Nhân vật lữ khách

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật trong truyện ngắn lan khai (Trang 80)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2.4. Nhân vật lữ khách

Hình tượng lữ khách xưa nay đã được nhiều tác giả dày công xây dựng. Nơi xứ sở hoa anh đào, chúng ta đã được biết đến những lữ khách trong sáng tác của Kawabata Yasunari. Nếu như nhà văn Kawabata là lữ khách u sầu đi tìm cái đẹp thì Lan Khai cũng là người bạn đồng hành trên con đường ấy. Trong sáng tác của mình, Lan Khai cũng chú ý xây dựng nên những hình tượng nhân vật lữ khách. Họ chủ yếu là những chàng trai trẻ trên đường kiếm tìm cái đẹp. Vân trong Lẩn sự đời là một chàng trai thị thành, sớm mồ côi cha mẹ và làm chủ một gia tài lớn. Là một họa sĩ nên tâm hồn anh cũng khá lãng mạn, anh từng ước mơ: “Có được một túp lều tranh khuất nẻo bên sườn non; cạnh dòng suối chảy, dưới bóng hoa đào, ở đó Vân sẽ đem hết thời giờ, tâm trí vào công việc thi ân bá đức như vỗ về kẻ khổ não, đỡ vực kẻ nghèo hèn, bạn bè tới lui với những người thực thà mộc mạc.” [36: 172]. Cuộc đời anh đã từng thử hết mọi thú ăn chơi nơi đô hội, đã từng ôm trong tay những cô gái dung nhan tuyệt trần. Nhưng tất cả những bộ mặt son phấn nơi thành thị đã khiến Vân chán ngán, nên anh tìm đến nơi núi rừng để thực hiện ước mơ giản dị thuở nào. Thiên nhiên trong lành đã xua tan cái ồn ã, náo nhiệt nhưng anh vẫn cảm thấy lòng trống rỗng và cô đơn. Đến khi Vân gặp cô gái mù con bà chủ nhà trọ, lòng anh ấm lại. Cô gái có “giọng hát lạ lùng”, “vừa dịu dàng,

75

vừa đầm ấm, vừa rõ rệt, vừa hư huyền”đã khiến trái tim anh rung lên thực sự. Tiếng hát của người con gái trong đêm khuya “nhẹ đưa theo gió, bổng trầm réo rắt, nghe hay mà rất buồn” đã làm lay động trái tim chàng họa sĩ đa cảm. Anh như “quên hết sự đời, mặc linh hồn bay theo tiếng hát về những cõi tưởng tượng xa xăm” và ngỡ “mình lạc bước vào chốn Thiên Thai”. Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng cũng để Vân kịp nhận ra hạnh phúc đích thực của đời mình ở nơi cô gái “dung nhan mĩ lệ” nhưng lại thiếu “ánh thu ba”. Anh đã không chần chừ khi quyết định là người “tìm sự khuây khỏa những khi cô tủi phận hờn duyên, người sẽ dẫn cô đi chơi, lấy cặp mắt nhìn thay cho cặp mắt lòa trước những cảnh hoa sớm, mây chiều” [36: 172], trở thành người con, thành “một cái gậy” của bà cụ già trong lúc tuổi già sức yếu. Anh đã giã từ bạn bè, giã từ nhịp sống sôi động để sống hạnh phúc bên cô gái mù trước con mắt ngạc nhiên của bạn bè.

Nhân vật Tôi trong Cô Bụt, ngay từ khi mới đặt chân lên miền núi đã say sưa trước vẻ đẹp của những cô sơn nữ, đặc biệt là với cô Bụt. Nhan sắc tuyệt trần của cô Bụt đã khiến nhân vật Tôi ngây ngất, chếnh choáng trong men tình. Hình ảnh cô Bụt in sâu trong tâm trí Tôi “gợi cho tôi cái lòng yêu cảnh non cao, rừng thẳm”, “chán ghét cảnh phồn hoa giả dối” [36: 215].

Trong Chiếc xe trên đường, nhân vật Khách đang trên chuyến xe lần đầu đặt chân lên miền núi. Giữa trời đất bao la, đèo cao hút gió, Khách cảm thấy tâm hồn cô đơn khôn tả. Thêm vào đó là những lo lắng về những bất trắc có thể xảy ra khi đường đi toàn là đèo cao, vực thẳm. Sự xuất hiện của cô gái trên chuyến xe đã như một luồng gió mát xoa dịu đi nỗi cô đơn và những lo lắng của người lần đầu bước đến miền sơn cước. Vẻ xinh đẹp, tấm lòng nồng hậu của cô gái đã khiến trái tim của Khách bị chinh phục hoàn toàn. Khách không thể kìm nén ái tình đang dâng trào nên lời yêu đã được thốt ra trong vội vàng. Và lời yêu đó cũng được cô gái đáp lại một cách duyên dáng. Nhưng

76

trong chốc lát cô gái đã phải xuống xe, Khách thiết tha nài nỉ nàng theo mình đi đến cùng trời cuối đất nhưng cô gái nhất mực “dứt áo ra đi”. Sự thờ ơ của cô gái như lưỡi dao đâm nát trái tim Khách. Những vực thẳm, hố sâu lại nhanh chóng xâm lấn tâm hồn anh, mang đến cho anh một cảm giác cô độc trên con đường đời. Đã có lúc anh nghĩ sẽ xuống xe ở lại bên cô gái nhưng tráng chí vẫy gọi, anh không thể dừng bước.

