Miêu tả nội tâm nhân vật

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật trong truyện ngắn lan khai (Trang 109)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.2. Miêu tả nội tâm nhân vật

Vào những năm đầu thế kỉ XX và nhất là chặng đường 1930 - 1945, nền văn học Việt Nam hiện đại đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Gắn liền với quá trình hiện đại hóa văn học là việc nhà văn đi sâu thể hiện thế giới nội tâm của nhân vật. Miêu tả nội tâm là cách thể hiện đầy đủ và sâu sắc nhất phần cuộc sống chìm khuất bên trong nhân vật. Thông qua đó, diện mạo nhân vật được hình thành một cách trọn vẹn đồng thời cũng phản ánh được những vấn đề của xã hội, cuộc sống.

Ngòi bút tinh tế của Lan Khai như những mũi dao nhỏ, len lỏi vào từng tế vi, ngóc ngách của tâm hồn để xây dựng nên những nhân vật rất người với những diễn biến tâm lí tinh tế.

Trong Lẩn sự đời, nhà văn miêu tả những giằng co tâm lí ở dạng lưỡng phân. Khi vừa nghe tiếng hát trong trẻo của cô gái mù từ xa vọng lại, Vân đã mong đó là tiếng hát của một nàng tiên hay chí ít cũng là của một cô gái đẹp. Nhưng cái mong ước ấy vừa thốt lên ta đã nhận thấy cái chau mày, bực tức của Vân : “Chỉ là tiếng hát của một cô gái đẹp mà thôi ư?” [36: 170].

Và một tiếng kêu trong thảng thốt: “Trời ơi! Nếu chỉ là…” [36: 170]. Sau tiếng kêu thảng thốt này một miền quá khứ xa hoa với những cô gái Hà thành đã khiến anh phải trăn trở, ngờ vực khi nghĩ đến “sự hững hờ, sự độc ác, sự giả trá, sự đê hèn” [36: 170] khiến trái tim của anh đã bao lần phải đau khổ. Khi sự dằn vặt của anh đã được xoa dịu vì anh biết được đó là tiếng hát của một cô gái mù thì chàng họa sĩ lại hồi hộp vì một xúc cảm mãnh liệt xen lẫn ân hận và thương tiếc cho một người con gái bất hạnh. Thấy cảnh hai mẹ con cô gái mù nương tựa nhau để sống, trong chàng trỗi dậy một mong muốn được chở che, được sưởi ấm cho cuộc đời họ. Mỗi ngày, chàng lại được tiếp

104

thêm ngọn lửa niềm tin khi nhìn vào đôi mắt thiếu ánh thu ba nhưng lấp lánh trái tim trong sáng, nhân hậu của cô gái. Khi niềm tin đã đến độ chín, chàng từ giã bạn bè nơi phồn hoa để sống gắn bó với nơi miền núi, để dang tay chở che cho hai mẹ con cô gái mù.

Một số tác phẩm, tác giả sử dụng hình thức viết thư. Với hình thức này, nhân vật có điều kiện bộc lộ tối đa những nghĩ suy sâu kín trong nội tâm của mình. Trong Chung tình, xuyên suốt bức thư là sự giãi bày của người vợ về gia đình, về cuộc sống vợ chồng. Tâm trạng lo lắng, giận hờn và những suy nghĩ của người thiếu phụ trong câu chuyện được tác giả miêu tả một cách tinh vi những vấn đề tế nhị. Câu chuyện dễ đi vào lòng người không chỉ ở chỗ đề cập đến vấn đề có tính bức thiết của cuộc sống thường nhật mà còn bởi lời văn tâm tình nhẹ nhàng mà thấm thía.

