Một cây bút truyện ngắn tài hoa

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật trong truyện ngắn lan khai (Trang 31)

6. Cấu trúc luận văn

1.3. Một cây bút truyện ngắn tài hoa

1.3.1. Vị trí mảng truyện ngắn của Lan Khai trong văn học 1930 – 1945

Truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 được đánh giá “là đỉnh cao của tiến trình phát triển thể loại” [17: 8]. Truyện ngắn giai đoạn này đã chiếm khối lượng lớn trong di sản văn học dân tộc. Nguyễn Hoành Khung trong cuốn Truyện ngắn Việt Nam 1930 – 1945 đã đánh giá: “Truyện ngắn Việt Nam mười lăm năm trước Cách mạng thật là phong phú, đặc sắc và đa dạng – đa dạng về khuynh hướng thẩm mĩ, về phong cách, về bút pháp, về đề tài, về màu sắc địa phương.” [15: 10].

Truyện ngắn là thể loại nhạy cảm đối với từng biến đổi tinh vi trong cuộc sống, nó có khả năng len lỏi vào từng tế bào của cuộc sống. “Truyện ngắn hiện đại không ghi sự tích như trước mà ghi cảnh ngộ, tâm trạng con người” [18: 8]. Vì vậy khi truyện ngắn phát triển cũng là lúc mọi mặt trong đời sống con người được quan tâm. Thông qua truyện ngắn ta có cái nhìn đầy đủ hơn về bức tranh muôn màu của đời sống. Tuy mỗi nhà văn đều cố gắng tìm tòi, khai thác nhiều đề tài nhưng đa số các nhà văn vẫn gắn liền ngòi bút

26

với hiện thực. Tác giả Võ Gia Trị trong cuốn Quy luật của văn chương đã nhận định: “Đa số các nhà văn Việt Nam viết truyện ngắn giai đoạn này theo khuynh hướng hiện thực” [8: 18]. Ta có thể bắt gặp những truyện ngắn của các tác giả: Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Thạch Lam...viết về số phận những con người nhỏ bé trong xã hội. Hay xã hội Việt Nam thời kì Âu hóa trong các sáng tác của Vũ Trọng Phụng. Truyện ngắn thời kì này đa số lấy đề tài từ cuộc sống hiện thực, nhưng mỗi nhà văn lại có cách tiếp cận riêng, tạo nên sự đa dạng về phong cách của người nghệ sĩ. Lan Khai cũng nằm trong số nhà văn trung thành với hiện thực nhưng ông còn thể nghiệm ở mảng truyện kì ảo. Với mảng truyện kì ảo này đã giúp ông “khai sơn phá thạch” vào thế giới sơn lâm. Bên cạnh đó, những câu chuyện tha thiết tình người đã hoàn chỉnh thêm tài năng của nhà nghệ sĩ tài hoa. Truyện ngắn của Lan Khai giữ một vị trí quan trọng trong giai đoạn văn học 1930 – 1945. Mặc dù trong thời điểm “trăm hoa đua nở” nhưng Lan Khai vẫn không bị lu mờ trước những bông hoa khác, bởi truyện ngắn của ông mang một phong vị riêng độc đáo cùng với những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Truyện ngắn của Lan Khai là những mảnh hiện thực khác nhau, nhưng lại chứa những vấn đề nhạy cảm nhất của con người. Đằng sau những lời thuật lạnh lùng là một bầu tâm sự chất chứa những nỗi niềm căm uất khôn tả trước cái đẹp, cái thiện bị vùi dập. Thế giới sơn lâm đẹp xinh, hiền hòa cùng với bao điều bí ẩn tiềm tàng trong truyện ngắn của Lan Khai đã làm say lòng biết bao độc giả đương thời.

1.3.2. Vị trí mảng truyện ngắn trong sự nghiệp sáng tác của Lan Khai

Văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX, với yêu cầu đổi mới gay gắt, mọi nhà văn đều nỗ lực đổi mới chính mình, vượt lên chính mình. Vì vậy văn học giai đoạn này đã đạt một mùa bội thu về cả số lượng và chất lượng nghệ thuật.

