Nhân vật thuộc tầng lớp dân nghèo thành thị

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật trong truyện ngắn lan khai (Trang 70)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2.2. Nhân vật thuộc tầng lớp dân nghèo thành thị

Quan tâm đến những kiếp người đau khổ, dưới đáy xã hội phải chăng là điểm gặp gỡ của những nhà nhân đạo lớn. Trong văn học Việt Nam cũng như văn học thế giới, chúng ta đã được biết đến bao câu chuyện khốn khổ về những mảnh đời lang bạt trong xã hội. Nếu chúng ta còn nhớ đến giọt nước mắt dành cho cô thợ khâu Phăng – tin trong Những người khốn khổ của

65

V.Hugo - một cô gái điếm đã phải bán răng, bán tóc để nuôi con - thì chúng ta hãy dành chút ngậm ngùi cho cô gái điếm còn chút hương thừa của Lan Khai. Trong Một việc tự tử, Xuân là một cô gái điếm phải bán thân vì miếng cơm manh áo. Tuy làm cái nghề “bán trôn nuôi miệng” nhưng Xuân vẫn giữ được thiên lương. Trong khi các cô “đồng nghiệp” ngày đêm xum xoe mong mỏi khách đến thì Xuân lại chỉ mong khách đừng đến: “Chẳng thế mà lần nào có bọn đàn ông chờn vờn qua cửa, khiến chị em nô nức chào mời, Xuân cũng bồi hồi lo sợ như một phạm nhân sắp phải đem hành tội. Rồi, nếu khách lẳng lặng qua thì Xuân mừng khôn xiết kể, nỗi mừng của người chết hụt. Chẳng thà chịu đói, chịu những lời chửi bới day dứt của mụ chủ, Xuân mong ước cứ đêm nào nhà cũng vắng khách để linh hồn Xuân khỏi bị đọa đày” [36: 187].

Nếu như những kẻ đến nhà chứa để tìm của lạ luôn luôn sáng mắt, lăn xả vào lòng các cô gái đẹp, thì Cáp lại khác. Cáp là một tài xế bị thất nghiệp, trong lúc chán chường anh tìm đến nhà chứa để giải khuây. Ở đây, Cáp đã gặp Xuân, vì cảm mến trước tâm hồn của cô gái điếm giữ được lương tri nên Cáp đã dồn hết số tiền còn lại để mong được một đêm nói chuyện với Xuân. Hai con người đau khổ ấy gặp nhau nơi nhà chứa nhơ bẩn, nhưng tình yêu trong họ đã được thắp sáng để sưởi ấm hai trái tim lạnh giá. Tưởng rằng, họ sẽ thắp lên được một tương lai tươi sáng, nhưng hoàn cảnh nghèo đói không lối thoát đã đẩy họ đến bi kịch. Cáp không có tiền chuộc Xuân ra khỏi nhà chứa, họ đã phải lựa chọn cái chết để được tự do yêu nhau, để có một đám cưới dưới suối vàng.

Cùng thời, Trần Huyền Trân cũng có một số truyện ngắn khá thành công viết về những cô gái điếm nơi phố Khâm Thiên. Hình ảnh của những cô gái nhảy, kỹ nữ hiện lên với tất cả nỗi ngao ngán, ê chề về cuộc sống quá tù túng, nhàm chán, khổ đau. Ở trong hoàn cảnh ấy, những cô gái này cũng mong một sự thay đổi dù là những cái nhỏ nhặt của cuộc sống hàng ngày.

66

Khao khát đó đôi khi đã tạo cho họ quyết tâm từ bỏ nghề gái nhảy để về quê sống cuộc đời bình dị, êm đềm và thanh sạch với “một vườn rau, một sân gà, một chuồng lợn, xa xa một ao bèo trong, một dải đồng mạ bát ngát xanh”.

[33: 109]. Nhưng xã hội thực dân phong kiến bạo tàn nào cho các cô cơ hội thay đổi. Cô vẫn chỉ là một gái nhảy để rồi “mắt cứ đục đi, môi cứ nhạt dần, tóc cứ ngắn bớt đi. Tất cả hư hỏng dần ở trong một cuộc sống hờ” (Mưa dầm). Như vậy, ta thấy rằng, nếu nhân vật của Lan Khai giải quyết mâu thuẫn bằng cái chết để thoát khỏi cuộc đời ô nhục thì nhân vật của Trần Huyền Trân lại vẫn chấp nhận cuộc đời ấy. Qua đó, ta thấy được sự phản kháng mạnh mẽ, thái độ đoạn tuyệt với cái xấu xa chứ nhất định không thỏa hiệp trong sáng tác của Lan Khai.

