Giải pháp nâng cao ưu thế cạnh tranh về giá cả

Một phần của tài liệu Chiến lược kinh doanh của siêu thị CoopMart (Trang 76)

Với hệ số ảnh hưởng là 0,332, cao thứ 2 trong mô hình sự hài lòng của khách hàng, giá cả được xem là một yếu tố có tính quyết định đến việc lựa chọn mua sắm của khách hàng và chất lượng dịch vụ của hệ thống siêu thị Co.opmart. Với việc là một doanh nghiệp trong nước và đã kinh doanh lâu năm trong ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam, hệ thống siêu thị Co.opmart có lợi thế trong việc cung cấp hàng hóa với số lượng lớn, cơ cấu chính là hàng sản xuất nội địa, do đó, sẽ không sai khi khẳng định giá cả chính là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Thực tế đã chứng minh, một chính sách giá cả hợp lý sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là hệ thống siêu thị Co.opmart tạo được sức hút lớn, nâng cao sự hài lòng, qua đó giành được tình cảm và sự tin tưởng lâu dài của khách hàng.

Đầu tiên, hệ thống siêu thị Co.opmart cần tạo dựng mối quan hệ và liên kết với các nhà cung cấp sản phẩm, từ đó xây dựng cơ sở lợi thế cạnh tranh về giá. Với mạng lưới và quy mô của hệ thống siêu thị lớn, Co.opmart có cơ hội trở thành đầu ra quan trọng của nhiều nhà sản xuất và cung cấp sản phẩm sỉ, đây cũng là lợi thế trong hoạt động thương thảo giá mua hàng đầu vào của của siêu thị. Thông qua việc đàm

phán và thương lượng, Co.opmart có thể mua hàng với giá gốc và phân phối đến tay người tiêu dùng với giá thấp nhất trên thị trường.

Với những mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, Co.opmart cần trực tiếp kết nối với nhà nông, những người trực tiếp trồng trọt và chăn nuôi, qua đó, tiếp cận với nguồn hàng chất lượng mà không thông qua các cấp trung gian. Thu mua tại vườn và trang trại, tiếp nhận trực tiếp và thực hiện chuyên chở sẽ là giải pháp cụ thể trong con đường kết nối trực tiếp với nguồn hàng mà hệ thống siêu thị Co.opmart có thể thực hiện. Điều này giúp giảm thiểu lượng chi phí hoa hồng và trung gian không nhỏ, góp phần hạ giá các sản phẩm này xuống và nâng cao sức cạnh tranh với các loại hình chợ và các hệ thống siêu thị khác.

Ngoài ra, chiến lược phát triển những mặt hàng mang nhãn hiệu riêng của Co.opmart cũng là một giải pháp hiệu quả trong cạnh tranh về giá của doanh nghiệp. Thống nhất từ bước sản xuất, đóng gói và phân phối giúp Co.opmart chủ động trong việc điều chỉnh sản lượng, tính toán giá cả và loại bỏ toàn bộ các yếu tố trung gian. Rõ ràng, các sản phẩm này sẽ có giá cả vô cùng cạnh tranh tại các cơ sở thuộc hệ thống siêu thị Co.opmart, qua đó, gây được sự chú ý và chiếm được sự quan tâm về giá cả của người tiêu dùng.

Các chiến lược khuyến mại về giá cả cũng cần được hệ thống siêu thị Co.opmart quan tâm nhiều hơn. Các sản phẩm tiêu dùng luôn có những đợt giảm giá và khuyến mại sẽ kích thích qua trình mua sắm của khách hàng. Hiện nay, hệ thống siêu thị Co.opmart đã và đang thực hiện chương trình mỗi ngày một sản phẩm tươi sống giá tốt nhất thị trường, tuy nhiên, số lượng sản phẩm thực hiện chiến lược này mỗi ngày còn chưa nhiều. Vì vậy, ban lãnh đạo Co.opmart cần có những chiến lược mạnh mẽ hơn và rộng rãi hơn với những mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, vốn là sản phẩm thế mạnh của hệ thống siêu thị.

Giá cả trong toàn bộ hệ thống sản phẩm của siêu thị Co.opmart phải được niêm yết rõ ràng và cụ thể, giúp khách hàng có cái nhìn thuận lợi và dễ dàng trong việc so sánh các mặt hàng với nhau. Đối với những sản phẩm có chương trình khuyến mại về giá, siêu thị thực hiện hệ thống nhãn vàng để tạo ra điểm nhấn và dễ dàng thu hút sự chú ý của khách hàng. Ngoài ra, tổ chức các khu vực trưng bày sản phẩm khuyến mại cũng là một giải pháp hợp lý và cần thiết. Đây phải là những khu vực khách hàng

dễ dàng tiếp cận, thường xuyên qua lại và dễ dàng lọt vào tầm nhìn của khách hàng. Qua đó, những chiến dịch khuyến mại sẽ dễ dàng tiếp cận với khách hành, kích thích quá trình mua sắm của họ và đồng thời mang lại doanh thu cho doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Chiến lược kinh doanh của siêu thị CoopMart (Trang 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)