B. NỘI DUNG
2.2.1 Quan niệm về chiến tranh
Theo quy luật vận động chung, tiểu thuyết hậu chiến vẫn lấy chiến tranh làm đối tượng phản ánh chính. Chiến tranh một mặt đã hun đúc nên biết bao anh hùng nhưng cũng có vô số nạn nhân sinh ra từ đó. Vì thế, các nhà văn phải nhìn chiến tranh ở nhiều góc độ khác nhau, vừa nhìn trên phương diện của người chiến thắng, vừa nhìn ở góc độ những nạn nhân sau chiến tranh và hơn thế nữa, phải nhìn sâu vào cái dữ dội và sức tàn phá của chiến tranh. Độ lùi cần thiết của tiểu thuyết viết sau chiến tranh đã tạo điều kiện cho các văn như Nguyễn Trí Huân, Bảo Ninh, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trọng Oánh, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Minh Châu… mở rộng, đổi mới quan niệm, cách nhìn về chiến tranh. Dù sáng tác không nhiều nhưng qua các tiểu thuyết của mình nhà văn Nguyễn Trí Huân đã hình thành được một quan niệm rõ rệt về chiến tranh với những hình dung mới về chiến tranh từ nhiều góc độ khác nhau.
Trong hai tiểu thuyết của mình, Nguyễn Trí Huân đã nhiều lần để cho nhân vật bộc lộ quan điểm của mình về chiến tranh. Ngay những trang đầu tiên của tiểu thuyết Năm 1975 họ đã sống như thế, bản chất của chiến tranh đã được một sĩ quan ngụy chết trước tổng tiến công mùa xuân năm 1975 đặt ra trong cả nhật ký của mình “Chiến tranh cần thiết hay vô ích? Nó nâng cao con người hay hủy hoại con người? Thật ra, cho đến giờ phút này, ta cũng không thể đưa đến một kết luận nào chắn chắn” [36, 8]. Đặt ra vấn đề chiến tranh nâng cao hay hủy hoại con người thực chất cũng là xem xét đến ý nghĩa, mục đích của chiến tranh. Với người lính ở phe ta, quan niệm về tham gia chiến
72
tranh là nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình. Nhưng người sĩ quan ngụy lại quan niệm chiến tranh đã hủy hoại cả một thế hệ trẻ khiến họ rơi vào tình trạng “thối rữa” song không cách nào thoát ra được. Hình dung về cuộc sống nhà binh đầy quyến rũ lúc còn thơ bé đã tan biến hết trước thực tại mà người lính ngụy phải chứng kiến. Bây giờ, theo như anh ta nghĩ, chiến tranh chỉ là “một đống sự phi lý, méo mó trong cái tập thể ung thối đó. Các cấp chỉ huy chỉ còn là những thương gia chuyên môn, cũng như quân đội đã biến thành một bộ máy thương mại khổng lồ” [36, 13]. Trên thực tế, càng đến giai đoạn cuối, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước càng bộc lộ rõ những phi lí của nó. Sau những va đập, những thử thách, người sĩ quan ngụy đã phải thừa nhận “chiến tranh bây giờ là sự đọ sức giữa sức mạnh quân sự vừa bao hàm vấn đề chính trị” [36, 21]. Đặt chiến tranh trong cách nhìn của một người lính ở phía bên kia chiến tuyến, nhà văn đã mang đến cho tiểu thuyết một quan niệm mới mẻ, chân thực và có phần bất ngờ về cuộc chiến tranh đã qua.
