Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyễn Trí Huân

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân (Trang 39)

B. NỘI DUNG

1.3.1Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyễn Trí Huân

Nguyễn Trí Huân sinh ngày 20 tháng 9 năm 1947 tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây cũ. Những năm tháng tuổi thơ, ông học ở quê nhà. Học xong phổ thông cũng là lúc vừa tròn 18 tuổi, ông vào bộ đội, thuộc lực lượng phòng không không quân. Trong những năm chống Mĩ cứu nước ông là chiến sĩ công binh, sau làm phóng viên quân chủng.

Đây là quãng thời gian đầu tiên nhà văn Nguyễn Trí Huân bắt đầu cuộc sống binh nghiệp. Chính tại tờ báo quân chủng, tác giả đã viết truyện ngắn đầu tiên được in ở tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông được binh chủng cử đi học lớp Bồi dưỡng nhà văn khóa 4, khóa đặc biệt dành cho chiến trường. Học xong, năm 1971, ông được điều vào khu V, làm phóng viên và biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng miền Trung Trung Bộ. Mặt trận khu 5 nói chung và mặt trận Quảng Đà nói riêng thời kỳ này rất ác liệt. Ông đã cùng các đồng nghiệp xuống tận cơ sở, bám trụ và viết. Đó là những năm tháng in dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời ông. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Nguyễn Trí Huân tham gia đội hình của sư đoàn 3 – Sao Vàng vào giải phóng Đà Nẵng, Phan Rang, Bà Rịa Vũng Tàu và ra tiếp quản Côn Đảo.

Hình ảnh sư đoàn Sao Vàng đã hơn một lần xuất hiện trong các sáng tác của Nguyễn Trí Huân, từ truyện ngắn, kí cho đến tiểu thuyết. Và những vùng giải phóng như Đà Nẵng, Phan Rang, Bà Rịa cũng trở thành không gian chính trong các sáng tác của nhà văn.

39

Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, Nguyễn Trí Huân về trại sáng tác văn học quân khu V. Cuối năm 1979, ông trở lại Hà Nội vào học khóa I trường viết văn Nguyễn Du. Tốt nghiệp khóa học, Nguyễn Trí Huân được Tổng cục chính trị Quân Đội Nhân Dân Việt Nam điều về tạp chí Văn nghệ quân đội làm biên tập viên rồi làm Trưởng ban văn xuôi. Ít lâu sau, ông được đề bạt phó Tổng biên tập, sau đó là Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông được bầu làm ủy viên ban chấp hành khóa VII, khóa VIII, ủy viên Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện nay, ông là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ.

Như vậy, phần lớn cuộc đời Nguyễn Trí Huân gắn bó với nghiệp báo hơn là nghiệp văn. Quãng thời gian sống khắp các chiến trường trong những năm chiến tranh đã ám ảnh khôn nguôi suốt cuộc đời ông và luôn thôi thúc ông viết về chiến tranh và người lính. Cũng sau chiến tranh, người anh trai của ông nằm lại chiến trường. Vành khăn tang như vòng kim cô siết chặt trên đầu bố mẹ ông và người vợ liệt sỹ. Ông đã từng tâm sự “Tôi là người lính, cũng như nhiều gia đình Việt Nam khác, gia đình tôi đã bị cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ xé rách. Cho đến nay, đã 30 năm trôi qua, cái chết của anh tôi đối với cha mẹ tôi, chị tôi vẫn khủng khiếp như vừa mới xảy ra hôm qua. Niềm hạnh phúc thường có những khuôn mặt giống nhau, những nỗi đau hoàn toàn khác” [84, 1795]. Cuộc đời nhà văn Nguyễn Trí Huân có nét tương đồng với cảnh ngộ của biết bao người lính khác trên khắp đất nước Việt Nam thời kì chiến tranh. Có chăng số phận may mắn hơn nên ông được hưởng trọn vẹn niềm vui ngày chiến thắng và tiếp tục cống hiến cho dân tộc trong suốt chặng đường phát triển từ khi hòa bình được lập lại. Tác giả có cơ hội ghi lại quãng thời gian “không thể nào quên” trong cuộc đời mình qua những trang văn, trang báo.

40

Nguyễn Trí Huân là người có cách nhìn cuộc sống ôn hòa, ông sống khép mình và khá khiêm nhường. Trong mỗi con người, bên cạnh những mặt chưa hoàn thiện, ông luôn nhìn ra và tìm ra những nét đẹp tiềm ẩn của họ. Bản thân giữ nhiều chức vụ cao trong nghiệp báo và được tín nhiệm, song ngay trong buổi ra mắt tạp chí Văn nghệ quân đội trên vị thế Tổng biên tập, ông đã phát biểu “So với các anh, các chị ở đây, tôi còn nhiều điểm thua kém. Từ tuổi nghề, tuổi quân, kinh nghiệm sống và cả những đóng góp cho văn học” [43]. Ông quan niệm rằng “nhà văn cũng như mọi người, cũng có mặt chưa được. Nhưng trước trang giấy thì họ thánh thiện đấy” [43]. Những trang văn dạt dào lòng thương cảm, niềm xót xa và tình nhân văn sâu sắc của Chim én bay, Dòng sông của Xô nét, Mặt cát… có lẽ đã khởi nguồn từ tâm hồn “thánh thiện” ấy.

Về con người Nguyễn Trí Huân, nhà văn Vương Trọng từng đưa ra nhận xét khá tinh tế “Huân là một mẫu người kiểu Từ Bích Hoàng (nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội), tức là khi chia phần cho anh em, bao giờ Huân cũng thích nhận phần ít hơn về mình. Như thể nếu nhận phần ít hơn này Huân mới thấy lòng nhẹ nhõm” [43]. Nhà văn - nhà báo Nguyễn Trí Huân là một tấm gương sống về người viết biết dấn thân và nhập cuộc với đời sống nhân dân. Trong những năm chiến tranh ác liệt, ông đã là một cây bút xông xáo của tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ. Dù được biết đến nhiều hơn với cương vị một nhà báo nhưng trên thực tế, Nguyễn Trí Huân đã đến với nghề văn trước, ngay từ khi ông còn ngồi trên ghế nhà trường. Những vần thơ học sinh ra đời như là nhu cầu giãi bày, chia sẻ tình cảm, tâm trạng của ông trước con người, trước cuộc sống. Con người ông là sự hòa trộn giữa sự lý trí, khúc triết, tỉnh táo của nhà báo và sự tinh tế, nhạy cảm của một nhà văn. Vốn sống của người làm báo nay đây mai đó, đặc biệt là trong khói lửa bom đạn đã giúp Nguyễn Trí Huân tích lũy được nhiều

41

tư liệu sống cho các trang văn của mình. Đồng thời, phẩm chất, kinh nghiệm của người phóng viên cũng góp phần giúp nhà văn đa dạng hóa phong cách viết văn. Tuy nhiên, dù với tư cách là nhà văn hay nhà báo thì ông luôn tâm niệm bản lĩnh mới là vấn đề quan trọng nhất của người cầm bút – bản lĩnh khi đối mặt với sự thật mà mình viết, mình trải qua.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân (Trang 39)