B. NỘI DUNG
3.4.2 Giọng chiêm nghiệm, suy tư
Cùng thế hệ nhà văn mặc áo lính, cùng khai thác một mảng đề tài quá quen thuộc: chiến tranh - người lính nhưng bước đầu, mỗi các nhà văn thời kỳ này đã định hình được phong cách cho tiểu thuyết của mình: “Ở Khuất Quang Thụy là sự rắn rỏi. Ở Nguyễn Trí Huân, sự đằm thắm là chủ âm trên các trang sách. Thái Bá Lợi nghiêng về sự mạch lạc sắc sảo, còn Bảo Ninh là chất lôi cuốn đến mê hoặc vừa hư vừa thực” [86, 480]. Trong các tiểu thuyết của mình, Nguyễn Trí Huân thường xuyên đưa ra những quan niệm, triết lý về chiến tranh, về số phận con người trước cuộc đời rộng lớn. Giọng điệu chiêm nghiệm, suy tư bao trùm các tiểu thuyết và trở thành chủ âm chính trong sáng tác Nguyễn Trí Huân.
Ngay trong tiểu thuyết Năm 1975 họ đã sống như thế, mặc dù không gian vẫn thiên về tái hiện cuộc chiến tranh ác liệt ở một thời điểm của lịch sử nhưng giọng điệu đã không hoàn toàn là hào sảng, chất giọng sử thi dồn dập như Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu. Chính lời nói thâm trầm xen lẫn triết lý của những người lính trực tiếp tham gia cuộc chiến nhiều gian khổ, mất mát và hi sinh đã tạo nên hai loại giọng điệu trong tác phẩm này. Sự kết hợp giữa giọng điệu sử thi hùng tráng và giọng triết lý thâm trầm đã chuyển tải thành công quan niệm về con người, về chiến tranh của nhà văn
115
Nguyễn Trí Huân. Nhờ đó, mặc dù vẫn thiên về tiểu thuyết lịch sử - sự kiện nhưng Năm 1975 họ đã sống như thế đang hướng đến xu hướng tiểu thuyết lịch sử - tâm hồn khi nó ghi lại tâm tư, chiêm nghiệm của người lính về chiến tranh, về người lính ngoài các trận tuyến “cho dù đề tài chiến tranh vẫn còn ám ảnh lâu dài thì cách nhìn đã thay đổi. Một khuynh hướng phi sử thi hóa bắt đầu (…) Con người trong văn học mất dần tính nguyên phiến sử thi mà hiện ra nhiều mâu thuẫn, nhất là trong tình cảm, đạo đức (…) Giọng điệu ngợi ca, ru vỗ êm ái, ngọt ngào được thay thế dần bằng giọng điệu mỉa mai, phê phán, tự vấn” [75, 12].
Nếu Chu Lai coi chiến tranh là “ngày nào cũng nhìn thấy người chết, ngày nào cũng chon người chết mà chưa đến lượt mình”; Bảo Ninh định nghĩa chiến tranh “làm đổ máu mình, đổ máu người, hàng đọi máu, sông máu”; Khuất Quang Thụy rút ra quy luật của chiến tranh “Mình giội bom xuống đầu họ thì họ phải tìm cách xả đạn vào đầu mình” [86, 116] thì Nguyễn Trí Huân quan niệm chiến tranh là “Cái không bình thường đã trở nên bình thường” [33, 15] và “Hình như chiến tranh buộc con người phải sống nhanh hơn, gấp hơn những gì còn lâu họ mới có” [33, 131]. Tác giả đặc biệt chú trọng tính chất phi lý, bất ngờ của chiến tranh “Riêng đối với cái ngẫu nhiên trong chiến tranh, cái ngẫu nhiên đã trở thành số mệnh thì không một ai có thể hy vọng tìm thấy bài học nào cả” [33, 100]. Số phận bi kịch của nhân vật Quy đã trở thành minh chứng rõ nhất cho những quan niệm về chiến tranh trong
Chim én bay. Những chiêm nghiệm sâu sắc về chiến tranh xuất phát từ trải nghiệm chân thực của Quy khi chứng kiến cái chết oan ức của anh Dương, chị Hảo và cha cô; đồng thời cũng bắt nguồn từ chính trải nghiệm cuộc đời chị cả trong và sau chiến tranh.
