7. Bố cục của khóa luận
2.4.2. Ngôn ngữ giễu nhại
Giễu nhại bao gồm hai yếu tố: bắt chước và châm biếm. Sau năm 1986, với cái nhìn phi thành kính, suồng sã của chất tiểu thuyết đã quy định thứ ngôn ngữ rất riêng của tiểu thuyết đương đại, trong đó bên cạnh ngôn ngữ dung tục, bỗ bã thì ngôn ngữ giễu nhại cũng được các nhà văn thường xuyên sử dụng.
Tinh thần giễu nhại trong những tiểu thuyết của các nhà văn đương đại Việt Nam và tiểu thuyết Tạ Duy Anh nhìn chung đều hướng vào hạ bệ, giải thiêng thần tượng và những đức tin cũ nhằm đề xuất đức tin mới.
Là người luôn có ý thức nhận thức lại, nghi ngờ tất cả những điều đã được xác tín để xây dựng cách nhìn mới, quan niệm về lịch sử của Tạ Duy Anh rất gần với Kundera khi ông cho rằng nhà văn không phải là thằng hầu của lịch sử. Các tiểu thuyết của ông thường xuất hiện tinh thần hoài nghi về
lịch sử. Trong Lão Khổ, thông qua cuộc đời của nhân vật Tạ Khổ - một nạn
nhân của lịch sử, là con rối bị lịch sử giật dây, Tạ Duy Anh cảm nhận sự “vớ vẩn”, “đong đưa” của thời cuộc đã biến số phận con người thành trò chơi, “trò đùa số phận”. Chính bởi vậy, khi viết về lịch sử, ông thường dùng thứ ngôn ngữ giễu nhại nhẹ nhàng nhưng không kém phần xót xa, chua chát: “Dẫu sao lịch sử thường rất tù mù và ta chỉ nên tin vừa phải thôi” [2, tr.15]; “Lịch sử thích tưới đẫm chiến công mà” [2, tr.168]…
Bằng thứ ngôn ngữ giễu nhại, Tạ Duy Anh nhận thức lại hiện thực lịch sử để có một cách nhìn thẳng thắn, không khoan nhượng với tất cả những sai lầm, những mặt trái, mặt tiêu cực không thể tránh khỏi của lịch sử.
Trong Thiên thần sám hối, Tạ Duy Anh lại hướng ngòi bút giễu nhại
sang lối sống ích kỉ, vụ lợi của con người dưới guồng quay của kinh tế thị
trường. Tác phẩm đã phản ánh một cách sâu sắc những vấn đề gai góc của
cuộc sống đô thị đương đại, với sự xuống cấp nghiêm trọng về nhân cách, phẩm giá, đạo đức, luân lí. Câu chuyện ăn đút tiền ở bệnh viện, chuyện gã thanh niên nhà giàu căm ghét trẻ con: “Đang chết dở vì trẻ con đây. Chúng nó chỉ chờ mình sơ suất một tẹo là chui ra rông rổng rồi ngoác miệng đòi cuộc sống, tương lai” [1, tr.36], cuộc đối thoại của cặp tình nhân ngoài hành lang… đều được kể bằng ngôn ngữ giễu nhại. Đôi khi ngôn ngữ giễu nhại lại được pha thêm chất hồn nhiên, ngây thơ của nhân vật “bào thai” khi kể chuyện: “Hóa ra nơi mẹ tôi đang nằm chờ ngày tôi chui ra là một cái bệnh viện. Thế mà lúc đầu tôi cứ ngỡ nó là một cái lò mổ gia súc” [1, tr.17], “Nó là bùa ngải gì mà kỳ diệu thế nhỉ. Dường như cứ khi nào nó xuất hiện là chẳng việc gì không trôi chảy” [1, tr.23]…
Trong Giã biệt bóng tối, giọng điệu giễu nhại được đẩy lên mức bi hài
kịch. Trong đó, Tạ Duy Anh đã xây dựng một thế giới nghệ thuật mà mọi yếu tố, mọi cấp độ đều sử dụng triệt để giọng điệu giễu nhại. Để có được chất
giọng giễu nhại đậm đặc như vậy là nhờ phần trợ giúp đắc lực của ngôn ngữ giễu nhại.
