Vai trò và sự cần thiết của TDNH đối với CNH,HĐH nông nghiệp và nông thôn

Một phần của tài liệu Giải pháp tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phục vụ tiến trình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn Việt Nam (Trang 36)

* Ngân hàng là loại hình tổ chức chuyên nghiệp trong lĩnh vực tạo lập và cung cấp các dịch vụ quản lý quỹ cho công chúng, đồng thời nó cũng thực hiện nhiều vai trò quan trọng khác trong nền kinh tế. Một trong những vai trò quan trong đó là việc chuyển các khoản tiết kiệm, những khoản tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế thành những khoản tín dụng đầu tư cho các tổ chức kinh doanh, các thành phần kinh tế khác đã phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ và phát triển đời sống.

Vai trò của tín dụng Ngân hàng đối với nền kinh tế như là một đòn bẩy, một động lực thúc đẩy sản xuất phát triển tạo cơ sở cho sự tăng trưởng kinh tế. Tín dụng Ngân hàng là công cụ tích tụ và tập trung vốn quan trọng thông qua tín dụng các doanh nghiệp, các đơn vị kinh tế, hộ sản xuất kinh doanh nhận một khối lượng vốn bổ sung, từ đó tăng quy mô sản xuất, tăng năng suất lao động, đổi mới thiết bị áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Tín dụng tập trung các nguồn vốn nhỏ, lẻ, phân tán thành khoản vốn lớn, tạo khả năng đầu tư vào các công trình lớn, có hiệu quả cao, từ đó thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.

Tín dụng còn là công cụ bình quân hoá tỷ suất lợi nhuận, tín dụng giúp các doanh nghiệp đầu tư vào những ngành có tỷ suất lợi nhuận cao, kích thích khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh. Tín dụng Ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh doanh nước ta, nó đã góp phần chuyển dịch nền kinh tế từ tự cung tự cấp lên nền kinh tế sản xuất hàng hoá và thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp, nông thôn nước ta theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá được thể hiện ở một số nét cơ bản sau:

- Tín dụng Ngân hàng góp phần hình thành thị trường vốn, thị trường tài chính, thị trường tín dụng ở nông thôn

Thị trường tài chính ở nông thôn bao gồm thị trường vốn và hoạt động tín dụng, cho nên tín dụng là cầu nối giữa tích luỹ, tiết kiệm với đầu tư, là cầu nối giữa những người cần vốn và những người cung ứng vốn nhằm phục vụ cho quá trình sản xuất và lưu thông hàng hoá.

Trong nông nghiệp, các doanh nghiệp, người nông dân muốn mở rộng sản xuất khai thác đất đai, cải tạo ruộng đồng, xây dựng thuỷ lợi,... đều phải có vốn; đầu tiên là vốn của chính mình, đó là nguồn vốn tự có hình thành từ quá trình tích luỹ trong sản xuất kinh doanh, thông thường nguồn vốn này rất hạn chế, chỉ đáp ứng được nhu cầu sản xuất đơn giản, chưa đủ để thực hiện tái sản xuất mở rộng, do vậy trong quá trình sản xuất kinh doanh rất cần có

nguồn vốn hỗ trợ, mà một trong các nguồn vốn đóng vai trò quan trọng đó là nguồn vốn đầu tư tín dụng Ngân hàng. Thông qua hoạt động đầu tư, Tín dụng Ngân hàng còn tạo nên khả năng thu hút nguồn vốn nhàn rỗi của công chúng trong nông thôn. Mối quan hệ giữa đầu tư và huy động vốn trong nông thôn đã tạo nên cơ sở quan trọng góp phần hình thành thị trường tài chính, thị trường vốn ở nông thôn ngày càng hoàn chỉnh và phát triển.

Thực tế cho thấy, trong quá trình vận động của nền kinh tế, tại các thời điểm luôn xuất hiện mâu thuẫn giữa khả năng sử dụng vốn và nhu cầu về vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, các tầng lớp dân cư, có thời điểm họ rất cần vốn để đầu tư, có thời điểm họ lại thừa tạm thời một lượng vốn, cũng có những thời điểm đó có doanh nghiệp, hộ kinh doanh,.... rất cần vốn và cũng có những doanh nghiệp, hộ kinh doanh,... lại có khoản vốn tạm thời chưa sử dụng. Với chức năng trung gian của mình Ngân hàng là cầu nối cho các nhu cầu về vốn gặp nhau. Bằng các hoạt động nghiệp vụ Ngân hàng huy động các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đó của doanh nghiệp, công chúng,... và thực hiện hoạt động đầu tư tín dụng đáp ứng các nhu cầu về vốn cho doanh nghiệp, công chúng cần vốn. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, một thị trường rộng lớn về khối lượng khách hàng và khả năng cung cầu về vốn thì vai trò của tín dụng Ngân hàng càng trở nên hết sức quan trọng trong quá trình gắn kết mối quan hệ giữ đầu tư và tiết kiệm, giữa các chủ thể sản xuất kinh doanh với thị trường, thúc đẩy các mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng phát triển như một yếu tố khách quan.