Văn xuôi giai đoạn 1930 – 1945 đã đạt được nhiều thành tựu trong việc đi sâu và mở rộng chiều kích phản ánh cuộc sống. Kiếp người côi cút, đói nghèo đã được nhiều tác giả quan tâm trong giai đoạn này. Nếu người đọc từng bồi hồi, xúc động khi đọc Gió lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ của Thạch Lam thì khi đọc những truyện Anh Xẩm, Thằng Gầy của Lan Khai cũng không kìm được nước mắt. Nếu Thạch Lam khơi nguồn ánh sáng cho những tâm hồn bé nhỏ đang chìm trong bóng đêm dày đặc của cuộc sống quẩn quanh thì Lan Khai lại chú ý đến kiếp người cô độc đang quằn quại trước sự thờ ơ của đồng loại. Trong Anh xẩm, anh xẩm nghèo đói, xấu xí với cái “đầu trọc lốc, mắt hom hem, nước da xanh, nhem nhuốc” [36: 203] được đặt giữa

“những me tây, những cô gái tân thời thướt tha, mơ mộng”; “những công tử âu trang thì phô phang những sắc sơmi trứng sáo, phớt hồng…” [36: 202]. Vẻ sang trọng, đẹp đẽ của họ như chọc ngoáy, như trêu ngươi nỗi khổ đau của anh xẩm. Anh “ngồi bệt” ngay lối vào công viên “đang lấy hơi cong mép thổi”…Như nhận thức được đám đông đang vây lấy mình, anh xẩm “hai mắt

67

lợn luộc chấp chới như nhịp theo những lớp âm thanh tuyệt diệu. Cổ thì ngẳng ra, bụng thót lại vì chiếc áo vàng rách mướp không đủ che kín cái mình gầy đét trơ xương” [36: 203]. Trước những “vẻ mặt phởn phơ, nhí nhảnh dần dần trở nên lặng lẽ như say đắm, như mê lạc, như thôi miên” [36: 203], anh xẩm cố dồn hết hơi tàn lắc lư theo điệu nhạc để giãi bày với đám đông vô tình đang xúm quanh mình những nỗi chua cay thiểu não của tấm lòng đơn độc. Qua câu chuyện nhỏ này, Lan Khai đã lên án, cảnh tỉnh sự vô tâm của con người trong xã hội. Sự sang trọng, quí phái của những kẻ dửng mỡ đang vây quanh anh xẩm nghèo đói để thỏa mãn sự hiếu kì khiến những người có lương tâm không khỏi đau lòng. Phải chăng mọi sự đau khổ trên đời này đều bắt nguồn từ sự vô tâm, nếu chúng ta nhân ái hơn, bao dung hơn thì nhân loại sẽ bớt đi những cảnh đời bất hạnh, bớt đi những chuyện đau lòng…

Nếu ai đã từng rơi nước mắt vì Cô bé bán diêm của Anđécxen, thì có lẽ khi đọc Thằng gầy của Lan Khai, lại phải thêm một lần nữa ngậm ngùi. Thằng Gầy “không quá sáu, bảy tuổi, thân thể gầy guộc, chân tay ngẳng nghiu, màu da xám đen, nhem nhuốc” [36: 204]. Tài sản duy nhất của Gầy chỉ có “một đoạn phu la tã màu tro vòng quanh cổ” [36: 207] đủ che được cái cằm nhọn hoắt. Vậy mà Gầy vẫn hồn nhiên chạy nhảy và khi vớ được ống sữa bò bỏ đi ở bên đường nó mừng rỡ như vừa được một món quà quí giá. Nhưng món quà ấy đã nhanh chóng bị lũ trẻ cướp mất và chúng chỉ trả khi Gầy chịu làm ve sầu. Nhưng vừa cúi xuống nhặt cái ống sữa, nó “bị ngay một cái đá trúng mông, ngã sõng soài”. Gầy chỉ biết im lặng đứng dậy rồi cúi đầu chạy. Gầy là một đứa trẻ khổ sở ngay từ khi lọt lòng mẹ. Cha là phu mỏ và đã sớm qua đời trong một lần sập hầm, mẹ đi làm vú nuôi cho nhà giàu. Gầy theo mẹ đến nhà phú hộ để ngày được ăn hai bữa cơm thừa canh cặn. Nhưng vì Gầy ăn trộm con búp bê của con gái nhà chủ nên đã bị đánh nhừ tử và bị đuổi ra khỏi

68

nhà. Từ đó Gầy bắt đầu cuộc sống đầu đường xó chợ và “đón nhận” sự hắt hủi, ghẻ lạnh của xã hội.

Sau khi được lũ trẻ tha, Gầy vào trong phố, “trên tay vẫn thu thu cái ống sữa bò” [36: 207] như một báu vật. Nếu như mọi trẻ em đều được đón tết trung thu thì riêng với Gầy lại không. Trước cảnh tượng lộng lẫy, náo nhiệt của những người đi chơi trung thu, Gầy đã dõi ánh mắt theo mà ước rằng “ cũng được mặc những quần áo đẹp, cũng được cầm một cái đèn xếp mà đi lẫn lộn với những đứa trẻ may mắn kia!”…[36: 207]. Bước chân lang thang đã đưa nó đến một phố to hơn và ở đó, “cửa hiệu nào cũng ngột những người, những cha, mẹ, anh, chị dắt con em đi sắm tết” [36: 208]. Thật tội nghiệp khi nó đang nhìn theo những đứa trẻ hạnh phúc và mơ ước thì lại chỉ nhận được ánh mắt “trừng trừng” của viên cảnh sát. Nó chợt ù té vì sợ ăn thêm mấy ngọn roi mây. Sau một hồi chạy, nó lạc đến một đám rước sư tử, tưởng rằng nó sẽ được hưởng một chút không khí vui nhộn của buổi trung thu thì nó bị ngay