Trong tiểu thuyết Năm 1975 họ đã sống như thế, tác giả ghi lại trăn trở về chiến tranh của người sỹ quan nguỵ chết trước cuộc tổng tấn công và nổi
116
dậy mùa xuân năm 1975 bằng những dòng nhật ký đầy suy tư “Chiến tranh cần thiết hay vô ích? Nó nâng cao con người hay huỷ hoại con người? Thật ra, cho đến giờ phút này, ta cũng không thể đưa đến một kết luận nào chắc chắn” [36, 8]. Day dứt của tên sỹ quan nguỵ phản ánh sự khủng hoảng niềm tin, lý tưởng vào quân đội ngụy và những câu hỏi đó đã được chính chủ thể của nó trả lời ở một đoạn khác của nhật ký. Dù ở hai chiến tuyến khác nhau nhưng giống như Quy, trong suy nghĩ của người sỹ quan ngụy, cuộc sống chiến tranh cũng đầy rẫy sự phi lý. Ngay cả những người đứng trong hàng ngũ quân đội thì thực chất, họ đang trở thành đối tượng bị chiến tranh huỷ hoại mà thôi.
Rải rác khắp các trang tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân, người đọc còn bắt gặp giọng văn đầy triết lý, thâm trầm khi nhắc tới con người: “Đối với con người, không gì gây đổ vỡ khủng khiếp hơn sự phản bội”; “Trong cuộc đời mỗi người, có rất nhiều điều đáng ghi xương khắc cốt”; “Con người không thể chết khi niềm hy vọng sống vẫn le lói, thắp sáng trong cơ thể họ”; “Khi người ta buộc phải suy nghĩ day dứt về một việc gì, điều dó khó khăn nhất là thoát khỏi những ý nghĩ ấy”; “Hình như khi đã trải qua những gì kinh khủng nhất, con người trở nên lì lợm, bất chấp tất cả”; “Sự trả thù, đôi khi bất chấp cả lí trí. Bên cạnh đạo lý, lẽ phải và sự công bằng, vẫn còn một điều gì đó âm thầm chảy, như nước đổ xuống bờ vực trong huyết quản những người cùng mang chung một dòng máu” (Chim én bay). Đôi lúc nhà văn muốn đi tìm căn nguyên của nhiều hiện tượng trong xã hội “Tại sao nỗi cô đơn, cái chết luôn luôn rình rập đối với những con người tốt?”; “Thật đáng buồn bởi con người, đôi khi chỉ để thoả mãn những nhu cầu bình thường cũng trở nên hết sức độc ác” (Chim én bay). Trung thành với lối viết bộc lộ tính người, giọng văn chứa đầy trăn trở, nghĩ suy, nặng nề tâm trạng đặc biệt phù hợp với tính cách đa cảm, hay nghĩ của Quy, nhất là trong ký ức, hồi ức. Gấp sách lại, người đọc
117
vẫn luôn ám ảnh bởi “toàn bộ tập sách đang tồn tại như một cái dấu hỏi lớn đối với những ai là con người đang sống trên thế gian này” [31].
Lại có khi tác giả chiêm nghiệm về bản chất con người “Không ai phủ nhận mầm mống cái thiện, cái ác đều vốn có ở mỗi người. Nhưng đạo đức, tính cách là do chế độ xã hội quy định” [36, 236]. Những câu văn đầy tính triết lý ấy không phải là sự bình luận, đánh giá của người kể chuyện mà nó xuất hiện thường xuyên trong ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật. Bên cạnh những lời thoại suồng sã, lính tráng, giây phút giữa hai trận đánh chính là lúc người lính suy nghĩ về cuộc đời, về con người xung quanh mình “Cái tốt, cái đẹp đang hình thành, đang được khẳng định thì cái xấu chưa thể bị tiêu diệt hẳn. Hơn nữa, trong tình hình khó khăn hiện nay, cái xấu đang lăm le tìm cơ hội ngóc đầu dậy.” [36, 227]. Miêu tả hình tượng người lính trong trạng thái chiêm nghiệm, suy tư, Nguyễn Trí Huân đã mang đến cho tiểu thuyết của mình âm điệu thâm trầm và đầy tính triết lý. Những trăn trở, suy nghĩ của họ cũng chính là quy luật của đời sống chiến tranh mà nhà văn đã nhiều năm trải nghiệm, thấu hiểu.
Tiểu kết: Đứng trước yêu cầu của văn học, của thời đại, Nguyễn Trí Huân cũng như nhiều nhà văn hậu chiến khác đã nỗ lực không ngừng khi tiếp tục “đào xới” mảng đề tài chiến tranh và người lính. Sự thay đổi trong quan niệm về con người, về hiện thực cũng đòi hỏi nhà văn đổi mới cả cách thức tiếp cận và phản ánh nó. Dẫu chưa thật nổi bật song giữa các nhà văn viết về chiến tranh sau chiến tranh người đọc vẫn nhận ra Nguyễn Trí Huân với “giọng văn đôn hậu, cẩn trọng trong từng cảnh huống, thậm chí trong từng câu, từng chữ” [12]. Về mặt nghệ thuật, thành công lớn nhất của nhà văn là đã đưa dòng ký ức trở thành một thủ pháp trong việc xây dựng nhân vật và biến nó thành điểm tựa cho kết cấu tác phẩm.
118