lĩnh người cầm súng mà tác phẩm tạo ra một tình huống hết sức độc đáo đó là lạc rừng, rơi vào tay những người xa lạ. Trong hoàn cảnh éo le đó, bằng sự tương

30

phản giữa hai số phận, hai mối tương sinh hết sức con người giữa Bình và Konlơ, tiểu thuyết đã đề cập tới một vấn đề văn hóa có ý nghĩa nhân loại là sự lựa chọn văn hóa, là bi kịch của văn minh trong cuộc xung đột văn hóa đã và đang diễn ra phía sau cuộc chiến đầy bom đạn.

Bên cạnh sự xuất hiện hình ảnh người lính – hình tượng quen thuộc của tiểu thuyết chiến tranh, trong các các sáng tác thời kì này nổi bật lên bức chân dung những con người thời bình. Vẫn những hình ảnh đẹp về người lính như Vạn trong Bến không chồng, Tuấn, Tình trong Không phải trò đùa, Hiển, Thắng trong Miền cháy, Hai Hùng, Tám Tính trong Ăn mày dĩ vãng… song những người lính bước ra từ cuộc chiến tranh trĩu nặng suy tư, với ám ảnh sâu sắc về quãng thời gian đã qua, với bộn bề suy nghĩ, dằn vặt và một tâm hồn mang đầy thương tích như Quy (Chim én bay), Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng), Kiên (Nỗi buồn chiến tranh)… Mỗi nhân vật trong tiểu thuyết viết về chiến tranh sau năm 1975 đều có một số phận riêng, cảnh ngộ riêng, song họ gặp nhau ở một điểm đó là những thương tổn nặng nề về tinh thần.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã chỉ ra một thực tế “Trong bão tố của cách mạng và chiến tranh, con người phải phơi bày cái bản chất của mình ra nhanh chóng hơn lúc bình thường. Trong cách mạng và chiến tranh không có sự ve vuốt để yên tâm, thói lịch sự để che đậy, mọi con người đều là chính mình nhất” [47, 57]. Tuy nhiên, tiểu thuyết viết về chiến tranh trước đây đã thiên về miêu tả con người một chiều, chỉ hướng về phía tốt đẹp, anh hùng. Bản thân Nguyễn Minh Châu cũng đã mang nặng trăn trở về việc đổi mới cách viết với những nỗ lực trên chặng đường đi tìm chân giá trị của đời sống và của văn học và ông trở thành ngọn cờ đầu cho các nhà văn viết về chiến tranh sau chiến tranh.

31

Tiểu thuyết hậu chiến tiếp cận con người ở nhiều tư cách, vị thế và trên nhiều bình diện, nó đặc biệt quan tâm đến con người như một cá thể, một thực thể sống, trong đó chứa đựng cả cái phần nhân loại phổ quát. Khắp các trang văn của Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trọng Oánh,… hầu như các nhà văn không cố công xây đắp những hình tượng người lính kì vĩ đặt trong hệ quy chiếu của các giá trị cộng đồng. Ở một số tiểu thuyết sau năm 1975 đã xuất hiện hình ảnh con người “bất toàn”, có sự vênh lệch giữa phẩm chất người lính, người anh hùng trong chiến trận với cách ứng xử của họ trong các quan hệ riêng tư như Trí trong Hai người trở lại trung đoàn – Thái Bá Lợi; Phong trong Lửa từ những ngôi nhà – Nguyễn Minh Châu.