Trong số những lữ khách bước chân qua miền núi, cũng có người ở lại xây dựng gia đình. Biên trong Đôi vịt con vì cảm mến vẻ đẹp của Nhình, đã cùng nàng vun đắp hạnh phúc. Sau hai năm đôi uyên ương đón mừng đứa con đầu lòng ra đời. Hạnh phúc chưa thỏa, thầy cai đã nhận được giấy mãn hạn và anh trai ở nhà bệnh nên phải về xuôi. Vợ thầy sững sờ đón nhận tin dữ vì nàng biết lần ra đi này khó có ngày chồng trở lại. Thầy Biên hiểu được tâm tư của vợ nên đã hết lòng vỗ về, khuyên giải và hứa hẹn ngày đoàn viên. Ngày ra về, thầy đã được vợ cho ăn hai quả trứng vịt có yểm bùa và hẹn đúng một tháng sau phải quay trở lại. Nhưng cuộc sống nơi thành thị bận rộn đã khiến người ra đi lãng quên lời hẹn. Đúng đến ngày hẹn thầy Biên đau bụng dữ dội và giãy giụa trong ít phút rồi chết.

Những chàng lữ khách một lần bước chân qua miền núi đều phải say mê trước vẻ đẹp của các cô sơn nữ, các chàng đã cùng thề non hẹn biển với các cô gái nhưng chí sông hồ vẫy gọi, các chàng ra đi để lại các cô gái ở lại trong niềm tiếc nhớ.

Hai Tàu trong Tiếng sáo đêm thu là một chàng trai thành thị lên miền núi làm ăn. Nơi đây, anh đã gặp và yêu tha thiết một cô gái Thổ mặc dù hai người không thể hiểu được tiếng nói của nhau. Yêu nàng, buổi tối anh thường mang cây sáo ra thổi để giãi bày tâm tình. Tiếng sáo ấy vừa chất chứa tình yêu nồng nàn với người yêu vừa là nỗi niềm băn khoăn về mối tình của mình biết có vuông tròn hay không? Rồi một đêm, Hai Tàu ngồi bên người yêu và

77

ngỏ ý muốn đưa nàng về miền xuôi nhưng đáp lại là sự chối từ trong đau đớn của cô gái. Mối tình thơ mộng ấy cũng đi vào tuyệt vọng.

Còn chàng trai họ Vũ là một khách phong tình đặt chân lên miền núi tìm thú tiêu dao. Chàng đặt chân đến Chiêm Châu, không ai biết tung tích của chàng, chỉ thấy chàng tự xưng là họ Vũ. Chàng trai họ Vũ với dáng “người bé nhỏ, mảnh khảnh, dong dỏng cao”, “nước da mai mái” [36: 256]. Cũng như bao chàng trai thành thị khác, trái tim chàng cũng bị loạn nhịp bởi một cô sơn nữ. Họ yêu nhau tha thiết, đã cùng xướng họa làm thơ, cùng thề non hẹn biển đã mấy mùa hoa đào nở. Nhưng rồi trong một đêm mùa hạ, chàng trai chia tay cô gái với lời hẹn: “Sau năm năm mà anh không trở qua đây, tức là anh không lại nữa” [36: 258]. Sau tám năm thỏa chí giang hồ vùng vẫy chàng trai họ Vũ trở lại tìm hoa đào xưa nhưng giờ nàng đã yên ấm bên một người chồng nghèo và hai đứa con thơ. Tráng chí sông hồ đã để lại trong anh một nỗi mất mát lớn khiến anh ngày ngày phải khóc vì hoa đào rụng – người yêu đã đi lấy chồng.

Thầy Bản trong Bên rừng xuân là một người “đơn độc không nhà”

nơi miền núi, “chàng thấy đời mình trống trải và kiếp giang hồ, trong những giờ linh thiêng và đầy thi vị” cũng “không đem lại cho chàng được mảy may sinh thú” [36: 130]. Bản đang trên đường đi nghĩa vụ thì bị tai nạn và được một gia đình người Thổ cứu giúp. Trước khi lên đường anh đã nguyện sẽ không xiêu lòng trước ai. Nhưng trong thời gian nằm liệt giường được sự chăm sóc chu đáo của một cô gái dịu dàng, ngây thơ đã khiến trái tim của Bản dâng lên những đợt sóng tình mạnh mẽ. Trong cơn chếnh choáng men tình cũng có lúc anh nghĩ sẽ ở lại xây dựng gia đình cùng cô gái người Thổ nhưng phải chăng tiếng gọi của tráng chí, của non sông tha thiết khiến anh có thể gạt được tình riêng để ra đi thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng.

