Nhân vật thú

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật trong truyện ngắn lan khai (Trang 41)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.2. Nhân vật thú

Ở miền núi vẫn lưu truyền những câu chuyện về thuồng luồng – một con vật linh thiêng thường sống ở sông, suối, hồ…Sử dụng hình tượng thuồng luồng trong truyện dân gian, Lan Khai đã sáng tạo nên những nhân vật độc đáo thấm đẫm tinh thần nhân văn.

Con người có người tốt kẻ xấu, thuồng luồng cũng vậy. Truyện Ma thuồng luồng, kể về một con thuồng luồng độc ác và dâm đãng. Nhân lúc bác thầy Cúng đi vắng, nó đã vào nhà hiếp vợ bác cho đến chết, đứa con trai nhỏ sài đẹn sợ quá cũng khóc chết theo. Khi bác thầy cúng trở về phải chứng kiến thảm trạng vợ nằm cứng đờ, quần áo rách mướp, con trai thì hai mắt trợn ngược, “khắp giường nhớt nheo ướt át, mùi tanh nồng nực.” [36:24]

Hình dạng của nó thật kì dị, “người chẳng ra người, thú chẳng ra thú, mình trần như nhộng, tóc tai không có, da dẻ nhợt nhạt như kẻ chết trôi, nhớt dề dề nhỏ xuống, chân tay ngắn ngủn tầy gang. Nó ngồi vắt vẻo trên xà nhà mắt nhìn xớn xác như muốn tìm đường trốn” [36: 24]. Khi phát hiện ra nó chính là thủ phạm của vụ hãm hiếp, dân làng đã hò nhau đánh chém. Và “chỉ chớp mắt, nó ườn ra thành một con thuồng luồng cực lớn, nằm chật cả gian buồng” [36: 25]. Đọc câu chuyện này, ta lại liên tưởng đến Ngũ thông ngôn

trong Liêu trai chí dị. Ngũ ngôn thông là con vật độc ác thường hóa thành người để đi hãm hiếp đàn bà. Nếu như Ngũ thông ngôn mang đến cho chúng ta cảm giác sợ hãi thì Ma thuồng luồng là sự ám ảnh. Qua cái kết thúc bi thảm của câu chuyện, Lan Khai muốn gửi đến bạn đọc thông điệp: khi con người ở nơi hoang dã thì con vật dễ chà trộn vào thế giới người, làm hại con người.

Cũng như thế giới con người có người tốt, kẻ xấu thì truyện Con thuồng luồng nhà họ Ma lại kể về một con thuồng luồng tốt bụng được một người phụ nữ nghèo họ Ma cưu mang. Người phụ nữ nghèo ấy coi con thuồng

36

luồng như con và đặt tên cho nó là Cuổng. Để trả ơn công lao nuôi dưỡng của mẹ nuôi, mỗi ngày nó cho mẹ một giỏ cá đầy, cuộc sống của người mẹ trở nên khá giả hơn. Khi Cuổng quá lớn, mẹ nuôi thả Cuổng ra ngòi. Ở đây Cuổng phải giao tranh với một con thuồng luồng trắng mới đến. Trước ngày diễn ra cuộc chiến, Cuổng đã báo mộng cầu cứu mẹ. Lời cầu xin tha thiết của Cuổng với mẹ đã cho thấy phần nào tình cảm gắn bó giữa Cuổng và mẹ nuôi:

“Mẹ ơi, mẹ cứu Cuổng với! Ngoài ngòi bây giờ có một con thuồng luồng trắng ở Đài Thị mới về (...). Vậy mai mẹ giúp con một tay, mẹ đem dao ra bờ ngòi, chờ lúc hai bên đánh nhau, hễ thấy khúc trắng nổi lên thì mẹ chém, mẹ nhớ nhé!” [36: 29]. Nhưng người mẹ đã chém nhầm Cuổng khi trận chiến đang diễn ra ác liệt, từ đó người mẹ lại trở về cuộc sống nghèo khó. Câu chuyện nói đến tình mẫu tử thật thiêng liêng, nhất là khi đề cập đến tình mẫu tử không phải máu mủ ruột rà. Con thuồng luồng cũng có ơn, có nghĩa, hiếu thảo với mẹ. Theo PGS.TS. Trần Mạnh Tiến, đây là câu chuyện xứng đáng được đưa vào tác phẩm dạy trong nhà trường bởi tính nhân đạo sâu sắc. Thông qua câu chuyện này, tác giả muốn gửi thông điệp: nhân loại hãy mở rộng lòng nhân ái, không phân biệt chủng tộc, giống loài.