Bên cạnh hình ảnh người lính với niềm say mê lí tưởng, nhiều tác phẩm còn phản ánh cả những giây phút xao động, đớn hèn, tham sống sợ chết, tham tiền, háo sắc và cả phản bội như Can trong Nỗi buồn chiến tranh, Tám Hàn trong Đất trắng, Hoán (Xiêng Khoảng mù sương), Bá (Thượng Đức), Ba Tánh (Rừng thiêng nước trong) … Từ ngoại hình đến tính cách nhân vật, người lính đều hiện lên qua các tiểu thuyết hậu chiến với vẻ đời thường và rất gần gũi. Nhân vật Hướng trong Những bức tường lửa của Khuất Quang Thụy – một dũng sĩ nhưng sở hữu một ngoại hình đen đúa, gầy gò, khẳng khiu, vừa “điếc lòi tai” lại hay nói tục… Hay như đại tá - Tư lệnh phó quân đoàn Hoàng Đan "đánh giặc hết mình, nói tục hết cỡ" và "đối với đàn bà con gái thì tình cảm dạt dào lắm" (Thượng Đức của Nguyễn Bảo Trường Giang), là San - Trưởng đoàn chuyên gia quân sự trên đất bạn Lào (Xiêng Khoảng mù sương của Bùi Bình Thi), dù đã có vợ con ở quê nhưng vẫn có tình cảm mặn nồng với một thiếu phụ người Lào (Seo Mảy)… Có thể gọi việc miêu tả những "mặt trái" trên là tính chất "giả sử thi" ở phương diện thể hiện nhân vật người lính. Đây là một bước tiến mới tiếp cận gần hơn với bản chất của thực tế lịch sử đồng

32

thời khắc phục cái nhìn phiến diện một chiều chỉ miêu tả cái hay, điểm tích cực mà không làm nổi rõ cái dở, sự tiêu cực trong hình ảnh người lính.

Thậm chí, ngay cả ở những nhân vật trung tâm, không phải lúc nào người lính cũng hiện lên với tinh thần sẵn sàng đánh đổi cả cuộc đời mình để lấy chiến thắng. Và đặc biệt, có những người lính bước ra khỏi chiến tranh trong tâm thế của người chiến thắng như Kiên (Nỗi buồn chiến tranh), Quy (Chim én bay), Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng), Nguyễn Vạn (Bến không chồng) song họ lại tiếp tục phải đối mặt với bi kịch mới, bi kịch của con người mang đầy đủ những vết thương do chiến tranh để lại. Như vậy, tiểu thuyết hậu chiến đã góp phần đưa người lính từ một hình tượng vĩ đại trở nên gần gũi, đời thường hơn và cũng phức tạp hơn “con người là một tiểu vũ trụ đầy bí ẩn, không thể biết trước, không thể biết hết” [11, 74].

Chưa bao giờ trong văn xuôi chiến tranh lại có sự song hành, gắn bó với nhau cái anh hùng và cái bi kịch, niềm tự hào về những phẩm giá anh hùng, cao cả và nỗi xót đau vì những tổn thất, mất mát không thể bù đắp. Phải chăng, tiểu thuyết hậu chiến đã xuất hiện một độ chênh mới “cái tổng thể của quá trình nhận thức hiện thực chiến tranh đang có biểu hiện giảm dần, mặt khốc liệt, sự hi sinh, nỗi đau và cả vấn đề thân phận con người được khắc họa đậm đặc hơn” [16]. Cũng vấn là người lính, người mẹ, người vợ, nghệ sĩ, trí thức, nông dân… nhưng bây giờ được soi rọi từ nhiều góc độ khác nhau, được đặt vào nhiều vòng quay của cuộc đời, kể cả những vòng xoáy nghiệt ngã nhất. Dẫu âm hưởng hào hùng và sôi sục của sức mạnh và số phận cộng đồng chưa hẳn đã tắt nhưng tiểu thuyết hậu chiến đã “có thêm cuộc hành hương tìm về cội nguồn đặc trưng thể loại: đi tìm những ẩn số của thân phận con người” [86, 539].

33

Hình ảnh người lính với những đổ vỡ của tâm hồn, mang thương tật vĩnh viễn như Kiên của Nỗi buồn chiến tranh không phải hiếm gặp trong tiểu thuyết giai đoạn sau năm 1975. Kiên đã sống sót trở về từ nơi chiến trường đầy bom đạn nhưng anh mang một tâm hồn tàn tạ và luôn mang ám ảnh nhức nhối về chiến tranh. Trong con người Kiên tồn tại cả mặt bi đát và vinh quang; vừa hạnh phúc vừa đau khổ; vừa dũng cảm, vừa yếu đuối; vừa thánh thiện lại vừa lầm lạc. Cũng giống như Kiên, Quy (Chim én bay), Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng), Linh (Vòng tròn bội bạc)… cùng mang tâm trạng chung của người lính hậu chiến luôn sống trong sự khắc khoải đau thương, buồn tủi nhiều hơn ngàn lần niềm vui và hạnh phúc. Hoài niệm quá khứ như là một căn bệnh của những người lính. Để rồi họ luôn sống trong tâm trạng đầy day dứt vì những việc chưa làm được với người thân, với đồng đội và quan trọng hơn là day dứt với chính mình, bế tắc trước cuộc sống hiện tại.