Những năm tháng khốc liệt nhất trước cuộc tổng tiến công, kẻ địch như con thú điên cuồng trong cơn giẫy chết đã bộc lộ rõ bản chất giai cấp của chúng, nên chúng chống đối quyết liệt, gây cho ta nhiều thương vong và tổn thất nặng nề. Sự ngoan cố của địch đã được nhà văn giải thích thông qua lời của nhân vật Thức nói với Phác. Thức cho rằng, trong nhiều năm, bọn Mỹ đã đào tạo được một lớp sĩ quan đánh thuê khá trung thành bằng tiền bạc, gái, thuốc phiện và một hệ thống triết học phản động. Không ít những người trước đây chỉ là nông dân, học sinh, dân nghèo thành thị, trong đó Phán – em Phác là một trường hợp điển hình. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, nhưng sau khi trở thành sĩ quan ngụy, Phán đã chống lại cách mạng, chống lại ngay chính cha anh mình “Tôi cũng chán ngấy cuộc chiến tranh tương tàn này rồi – Nó nói giọng khinh bạc và kiểu cách như đang đứng giữa sân khấu – Tai sao các anh cứ cố tình áp đặt một chế độ mà chúng tôi
73
không lựa chọn.” [36, 65]. Những lời lẽ trên của Phán đã khiến Phác vô cùng bàng hoàng. Rõ ràng, ngay trong một gia đình cách mạng đã xuất hiện những tư tưởng, đường lối hoàn toàn trái ngược nhau. Với Phác và tất cả đồng đội anh, đó là một cuộc chiến tranh xâm lược. Nhưng Phán thì nghĩ khác, “thực chất đó là một cuộc nội chiến” [36, 23] mà sự có mặt của năm mươi vạn lính viễn chinh Mỹ là một lực lượng khách quan mà phe ngụy cũng không ưa gì. Cuộc tranh luận gay gắt giữa hai anh em ruột thịt cuối cùng đã đi đến hồi kết bằng thái độ hăm dọa, hành động rút súng chĩa về phía anh trai của Phán. Mâu thuẫn về mặt tư tưởng đã đưa đến hai cách lựa chọn con đường đi riêng của Phán và Phác. Phán tham gia kháng chiến, trở thành tiểu đoàn trưởng pháo binh, sát cánh cùng chính trị viên tiểu đoàn Mạc, tiểu đoàn trưởng Nhã, cùng đồng đội, nhân dân chiến đấu đến cùng để giành chiến thắng. Còn với Phán, sau năm sáu năm ăn học tại Sài Gòn, nó đã biến dạng thành một tên sĩ quan ngụy tàn ác, chống đối anh mình, cha mình một cách gay gắt. Để cho hai anh em Phán – Phác bảo vệ quan điểm riêng của mình, tiểu thuyết đã phản ánh trung thực sự khác biệt trong cách nhìn nhận về chiến tranh ngay trong chiến tranh. Cho dù có xuất phát điểm giống nhau song hình hài, bản chất của cuộc chiến tranh hiện diện trong mỗi con người đã một khác.
Dưới con mắt của tiểu đoàn trưởng Mạc, chiến tranh lại như “một lò luyện thép”, “một bên làm ra thép khối nguyên chất, một bên thải ra vài dúm cứt sắt. Nhiều người không chịu nhìn những thỏi thép lớn mà cứ gí mũi vào đống cứt sắt, rồi lu loa ầm lên thế này thế nọ. Họ đòi hỏi một sự hoàn thiện, họ chửi bới tất cả mà không biết chính bản thân họ cũng là một loại sâu mọt…” [36, 297]. Tính chất hai mặt của chiến tranh hằn rõ trong suy nghĩ của Mạc. Sự khốc liệt và nghiệt ngã của chiến tranh dường như đã manh nha trong suy nghĩ của người lính, những điều mà anh bộ đội cụ Hồ thường quên đi và vượt qua để nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu, chiến thắng. Suy nghĩ thực
74
tế và có phần bi quan của Mạc cũng là điều dễ hiểu bởi “chiến tranh là một sự sàng lọc nghiêm ngặt các giá trị của con người. Ngọn lửa chiến tranh sẽ hun đúc phân định vàng – thau. Tác giả tiểu thuyết có ý thức tạo nên trong tác phẩm những hoàn cảnh khốc liệt, gay cấn nhằm tạo điều kiện để con người bộc lộ nhanh chóng và đầy đủ bản chất của mình” [78, 41]. Cách nói hình tượng và ẩn dụ của Mạc một mặt đã phản ánh thực trạng của cuộc chiến tranh với những phần tử đi ngược lại cách mạng như Phán, như đại tá Đức, sư trưởng sư 28 ngụy, tên trùm sỏ đảng Đại Việt ở Vũng Tàu và vô số những đối tượng khác, ngay trong hàng ngũ ta nhưng đôi lúc đã có những tư tưởng lệch lạc, mất đoàn kết. Quan niệm về chiến tranh của Mạc bắt nguồn sâu xa từ chính hiện thực mà anh đã và