Thị trường bán lẻ của Việt Nam đang phát triển vô cùng sôi động với nhiều hệ thống siêu thị lớn phủ khắp cả nước. Là một doanh nghiệp thuần Việt, hệ thống siêu thị Co.opmart đang gặp phải những sự cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ ngay trên sân nhà. Cụ thể là, cả nước hiện có khoảng 20 tập đoàn bán lẻ lớn quy mô quốc tế đang có mặt tại Việt Nam, những tập đoàn này vẫn đang trong giai đoạn đua tranh quyết liệt để tranh giành thị phần. Các đối thủ không ngừng tung ra những chương trình khuyến mại vô cùng hấp dẫn cùng những biện pháp xúc tiến và lôi kéo khách hàng, đây trở thành bài toán khó mà chính Co.opmart phải đau đầu để giải quyết. Không chỉ cạnh tranh về khách hàng, các doanh nghiệp trên thị trường còn đối đầu nhau
trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tạo ra những lợi thế cạnh tranh trong sự phát triển bền vững, lâu dài của mình.
Bên cạnh đó, thị trường trong nước sẽ lại càng chật chội hơn kể từ đầu tháng 1 năm 2015, khi Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho các doanh nghiệp nước ngoài, theo đúng lộ trình đã ký kết khi gia nhập WTO. Điều này đồng nghĩa với việc những ông lớn trên trường quốc tế, đặc biệt là Walmart sẽ sớm đổ bộ vào thị trường với hơn 90 triệu dân này. Bên cạnh đó, năm 2015 là năm khu vực kinh tế chung ASEAN chính thức có hiệu lực cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn nhân lực… di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối. Đặc biệt, hơn 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan. Sức ép cạnh tranh ngày càng lớn chắc chắn sẽ là một sự thúc đẩy hệ thống siêu thị Co.opmart phải tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng.
Một thách thức nữa mà những người điều hành của hệ thống siêu thị Co.opmart đang phải đối mặt chính là thói quen tiêu dùng của người dân. Đối tượng khách hàng mục tiêu của Co.opmart chính người lực lượng dân số có mức thu nhập trung bình, nhưng chính bộ phận này vẫn đang duy trì thói quen mua sắm tại chợ, nơi mua sắm được cho là gần nơi ở hơn và dễ dàng mặc cả hơn. Không chỉ riêng Co.opmart mà các hệ thống siêu thị tương đương cũng phải nỗ lực để khẳng định được chất lượng vượt trội về nguồn hàng hóa và dịch vụ so với siêu thị để thay đổi quan niệm của người tiêu dùng, qua đó thức đẩy thói quen mua sắm của họ đến với các cửa hàng siêu thị ngày càng nhiều.
Khi khách hàng đã mua sắm nhiều tại các siêu thị và hệ thống siêu thị khác nhau, yêu cầu của họ đối với chất lượng hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng lên. Sự khắt khe của khách hàng có thể là sự chú ý về nguồn gốc hàng hóa, độ tươi sống của thực phẩm, chất lượng bao bì, giá cả hay cả thái độ phục vụ của nhân viên. Những điều này đặt ra cho hệ thống siêu thị Co.opmart những vấn đề cần nghiên cứu để giải quyết nhằm tối đa sự hài lòng của kháchh hàng cũng như đáp ứng đầy đủ những yêu cầu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.