78

Với những hình tượng nhân vật lữ khách, Lan Khai thể hiện khát khao kiếm tìm, chiếm lĩnh cái đẹp. Cũng phần nào mơ ước về một mẫu đàn ông không bị bó buộc bởi tình riêng, bởi hoàn cảnh mà được thỏa chí vẫy vùng. Tuy nhiên thông qua kết cục của mỗi nhân vật, Lan Khai muốn gửi lời tâm huyết cho những ai đang yêu, đã yêu và sẽ yêu rằng hãy yêu nhau thật nhiều và hãy sống chết vì tình yêu ấy vì đôi khi tình yêu chỉ đến có một lần trong đời.

Tóm lại, nhân vật là đứa con đẻ tinh thần của nhà văn, là nơi tập trung những giá trị và tinh hoa của tác phẩm. Lan Khai với vốn hiểu biết phong phú cùng với tài năng thiên bẩm, đã sáng tạo nên những nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc đối với người đọc cả ở nhân vật kì ảo và nhân vật thực. Ở nhân vật kì ảo, Lan Khai đã đưa độc giả đến một thế giới mới lạ, đầy sự kì bí và pha chút ghê sợ về những nhân vật lâu nay vẫn được lưu truyền trong dân gian khu vực miền núi Việt Bắc. Ở những nhân vật thực, ông tung hoành ngòi bút của mình cả ở miền núi và miền xuôi, xây dựng nên những nhân vật thật đáng yêu và cả những nhân vật đáng ghét. Ở miền núi, đó là những con người khỏe mạnh, hồn nhiên, chất phác sống gắn bó với thiên nhiên và đặc biệt họ đã dành cho nhau tình yêu tha thiết. Những nhân vật mưu trí, dũng cảm khiến chúng ta cảm phục biết bao về tuổi trẻ miền núi anh hùng. Bên cạnh đó, tác giả cũng vạch rõ mọi khổ đau của con người nơi miền núi là do bóng ma của những thế lực hắc ám gây nên. Đến với những nhân vật nơi thành thị, tác giả cũng cho người đọc một cái nhìn sâu sắc về cuộc sống nơi thành thị. Đó là những nhân vật khẳng định cá nhân trong tình yêu, những con người thủy chung, hi sinh cho tình yêu. Đó là những người vật vờ nơi đầu đường xó chợ, những anh văn sĩ ngày đêm miệt mài sáng tác, vật lộn với cuộc sống nghèo khổ. Đó là những lữ khách luôn khát khao kiếm tìm cái đẹp...Với 37 truyện ngắn, Lan Khai đã để lại cho độc giả những bức tranh về con người miền núi, miền xuôi những

79

năm trước Cách mạng. Hơn nữa ở thời kì đó, người thành thị luôn có những thành kiến đối với người miền núi thì Lan Khai xóa bỏ những ranh giới ấy bằng những câu chuyện tình yêu thật đẹp. Khi nhân loại đang chống chủ nghĩa Apacthai thì những câu chuyện của ông nhằm cổ vũ phong trào ấy. Qua đó chúng ta nhận thấy tầm nhìn xa rộng của một nhà văn tài hoa. Chính vì vậy những nhân vật này tuy không có sức ám ảnh sâu sắc như những nhân vật của Vũ Trọng Phụng nhưng chắc chắn nó có sức sống âm ỉ và mạnh mẽ trong lòng độc giả đương thời cũng như mai sau.

80

CHƯƠNG III: ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LAN KHAI

Một tác phẩm văn học có giá trị bao giờ cũng là một sự phát minh về hình thức và khám phá về nội dung. Nhân vật văn học chỉ xuất hiện qua sự trần thuật, miêu tả bằng phương tiện nghệ thuật nhất định. Một tác phẩm nghệ thuật thu hút mạnh mẽ độc giả thường gắn liền với những phương thức, phương tiện biểu hiện hữu hiệu nhất của nhà văn. Trong giai đoạn văn học 1930- 1945, nghệ thuật xây dựng nhân vật của Lan Khai trong truyện ngắn đã đạt những thành tựu mới. Nhân vật được miêu tả ở mọi góc độ, mọi phương diện, từ ngoại hình đến tính cách, từ tâm trạng, hành động, ngôn ngữ đến đời sống tâm lí và cá tính. Đó là những nhân vật có đời sống nội tâm phong phú, phức tạp, có tính cách độc lập, là những hình tượng nghệ thuật sinh động và hấp dẫn.

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật trong truyện ngắn lan khai (Trang 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)