Cảm hứng phê phán được bộc lộ thông qua ngôn ngữ giễu nhại. Cảm hứng ấy được thể hiện đậm nét nhất ở nhân vật lão già ẩn mình trong bóng tối. Dưới con mắt lão, cả thế gian này đều vớ vẩn, nhặng xị như một lũ hề trên sân khấu. Bởi vậy, ngôn ngữ mà lão sử dụng mang đậm sắc thái giễu nhại. Lão nhắc đến các nhân vật, các sự kiện một cách đầy mỉa mai, nhạo báng: “Thứ gì thối không ngửi được thì tao bọc cho một cái danh hiệu. Thế là tung hô nhau rầm trời” [3, tr.74], “Hỏi như giáo sư tiến sĩ ấy nhỉ. Gà sống thiến sót chứ là cái quái gì mà tinh tướng. Lại còn tham gia ban bệ này, hội đồng nọ, cố vấn cố viếc nữa chứ (…) Tao đang nói là tất tật cái bọn giáo sư giáo siếc, tiến sĩ tiến siệc đều nhờ tao giúp mới nên công nên trạng chứ học hành nghiên cứu nghiên kiếc gì chúng nó” [3, tr.77]. Nhân vật lão già đã sử dụng triệt để hình thức nhại từ vựng thông qua hiện tượng “iếc hóa” nhằm biến tất cả thế giới thành trò hề vớ vẩn, vô nghĩa lí.
Hiện thực trong Giã biệt bóng tối đẫy rẫy những xấu xa, giả dối. Cả
một đoàn toàn các nhà khoa học “đầu ngành”, tốn kém biết bao công sức, tiền của đi điều tra nghiên cứu nguyên nhân của những cái chết bí ẩn để cuối cùng rút ra một kết luận: “Trong trường hợp này chỉ việc đổ phắt cho địch là đắc sách nhất (...) Kẻ địch vốn vô hình, không thể nhảy ra mà cãi lí được” [3, tr.63]. Người dân làng Thổ Ô, nơi có những người chết thì sống trong mông muội, lấy dữ làm lành. Cả làng “y như có hội”, giờ đây mọi người thành ra suốt ruột chờ đợi xem có ai chết nữa không và nhà nước có ưu đãi gì cho làng Thổ Ô... Những người có thân nhân chết còn sốt ruột hơn. Có thể đây chính là dịp để cho họ đổi đời! Anh chồng cô giáo là “hãnh diện nhất”, “được báo chí săn tin”, “hóa ra vợ anh ngã xuống không tầm thường chỉ là một cái chết. Trong kí ức nhân dân nàng sống mãi. Và anh bắt đầu nghĩ đến chuyện dựng tượng
cho vợ. Khối kẻ chả ra gì cũng được dựng tượng đấy thôi” [3, tr.66]... Những
lời văn sử dụng ngôn ngữ giễu nhại như thế, đọc lên cứ như lời của tác giả Số
đỏ thuở nào.
Một điều dễ nhận thấy ở chất giễu nhại trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh chính là ở chỗ, ngôn ngữ giễu nhại mà ông sử dụng không thiên về đùa giỡn, bỡn cợt mà mang nặng tính đả kích, nhiều khi có phần cay nghiệt, thậm chí có cả phẫn nộ chửi bới. Nó tạo nên giọng giễu nhại mang sắc thái của “chất cay đắng, tàn nhẫn” (Vương Trí Nhàn). Nhờ đó, ngôn ngữ giễu nhại chính là bút kiếm sắc sảo mà nhà văn sử dụng một cách đắc địa nhằm lật mặt, chỉ tay những mảng tối tồn tại trong mỗi con người cũng như trong xã hội.