Nhân vật thuộc tầng lớp văn nghệ sĩ trí thức

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật trong truyện ngắn lan khai (Trang 76)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2.3. Nhân vật thuộc tầng lớp văn nghệ sĩ trí thức

Hiện thực cuộc sống xã hội Việt Nam những năm 1930 – 1945 hết sức ngột ngạt và bế tắc, kéo theo đó là sự cơ cực, khốn đốn của nhiều tầng lớp, trong đó có văn nghệ sĩ. Cùng thời, trong nhiều tác phẩm của Nam Cao đã thể hiện sâu sắc bi kịch của trí thức nghèo như: Đời thừa, Giăng sáng, Sống mòn. Nằm trong mạch cảm hứng về nỗi ám ảnh cái nghèo của văn nghệ sĩ, Lan Khai đã xây dựng nên bi kịch của văn sĩ nghèo. Đây là những lời tự truyện đau đớn của con người dấn thân vào nghiệp chướng văn chương. Lời thơ mở đầu cho truyện ngắn Kiếp con tằm đã diễn tả được phần nào tâm trạng của những văn sĩ đương thời:

“Tài tình vướng nghiệp văn thơ Nợ nần trả đến bao giờ cho xong?

Nghiến răng rút mãi tơ lòng Bút cùn mực cạn nên công cán gì?”

Nhân vật văn sĩ mang gánh nặng cơm áo gạo tiền trên vai, họ đã phải đối mặt với những sự thực nghiệt ngã để rồi phải bán rẻ những đứa con tinh thần. Phải viết nhanh, viết ẩu những tác phẩm của mình để đổi cơm nuôi vợ con, đổi thuốc chữa bệnh cho mẹ già.

Trong Kiếp con tằm, Thanh là một nhà văn chân chính, nhưng luôn phải chịu lời mắng mỏ từ nhà xuất bản: “Ông Thanh ông lười lắm!” [36: 231].

Người ta trách anh vì tội làm nghệ sĩ chân chính, không chịu mua vui rẻ tiền, không chịu đi theo một lối mòn cũ. Nhưng Thanh có cái lý của anh:

71

“Ông nói thế vì ông coi việc viết văn cũng như đóng bàn ghế chẳng hạn. Cứ theo kiểu mẫu, đo đúng kích thước, ông phó mộc có thể đóng luôn một ngày dăm bảy cái bàn, cái ghế. Công việc của nhà văn sĩ, không thể như công việc của nhà công nghệ. Nhà văn cầm bút là viết với cả tâm hồn mình. Những khi tâm hồn trống rỗng nguội lạnh, người làm văn không thể viết được. Ấy là chưa kể khi tâm hồn mình đã sẵn cảm, nhà văn còn gặp nhiều cái khó khăn trong sự chọn chữ, đặt câu viết thành một bài không đến nỗi “tiêu” đến danh vọng mình.” [36: 232]

Thanh trong Kiếp con tằm cũng như Hộ trong Đời thừa, nhận thức được rõ bổn phận của một nhà văn chân chính là phải nỗ lực đổi mới, phải viết bằng chính trái tim mình. Nhưng bổn phận cao cả ấy đã đẩy Thanh vào bế tắc vì nhà xuất bản thì trách móc, mẹ thì đau ốm, con thì sài đẹn. Chưa nguôi được nỗi đau khi bị nhà xuất bản “xỉ nhục” vì anh “cố tình làm nhà văn chân chính” thì về đến nhà nỗi lo cơm áo lại đè nặng lên vai: “Cậu à, trên nhà vừa có thư về bảo phải gửi kíp tiền lên để trả nợ cho người ta vì tháng trước mẹ đẻ mệt nặng phải tiêu pha nhiều, tiền nhà và tiền gạo chưa trả cho người ta. Họ thúc dữ lắm”. Gánh nặng này chưa qua, gánh nặng khác đã ập tới, Thanh không oán giận bao giờ, anh chỉ biết “chăm làm việc để lấp những chỗ túng thiếu của gia đình” [36: 234]. Thế nhưng oan trái một nỗi công việc của Thanh không phải cứ chăm chỉ là được mà cần phải có sự “rung động thiêng liêng” [36: 234]. Chưa kể khi có sự “rung động thiêng liêng” rồi mà “một chữ dùng chưa đúng hẳn, một đoạn nghe chưa êm tai, một lối đặt câu chưa mới lạ, chàng nhất định chưa dùng”. [36: 234]. Ở hoàn cảnh bức bách như vậy, Thanh chỉ biết dồn hết ruột gan của mình vào những trang tâm sự. Và thật đau xót khi Thanh phải “đào mồ” để chôn đi cái khát vọng được làm “nghệ sĩ chân chính”: “Sự bắt như thế, ta không thể không phụ bạc hồn văn được”

72

Còn Khang trong Nơi ước hẹn, do cuộc sống túng quẫn đã phải cầm bản thảo đến nhà xuất bản xin bán vội để lo tiền chữa bệnh cho mẹ. Tác phẩm anh tâm huyết như rút máu từ trong trái tim mà bị người ta “cò kè bớt một thêm hai” và “giờ lâu ngã giá” thì được trả bằng một phần ba số tiền Khang cần. Thật chua xót biết bao khi phải mang bán “đứa con đẻ” của mình lại bị người ta ép giá. Khang “lặng người, không nói được nữa”, nhưng anh “cũng phải nhắm mắt để cho người lợi dụng” [36: 197]. Cuối cùng anh cũng phải gạt nước mắt viết hợp đồng bán sách, mỗi nét bút anh đưa trên giấy như “một nhát dao lạnh” cứa vào tim. Đang trong lúc tuyệt vọng vì cái đời tài hoa bạc bẽo thì Khang nhận được một bức thư của nhà hảo tâm muốn cưu mang anh như de Sablières, du Châtelet đã cưu mang La Fontaine và Voltaire. Nhưng cuộc đời anh vốn đã quen với những điều quái ác đeo đẳng, trái tim nhạy cảm của anh rất sợ sự giễu cợt nên anh không dám tin điều đó. Cuối cùng Khang vẫn sống âm thầm với sự tuyệt vọng, quay cuồng trong vòng vây cơm áo.