27

Đã có những tác phẩm trở thành mẫu mực, trở thành đỉnh cao mà tiền thế không thể với tới, hậu thế không thể vượt qua.

Đương thời, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Đọc Lê Văn Trương từ những tác phẩm đầu tiên cho đến những tác phẩm gần đây nhất, người ta không thấy thay đổi mấy tí; nhưng đọc Lan Khai từ trước đến nay, người ta thấy ông luôn luôn thay đổi, luôn luôn gắng sức để rời bỏ loại nọ sang loại kia” [26: 920]. Lan Khai bước vào nghề văn với thể loại tiểu thuyết, nhưng ông là một trong những cây bút luôn luôn cố gắng tìm tòi, thử nghiệm ở mọi thể loại, trong đó có truyện ngắn. Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của ông, mảng truyện ngắn có vị trí vô cùng quan trọng góp phần khẳng định phong cách của Lan Khai. Khẳng định tài năng của nhà văn ở lĩnh vực này, như Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: “Lan Khai là cây bút rất tài tình để viết truyện ngắn.” Nếu như với tiểu thuyết, Lan Khai đã mang đến cho độc giả cả một thế giới thì với truyện ngắn, ông mang đến những mảnh đời, “từng lát cắt sinh động của cuộc sống”.

Truyện ngắn của Lan Khai có đề tài rất phong phú. Có thể là những chất liệu trong cuộc sống thường ngày hoặc trong lịch sử. Mảng truyện ngắn hiện thực với những câu chuyện về cuộc đời, số phận của những con người éo le trong cuộc sống chiếm số lượng lớn trong sáng tác của ông. Đặc biệt, Lan Khai rất thành công với những truyện ngắn viết về đề tài miền núi. Đây là những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân rất sâu đậm, cung cấp cho người đọc bức tranh đời sống sinh hoạt của người dân miền núi. Thông qua hiện thực được tái hiện trong tác phẩm, tác giả đã thể hiện khả năng nắm bắt, tái hiện cuộc sống và bộc lộ tư tưởng, tình cảm của mình trước những số phận, những tình huống éo le.

Tiền mất lực là tình yêu bất diệt của đôi bạn trẻ khiến đồng tiền vạn năng cũng phải chịu thua. Pàng Nhả cho thấy cái đẹp bị đẩy vào bóng đêm

28

nơi rừng thẳm. Khảm khắc là tấn bi kịch tình yêu chốn rừng xanh. Những câu chuyện Đêm ấy, Tiếng sáo đêm thu, Bên rừng xuân mang đến vẻ hồn nhiên, đáng yêu của con người xứ sơn lâm. Trong xứ lâm tuyền còn có những câu chuyện mang yếu tố lịch sử như: Sóng nước Lô giang gợi lên bi cảnh nước mất nhà tan; Mưu thằng Đợi kể về cậu thiếu niên mưu trí, dũng cảm đã giúp dân thoát khỏi giặc Cờ Đen, Mũi tên dẹp loạn là những chuyện lạ về cuộc bạo loạn tranh giành đất đai…

Bên cạnh đó, Lan Khai còn có những truyện ngắn kì ảo thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả đương thời. Đây là những câu chuyện nửa hư, nửa thực mang đậm yếu tố hoang đường. Đương thời, truyện kỳ ảo có tên: “Truyện lạ đường rừng” ra đời từ đầu những năm ba mươi. Mỗi câu chuyện là một bức tranh hòa quyện giữa yếu tố thực và ảo về thế giới sơn lâm. Những câu chuyện này được viết chủ yếu để giải trí, thu hút người đọc ở những yếu tố dị kì. Đây là một thể tài mới trong văn học Việt Nam hiện đại, có tiếp nối các yếu tố hoang đường của văn học dân gian, văn học trung đại và văn học kỳ ảo thế giới. Bên cạnh việc tiếp thu những yếu tố trong văn học truyền thống, Lan Khai đã tạo ra một thế giới nghệ thuật độc đáo góp phần làm đổi thay cách tiếp nhận truyền thống.

