Nguyên nhân

Một phần của tài liệu phát triển các khu công nghiệp tỉnh bà rịa – vũng tàu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 98)

Những khó khăn và hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là các nguyên nhân sau:

- Để tận dụng những lợi thế về vị trí địa lý, các KCN của tỉnh được quy hoạch sát sông và biển nên nền địa chất công trình rất yếu. Vì thế, để tiến hành san lấp mặt bằng thì phải vận chuyển một khối lượng đất rất lớn từ nơi khác đến cùng với các biện pháp xử lý kỹ thuật nền móng hiện đại. Vì vậy chi phí san lấp nền và giá cho thuê đất cao.

- Các KCN trên địa bàn tỉnh do các DN trong nước làm chủ đầu tư, năng lực tài chính không đáp ứng yêu cầu về đầu tư hạ tầng kỹ thuật dàn trải, vì vậy các nhà đầu tư sử dụng nguồn tài chính để đầu tư đầu tư cuốn chiếu các công trình hạ tầng kỹ thuật. Mặt khác, các ngân hàng thắt chặt tín dụng đối với các dự án bất động sản nên việc vay vốn để thực hiện các dự án gặp rất nhiều khó khăn.

- Tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn khó khăn nên thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các KCN giảm mạnh theo thời gian.

- Vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB các KCN. Việc giải quyết khiếu nại về chính sách bồi thường, hổ trợ GPMB của các cơ quan chức năng còn chậm. Điều này đã làm chậm tiến độ thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật trong khi chờ phán quyết của tòa án như KCN Phú Mỹ II, KCN Cái Mép.

- Hệ thống cơ chế và chính sách còn nhiều bất cập như: Nội dung trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cấp cho nhà đầu tư thuê lại đất KCN ghi chú “Tổ chức kinh tế thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất” là rào cản, ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh; thủ tục công chứng hợp đồng thuê đất gặp nhiều khó khăn khi chuyển sang công chứng tại Phòng công chứng do Sở tư pháp chỉ định.

- Do hạn chế về ngành nghề thu hút. Hiện BR – VT cương quyết không thu hút các dự án thuộc 05 loại hình CN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm: Chế biến tinh bột sắn, chế biến mũ cao su, sản xuất hóa chất cơ bản (có phát sinh nước thải CN), nhộm, thuộc da và hạn chế đầu tư 05 loại hình CN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, gồm: CN xi mạ, chế biến thủy sản, sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật (có phát sinh nước thải CN), sản xuất bột giấy theo chủ trương chung của tỉnh và chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Vì vậy, nhiều DN có thiện chí đầu tư vào BR – VT cũng e ngại khi ngành nghề có công đoạn nằm trong danh mục hạn chế.

- Chất lượng nguồn lao động địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của các DN, đặc biệt những ngành đòi hỏi nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao: Điện, đạm, sản xuất thép, cơ khí, điện tử…

- Nhiều DN chưa thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, chậm triển khai hoặc không có khả năng triển khai với nhiều lý do khác nhau. Vì vậy nhiều dự án đã rút vốn đầu tư hay bị thu hồi giấy phép đầu tư. Năm 2009 rút giấy phép đầu tư và chấm dứt hoạt động 02 dự án với 31,0 triệu USD; năm 2010 là 07 dự án với tổng vốn đầu tư 74,3 triệu USD; năm 2011 có 04 dự án giải thể; năm 2012 thu hồi giấy phép đầu tư 08 dự án, thanh lý 01 dự án và giải thể 03 dự án.

- Chưa có sự liên kết phát triển giữa các KCN và CCN – TTCN trên địa bàn tỉnh. Các KCN là những khu vực độc lập về CSHT và dịch vụ, đây là yếu điểm.

Trên đây là những khó khăn và hạn chế trong quá trình phát triển các KCN tỉnh BR – VT và nguyên nhân của nó. Trên cơ sở đó, trong những năm tới địa phương cần có những biện pháp tích cực để khắc phục nhằm phát huy vai trò của các KCN đối với sự phát triển KT – XH địa phương, góp phần thúc đẩy quá trình CNH, HĐH.

Tiểu kết chương 2

Qua xem xét sự hình thành và phân tích thực trạng hoạt động các KCN tỉnh BR – VT từ khi thành lập, đặc biệt là giai đoạn 2009 – 2013, chúng ta có thể tóm lược như sau:

Tỉnh BR – VT là địa phương có nhiều lợi thế cho việc phát triển CN nói chung và KCN nói riêng. Trong thời gian qua, tận dụng những lợi thế vốn có, các KCN trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành công lớn trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tăng tỷ lệ lấp đầy, phát triển CN, gia tăng xuất khẩu, giải quyết việc làm cho người lao động, giải quyết các vấn đề về môi trường... Hoạt động của các KCN tỉnh BR – VT đã có những đóng góp lớn vào sự phát triển KT của địa phương, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân số và lao động, tăng thu nhập và nâng cao mức sống cho người dân, thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ mới… Đây được xem là một trong những thành tựu phát triển KT - XH của địa phương.

Tuy nhiên, sự phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó nổi bật nhất là vấn đề đền bù và GPMB các KCN còn nhiều bất cập, công tác xây dựng CSHT còn chậm, hệ thống CSHT trong và ngoài KCN chưa đồng bộ, giá thuê đất CN cao hơn các tỉnh lân cận giảm tính hấp dẫn với các nhà đầu tư, vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát… những điều này ảnh hưởng đến phát triển CN theo hướng bền vững đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những chiến lược lâu dài và hệ thống giải pháp thích hợp để khác phục nhằm phát huy triệt để vai trò của các KCN.

Chương 3. ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÁC

KHU CÔNG NGHIỆP Ở TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

TRONG THỜI KỲ CNH, HĐH

Một phần của tài liệu phát triển các khu công nghiệp tỉnh bà rịa – vũng tàu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 98)