- Tín dụng Ngân hàng góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp lên sản xuất hàng hoá.

Sản xuất hàng hoá không những là một yếu tố khách quan mà còn là một vấn đề rất cần thiết và có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế của những nước kém phát triển.

Cũng như các ngành kinh tế khác muốn thực hiện sản xuất kinh doanh ngoài những điều kiện, nhu cầu thiết yếu khác phục vụ cho quá trình sản xuất thì điều cần phải có đó là nhu cầu về vốn. Trong những năm thực hiện tiến trình đổi mới nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta đã có những bước phát triển rất tốt, số hộ nông dân giầu lên ngày càng nhiều, do họ có lao động, có vốn, biết tổ chức sản xuất. Ngược lại cũng còn có những hộ nông dân do thiếu ruộng đất, thiếu vốn, thiếu lao động, thiếu kỹ thuật sản xuất nên khả năng sản xuất thấp, hiệu quả không cao không đáp ứng được nhu cầu đời sống, do đó không ít hộ phải chuyển nhượng quyền sử dụng đất canh tác để chuyển sang ngành nghề khác. Để giải quyết các mâu thuẫn này trong quá trình sản xuất nông nghiệp, đòi hỏi chúng ta phải có một hệ thống giải pháp đồng bộ mà trong đó các nhu cầu đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng vật nuôi, trong điều kiện vốn tự lực của nông dân không đủ, các nguồn vốn khác hạn hẹp (Nguồn từ Ngân sách Nhà nước, từ các kênh dẫn vốn khác,...) thì nguồn vốn từ các Ngân hàng thương mại vẫn là kênh tài trợ rất lớn, có tính quyết định thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá.

- Tín dụng Ngân hàng là công cụ chuyển tải vốn tài trợ của Nhà nước cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Muốn phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, sản xuất hàng hoá thì cần nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó chính sách hỗ trợ về vốn, vốn từ Ngân sách, từ các tổ chức tài chính,... Vốn được chuyển tải qua nhiều kênh đầu tư, song kênh tín dụng Ngân hàng được lựa chọn và được đánh giá là kênh chuyển tải vốn có hiệu quả nhất. Bởi vì, thông qua hoạt động tín dụng Ngân hàng với các chức năng của nó giúp Nhà nước quản lý, kiểm soát được quá trinh sản xuất kinh doanh, quá trình sử dụng vốn, đánh giá được hiệu của kinh tế - xã hội và điều quan trọng là nâng cao được tinh thần trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình tiếp nhận và sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Trong những năm gần đây, thông qua hệ thống tín dụng, Ngân hàng chúng ta đã chuyển tải hàng chục ngàn tỷ vốn cho các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân đạt hiệu quả cao. Cơ sở hạ tầng nông thôn căn bản được nâng cấp, các điều kiện thiết yếu để tiếp nhận ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông thôn từng bước được hoàn thiện,... trách nhiệm của các chủ thể sử dụng vốn được nâng cao, tạo quy quay vòng, tăng năng hiệu quả đồng vốn đầu tư.

- Tín dụng Ngân hàng góp phần tận dụng, khai thác mọi tiềm năng về đất đai, lao động, tài nguyên thiên nhiên trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Tiềm năng trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta rất lớn và phong phú, nhưng hiện tại sản xuất nông nghiệp của nước ta còn ở mức thấp, năng suất cây trồng, vật nuôi, hệ số quay vòng ruộng đất, trình độ canh tác còn thấp kém so với nhiều nước trong khu vực, trong khi đó lao động nhàn rỗi trong nông nghiệp, nông thôn của nước ta còn nhiều, hàng triệu ha đất chưa được khai thác...

Những tiềm năng đó nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, đặc biệt là các chính sách đầu tư tín dụng hợp lý, thì chắc chắn sẽ khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên hiện có tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân sẽ đáp ứng nhiều hơn sản phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Thông qua việc đầu tư tín dụng cho việc phát triển các làng nghề truyền thống, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đã tạo ra khả năng thu hút một lượng lớn lực lượng lao động, tạo ra nhiều việc làm và tận dụng được lực lượng lao động nhàn rỗi, lao động phụ trong nông nghiệp, nông thôn, tạo thu nhập nâng cao đời sống cho nông dân ở khu vực nông thôn.

Sử dụng vốn đầu tư cho các công trình thuỷ lợi, cải tạo ruộng đồng là những vấn đề hết sức cần thiết để khai thác tiềm năng của đất đai, tăng hệ số

sử dụng đất, chuyển từ sản xuất một vụ sang hai, ba vụ, đủ điều kiện để thâm canh tăng năng suất, tăng giá trị thu nhập trên diện tích canh tác.