Thuồng luồng là con vật vẫn được lưu truyền trong dân gian, đặc biệt ở vùng miền núi phía Bắc. Theo Thần tích đức Linh Lang Đại vương và sách Đại Nam nhất thống chí, Linh Lang là con trai thứ tư của Vua Lý Thánh Tông nhưng nguồn gốc thực sự của ông lại rất ly kỳ đó là con của Long Quân đã đầu thai vào bà Nguyễn Thị Hạo. Huyền thoại ghi lại khá chi tiết sự xuất hiện của con vật linh thiêng kì lạ này: “Một hôm, nhân trời mùa hè nóng bức, bà cùng các cung phi, thị nữ ra tắm ở hồ Tây. Tự nhiên trời đất tối sầm, nước hồ cuộn sóng, con thuồng luồng dài hơn 10 thước xuất hiện, ôm quấn lấy bà và phun rớt rãi đầy người, có mùi thơm...”. Như vậy, từ chất liệu con

37

thuồng luồng có sẵn trong dân gian, Lan Khai đã xây dựng nên những câu chuyện mang dáng dấp của truyện cổ tích thần kì vừa lạ mà lại vừa quen.

Đến với tác phẩm Con bò dưới Thủy Tề, Lan Khai đã đưa chúng ta về thời khai sơn lập địa với những con vật thiêng theo tín ngưỡng dân gian địa phương. Đó là con bò thần dưới thủy cung. Con bò ấy có “cặp sừng nhọn hoắt, hai mắt lấc láo…” [36: 36] và tuy là bò thần sống dưới nước nhưng

“hình dáng, tầm vóc, cả sắc lông đỏ quạch đều hiển hiện là một con bò”. Và cái kết cục do con bò Thủy Tề mang đến cho dân làng cũng chứa đầy sức mạnh kì bí. Trong thoáng chốc mưa giông, gió bão kéo đến như “thiên binh vạn mã” [36: 38], “(...) bỗng nghe một tiếng nổ cực to. Cái gò đất, như một con cá kình vừa thức giấc, lặn băng xuống đáy hồ” [36: 39] rồi cảnh vật lại trở lại hiền hòa như xưa. Kết cục mà dân làng phải chịu như một lời cảnh báo với tất cả mọi người rằng: con người là sản phẩm của thế giới tự nhiên, đã gắn bó với thiên nhiên từ thuở bình minh của loài người, nếu con người cứ tiếp tục xâm hại thiên nhiên thì sẽ phải nhận những hậu quả khó lường.

Với cảm hứng lãng mạn, Lan Khai hấp thu nền văn hóa dân gian và thổi vào tác phẩm của mình cái hồn của tín ngưỡng dân gian. Đọc các tác phẩm kì ảo của ông khiến chúng ta có cảm giác được trở về với dòng suối mát của tổ tiên thời hồng hoang, thuở bình minh của loài người – thuở người, vật, thần linh vẫn còn chung sống với nhau. Thật thú vị khi những con vật tưởng như chỉ tồn tại ở thời khai thiên lập địa lại hiển hiện về cuộc sống hiện đại của chúng ta một cách sinh động. Với mục đích chính sáng tạo ra những nhân vật kì ảo nhằm kích thích trí tò mò của độc giả, nhưng qua đó, tác giả cũng gửi những bài học nhân sinh thật sâu sắc.

38

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật trong truyện ngắn lan khai (Trang 41)