7. Bố cục của khóa luận
2.1.3. Sự xen cài, luân chuyển giữa các ngôi kể
Sự đan xen và dịch chuyển liên tục người kể chuyện cũng là một cách thức tạo nên tính phức điệu của phương thức trần thuật. Theo đó, văn bản nghệ thuật trở thành một cấu trúc đa tầng có khả năng phá vỡ tính đơn âm và vang lên nhiều tiếng nói khác nhau.
Tạ Duy Anh là nhà văn luôn có ý thức làm mới nghệ thuật trần thuật.
Trong Giã biệt bóng tối chúng ta bị ấn tượng bởi sự tổ chức điểm nhìn theo
lối “kính vạn hoa” của nhà văn. Nghĩa là tác phẩm không đi theo một tuyến mà có nhiều tuyến và đặc biệt là sự thay đổi vai kể, ngôi kể, người kể chuyện.
Câu chuyện trong Giã biệt bóng tối xoay quanh số phận bi thảm của
thằng bé mồ côi tên Thượng. Nó phải lang thang khắp nơi kiếm ăn qua ngày. Sau bao lần bị dòng đời xô dạt nay đây mai đó, thằng bé trôi đến cái miếu thành hoàng bỏ hoang của làng Thổ Ô. Ở đó, trong một lần ốm nặng, mê man bất tỉnh, nó gặp nhân vật “tao” - “kẻ ẩn mình trong bóng tối” vốn là hồn ma của một lão ăn mày, đã từng được giao làm chủ tịch xã trong cải cách ruộng đất, giết người như ngóe, rồi lại thành thân tàn ma dại ngay sau ngày các ông Đội rút khỏi làng. Lang thang khắp nơi kiếm cơm thừa canh cặn cho đến ngày lão bị “bó trong một cái chăn đầy rận, nhét đại xuống cái hố bảo là huyệt cho sang”. Chết mà trong lòng đầy thù hận. Lão gặp thằng Thượng và gạ gẫm thằng bé kí một “hợp đồng ma quỷ”: “nếu muốn tao sẽ cho mày một điều ước: hễ kẻ nào hại mày, lập tức nó bị chết bất đắc kì tử” [3, tr.79]. Thế là từ đó cứ mỗi khi thằng Thượng giận kẻ nào đè nén, ức hiếp mình, dù chỉ là ý nghĩ oán hận trong đầu, lập tức kẻ đó chết một cách bất đắc kì tử. Mà thằng Thượng thì có rất nhiều kẻ đè nén ức hiếp. Và thế là hàng loạt cái chết kì lạ liên tiếp xảy ra với dân làng Thổ Ô, từ lão Tung, anh San, ông Thìn, mụ Hường béo, ông Phụng, lão Định mắm…
Cho đến lần gặp cô giáo dạy lớp Một, mặc dù rất yêu mến cô, nhưng chỉ vì muốn thử quyền năng của lão già – bóng tối, vô tình thằng Thượng đã làm hại cô giáo. Từ đó thằng bé vô cùng ân hận, nó quyết tâm từ bỏ cái “hợp đồng” ma quỷ với lão già - bóng tối. Một trận chiến đấu thầm lặng giữa một bên là lão già, quyền năng của bóng tối và một bên là thằng Thượng - bé nhỏ, mong manh, côi cút giữa đời. Thằng bé quyết định chống lại lão bằng cách không hề hé răng than thở hoặc chỉ thoáng một ý nghĩ nguyền rủa anh chàng Bính, mặc dù người này tự nhiên điên khùng, tra tấn, chửi rủa và đánh đập thằng Thượng một cách man rợ. Lòng kiên trì, sự nhẫn nhục của thằng bé được thử thách đến tận cùng trước lão già - bóng tối luôn thường trực đeo bám, cổ vũ cho cái ác... Cuối cùng thằng bé đã chiến thắng.
Cốt truyện Giã biệt bóng tối chỉ có thế, tuy nhiên ai đọc tác phẩm cũng
thấy mình như bị lạc vào một “mê cung”. Tất cả đều lộn tùng phèo, nhàu nát, gấp khúc, vỡ gãy. Cảm giác ấy trước hết là do cách kể, cách sắp xếp, dàn dựng khá công phu của tác giả. Mạch chính của truyện không liền và gọn như tóm tắt ở trên, nó bị cắt khúc, xé ra làm nhiều mục, đoạn, bằng các chuyện kể của nhiều nhân vật, người, ma, lẫn lộn, đan xen, “chen ngang”, “loạn khẩu” rất nhiều thông qua sự đan xen, luân chuyển giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba.