Có thê nói quá trình đầu tư tín dụng đã có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc khai thác có hiệu quả tiềm năng về lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên và các tiềm năng khác trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân, góp phần tích cực thúc đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

- Tín dụng Ngân hàng góp phần hạn chế cho vạy nặng lãi ở khu vực nông thôn

Một trong những đặc điểm nổi bật của sản xuất nông nghiệp là tính thời vụ, khi chưa tới thời vụ thu hoạch, chưa có sản phầm hàng hoá để bán, nhưng những người sản xuất lại cần tới những khoản tiền để chi tiêu cho nhu cầu tối thiểu hoặc để duy trì cho quá trình sản xuất của mình. Sự hẫng hụt này đã tạo ra nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn có điều kiện chen chân để phát triển. Trong những năm trước 1989, khi nền kinh tế còn đang trong cơ chế bao cấp thì tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn diễn ra ở khắp các vùng, các miền trong toàn quốc, nó đã làm cho không ít những hộ nông dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, vòng luẩn quẩn đó kéo dài làm cho họ khó thoát được cảnh nghèo đói. Nạn cho vay nặng lãi không những kìm hãm, đẩy lùi sự phát triển của quá trình sản xuất mà nó còn làm cho tình hình chính trị - xã hội ở nông thôn luôn bất ổn định, gây ra nhiều tiêu cực.

Từ khi thực hiện quá trình đổi mới, chuyển đổi cơ chế quản lý nền kinh tế, xoá bỏ hình thức quản lý tập trung quan liêu, thì khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn là vấn đề được quan tâm nhiều hơn. Hàng loạt các chính sách đầu tư và khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân được ban hành, trong số đó có nhiều chính sách về đầu tư tín dụng Ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (Chỉ thị số 202; Nghị định số 14; Quyết định số 67;...).

Tín dụng Ngân hàng ngày càng được mở rộng và đi sâu vào tiềm thức của người dân, với chính sách đầu tư trực tiếp tới hộ nông dân sản xuất, thủ tục đơn giản, nhanh, gọn, kết hợp với chính sách ưu đãi về lãi suất,... đồng vốn tín dụng Ngân hàng từng bước đáp ứng kịp thời các nhu cầu về vốn cho sản xuất và tiêu dùng cần thiết của hộ nông dân, số lượng hộ vay vốn Ngân hàng ngày càng nhiều, đã hạn chế đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi. Đã có nhiều nơi nhiều vùng hầu như xoá sổ được tệ nạn này. Tín dụng Ngân hàng trong những năm đổi mới không những đã góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là hộ nông dân ngày càng phát triển, mà còn góp phần quan trọng ổn định trật tự an ninh xã hội.

- Tín dụng Ngân hàng đã góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho nông dân trực tiếp thu công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh.

Cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn bao gồm các cơ sở phục vụ trực tiếp và gián tiếp cho quá trình sản xuất ở nông nghiệp nông thôn như: các cơ sở chế biến lâm sản, các cơ sở phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các công trình thuỷ lợi, hệ thống giao thông nông thôn và các cơ sở hạ tầng khác phụ vụ cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn là yếu tố quan trọng tạo ra sự chuyển biến, sự thành công trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, làm thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đưa nhanh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện tiếp cận với các thị trường trong khu vực cũng như ngoài khu vực.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn trước hết từ nguồn vốn của Ngân sách Nhà nước, vốn của địa phương, vốn đóng góp của nông dân và vốn tài trợ của các tổ chức tài chính,... tuy nhiên những nguồn vốn này trong thời gian vừa qua chưa đáp ứng được đầy đủ, kịp thời. Do đó, vốn tín dụng Ngân hàng không những chỉ tham gia bổ sung nguồn vốn

lưu động thiếu của quá trình sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp mà còn tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tạo nền tảng cơ sở vật chất để nông nghiệp, nông thôn có điều kiện áp dụng khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật mới, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

- TDNH giúp cho nông dân không ngừng nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh, tăng cường hạch toán kinh tế, từ đó tác động tới ý thức tiết kiệm, tiêu dùng, tích luỹ và đầu tư góp phần tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội.

Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân là một quá trình lâu dài và gặp không ít những khó khăn. Bởi vì trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý nền kinh tế từ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường, từ nền sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá đòi hỏi phải có sự chuyển đổi tích cực về nhận thức, thay đổi cả cách nghĩ cách làm để tiếp nhận và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, thay đổi tập quán theo thói quen sản xuất cũ, lạc hậu, kém hiệu quả bằng cách thức sản xuất mới, bộ giống mới với những cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, tạo ra những sản phẩm hàng hoá đạt chất lượng tốt, giá trị cao, khả năng tích luỹ tạo cơ sở vững chắc cho quá trình phát triển tái sản xuất mở rộng.

Đất đai, tiền vốn, sức lao động là 3 yếu tố không thể thiếu được của quá trinh sản xuất trong nông nghiệp, nó luôn được huy động tối đa vào quá trình sản xuất nhằm tạo ra nhiều sản phẩm, tăng thu nhập. Trong tình hình thực tế hiện nay thì vốn là yếu tố quan trọng nhất, quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân đòi hỏi một lượng vốn rất lớn, trong khi đó vốn tự lo của bản thân nông dân không đủ, nguồn vốn của Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn hẹp,

Một phần của tài liệu Giải pháp tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phục vụ tiến trình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn Việt Nam (Trang 36)