Tính chất nạn nhân, phần bi đát trong số phận nhân vật được các nhà văn hậu chiến đặc biệt chú ý khai thác và tô đậm, do đó, bi kịch chính là âm hưởng chủ đạo của các tiểu thuyết sau chiến tranh. Đối với người lính trong

Ăn mày dĩ vãng, Chim én bay, Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồng… chiến tranh như một định mệnh nghiệt ngã, một “nhát dao phạt ngang mà hai nửa cuộc đời tôi bị chặt lìa thật khó gắn liền lại như cũ, nhưng đau hơn là hai nửa cuộc đời tôi cũng không bị cắt lìa hẳn (…). Tôi chỉ làm rối thêm cuộc sống, tôi chỉ quấy rầy những số phận đã an bài” (Lời của nhân vật Lực trong truyện ngắn Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu). Thể hiện hình ảnh người lính trong tâm trạng đầy bi kịch này, dường như các nhà văn đã nhận thức rõ được sự chi phối mạnh mẽ của hoàn cảnh chiến tranh đến số phận con người hiện tại. Người lính giờ đây không còn là những con người vĩ đại có thể thay đổi lịch sử, trái lại, đôi khi họ còn yếu đuối, bất lực trước hiện thực. Do đó, con người thường xuyên rơi vào trạng thái cô đơn, bi kịch, lạc thời.

34

Cũng trong giai đoạn sau chiến tranh, những chân giá trị đích thực của con người, của đời sống đã được nhận thức lại bằng một cách nhìn hoàn toàn mới. Với người lính nông dân Giang Minh Sài trong tiểu thuyết Thời xa vắng

của Lê Lựu, việc “đi B” không phải là một trách nhiệm cao cả mà thực chất đó là một cuộc trốn chạy hạnh phúc gia đình. Trở về từ chiến trường với đủ các loại huy chương, với bằng cấp, học vị đáng nể, những tưởng tương lai tươi sáng sẽ mở ra trước mắt anh nhưng thực tế, cuộc đời Sài chỉ là “nửa đời phải đi yêu cái người khác yêu, nửa còn lại đi yêu cái mình không có, đến bây giờ mới biết thì lại…”. Cũng giống như Sài, Vạn của Bến không chồng trở về sau chiến tranh với những tấm huân chương lấp lánh trên ngực nhưng lại phải sống một cuộc đời cô độc và chết trong bi kịch. Thương cái Hạnh côi cút, yêu chị Nhân thật lòng vậy mà Vạn chưa một lần dám bước qua ranh giới. Vạn dù đã trở về trong chiến thắng nhưng lại thất bại trước chính số phận mình giữa cuộc sống thời bình yên ả. Một nhân vật khác đó là Tuấn trong Không phải trò đùa của Khuất Quang Thụy. Kém may mắn hơn Vạn và Sài, Tuấn bước ra khỏi chiến tranh với hàng trăm vết sẹo chi chít trên ngực. Đau đớn hơn, người yêu anh, một cô kĩ sư trẻ đã bỏ anh đi lấy chồng bởi cô thấy anh như một người xa lạ….

Cùng với việc mạnh dạn khai thác những mặt tối của hiện thực chiến tranh, tiểu thuyết hậu chiến đã phơi bày những bi kịch sâu sắc trong cuộc đời mỗi người lính. Qua đó, các nhà văn “gửi gắm những câu hỏi nghiêm túc về con người, về cuộc vật lộn giữa con người với hoàn cảnh để tìm kiếm chính mình” [10, 51]. Có thể coi đây là hướng đi mới của tiểu thuyết chiến tranh trên con đường đổi mới thể loại và cách tân văn học. Nó đặt tiền đề cho các tiểu thuyết về sau khi tiếp tục khám phá thế giới nội tâm phức tạp của con người trong một thời đại mới đầy phức tạp và nhiều biến chuyển. Quan trọng

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT NGUYỄN TRÍ HUÂN (Trang 28 -28 )

×