đang trải qua, đồng thời nó cũng thoát ly khỏi tư tưởng chính trị của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Tuy nhiên, đằng sau những phút giây nhìn chiến tranh bằng con mắt bi quan như thế, bao trùm toàn bộ tiểu thuyết Năm 1975 họ đã sống như thế là tinh thần lạc quan phơi phới của thế hệ người lính tham gia tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Trong nghĩ suy của mỗi người lính, hòa bình chỉ đơn giản là “những đứa con thân yêu sẽ trở về. Vợ sẽ được đoàn tụ với chồng, cha được nhìn đứa con lên chin, lên mười mà ngày ra đi không kịp nhìn mặt. Hòa bình có nghĩa là mọi nỗi đau sẽ được hàn gắn, mọi hiềm thù sẽ được xóa bỏ và những tệ nạn xấu xa sẽ phải chấm dứt…” [36, 359]. Như vậy, ở mỗi thời điểm khác nhau, nhà văn đều đưa ra những quan niệm riêng về hiện thực. Và không chỉ có vậy, trong cùng một thời điểm, mỗi người lính, mỗi đối tượng của cách mạng lại có cách nhìn nhận riêng về chiến tranh. Độ lùi cần thiết đã giúp nhà văn nhìn hiện thực chiến tranh qua hai lăng kính có phần khác nhau. Chiến tranh được nhìn sâu vào bản chất, được soi chiếu qua trải nghiệm của người trong cuộc từ cả phía bên này và bên kia chiến tuyến.
75
Chia sẻ về những người lính trong văn chương, nhà văn Chu Lai từng cho rằng “Chiến tranh với tất cả những hình thái đặc thù của nó, hoàn toàn có thể đẩy nhân vật người lính đến tận cùng số phận và chính với cái ý nghĩa tận cùng đó, người lính bỗng vỡ vạc ra tất cả những khái niệm bị đánh loãng ra không nắm bắt được. Như vậy, chiến tranh không phải biến con người thành những chi tiết máy trong một cỗ máy bạo lực chỉ biết bấm cò và chém, giết. Chiến tranh chính là điều kiện, là tình huống để đẩy mạnh cái suy nghĩ đời thường lên một đỉnh cao nhất” [51, 91]. Phải chăng đây cũng là suy nghĩ chung của thế hệ nhà văn hậu chiến như Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy… Và suy nghĩ đó được chuyển tải qua mỗi trang tiểu thuyết.
Càng lùi xa chiến tranh, các nhà văn càng có cách nhìn khách quan, trung thực hơn về chiến tranh và đặt hiện thực chiến tranh trong những hệ qui chiếu mới. Dù không đứng chung một mặt trận nhưng giống như người sỹ quan ngụy chết trước tổng tiến công trong Năm 1975 họ đã sống như thế, nữ anh hùng Quy của Chim én bay cũng cho rằng bản chất chiến tranh chứa đựng đầy sự phi lý “Cái không bình thường đã trở nên bình thường. Từng có một thời sự chém giết đã trở thành những hoạt động tự nhiên, tất yếu của con người” [33, 15]. Suốt cuộc đời ngắn ngủi của người nữ du kích đội Chim én ấy đã phải gánh chịu quá nhiều khổ đau, mất mát do chiến tranh gây ra. Sự dị thường, trớ trêu chính ở chỗ chiến tranh đã nuôi dưỡng ý chí chiến đấu và sức mạnh hành động người lính Quy, Thêm, Dũng trong đội Chim én vượt quá cái hữu hạn của sức lực con người. Chiến tranh còn đặt Quy vào những cảnh ngộ oái oăm khi lòng hận thù bị đem ra thử thách trước tình thương người, lòng nhân đạo. Chiến tranh thực sự là một tấn bi kịch lớn bởi “chỉ riêng nội hàm của hai từ “chiến tranh” đã có quá nhiều nỗi đau, có những nỗi đau đã lặn vào trong, đã trở thành vô cảm bởi dường như ngày nào cũng có cảnh chôn đồng đội mình, ngày nào cũng phải băng bố vết thương, cũng phải đương đầu với
76
cái chết” [62]. Riêng với Quy, chiến tranh đã cướp đi tất cả những gì cần thiết nhất cho một đời sống bình thường của chị. Không chỉ bị tước mất khả năng làm vợ, làm mẹ mà sau chiến tranh, Quy còn luôn phải day dứt với chính chiến công của mình, chị trăn trở muốn tìm lại nhà những tên ác ôn mình đã giết hơn mười năm trước. Nghịch lý của chiến tranh tác động đến người lính cho đến cả thời hậu chiến. Đối với Quy, chiến tranh luôn được cảm nhận như một “sự phi lí khủng khiếp” vì nó gây ra bao khổ đau, bi kịch trước hết là đối với cuộc đời chị cùng biết bao số phận khác.
