6. Cấu trúc luận văn
2.1.2. Hoạt động phát triển du lịch
Với vai trò là hạt nhân, động lực cùng với những tiềm năng thế mạnh của một vùng đất có bề dày về lịch sử, văn hóa, một nơi có cảnh đẹp, con người đẹp, tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng đã có những nổ lực để không ngừng phát triển du lịch địa phương.
Xét về vị trí, thành phố Huế là trung tâm của cả nước - là đầu mối của các tuyến đường giao thông quốc gia, thuận lợi cho việc khai thác tiềm lực, phát triển quan hệ giao lưu kinh tế - văn hóa với các vùng trong cả nước và quốc tế, đặc biệt rất quan trọng trên trục hành lang kinh tế Đông Tây, con đường thương mại quốc tế theo quốc lộ 9.
Cơ sở hạ tầng được cải thiện rõ rệt, các cửa khẩu nối với Lào, Cảng nước sâu Chân Mây, sân bay Phú bài vừa được nâng cấp, đường Hồ Chí Minh, Hầm đường bộ Hải Vân… đã tạo nhiều cơ hội cho sự phát triển du lịch cho tỉnh Thừa Thiên - Huế và trọng tâm là thành phố Huế. Bên cạnh đó Huế còn nằm trên tuyến khi tham quan khám phá Con Đường Di sản, một chương trình khá nổi tiếng và thu hút một lượng lớn khách du lịch.
Bên cạnh các di sản văn hoá vật thể, Huế lưu giữ được những di sản văn hoá phi vật thể phong phú, đa dạng, độc đáo như các loại hình nghệ thuật, âm nhạc, ca múa cung đình, ẩm thực, các loại lễ hội và hang thủ công mỹ nghệ truyền thống, phong tục tập quán đặc sắc mà mỗi loại hình đều có sự gắn bó, hoà nhập giữa văn hoá cung đình và văn hoá dân gian. Các di sản văn hoá Huế vừa hội tụ những đặc trưng, những tinh hoa của văn hoá dân tộc, vừa thể hiện những nét riêng của một vùng văn hoá truyền thống, được đánh giá là “đỉnh cao của sức sáng tạo”. Không những mang ý nghĩa về mặt lịch sử văn hoá, mà nhiều di tích ở Huế còn là những tác phẩm kiến trúc nghệ thuật vô giá, có sức hấp dẫn rất lớn đối với các nàh nghiên cứu, du khách tham quan trong và ngoài nước. Tất cả các yếu tố đó là nguồn tài nguyên vô giá, tạo nên những sản phẩm du lịch văn hoá - thế mạnh không chỉ riêng Thừa Thiên - Huế mà còn có ý nghĩa đối với sự phát triển du lịch Việt Nam.
Theo thống kê, Huế hiện có 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 9 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 11 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao với chất lượng khá cao. Hầu hết các khách sạn đều có đầy đủ các tiện nghi phục vụ ăn uống phong phú như nhà hàng, quầy bar, cà phê, trung tâm thương mại, các phòng tiện nghi phục vụ hội thảo, hội nghị.
Với tài nguyên du lịch phong phú, độc đáo, Huế có tiềm năng phát triển du lịch hầu hết các loại hình du lịch như: Du lịch tham quan di tích văn hóa, lịch sử, nghiên cứu văn hóa dân tộc, tham quan các điểm danh thắng của cố
đô; Du lịch ẩm thực; Du lịch lể hội; Du lịch tham quan mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ, các làng nghề; Du lịch hội thảo, hội nghị (du lịch MICE); Du lịch đường thủy; Du lịch sinh thái, tâm linh…
Trong đó lợi thế loại hình du lịch văn hóa là thế mạnh lớn nhất của thành phố Huế, hàng năm đem về nguồn thu ngân sách quan trọng nhất. Các nhà làm du lịch ở Huế cũng không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu để cho ra đời những sản phẩm du lịch mới, mang đậm bản sắc, gắn liền với đất và người cố đô.
Thành phố Huế tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch đến các thị trường truyền thống, tiềm năng như các nước Pháp, Nhật, Canada, Bỉ, Ý, Úc, Hàn Quốc, tăng cường giới thiệu về các sự kiện du lịch trong nước. Những năm qua ngành Du lịch tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp khách sạn, nhà hàng, nhà vườn sinh thái, gắn với các hoạt động lễ hội, fetival, tạo ra những sản phẩm mới có chất lượng. Số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng đã tăng lên 1,8 lần so với 5 năm về trước và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Ngành Du lịch ở Huế đóng góp tích cực tạo việc làm và giảm nghèo. Chưa có con số chính xác nhưng hiện nay tỷ lệ lao động du lịch tại thành phố Huế được xác định là chiếm tỷ lệ cao trong tổng số lao động của thành phố. Sự đầu tư cho du lịch đã thực sự góp phần làm cho bộ mặt đô thị Huế ngày càng khang trang.
Bảng 2.1. Thu từ du lịch tại Huế năm 2010 - 2013
(Đơn vị tính: Tỷ đồng)
Năm 2010 2011 2012 2013
Thu từ du lịch 831 1.003 1.215 1.513
Biểu đồ khách du lịch đến Huế năm 2010 - 2013