Người lạ dựa vào tâm lí hoang tưởng ma quỉ của con người, tác giả dẫn độc giả đi xa hơn trong tưởng tượng. Cô gái ma không xuất hiện mờ ảo trong đêm mà hiển hiện mồn một giữa ban ngày. Ma thuồng luồng gợi cảm giác về cuộc sống hỗn mang xưa, thuở con người và con vật còn sống chung.

Người hóa hổ vẽ ra cảnh hoang sơ như trong thần thoại, là nỗi kinh hoàng vơ vẩn đối với cái đại bí mật của sơn lâm, cái thời dã man, ranh giới giữa con người và con vật còn chưa rõ nét. Con thuồng luồng họ Ma kể về lòng tốt của con người với loài vật, khiến loài vật cảm kích mà trả ơn. Con bò dưới Thủy Tề cảnh báo về sức mạnh tiềm ẩn của thiên nhiên đối với con người, …Bên

29

cạnh những hình tượng kì bí là những bức tranh sinh động về phong tục tập quán xứ lâm tuyền, những tai họa từ thiên nhiên do con người gây ra, gợi nên các vấn đề thiện, ác, tình yêu và thù hận. Tuy những tác phẩm loại này không nhiều nhưng đã làm nên dấu ấn riêng của ông trên văn đàn 1930 – 1945.

Ở bình diện tâm lí – xã hội, mỗi truyện ngắn là một lát cắt của cuộc sống muôn màu. Lẩn sự đời là chuyện tình lãng mạn của chàng họa sĩ với cô gái mù có giọng hát hay. Bỡn cợt với tình là màn bi hài kịch của trò chơi tình ái tay ba. Một việc tự tử là chuyện tình cảm động của đôi trai gái nghèo đã phải chọn cái chết để thoát ra khỏi kiếp đọa đày. Vì cánh hoa trôi kể về bi thảm trùm lên bi thảm của người góa phụ. Đi sâu vào thế giới nội tâm của văn nghệ sĩ trí thức, hai câu chuyện: Kiếp con tằmNơi ước hẹn đã nói lên bi kịch tinh thần của những người nghệ sĩ bị cơm áo ghì sát đất, phải bán rẻ tài năng nhưng họ vẫn khao khát được thực hiện thiên chức của một nhà văn chân chính. Khổ tình là câu chuyện tình yêu cao đẹp của hai chính trị phạm trong nhà tù đế quốc. Chung tình là nỗi niềm trăn trở của người phụ nữ về hạnh phúc gia đình trước cuộc sống không ngừng biến đổi. Khóc thông reo là bản bi ca tình yêu đến tận cùng cái chết…Đi sâu vào hiện thực, các câu chuyện Thằng Gầy, Anh Xẩm, Cái của nợ, đã để lại cho độc giả ấn tượng về những con người bần cùng, bất hạnh, khát thèm cơm áo và tình thương. Các tác phẩm Lyđêan, Ngày qualà tình yêu vượt qua vòng lễ giáo phong kiến…

Truyện ngắn của Lan Khai không chỉ đặc sắc ở đề tài mà còn đặc sắc ở nghệ thuật xây dựng truyện. Truyện ngắn của Lan Khai có cốt truyện khá đơn giản nhưng gây xúc động sâu sắc ở người đọc bởi những tình huống éo le, những kết thúc truyện bất ngờ, đầy kịch tính. Thêm vào đó, nghệ thuật miêu tả giàu tính tạo hình cùng ngôn ngữ trong sáng, mượt mà ông đã tạo ra những trang văn đẹp, giàu cảm xúc. Đối với những truyện viết về những đề tài hiện thực ông thường lựa chọn lối miêu tả ngoại hình thống nhất với nội tâm nhân

30

vật. Với những truyện ngắn kì ảo, ông tập trung miêu tả ngoại hình để thể hiện tính cách. Đặc biệt, Lan Khai là nhà văn rất chú ý tới việc trau dồi ngôn ngữ để tạo nên những trang văn đẹp, mượt mà. Trong nhiều tác phẩm, ông đã sử dụng tiếng địa phương để tạo nên màu sắc riêng cho truyện đường rừng. Thêm vào đó, ông sử dụng nhiều giọng điệu đan xen tạo tính đa thanh, phức điệu trong giọng điệu trần thuật.