Ngôi thứ nhất trong cuốn tiểu thuyết này biến hoá khôn lường, theo nguyên tắc một nhân vật ngôi thứ ba như là đối tượng được kể ở chương trước có thể biến thành ngôi thứ nhất đảm nhận vai trò người kể của chương sau. Tùy theo người kể mà ngôi thứ nhất xưng tôi, xưng tao, hay xưng tớ. Xen kẽ là phần kể của người dẫn truyện. Và nhà văn đã công khai thông báo kĩ
thuật xử lí ngôi kể qua các tiêu đề chương truyện: Lời người dẫn truyện;
Nhân vật xưng tôi: thằng bé; Nhân vật xưng tao: kẻ ẩn mình trong bóng tối; Nhân vật phụ thứ nhất: gã đào mỏ, xưng tớ cho thân tình và dễ phân biệt…
Trong Giã biệt bóng tối, người kể chuyện ngôi thứ nhất chiếm tỉ lệ lớn
trên các trang viết. Ở đây, dường như Tạ Duy Anh không tạo nên sự khác biệt giữa người kể chuyện là nhân vật chính hoặc nhân vật phụ mà chuyển tất cả về ngôi thứ nhất. Cách sử dụng ngôi thứ nhất tạo nên sự bình đẳng giữa các nhân vật, các nhân vật đều có quyền phát ngôn, đưa ra cái nhìn của cá nhân mình, tạo cho tác phẩm tính đa thanh, đa giọng, tầm khái quát hiện thực từ đó cũng được nâng cao.
Lời kể ở ngôi thứ ba chiếm một tỉ lệ rất ít trong tác phẩm (các trang từ 89 đến 98, từ 100 đến 125, từ 213 đến 223, tổng cộng là 45 trang, chiếm 16,4%) tuy nhiên việc xuất hiện của ngôi kể này tạo nên sự xen cài, luân chuyển giữa các ngôi kể, khiến cho câu chuyện trở nên chân thực và đầy hấp dẫn.
Ví dụ:
Vị trí Ngôi kể Nội dung
Trang 89 - 98 Ngôi thứ ba Kể lại các sự kiện xung quanh cái chết của lão Tung, anh San
Trang 99 Ngôi thứ nhất Lời của nhân vật quỷ ẩn mình trong bóng tối, xưng tao
Trang 100 – 125 Ngôi thứ ba
Kể về nguyên nhân cái chết của những người xấu số còn lại (lão Thìn, mụ Hường, lão Phụng, lão Định mắm)
Trang 125 - 136 Ngôi thứ nhất
Cuộc tranh luận giữa nhân vật quỷ xưng “tao” và nhân vật thằng bé xưng “tôi”
Trang 207 - 213
(Lời tác giả chen ngang và bị chen ngang )
Ngôi thứ nhất
Bao gồm lời của tác giả, lời người dẫn chuyện, lời của nhân vật “tao” và của thằng bé về những việc làm của nhân vật Bính
Trang 213- 223
(Một buổi chiều tại trại phục hồi nhân phẩm – Lời người kể chuyện)
Ngôi thứ ba
Kể về các sự kiện diễn ra với cô cave trên đường bị đưa vào trại phục hồi nhân phẩm
Trang 223 – 240
Trích tự truyện của một cave
Ngôi thứ nhất Cô cave tự kể về cuộc đời mình từ khi còn nhỏ cho đến hiện tại – bị đưa vào trại phục hồi nhân phẩm
Sự luân phiên thay đổi giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba cùng với sự gia tăng điểm nhìn tạo nên sự đa dạng trong cách kể và làm tăng tính khách quan của câu chuyện. Hiện thực được nói tới trở nên phong phú, nhiều góc
cạnh hơn bao giờ hết. Trong Giã biệt bóng tối, chúng ta thấy xuất hiện hình
thức kể trong đó nhiều người cùng kể một chuyện. Cách kể đó khiến cho các sự kiện được nhìn nhận trên nhiều mặt khác nhau, qua những điểm nhìn khác nhau của nhiều người kể chuyện. Dường như tác giả muốn nói to với mọi người rằng, cái chuyện làng Thổ Ô ấy không phải chỉ mình tôi biết mà nhiều người, nhiều việc vẫn còn đấy, nhân chứng đây này, có cả người đã chết, có người còn sống, chính họ lên tiếng, chính họ kể về “câu chuyện xảy ra giữa hai thế kỉ” ấy.
Có thể nói, phương thức kể chuyện đan xen giữa các ngôi kể sẽ tạo ra nhiều góc khuất khác nhau làm cho đối tượng miêu tả trở nên đa chiều. Và có bao nhiêu người kể chuyện là có bấy nhiêu sự việc cảm nhận. Đó là tư duy nghệ thuật mới mẻ của Tạ Duy Anh khi phối hợp đan xen cách kể chuyện này.
Qua câu chuyện trong tác phẩm, Tạ Duy Anh đã không ngần ngại phơi bày trên trang giấy những khía cạnh bi đát nhất, bát nháo nhất của hiện thực xã hội Việt Nam hiện đại. Đó là xã hội đã tha hóa đến tận gốc rễ, không trừ
một con người nào, một đẳng cấp, nghề nghiệp nào. Đồng thời với sự phơi bày cái ác, nhà văn cảnh tỉnh con người đang đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt tình yêu thương, bị tha hóa, bị nghiền nát. Bóng tối quánh đặc như bao bọc và chiếm lĩnh mọi ngõ ngách của thiên truyện. Bóng tối như dồn các nhân vật vào đường cùng không lối thoát. Nhưng rồi bạn đọc cũng thở phào nhẹ nhõm khi đọc những trang cuối của cuốn sách. Cuối cùng ánh sáng vẫn chiến thắng bóng tối - chiến thắng bằng lòng tha thứ và đức khoan dung.