Trong Vì cánh hoa trôi, ngòi bút của nhà văn đã tập trung miêu tả tâm trạng của người thiếu phụ trên con đường đi tìm hài cốt của chồng. Những khó khăn, vất vả cùng với nỗi sợ hãi khi lần đầu phải đối mặt với cảnh hoang sơ, những con người kì dị nơi núi rừng đã gợi lên nỗi lòng cô quạnh của người thiếu phụ yêu chồng. Người đọc xót xa cho nỗi niềm người thiếu phụ khi chồng nàng ra đi quá đột ngột. Và đau đớn hơn nữa khi di hài của chồng mà nàng cố kiếm tìm trong bấy lâu nay lại bị trôi khi nàng mải vớt hoa trên dòng suối lũ. Dường như, cánh cửa hạnh phúc, cánh cửa cuộc đời đã khép lại trước mắt nàng.

Một việc tự tử ghi lại tâm trạng của một cô gái lầu xanh với những điều trăn trở về cuộc sống nhơ nhớp, về khát khao hạnh phúc lứa đôi. Ở tác phẩm này, nhà văn đã tập trung miêu tả tâm trạng của Xuân trước và sau khi gặp Cáp. Trước khi gặp Cáp cô sống trong sầu thảm và luôn “mừng khôn xiết kể” khi khách “lẳng lặng qua” buồng cô mặc dù phải chịu những lời mắng nhiếc của mụ chủ chứa. Sau khi gặp Cáp, tâm hồn Xuân như được hồi sinh,

105

nhưng nàng cũng xót xa cho thân phận của mình khi gặp tấm chân tình của Cáp ở nơi nhà chứa.

Hay trong truyện Khổ tình, ngay từ những dòng đầu của tác phẩm, nhà văn đã tập trung khắc họa tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật Thanh – một chính trị phạm, về cuộc sống tù ngục, về số phận của những kẻ tù tội. Theo Thanh những “kẻ tù tội đáng thương và đáng được tha thứ” [36: 221]. Bởi những người như chàng “chẳng qua là một cái máy sai khiến bởi những sức mạnh của hoàn cảnh, của tập quán, của di truyền, của tư tưởng”…[36: 221].

Lan Khai đã rất thành công trong việc miêu tả nội tâm của người miền núi. Trong Người hóa hổ, ông đã cho chúng ta thấy lối suy nghĩ hồn nhiên của người miền núi. Khi thấy mẹ có triệu chứng sắp hóa hổ, anh đã rất hoảng hốt. Lúc này anh “nhìn quanh” và thấy “cảnh vật như biến đổi hẳn. Cả những cái rất thường cũng khiến anh ta đem lòng ngờ sợ” và anh ta cảm nhận xung quanh “rặt những mặt thù”. Tuy nhiên, ý nghĩ ghê gớm ấy chỉ

“lướt qua khối óc anh chàng, như một trận cuồng phong” [36: 65]. Khi cơn cuồng phong qua đi, anh lại trở về với tâm hồn trẻ thơ, vô lo vô nghĩ. Vào đến nương, ngẩng đầu lên thấy bầu trời trong vắt, ruộng đồng bát ngát thì anh

“lấy làm vui sướng lắm”, anh hát vang cả núi đèo. Lúc đó “anh tiếc không có sẵn cái kèn lau để thổi một vài bài cho thích chí” [36: 65]. Nếu đặt ở địa vị chúng ta, có lẽ nỗi lo lắng, sự xót xa khi thấy mẹ sắp hóa hổ sẽ đè nặng trong tâm trí nhưng đối với những “dân tộc còn dã man” [36: 65] này, nỗi lo lắng chỉ thoảng qua. Điều này diễn tả rất đúng tâm lí ngây thơ, chất phác của con người miền núi.

Tóm lại, thành công trong bút pháp miêu tả nội tâm nhân vật, góp phần giúp Lan Khai diễn tả những trạng thái, diễn biến tâm lí phức tạp của nhân vật. Qua đó tính cách, tâm hồn của nhân vật được bộc lộ rõ nét. Miêu tả nội tâm nhân vật trong trạng thái lưỡng phân, giằng co là một thành công lớn

106

của nhà văn trong giai đoạn văn học đầu thế kỉ XX, góp phần vào công cuộc hiện đại hóa nền văn học nước nhà.

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật trong truyện ngắn lan khai (Trang 109)