Tóm lại, thể loại tiểu thuyết đã đưa Lan Khai lên đỉnh cao của sự nghiệp và truyện ngắn giúp ông đứng vững trên đỉnh cao ấy. Thành công ở mảng truyện ngắn đã góp phần khẳng định tài hoa của người “nghệ sĩ rừng rú – Lan Khai”.

31

CHƯƠNG II: THẾ GIỚI NHÂN VẬT PHONG PHÚ, ĐA DẠNG TRONG TRUYỆN NGẮN LAN KHAI

Văn học phản ánh hiện thực bằng hình tượng nghệ thuật, trong đó nhân vật là hình tượng nghệ thuật đặc thù của tác phẩm. “Nhân vật văn học là khái niệm dùng để chỉ hình tượng các cá thể con người trong tác phẩm văn học – cái đã được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ.” [28: 114]. Nói đến tác phẩm văn học không thể không nhắc đến nhân vật, bởi nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác và được xem là phương tiện để nhà văn khái quát những quy luật của cuộc sống và thể hiện sâu sắc tư tưởng nghệ thuật của nhà văn.

Nhân vật trong truyện ngắn của Lan Khai là hình tượng nghệ thuật trung tâm, thể hiện sâu sắc tư tưởng và quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Đó là những con người được miêu tả đa chiều, từ ngoại hình đến nội tâm, có tính cách, có đời sống tinh thần phong phú.

Trong truyện kì ảo, nhân vật kì ảo hiện ra với những nét hoang đường mang màu sắc dân gian mà vẫn sinh động hấp dẫn. Ta biết đến những con thuồng luồng, những bà già Mèo sắp hóa hổ và cả cô “người lạ” ở trong rừng.

Ở mảng truyện đường rừng, ta được làm quen với những nhân vật miền núi thân thương, tiêu biểu cho tâm hồn, tính cách người miền núi. Đó là những con người hồn nhiên, chất phác, yêu lao động như: Pàng Nhả và Lo Trồng; Tsi TôĐay và Lô Hli....những nhân vật mưu trí, dũng cảm đại diện cho tuổi trẻ anh hùng miền núi như Đợi,…, những nhân vật độc ác, đại diện cho thế lực hắc ám miền núi như: Noọng Hà, Tạo Phay, nữ tướng Mèo, giặc Cờ Đen…

32

Ở mảng truyện tâm lí xã hội, ta được làm quen với những nhân vật sống ở thành thị và những nhân vật lữ khách. Nhân vật sống ở thành thị hiện lên thật sinh động với những nhân vật khẳng định cá nhân trong tình yêu Vi và Dung; Lan và Q.H,…, những nhân vật thủy chung như Thu, Vân, Văn Khanh…, những nhân vật khốn khổ, dưới đáy xã hội như Xuân, Cáp, anh Xẩm, thằng Gầy,...những nhân vật văn sĩ điêu đứng vì đồng tiền như Thanh, Khang,…Và những nhân vật lữ khách mải miết kiếm tìm cái đẹp như: chàng trai họ Vũ, thầy Bản, Biên…

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Lan Khai thể hiện năng lực phản ánh hiện thực sâu sắc và ngòi bút xây dựng nhân vật tài hoa của nhà văn. Cả cuộc đời của nhà văn là cuộc đời của một cây bút luôn sống hết mình cho nghệ thuật với khát vọng “tạo ra tương lai” và kiến tạo một “tân văn hóa” cho dân tộc. Cho nên thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Lan Khai rất phong phú, đa dạng, từ thế giới nhân vật miền núi đầy ấn tượng đến thế giới nhân vật thành thị đủ tầng lớp người.

Dưới đây, chúng tôi xin phác thảo chân dung một số loại hình nhân vật chính trong truyện ngắn của Lan Khai.

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật trong truyện ngắn lan khai (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)