Giọng triết lí, tranh biện

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 63)

7. Bố cục của khóa luận

2.5.3. Giọng triết lí, tranh biện

Trong tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, giọng điệu triết lí được thể hiện một cách sâu sắc với những suy tư về con người, cuộc đời, thời thế. Triết lí của ông lúc hóm hỉnh, lúc pha chút khinh bạc, nhưng âm điệu chính là triết lí nặng trĩu buồn thương, chua xót xen lẫn vị đắng cay. Giống như Nam Cao, triết lí của Tạ Duy Anh không khô khan mà luôn thấm đượm tình cảm của nhà văn, nhờ đó, nó trở nên tự nhiên, dễ đi vào lòng độc giả.

Trong Lão Khổ xuất hiện nhiều triết lí nhẹ nhàng mà thấm thía. Đó là

những suy ngẫm về lịch sử: “Dẫu sao lịch sử thường rất tù mù và ta chỉ nên tin vừa phải thôi” [2, tr.15], “Lịch sử thích tưới đẫm chiến công mà”[2, tr.168]; về danh vọng: “Thế mới biết danh vọng là thứ đôi khi rất hão huyền, khốn nạn, hiển nhiên nhất ở sự phù phiếm” [2, tr.14] ; về tự do: “Tự do như gió mà cũng vô dụng như gió” [2, tr.17]; về cuộc đời: “Kiếp người thật phù du, bèo bọt”, “Cũng bây giờ gã mới biết kiếp người còn thêm một nỗi khổ nữa, nỗi khổ của sự nhận ra mình là người” [2, tr.31].

Chính trong quá trình nhận thức lại, tính triết lí mới bộc lộ thật rõ nét. Giờ đây, con người không dễ dàng chấp nhận thực tại theo một chiều đơn giản nữa mà điều con người xưa nay vốn chấp nhận như một tất yếu của cuộc sống thì nay được đem ra bàn lại. Và chính trong quá trình nhận thức lại ấy, tác giả đã phát hiện ra nhiều điều thú vị, mới lạ về những điều vốn quen thuộc: “Bản thân lịch sử là vô ý, vô cảm và chẳng có giá trị gì với chính nó. Nó chỉ có giá trị với tương lai ở khía cạnh kinh nghiệm và những bài học. (…) Một xã hội nhân văn, biết đề cao phẩm giá luôn phải tạo điều kiện để các công dân của mình tiếp cận với mọi sự thật lịch sử (…) và không ngừng truy

tìm tận gốc rễ căn nguyên của từng sự kiện chắc chắc sẽ ảnh hưởng đến họ” [dẫn theo 1, tr.144].

Trong Thiên thần sám hối, Tạ Duy Anh tiếp tục để người kể chuyện

triết lí về nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống. Có những triết lí rút ra những giá trị sống sâu sắc nhưng cũng có những triết lí nhằm che đậy mục đích xấu xa, giả dối và ích kỉ. Triết lí về cuộc sống trong tác phẩm còn chứa đựng những cảm nhận đau xót, những trải nghiệm bất thường.

Quá trình tự đấu tranh để đi tới quyết định có nên làm người hay không của bào thai được thể hiện qua hàng loạt các cuộc tranh biện: “Ái chà, xem ra cái cuộc đời ngoài kia cũng bất trắc và nguy hiểm lắm nhỉ. Có biết bao tai vạ khó lường mình còn chưa cắt nghĩa được bằng từ ngữ. Vậy thì dại gì mà chui đầu vào rọ khi mình có toàn quyền quyết định” [1, tr.11], “Không ra! Không ra! Hành trình đến thế gian chỉ đến đây, dừng lại ở đây là sáng suốt sau đó quay về làm thiên thần vĩnh viễn” [1, tr.122]. Cuối cùng: “Ngày hăm sáu tháng Sáu năm một ngàn chín trăm chín mươi sáu tôi quyết định ra đời” [1, tr.132].

Phản ánh xã hội đầy rẫy những tội ác, xấu xa, Tạ Duy Anh đã bộc lộ niềm khao khát cháy bỏng của mình nhìn sâu vào thảm trạng của cuộc sống để níu giữ nhân tính. Và tôn trọng cuộc sống là sự chuẩn bị cho mỗi bước đi, là việc tôn trọng sự tồn tại của chính mình: “Cuộc sống là ân sủng lớn nhất”; “Hãy biến mỗi khoảnh khắc sống thành hi vọng”; “Sự sống là đức hạnh mỗi người sẽ đem theo khi trở về”… Giọng triết lí ở đây nhẹ nhàng, mang hơi hướng Thánh ca nên dễ thấm sâu vào tâm hồn con người, lay động lương tâm mỗi người trở về bến bờ của Chân – Thiện – Mĩ.

Trong Giã biệt bóng tối, giọng triết lí không nổi bật như ở hai tiểu

thuyết trước, tuy nhiên nó cũng góp phần tạo nên tính phức điệu trong tác phẩm. Có lúc, giọng triết lí vang lên một cách đầy chua xót, đau đớn khi nhân

vật “tao” nhận ra một sự thật trớ trêu: “Những kẻ đóng vai trò sinh sôi trong thế kỉ này thực ra là những người đã chết từ thế kỉ trước” [3, tr.255], có lúc nó lại chứa đầy niềm tin và hi vọng: “Tôi chỉ nên ở lại trong bóng tối mới mong thoát được chính cái bóng tối ấy. Nhưng vào giây phút mọi quyết định đã được hoàn tất, tôi bỗng thấy hiện lên một vùng ánh sáng. Tôi ngỡ ngàng vì không biết điều gì xảy ra. Định tâm lại tôi nhận ra ở giữa vùng ánh sáng ấy là khuôn mặt của ả gái làm tiền. Ả nhìn tôi bằng cặp mắt u buồn và tha thứ rồi biến mất” [3, tr.256].

Giọng triết lí vang lên như là kết quả của một quá trình nhà văn tự quan sát, nghiền ngẫm, chiêm nghiệm hiện thực. Không những thế, với Tạ Duy Anh thì triết lí luôn thấm đượm tình cảm của nhà văn, bởi thế nó không hề khô khan mà dễ đi vào lòng độc giả.

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)