Thống nhất với quan niệm của Nguyễn Trí Huân, sự phi lý của chiến tranh được nhà văn Bảo Ninh chỉ rõ trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh. Thực chất, đó là “nỗi buồn được sống sót” của những người lính trở về với tư thế người chiến thắng như Quy, như Kiên nhưng luôn sống trong tâm trạng đầy cảnh tỉnh bởi “những tổn thất, những mất mát có thể bù đắp, các vết thương sẽ lành, đau khổ sẽ hóa thạch nhưng nỗi buồn về cuộc chiến tranh thì càng ngày càng thấm thía hơn, sẽ không bao giờ nguôi” [64, 228]. Không đưa ra quan niệm chung chung như Quy, Kiên đã chỉ rõ “chiến tranh với bộ mặt gớm ghiếc của nó, với những mảnh vuốt của nó, với những sự thật trần trụi bất nhân nhất của nó chỉ đơn thuần có nghĩa là một thời buổi, một quãng đời mà bất kỳ ai đã phải trải qua đều mãi mãi bị ám ảnh, mãi mãi mất khả năng sống bình thường, mãi mãi không thể tha thứ cho chính mình”. Lần đầu tiên trong văn học, chiến tranh đã được nhìn nhận từ một góc độ hoàn toàn khác. Vẫn là những người lính từng tham gia chiến trận nhưng trong suy nghĩ của họ, ánh hào quang của chiến thắng đã lụi tàn, thay vào đó là những vết thương đầy ám ảnh.
Hình ảnh chiến tranh hiện lên qua mỗi trang tiểu thuyết được Nguyễn Trí Huân đặt trong hệ qui chiếu đa chiều nên nó được nhìn nhận hoàn toàn khác nhau. Từ người sĩ quan ngụy đến người lính chỉ huy trận mạc, từ kẻ
77
phản bội cách mạng đến người lính anh hùng, quan niệm về chiến tranh lại có một nét riêng. Điểm chung duy nhất đó là cái nhìn về chiến tranh đã không còn thống nhất như trước đây. Với ngưới lính trong tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân, ánh hào quang của chiến thắng chỉ tồn tại trong giây lát còn những vết thương, những nghịch lý của chiến tranh vừa hiện hữu trong chiến tranh, lại vừa đeo đẳng đến cả sau chiến tranh. Quan niệm về chiến tranh của Nguyễn Trí Huân không chỉ thay đổi so với tiểu thuyết viết về chiến tranh trước chiến tranh mà nó còn có sự vận động qua các sáng tác của ông. Nếu ở Năm 1975 họ đã sống như thế chiến tranh được nhìn nhận từ hai phía thì đến Chim én bay, quan niệm về chiến tranh hội tụ trong số phận một con người. Quan niệm mới về chiến tranh sẽ chi phối cách thể hiện, phản ánh hiện thực chiến tranh qua mỗi trang viết. Quan niệm này cũng nằm trong xu hướng chung của các nhà văn hậu chiến không muốn tự trói mình vào một quan niệm đơn giản, cứng nhắc, nhất thành bất biến về hiện thực”, các nhà văn luôn luôn muốn tìm hiểu, phân tích chiều sâu của sự thật để “nhận thức lại” bản chất của chiến tranh.