Giọng quan hoài, da diết

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 59)

7. Bố cục của khóa luận

2.5.1. Giọng quan hoài, da diết

Giọng quan hoài, da diết là chất giọng chủ đạo trong các sáng tác của Tạ Duy Anh. Dù viết bằng ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba, Tạ Duy Anh vẫn thường không kìm nén được cảm xúc xót xa, bùi ngùi, đầy âu lo đối với số phận các nhân vật của mình. Chính bởi vậy, độc giả khi đọc tác phẩm của ông thường rất dễ nhận ra bên cạnh giọng khách quan, lạnh lùng, đôi khi còn mang màu sắc khinh bạc thì giọng quan hoài, da diết vẫn thường xuyên xuất hiện.

Ông Khổ “lừng danh một thời, ba đào một thời, lụn bài một thời”, đã từng một thời lên đến đỉnh cao, được mọi người ngợi ca, ngưỡng vọng, nhưng “xét đến cùng thì đời lão vẫn là hiện thân cho sự đổ vỡ thảm hại” [2, tr.52]. Cái cuộc đời mà lão “tin yêu tận máu” ấy đã có lúc đưa lão lên vinh quang nhưng cũng bao lần quay lưng lại, nhấn lão xuống tận cùng của sự thất bại: “Lão mù lòa ngay trong cộng đồng của lão. Có một cuộc sống bất chấp quy tắc diễn ra, trong đó lão bị căm ghét và thương hại” [2, tr.80]. Viết về cuộc đời gian truân của lão Khổ, Tạ Duy Anh viết bằng giọng da diết, đầy ngậm ngùi pha lẫn cay đắng, tiếc nuối.

Kết thúc tác phẩm là lời của người kể chuyện như nhắn nhủ với nhân vật bằng giọng nghẹn ngào, xúc động: “Lão Khổ ơi, có ai cấm lão tin. Nói cho cùng, tội ác dã man nhất mà loài người trút lên nhau là tước mất lòng tin. Cầu cho niềm tin của lão tái sinh trong một kiếp sống không biến con người thành quỷ dữ” [2, tr.205] tạo thành một nốt ngân dài tha thiết, gây ám ảnh cho người đọc, giúp người đọc nhận ra điểm sáng trong tâm hồn lão Khổ - một con người dù phải trải qua bao dập vùi, sóng gió vẫn không mất đi niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Nếu trong Lão Khổ là giọng quan hoài pha lẫn ngậm ngùi, cay đắng thì ở Thiên thần sám hối lại là giọng quan hoài, da diết buồn thương, day dứt xen lẫn chua chát, xót xa. Đọc Thiên thần sám hối, người đọc không khỏi ngỡ

ngàng trước mảng hiện thực quá nghiệt ngã. Dưới ngòi bút của Tạ Duy Anh, những ung nhọt của lối sống đô thị hiện lên đầy nhức nhối, tàn khốc. Đó là câu

chuyện về người đàn bà bị người tình phụ bạc đã cay đắng thốt lên: “Giá em là

yêu tinh thì tốt biết mấy. Em sẽ cấu cổ hút máu từng thằng đàn ông. Làm

người hoá ra là khốn nạn nhất chị ạ” [1, tr.15]; là câu chuyện cô gái bị người

yêu lừa đã phá thai bằng một liều thuốc tẩy gia truyền của một người dân tộc Mường trên Hoà Bình; chuyện bà Phước bị chồng ngược đãi, phải bỏ lên thành phố kiếm ăn, chung đụng với bốn bố con gã xe ôm, đẻ ra bốn cái bọc và đồng ý cho người ta ngâm cồn bốn đứa con chưa thành người để lấy bốn triệu đồng. Giọng quan hoài, da diết vì thế mà trở nên đầy chua xót, đớn đau.

Bên cạnh đó, giọng quan hoài, da diết trong Thiên thần sám hối còn

xuất hiện trong sự sám hối của người mẹ hài nhi: “Từ sự tuôn chảy đó tôi nghe thấy lời mẹ gọi trong sự ăn năn và hi vọng lớn lao, rằng con có thể nguyền rủa cái thế giới đầy tội lỗi bất công này nhưng cuộc sống là ân sủng lớn nhất thì không thể dừng lại” [1, tr.131], “Phải tranh đấu đến cùng – cuộc sống không thể dừng lại. Nó phải được tiếp tục mạnh mẽ, tươi đẹp, đầy ý nghĩa ngay cả khi mình không còn trên thế gian này. Con ơi, hãy cho mẹ cơ hội sám hối về một lần mẹ đã chối bỏ con” [1, tr.121]. Qua tác phẩm, nhà văn đã gửi gắm tới người đọc thông điệp: cần phải tìm lại thiên đường bằng sám hối, mỗi người phải tự biết sám hối, “Sự sống là đức hạnh mỗi người sẽ đem theo khi trở về (…) Khổ nhất là những kẻ không đem về đức hạnh. Họ chối bỏ sự sống” [1, tr.119].

Trong Giã biệt bóng tối, giọng quan hoài, da diết xuất hiện rõ nét khi

người kể chuyện là thằng bé Thượng hay cô cave – hai nhân vật phải chịu số phận bất hạnh, đớn đau nhất trong tác phẩm. Giọng da diết, nức nở toát lên đầy nghẹn ngào, hờn tủi khi thằng bé Thượng kể về chuỗi ngày khốn khổ mà nó phải chịu đựng, về sự ra đi của người bà hiền hậu, về cuộc sống lang

thang, bị người đời ruồng bỏ, khinh rẻ, hãm hại đủ đường… Khi câu chuyện được kể bằng điểm nhìn của Thượng, người đọc không khỏi thấy xót xa, thương cảm bởi giọng điệu da diết, đầy mặc cảm. Bên cạnh đó, giọng quan hoài, da diết cũng toát lên khi người kể chuyện là nhân vật cô cave. Thậm chí, giọng quan hoài ở đây có khi mang sắc điệu thống thiết: “Ngày nào tôi cũng xem ti vi để xem biết đâu có tin gì về thằng bé. Mỗi khi có vụ tai nạn hay giết người, tôi lại thở phào khi nạn nhân không phải là nó. Đừng bao giờ là nó. Xin đừng bao giờ là nó, em trai tôi, con trai tôi, niềm hi vọng của tôi, nước rửa tội của tôi, quà tặng số phận ban cho kẻ sám hối là tôi, thần hộ mệnh của tôi, lý do sống tiếp của tôi” [3, tr.239].

Như vậy, giọng quan hoài, da diết là chất giọng chủ đạo trong sáng tác của Tạ Duy Anh, tuy nhiên, ở mỗi tác phẩm, giọng điệu ấy lại vang lên với những sắc thái riêng. Nó phù hợp với việc làm nổi bật những số phận bất hạnh, bi kịch, đồng thời giúp tác giả bộc lộ thái độ và tình cảm đối với nhân vật và đối với sự xuống cấp mạnh mẽ của đạo đức xã hội.

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)