Là một văn sĩ chân chính, Lan Khai hiểu hơn ai hết về nỗi khổ của nhà văn đích thực. Để cho ra đời một đứa con tinh thần, bản thân họ đã phải trải qua biết bao thời kì “thai nghén” và vật lộn với biết bao cơn “đau đẻ”. Nhưng gánh nặng cơm áo, gia đình đè nặng trên vai nhiều lúc họ phải nghiến răng, nhắm mắt “đẻ non” ra những đứa con tinh thần quặt quẹo. Bản thân Lan Khai đã cùng cây bút gồng gánh cả một gia đình với hai người vợ và tám người con. Sức ép vật chất đè nặng trên vai đã có lúc ông phải bật khóc vì sự bạc bẽo của nghiệp văn chương.

Với cái tâm của người nghệ sĩ chân chính, họ không khỏi xót xa, day dứt khi vì hoàn cảnh mà không giữ trọn được lương tâm nghề nghiệp.

Hình tượng người văn sĩ điêu đứng vì đồng tiền không chỉ được thể hiện trong truyện ngắn, mà trong tiểu thuyết ta cũng nhận thấy Lan Khai xây dựng hình tượng văn sĩ đầy ám ảnh. Trong Mực mài nước mắt, Khải là một

73

nhà văn có tâm hồn, trọng nhân cách và sống có lí tưởng nhưng bị cuộc sống cùng quẫn thúc bách, đôi khi đã nuốt nước mắt bán rẻ ngòi bút, vi phạm nhân cách của người cầm bút.

Cùng thời với Lan Khai, nhà văn Trần Huyền Trân cũng có những tác phẩm thật cảm động về văn nghệ sĩ trí thức. Kim trong Lẽ sống là một nhà văn, anh coi văn chương là lẽ sống có ý nghĩa nhất nhưng “những nhọc nhằn của cuộc sống đã đè còng lưng anh” [33: 114]. Với quan niệm người nghệ sĩ phải phản ánh được hiện thực cuộc sống, anh đã cặm cụi viết ra những âm hưởng của lòng đau nhân loại. Nhưng điều đó chỉ mang lại cho anh sự thất vọng bởi tập Nhọc nhằn của anh không được hoan nghênh như những tập tiểu thuyết huyễn hoặc, hoang đường. Tuy nhiên, nếu những nhà văn như Thanh, Khang đớn đau, dằn vặt khi đứa con tinh thần bị vùi dập thì nhân vật văn sĩ của Trần Huyền Trân lại có lối sống “điên cuồng”, “ngông nghênh”. Kim trong Bộ áo rét của nhà thơ trưởng thành trong sự khổ đau và túng quẫn triền miên nhưng vẫn điềm nhiên sống và không bao giờ phàn nàn về cảnh ngộ của mình. Bởi anh cho rằng “mưa gió, đói rét” là “nguồn sống dồi dào cho tinh thần” [33: 115]. Nhưng cho dù nhân vật đau đớn, dằn vặt hay điềm nhiên sống quên đói rét chúng ta vẫn nhận thấy bi kịch tinh thần của cả một thế hệ văn sĩ đương thời.

Các câu chuyện Nơi ước hẹn (1934), Kiếp con tằm (1935), Mực mài nước mắt (1941) của Lan Khai cho thấy những bức tranh nối tiếp về bi kịch tinh thần của người nghệ sĩ trong xã hội thuộc địa. Đây là những sáng tác ra đời trước Đời thừa, Giăng sángSống mòn của Nam Cao. Lan Khai đã vẽ lên bức tranh về nỗi tủi nhục xót xa và những giằng xé trong tâm can người nghệ sĩ khi rơi vào cảnh quẫn bách; giữa nhu cầu làm ra cái đẹp với thực trạng “cơm áo không đùa với khách thơ” và vấn đề tha hóa của một bộ phận người cầm bút. Nhưng cuối cùng vẫn ánh lên cái khát vọng nhân văn cao cả từ sâu

74

thẳm tâm hồn người nghệ sĩ trong xã hội cũ muốn được tự do sáng tạo để xây dựng một “tân văn hoá” cho đất nước.

Thể hiện những mâu thuẫn xã hội, trong tác phẩm của mình Lan Khai cũng vạch rõ mâu thuẫn giữa khát vọng chân chính với hoàn cảnh éo le. Đó là mâu thuẫn trong cuộc sống của người trí thức những năm 30 của thế kỉ XX. Trong hoàn cảnh sống tối tăm, những văn sĩ vẫn luôn khát khao vươn tới cái đẹp. Nhưng cảnh ngộ “cơm áo ghì sát đất” khiến những khát vọng không thể thực hiện và dẫn đến những bi kịch tinh thần trong con người họ.

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật trong truyện ngắn lan khai (Trang 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)