Kết cấu theo thời gian tuyến tính

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân (Trang 101)

B. NỘI DUNG

3.2.1 Kết cấu theo thời gian tuyến tính

Tiểu thuyết Năm 1975 họ đã sống như thế thiên về dòng sự kiện, diễn biến các trận đánh nên phần chính của tác phẩm được kết cấu theo thời gian tuyến tính. Thời gian của truyện và thời gian trần thuật gần như hoàn toàn tương ứng, trùng khít. Trong gần bốn trăm trang tiểu thuyết, nhà văn đã kể lại diễn biến của các trận đánh ở chủ yếu diễn ra ở vùng đất Bình Định khoảng từ đầu tháng ba năm 1975 đến ba mươi tháng tư năm 1975. Các sự kiện diễn ra tuần tự trước sau, hầu như không có sự đảo lộn, đan xen hay ngắt quãng nào. Vì vậy, Năm 1975 họ đã sống như thế là một cuốn tiểu thuyết dễ đọc, phù hợp với thói quen thưởng thức truyền thống.

Nhà văn tổ chức cốt truyện dựa trên sự phân chia rất rõ ràng trên văn bản tiểu thuyết. Nội dung chính của tác phẩm bao gồm hai phần lớn: Phần 1 -

101

Hướng thứ yếu của chiến dịch chia thành 7 chương; phần 2 - Giải phóng tiếp nối từ chương tám cho đến chương mười lăm và một chương kết thúc. Về cơ bản, nhà văn đã tổ chức tác phẩm theo kiểu kết cấu tuần tự quen thuộc của tiểu thuyết và các chương, phần cũng được phân chia khá đều nhau. Vấn đề trung tâm của Năm 1975 họ đã sống như thế rơi vào phần thứ 2 với nhan đề “Giải phóng”. Chiếm tới hơn một nửa dung lượng tác phẩm nhưng thời gian thực của cốt truyện ở phần này chỉ vẻn vẹn đúng một tháng, bắt đầu bằng không khí tấp nập trên khắp các mặt trận hành quân Sài Gòn vào đầu tháng 4 năm 1975 và kết thúc bằng ngày giải phóng 30 tháng 4 năm 1975. So với phần một, không gian phần hai mở rộng hơn, không chỉ có Bình Định mà lan sang Ninh Thuận, Nha Trang, Bà Rịa – Vũng Tàu và cả Sài Gòn. Nếu như ở phần một, nhà văn dành nhiều trang viết khắc họa số phận các nhân vật như Phán, Nhã, Mạc, Thiết, Thức, Thư… thì ở phần hai, diễn biến các trận đánh, những cuộc hành quân, tập kết, di chuyển lực lượng liên tục diễn ra khiến cho tiểu thuyết đầy ắp sự kiện. Với dung lượng lớn, sự kiện nhiều, không gian rộng, phần sau của tiểu thuyết Năm 1975 họ đã sống như thế mang đậm khuynh hướng sử thi của tiểu thuyết viết về chiến tranh trước 1975.

Bên cạnh nội dung chính, Năm 1975 họ đã sống như thế còn có thêm phần phụ chương đặt ngay đầu tác phẩm. Về mặt hình thức, người đọc dễ dàng phân biệt phần này với phần chính của tiểu thuyết bởi nó được in nghiêng. Về nội dung, nó trích một đoạn trong nhận ký của người sỹ quan nguỵ bị giết trước tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Nếu lược bỏ phần phụ chương này, nội dung tiểu thuyết vẫn hoàn chỉnh và không bị ảnh hưởng, nhưng tư tưởng chủ đề tác phẩm thì thay đổi rõ nét. Nhật ký ghi lại chân thực sự sụp đổ niềm tin, sự khủng hoảng về lối sống, suy thoái và thối nát phía quân đội ngụy quyền Sài Gòn. Mặc dù chỉ là những dòng nhật ký ngắn ngủi nhưng đặt ở đầu tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Trí Huân đã định

102

hướng cách nhìn nhận khác về hiện thực chiến tranh và người lính mà trước đây tiểu thuyết chiến tranh chưa từng đề cập đến. Đó là hiện thực chiến tranh ở phía địch được đặt dưới con mắt của một lính ngụy. Phần phụ chương giống như đối âm với toàn bộ phần chính của tiểu thuyết. Nó được sắp xếp khéo léo đứng ngay đầu tác phẩm càng khẳng định mục đích chính nghĩa, lý tưởng sống cao đẹp của người lính ở phía ta. So với Chim én bay, Năm 1975 họ đã sống như thế thiên về khuynh hướng sử thi hơn nhưng rõ ràng, phần phụ chương đã góp phần thay đổi hình thức kết cấu của tác phẩm, thông qua đó thể hiện cách nhìn đa diện của nhà văn về chiến tranh và người lính.

Có thể nói, ở thời điểm sau chiến tranh, Nguyễn Trí Huân là người đã sớm thay đổi quan niệm về chiến tranh và nhận ra sự cần thiết của việc đổi mới trong cách viết tiểu thuyết. Nếu như Chu Lai viết tác phẩm đầu tay Nắng đồng bằng với vốn chiến tranh đang ứ tràn, với tất cả sự nồng nàn, thoát xác và cả ngây thơ vụng về thì ngay ở tiểu thuyết đầu tiên – Năm 1975 họ đã sống như thế, Nguyễn Trí Huân đã mang đến cho người đọc cách nhìn chiến tranh từ hai phía địch – ta. Và chính kết cấu tiểu thuyết này góp phần lớn trong việc xác lập tư tưởng của tác phẩm, thể hiện quan niệm đa chiều của tác giả về cuộc chiến tranh đã đi qua.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân (Trang 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)