“mấy cái tát của một thằng du côn dẹp đám” [36: 208] khiến nó ngã quay ra đất. Trong đêm trung thu, mọi trẻ em đều được vui vẻ đón tết, chỉ riêng Gầy lang thang và liên tiếp nhận đòn roi. Vì quá đói, quá khát Gầy đã khuỵu xuống và trong giây phút sắp lìa đời, nó “nghe trong mình nhẹ nhàng, khoan khoái, đầu óc không váng nữa, tai không ù”, nó lầm bầm: “Mai ta chờ u ở chợ, xin tiền mua bánh và mua đầu sư tử” [36: 208]. Với niềm tin ngây thơ ấy nó đã nở nụ cười mãn nguyện trên đôi môi trước khi về thế giới bên kia. Ngày hôm sau người ta đồn trước hè nhà ông Mỡ, có một thằng ăn mày chết cỏng queo. Cái chết của thằng Gầy đối với những người trong phố như cái chết của một con chuột, một con gián, không ai mảy may động lòng. Gầy chết vì khát vọng tuổi thơ bị dập tắt, vì cuộc sống nghèo khổ không có sự chở che của mẹ, vì xã hội không bảo bọc cho Gầy. Cảnh tượng một cậu bé nằm chết cỏng queo trong đêm trung thu là bản tố cáo mạnh mẽ thói vô tâm, ích kỉ của con người.

69

Cái chết của Gầy là lời cảnh báo cho nhân loại nếu còn những con người sống ích kỉ, vô tâm trước nỗi đau của đồng loại thì còn nhiều thằng Gầy nữa cũng phải chết một cách oan uổng.

Cùng thời, trong nhiều tác phẩm của Vũ Trọng Phụng ta đã thấy được số phận cực khổ của những con sen thằng ở. Lan Khai cũng dành ngòi bút yêu thương của mình cho những kẻ phải đi ở đợ trong xã hội. Trong Cái của nợ là sự cơ cực của cậu bé làm thuê cho nhà giàu. Cuộc sống lang thang, bệnh tật đã khiến cái đầu của thằng bé nhọn hoắt, lơ phơ mấy sợi tóc khô khan, mặt quắt, da vàng bủng, hai mắt trắng dã, lờ đờ trong cái hốc sâu tím ngắt. Hai dòng nước lầy nhầy từ hai lỗ mũi thập thò ra ngoài như chơi hú tim với lũ răng vàng khểnh giữa cặp môi thâm. Cái áo nâu cánh tã nom bẩn như màu đất không đủ che kín cái mình lủng củng những xương. Khi nó đi làm con ở, nó đã phải chịu sự hắt hủi, coi thường của cậu con trai chủ nhà: “(...) Đem những của nợ này về, chẳng bõ thêm bẩn nhà. Hạng chúng nó sống lắm chỉ tổ bận cẳng người ta” [36:211]. Thật tội nghiệp cho cậu bé mới từ trong viện ra, không nơi nương tựa. Dù bị chửi mắng, xúc phạm nhưng cậu bé vẫn cung cúc im lặng, hầu hạ chủ nhà. Viết về những thân phận con sen thằng ở, Lan Khai trân trọng muốn khẳng định vị trí và giá trị của mỗi con người trong xã hội. Chính vì vậy, khi cậu chủ chết khiếp vì con chuột dưới gầm giường thì chính cậu bé đã vào “nắm đuôi con chuột lững thững ra ngoài” [36: 212].

Thông qua chi tiết này, Lan Khai muốn nhắc nhở chúng ta về giá trị của mỗi con người trong xã hội. Dù họ là những con sen, thằng ở thì họ cũng có nhân phẩm, cần được tôn trọng.

Như vậy, mỗi câu chuyện là một bức tranh, một cảnh đời côi cút, bị xã hội ghẻ lạnh và họ đã bị dồn vào chỗ chết. Tác giả xót thương cho những con người lang thang nơi đầu đường xó chợ, những con người bần cùng bị đẩy vào nhà chứa . Đồng thời, ông cũng lên tiếng bênh vực cho những con

70

người bị coi là thứ bỏ đi của xã hội. Ông đã lên án xã hội kim tiền, bất công; lên án những con người vô tâm, ích kỉ trước nỗi đau của đồng loại. Thông qua những kiếp người nghèo khổ nơi thành thị này, tác giả gửi đến bạn đọc những thông điệp tha thiết về tình người: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng...” (Trịnh Công Sơn).

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật trong truyện ngắn lan khai (Trang 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)